Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân có chức năng xét xử các vụ án hành chính, thế nhưng không phải tất cả các loại việc đều có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính, ví dụ: một công chức do có hành vi…bị kỷ luật giáng chức, không đồng ý, công chức A khởi kiện. Vậy, Tòa án có thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện của ông A hay không? Bên cạnh đó, mỗi cấp Tòa án có thẩm quyền khác nhau khi giải quyết vụ án hành chính. Ví dụ:…Trong nội dung bài học này, chúng ta sẽ tìm hiểu thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhân dân gồm: thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ.
I. Thẩm quyền xét xử hành chính theo loại việc
Thẩm quyền xét xử hành chính theo loại việc: Những loại việc nào sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.
Theo quy định tại Điều 28 Luật Tố tụng hành chính, những khiếu kiện sau đây sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức
Chủ thể quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý chủ yếu thông quan quyết định hành chính, hành vi hành chính. Ví dụ: quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thu hồi đất, hành vi giải quyết việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hành vi tịch thu tang vật vi phạm hành chính, hành vi khám người để ngăn chặn vi phạm hành chính…

Quyết định hành chính, hành vi hành chính là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính khác với quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng nghiên cứu của Luật Hành chính.
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính:
a. Quyết định hành chính: là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. (Khoản 1 Điều 3)
Như vậy, để có thể là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, quyết định hành chính phải thỏa mãn các đặc điểm sau đây:
- Thứ nhất, về hình thức, quyết định hành chính phải thể hiện bằng văn bản
Quyết định hành chính được hiểu là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, được thể hiện dưới những hình thức nhất định tác động đến các đối tượng nhất định trong quá trình hành pháp.
Vì thế, quyết định hành chính được ban hành có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như quyết định bằng miệng, bằng tín hiệu, ám lệnh, văn bản…Nhưng chỉ có những quyết định hành chính được ban hành dưới hình thức văn bản mới là đối tượng xét xử của Toà án. Đây là hình thức thể hiện có nhiều ưu thế về tính chính xác và tính ổn định cao so với các hình thức khác.
- Thứ hai, quyết định đó phải là quyết định hành chính cá biệt
Căn cứ vào tính chất pháp lý, quyết định hành chính gồm 3 loại: Quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt, trong đó, chỉ có quyết định hành chính cá biệt mới là đối tượng xét xử của Toà án.
Quyết định cá biệt hay còn gọi là quyết định áp dụng quy phạm pháp luật là quyết định được ban hành trên cơ sở các quyết định chủ đạo và quy phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có những trường hợp được ban hành trên cơ sở quyết định cá biệt của cơ quan cấp trên.
Quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm chứa đựng những quy tắc xử sự chung, tác động đến đối tượng rộng lớn. Quyết định cá biệt là những quyết định chỉ áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể để giải quyết các trường hợp các biệt, cụ thể và có hiệu lực đối với các đối tượng cụ thể trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì thế quyết định cá biệt trực tiếp xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Tài phán hành chính có mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước sự xâm hại của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Các quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm thường không đụng chạm trực tiếp đến các quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm nhằm giải quyết những vấn đề chung theo yêu cầu quản lý Nhà nước và vì lợi ích chung của cộng đồng. Nếu cho phép khiếu kiện cả văn bản pháp quy sẽ dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý. Do đó, theo quy định của pháp luật , chỉ quyết định cá biệt mới thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án.
Ví dụ: Ngày 4/3/2009, doanh nghiệp tư nhân Tam Đảo bị Đội Quản lý thị trường 6B bắt giữ lô hàng không xuất đủ hóa đơn chứng từ đủ hóa đơn chứng từ nên bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 6 xử phạt 70 triệu đồng theo Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BCT-BTC-BCA ), trong vòng 24 giờ sau khi kiểm tra hàng hóa, doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nên số hàng trên bị coi là hàng lậu.
Giám đốc doanh nghiệp không đồng ý cho rằng những quy định trong TT 12/2007 là không hợp lý nên ngày 13/8/2009 đã nộp đơn ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiện Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, yêu cầu Tòa án hủy Thông tư 12/2007.
Ngày 19/8, Tòa án nhân dân TP HCM đã ra thông báo bác đơn kiện của doanh nghiệp này với lý do yêu cầu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Trên thế giới hầu hết các quốc gia đều quy định Toà án hành chính chỉ giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính cá biệt như Đức, Trung Quốc, Thuỵ Điển. Tại Điều 35 Luật Tố tụng hành chính Cộng hoà Liên Bang Đức quy định đối tượng bị kiện trước Toà án hành chính “…là chỉ thị, quyết định hay biện pháp do một cơ quan hành chính ban hành điều chỉnh một trường hợp (vụ, việc) cá biệt…”, Điều 2 Luật Tố tụng hành chính Trung Quốc quy định: “…mọi công dân, pháp nhân hay tổ chức có quyền khởi kiện đối với các văn bản hành chính cụ thể của một cơ quan hành chính nhà nước hay một công chức hành chính..”; pháp luật Thuỵ Điển cũng quy định: Đối tượng xem xét của các Toà án hành chính là các quyết định hành chính, tức là quyết định cụ thể, do cơ quan hành chính công ban hành. Bên cạnh đó, pháp luật của một số nước cho phép Toà án kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản pháp quy trong quá trình giải quyết khiếu kiện đối với một quyết định hành chính cá biệt như Pháp với quan niệm rằng: việc có mặt cơ quan tài phán hành chính ngoài mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân còn chính là để quản lý, bảo đảm tính hợp pháp trong hoạt động của nó.
- Thứ ba, trước đây, theo quy định của PLTTGQCVAHC năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2006, quyết định hành chính là đối tượng xét xử của Toà án phải là quyết định hành chính lần đầu.
Quyết định hành chính lần đầu là quyết định hành chính được cơ quan nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ban hành lần đầu trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể thuộc thẩm quyền của mình.
Việc quy định quyết định hành chính lần đầu nhằm phân biệt với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Chỉ các quyết định hành chính lần đầu mới thuộc thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án.
Ví dụ: ….
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về đặc điểm này, trên thực tế có trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại chứa đứng nội dung giải quyết vụ việc và cá nhân, tổ chức không đồng ý với nội dung này, thì có khởi kiện được hay không?
- Thứ tư, quyết định hành chính không thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Để đảm bảo bí mật nhà nước trong lĩnh vực phòng, an ninh, ngoại giao, các quyết định hành chính liên quan đến bí mật nhà nước trong những lĩnh vực này sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Chính phủ sẽ quy định danh mục các quyết định hành chính này.
Nhằm điều hành hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các chủ thể quản lý nhà nước ban hành các quyết định mang tính chất nội bộ. Các quyết định hành chính này có đặc điểm là đối tượng bị áp dụng và chủ thể ra quyết định có mối quan hệ về mặt công tác, được dùng nhằm duy trì hoạt động nội bộ trong bộ máy nhà nước. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, các quyết định hành chính này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Ví dụ: quyết định điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, quyết định chuyển công tác, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức…
- Thứ năm, quyết định hành chính phải là quyết định trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước
Quyết định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có thể do cơ quan hành chính nhà nước (Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp ban hành) hoặc các cơ quan nhà nước khác không phải là cơ quan hành chính nhà nước (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bảo hiểm xã hội…), nhưng phải là quyết định trong hoạt động quản lý hành chính, tức là quyết định trong hoạt động chấp hành – điều hành.
Lưu ý: Tên gọi của quyết định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trước đây, theo quy định của PLTTGQCVAHC, quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng 1 lần đối với 1 hoặc 1 số đối tượng cụ thể… Với quy định này đã dẫn đến sự tranh luận không thống nhất về tên gọi của quyết định hành chính. Chỉ có những quyết định nào mang được ban hành dưới hình thức là “quyết định” mới là đối tượng khởi kiện hành chính, những văn bản có nội dung là quyết định nhưng ban hành dưới hình thức khác (thông báo, công văn…) thì không là đối tượng khởi kiện. Hiện nay, theo quy định của Luật tố tụng hành chính về quyết định hành chính đã giải quyết vấn đề trên: Quyết định hành chính “là văn bản…”. Như vậy, không phân biệt tên gọi, nếu 1 văn bản thỏa mãn những đặc điểm trên đều có thể là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện hành chính.
b. Hành vi hành chính : Bên cạnh quyết định hành chính, hành vi hành chính cũng là đối tượng khiếu kiện hành chính.
Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Hành vi hành chính có các là đối tượng khởi kiện hành chính có các đặc điểm sau:
- Thứ nhất, về chủ thể thực hiện hành vi hành chính:
Có thể là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó.
Như vậy, hành vi hành chính có thể là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan khác và hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó.
+ Các cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật đó là thực hiện hành vi được giao. Ngược lại nếu cơ quan đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì đó là không thực hiện hành vi được giao. Do vậy, hành vi hành chính không chỉ có ở các cá nhân mà có cả ở các cơ quan hành chính. Ví dụ: Điều 163 Luật doanh nghiệp quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh, đó là: “Giải quyết việc đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.” Như vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp hoặc không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp đó là hành vi của cơ quan này. Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai: Luôn là hành vi của cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ
+ Hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan, nhà nước: Là hành vi của cá nhân cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi xử phạt hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản xử phạt thành 2 bản và trao cho người vi phạm 1 bản. Nếu người có thẩm quyền không lập biên bản, hành vi này có thể là hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện hành chính.
- Thứ hai, về hình thức thể hiện, hành vi hành chính có thể là hành vi thể hiện dưới dạng hành động hoặc hành vi không hành động.
+ Hành vi hành chính thể hiện dưới dạng hành động: Là vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trái với quy định của pháp luật.
Ví dụ: Hành vi tháo dỡ công trình xây dựng trái phép vượt quá đối tượng vi phạm.
+ Hành vi hành chính thể hiện dưới dạng hành động: Hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Công ty TNHH đã kiện Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh về hành vi không cấp tờ khai nhập khẩu làm công ty không bán được xe, gây thiệt hại cho công ty.
- Thứ ba, hành vi hành chính là hành vi nhằm thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Như vậy, phạm vi để xác định hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện hành chính với các hành vi khác của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó là hành vi trong phạm vi nhiệm vụ, công vụ được giao.
Trước đây, PLTTGQCVAHC chỉ quy định những hành vi hành chính nào được liệt kê tại Điều 11 mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Vì thế, có những hành vi mặc dù là hành vi hành chính nhưng không thể kiện được, ví dụ: hành vi khám người, khám tang vật vi phạm hành chính, hành vi xử phạt vi phạm hành chính… Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, những hành vi hành chính thỏa mãn 2 đặc điểm trên đều có thể là đối tượng khởi kiện hành chính trừ những hành vi hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, ví dụ: hành vi
Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai chỉ là hành vi của cán bộ, công chức (cá nhân), không có hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức
Lưu ý:
- Kiện quyết định hành chính hay hành vi hành chính (bổ sung sau).
Nhận xét:
So với PLTTGQCVAHC, Luật TTHC đã mở rộng đối tượng khởi kiện và Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Đây loại việc đặc biệt, đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân để chọn ra những đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quyền được bầu cử là quyền Hiến định được quy định tại Hiến pháp năm 1992. Để đảm bảo cho người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, PLTTGQCVAHC sửa đổi bổ sung năm 2006 đã quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi công dân không có tên mình trong danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, sau khi khiếu nại và được giải quyết nhưng không đồng ý có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền.
Do tính chất đặc thù của khiếu kiện này thủ tục giải quyết được quy định riêng trong Chương XI của Luật.
Mở rộng: Đối tượng khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính chỉ là danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ở một số quốc gia trên thế giới, những hoạt động bầu cử, kết quả bầu cử…có thể là đối tượng khởi kiện tại Tòa hành chính, ví dụ như Ucraina, vào tháng 2/2010, cựu tổng thống, Bà Yulia Timoshenko, đã kiện Ủy ban bầu cử trung ương (SIK) về kết quả bầu cử tổng thống tại Tòa án hành chính Tối cao (VASU).
3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc thực chất là quyết định hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức áp dụng đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Tuy nhiên do tính chất đặc biệt của quyết định này: là hình thức kỷ luật cao nhất cao đối với công chức và ảnh hưởng đến quyền có việc làm – quyền được Hiến pháp bảo vệ - của công dân nên quyết định này là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Để có thể là đối tượng khởi kiện hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc có những đặc điểm sau đây:
- Thứ nhất, về hình thức của quyết định: phải bằng văn bản.
- Thứ hai, tên gọi của quyết định kỷ luật buộc thôi việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: phải là quyết định.
Theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức, khi kỷ luật buộc thôi việc, phải thể hiện dưới hình thức là quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
- Thứ ba, người bị kỷ luật: công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
+ Người bị kỷ luật phải là công chức.
Công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 4).
Ngoài ra, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 quy định những người là công chức. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 06/2010/NĐ-CP về những người là công chức, công chức có thể là những người làm việc trong cơ quan Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện…
Khi những người này bị kỷ luật buộc thôi việc, có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.
Trước đây, theo quy định của PLTTGQCVAHC và PL cán bộ, công chức năm 2002, cán bộ và viên chức đều thuộc phạm vi điều chỉnh của PL cán bộ, công chức. Khi bị kỷ luật dưới hình thức buộc thôi việc, cán bộ, công chức, viên chức có thể khởi kiện ra Tòa án. Hiện nay, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2010, có 4 hình thức kỷ luật đối với cán bộ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Viên chức năm 2011, có 4 hình thức kỷ luật đối với viên chức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc (Khoản 1 Điều 52). Như vậy, nếu viên chức bị kỷ luật buộc thôi việc, sẽ không thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Ví dụ: Giảng viên trường Đại học Luật bị kỷ luật buộc thôi việc, giáo viên trường THPT bị hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc…
+ Đối với công chức giữ chức vụ: Công chức bị kỷ luật buộc thôi việc phải giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 06/2010/NĐ-CP, công chức có thể giữ các chức vụ trong các cơ quan khác nhau từ trung ương đến địa phương như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Sở... Những công chức trên đều có thể bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, tuy nhiên chỉ có công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống khi bị kỷ luật buộc thôi việc mới có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Như vậy, nếu thứ trưởng bị kỷ luật buộc thôi việc sẽ không thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn những chức danh tương đương với Tổng cục Trưởng.
Theo quy định của Nghị định 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ, các tổ chức của Bộ gồm có: Vụ, Văn Phòng, Thanh tra, Cục, Tổng cục và tương đương, cơ quan địa diện của Bộ ở địa phương và ở nước ngoài (Khoản 1 Điều 15). Trong đó, Cục, Tổng cục và tương đương, và cơ quan đại diện không nhất thiết phải có. Như vậy, tương đương tổng cục trưởng có thể là các chức danh: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng, Vụ trưởng.
Tổng cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ gồm: Vụ, Văn phòng, Thanh tra, tổ chức nhà nước trực thuộc. Có những Bộ trong cơ cấu tổ chức không có Tổng cục chỉ có Cục (Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ - Cục văn thư và Lưu trữ, Bộ Công thương…)cũng có những Bộ Tổng Cục. Ở những Bộ trong cơ cấu tổ chức có Tổng Cục và Cục (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn- Tổng cục lâm nghiệp, Tổng Cục Thủy Sản, Tổng Cục Thủy Lợi; Cục Thú y, Cục Chăn Nuôi, Cục Bảo vệ thực vật; Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tổng cục thống kê; Bộ Tài chính – Tổng cục thuế, Tổng Cục Hải quan…).
- Thứ tư, hình thức kỷ luật: buộc thôi việc
Theo quy định của pháp luật cán bộ công chức, có 6 hình thức kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ: cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Chỉ khi quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc mới là đối tượng khiếu kiện hành chính. Đối với các hình thức kỷ luật khác như cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, công chức chỉ có quyền khiếu nại mà không được quyền khởi kiện ra Toà án đối với các quyết định kỷ luật trên.
4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Đây là loại việc đặc biệt có đối tượng khởi kiện là một quyết định giải quyết khiếu nại.
Theo quy định của Luật cạnh tranh năm 2004, cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là cơ quan Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) và Hội đồng cạnh tranh (cụ thể là Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh).
+ Vụ việc cạnh tranh là vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh, bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, gồm hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh.
+ Cơ quan Quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
+ Hội đồng quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.
± Hành vi cạnh tranh không lành mạnh: là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng, bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; Bán hàng đa cấp bất chính.
Ví dụ: Khuyến mãi không đúng của Bột nêm massan:Theo một công bố của Ban Điều tra và Xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì Công ty Massan đã đưa ra chương trình khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh tại TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, công ty này đưa ra chương trình khuyến mại bột canh, người tiêu dùng có thể đem gói bột canh dùng dở đến đổi lấy sản phẩm Massan. Hành vi này được quy định là một trong các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh: “Tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử, nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại đang sử dụng do doanh nghiệp khác sản xuất”. Công ty Unilever Bestfood đã khiếu nại về chương trình khuyến mại này tới Sở Thương mại TP.Hồ Chí Minh. Thanh tra Sở đã lập biên bản và yêu cầu đình chỉ chương trình khuyến mại.
- Vietell kiện Mobifone thực hiện chương trình “Đổi sim mạng khác lấy sim Mobifone có 230.000 đồng trong tài khoản”. Cụ thể, khách hàng có sim của mạng khác (cả Viettel) còn tài khoản dưới 15.000 đồng và hạn sử dụng, có thể đổi miễn phí 1 sim MobiZone của Mobifone có sẵn tài khoản 50.000 đồng, mỗi tháng tặng thêm 15.000 đồng trong 12 tháng.
± Hành vi hạn chế cạnh tranh: là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.
Ví dụ: Cty xăng dầu hàng không VN (Vinapco). Vinapco bị điều tra vì đã thực hiện hai hành vi hạn chế cạnh tranh theo điều 14 Luật cạnh tranh là áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng và lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng. DN bị áp đặt các điều kiện bất lợi và có giao kết hợp đồng bị hủy bỏ với Vinapco là Cty hàng không cổ phần Pacific Airlines (PA) nay là Cty cổ phần hàng không Jestar Pacific Airlines (JPA). Ngày 14/4/2009, Hội đồng xử lý vụ việc ra quyết địnnh xử lý vụ việc. Theo quyết định này, Vinapco bị xử lý vì đã thực hiện hai hành vi hạn chế cạnh tranh theo Điều 14 Luật cạnh tranh và bị xử phạt với mức 0,05% doanh thu của Cty này trong năm 2007.
Khi có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh (cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh), Cục quản lý cạnh tranh có trách nhiệm điều tra sơ bộ để xác định có hay không có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không. Nếu không có dấu hiệu vi phạm, việc điều tra sẽ bị đình chỉ. Khi có dấu hiệu vi phạm, nếu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh sẽ ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Khi không đồng ý với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Cục trưởng, cá nhân, tổ chức có thể khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Công thương.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh thuộc hành vi hạn chế cạnh tranh, vụ việc sẽ được chuyển đến Hội đồng cạnh tranh. Hội đồng cạnh tranh sẽ lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Tuỳ từng trường hợp, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ ra quyết định mở phiên điều trần hay trả hồ sơ cho Cục quản lý cạnh tranh để điều tra bổ sung hay ra quyết định giải quyết. Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra quyết định bằng cách bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Trong trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng cạnh tranh.
Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyền của Toà án là: quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc Cạnh tranh và quyết định giải quyết khiếu nại Bộ trưởng Bộ Công thương đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh.

II. Thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp và theo lãnh thổ của TAND
Việc nghiên cứu thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp và theo lãnh thổ là việc xác định vụ án hành chính cụ thể thuộc về cấp nào (cấp huyện, cấp tỉnh), địa phương nào (huyện nào, tỉnh nào?).
Ví dụ: 1 người từ cư trú ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lên thành phố HCM thăm bạn, qua tuyến đường Điện Biên Phủ (đoạn thuộc quận Bình Thạnh), bị chiến sĩ cảnh sát giao thông của Đội số 4 phòng cảnh sát giao thông đường bộ - Công an Tp Hồ Chí Minh xử phạt 200.000 đ vì hành vi chạy xe lấn tuyến. Không đồng ý với mức phạt trên, người này muốn khởi kiện ra Tòa án nào? Tòa án ở Biên Hòa hay Hồ Chí Minh (thẩm quyền theo lãnh thổ), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hay TAND Quận 3 (thẩm quyền theo cấp Tòa án)
Để giải quyết vấn đề trên chúng ta cần làm rõ: - Phân định thẩm quyền xét xử hành chính giữa Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án nhân dân cấp tỉnh. (Xác định những khiếu kiện hành chính nào thì thuộc quyền thụ lý của Toà án nhân dân cấp huyện, những khiếu kiện nào thuộc quyền thụ lý của Toà án nhân dân cấp tỉnh)
- Phân định thẩm quyền giữa các TAND địa phương cụ thể trong cùng một cấp. (Khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân huyện, quận, tỉnh, thành phố nào?)
Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhân dân khác với thẩm quyển giải quyết vụ việc dân sự và vụ án hình sự. Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo lãnh thổ căn cứ vào nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi có bất động sản, thẩm quyền theo cấp Tòa án căn cứ vào giá trị tài sản tranh chấp. Thẩm quyền theo lãnh thổ trong giải quyết vụ án hình sự là nơi thực hiện hành vi phạm tội, thẩm quyền theo cấp căn cứ vào khung hình phạt cao nhất của tội phạm.
Trong tố tụng hành chính, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo cấp và theo lãnh thổ không thể tách rời nhau.
1. Thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Toà án cấp huyện) (Điều 29)
a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
+ Theo cấp: quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, ví dụ: quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Chi cục thuế, Công an quận, huyện, phường xã, thị trấn… hoặc những người có thẩm quyền trong các cơ quan trên.
+ Theo lãnh thổ: quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở huyện, quận, thị xã nào, Tòa án ở đó sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Ví dụ: A cư trú ở Quận 4, kinh doanh ở Phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh băng đĩa lậu 3.000.000 đồng. Không đồng ý, ông A khởi kiệnà Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân Quận TĐ.
Ông B cư trú thánh phố Biên Hòa, Đồng Nai sử dụng xe tải để vận chuyển gỗ từ Bình Thuận về Đồng Nai. Trên đường vận chuyển về Đồng Nai, ông bị Công an huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận kiểm tra và lập biên bản tạm giữ xe vì có hành vi vi phạm hành chính. Ông A đã khiếu nại đến Công an huyện Tánh Linh, không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, ông A khởi kiện. Trong trường hợp này, Toà án nhân dân huyện Tánh Linh là Toà án có thẩm quyền giải quyết.
b) Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
+ Thẩm quyền theo cấp Tòa án: Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết các quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống, ví dụ: Quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
+ Cơ quan, tổ chức của người đứng đầu đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc ở đâu, Tòa án nhân dân huyện đó sẽ giải quyết.
Ví dụ: Ông A cư trú ở Quận 5 thành phố HCM là trường phòng Tư pháp Quận 4, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 4 ra quyết định kỷ luật buộc thôi việcà Tòa án nhân dân Quận 4 có thẩm quyền giải quyết.
c) Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án.
Cơ quan lập danh sách cử tri theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân là Ủy ban nhân dân cấp xã. Vì thế, Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện này là Tòa án nhân dân cấp huyện có Ủy ban nhân dân xã lập danh sách cử tri bị khởi kiện.
Ví dụ: Kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban nhân dân phường 15 Quận 4 thành phố Hồ Chí Minh sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân Quận 4.
Như vậy, Toà án nhân dân cấp huyện xét xử các khiếu kiện hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. Ở đây, dấu hiệu về nơi cư trú của người khởi kiện không được quan tâm.
2. Thẩm quyền xét xử khiếu kiện hành chính của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Toà án cấp tỉnh) (Điều 30)
a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
- Đây là những quan nhà nước ở trung ương. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao không có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, vì thế, các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở trung ương sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho người khởi kiện khi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước ở trung ương, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân cấp tỉnh nơi người khởi kiện cư trú hoặc làm việc nếu người khởi kiện là cá nhân, hoặc nơi người khởi kiện có trụ sở (nếu người khởi kiện là tổ chức)
+ Cơ quan ngang Bộ:
·             Thanh tra Chính phủ
·             Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
·             Ủy ban dân tộc
·             Văn phòng Chính phủ
+ Cơ quan thuộc Chính phủ
·             Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
·             Bảo hiểm xã hội Việt Nam
·             Thông tấn xã Việt Nam
·             Đài tiếng nói Việt Nam
·             Đài truyền hình Việt Nam
·             Học viện Chính trị - hành chính quốc gia HCM
·             Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam
·             Viện khoa học xã hội Viện Nam
+ Văn phòng Chủ tịch nước
+ Văn phòng Quốc hội
Ví dụ: Ông A cư trú ở tỉnh Vĩnh Phúc có hành vi gây mất trật tự tại phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội nên bị Chủ tọa phiên tòa xử phạt 1.000.000 đồng. Không đồng ý, ông A khởi kiện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ông A cư trú) vì ông A kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao (người có thẩm quyền trong Tòa án nhân dân tối cao)
Công ty TNHH B có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình làm hồ sơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trụ sở tại Thủ đô Hà Nội) cấp giấy phép đầu tư dự án có vốn đầu tư 700 tỷ đồng nhưng không được phê duyệt đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình
b) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại điểm a khoản này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
Đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của những cơ quan chức năng thuộc các cơ quan nhà nước ở trung ương tại Khoản a và những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người khởi kiện có cư trú, làm việc hoặc trụ sở.
Theo quy định tại Theo quy định của Nghị định 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ, các tổ chức của Bộ gồm có: Vụ, Văn Phòng, Thanh tra, Cục, Tổng cục và tương đương, cơ quan địa diện của Bộ ở địa phương và ở nước ngoài (Khoản 1 Điều 15), như vậy, cơ quan chức năng thuộc Bộ gồm: Thanh tra, Cục, Tổng Cục.
Ví dụ:
- Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt công ty cổ phần V có trụ sở chính tại quận 1 thành phố Hồ Chí Minh về hành vi phân phối chứng khoán không đúng quy định với mức tiền phạt là 70.000.000 đồng. Không đồng ý, công ty V khởi kiện. Ủy ban Chứng Khoán có trụ sở tại thủ đô Hà Nội. Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Ông D cư trú ở tỉnh Trà Vinh làm đơn yêu cầu Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - có trụ sở tại thủ đô Hà Nội) cấp bằng độc quyền sáng chế đối với máy đào hút bùn nhưng không được giải quyết vì cho rằng máy có kết cấu kỹ thuật giống với chiếc máy đã được bảo hộ. Không đồng ý, ông D khởi kiện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án tỉnh nơi ông D cư trú: Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Như vậy, các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở Trung ương sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở giải quyết.
Trong trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
Ví dụ:
c) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;
- Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó, ví dụ: Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, công chức của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, chuyên viên của Sở, Cục thuế, Cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục thú y, …sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước tỉnh nào sẽ do Tòa án nhân dân tỉnh đó giải quyết.
Ví dụ:
- Công ty TNHH TMDVDL Kim Long bị Cục trưởng Cục thuế ra quyết định truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2001 đến 2003 là 1 tỷ đồng. Không đồng ý, công ty khởi kiện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Ông B cư trú ở tỉnh Long An có mảnh đất tại Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh, bị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên để điều chỉnh lại cho phù hợp với diện tích thực tế (do bị trừ hành lang bảo vệ đường bộ). Không đồng ý ông B khởi kiện, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
d) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam, thì Toà án có thẩm quyền là Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
Đây là quy định mới được bổ sung trong Luật Tố tụng hành chính.
Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan đại diện ngoại giao theo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 là đại sứ quán (Khoản 1 Điều 4).
Khi khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan này (đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại sứ, công sứ, tham tán công sứ, tham tán, bí thư thứ nhất, bí thư thứ hai, bí thư thứ ba, tùy viên).
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. Như vậy, chỉ có quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao (là đại sứ quán) và người có thẩm quyền trong cơ quan này mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Ví dụ:
- Công ty A có trụ sở tại Hoa Kỳ làm đơn xin thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng không được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Hoa Kỳ chứng nhận và hợp pháp hóa lãnh sự nên đã khởi kiện. Thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Bà B là Việt Kiều Pháp làm hồ sơ đề nghị Đại sứ quán VN tại Pháp cấp giấy miễn thị thức nhưng không được giải quyết, bà khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội.
đ)Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án;
- Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương.
Ví dụ:
+ Cấp tỉnh: quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Cục trưởng cục thuế…
+ Bộ: Bộ trưởng
+ Ngành trung ương:
- Tòa án cấp tỉnh nơi người bị kỷ luật buộc thôi việc làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Ví dụ:
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Bộ trưởng Bộ Công thương đối với chuyên viên D là công chức Vụ Pháp chế Bộ Công thương tại thủ đô Hà Nội sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thủ đô Hà Nội.
+ Bà M (cư trú tại tỉnh Đồng Nai) là chuyên viên Văn phòng II Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh bị Bộ trưởng Bộ KH và ĐT ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, không đồng ý, bà khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
+ Ông N (cư trú ở Quảng Nam) là thư ký Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, không đồng ý, ông khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh thành phố Đà Nẵng.
+ Bà C cư trú ở Đồng Nai, là chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương bị Giám đốc Sở ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nếu không đồng ý, bà khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Chỉ căn cứ vào Tòa án cấp tỉnh nơi người bị kỷ luật buộc thôi việc làm việc, không quan tâm cơ quan người ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc ở đâu.
e) Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án
Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công thương và Hội đồng Cạnh tranh. Đây là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở trung ương, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người khởi kiện cư trú, làm việc (cá nhân) hoặc có trụ sở (tổ chức) sẽ giải quyết.
Ví dụ:
Công ty H có trụ sở tại thành phố Hải Phong bị Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh xử phạt 50.000.000 về hành vi bán hàng đa cấp bất chính và, không đồng ý, Công ty H khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu hủy quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định bác yêu cầu khiếu nại. Công ty H khởi kiện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
g) Trong trường hợp cần thiết, Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện.
Tòa án nhân dân tối cao sẽ hướng dẫn vấn đề này.
Thẩm quyền xét xử hành chínhtheo cấp và theo lãnh thổ có thể được xác định theo nguyên tắc sau:
- Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống cùng phạm vi địa giới hành chính của Tòa án.
+ Danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri thuộc huyện mình
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết:
+ Quyết định hành chính, hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở trung ương: Tòa án nơi người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở.
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Bộ, ngành trung ương: Tòa án nơi người bị kỷ luật làm việc.
+ Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: Tòa án nơi người khởi kiện cư trú, làm việc hoặc có trụ sở.
Ví dụ: Vụ việc ông Cù Huy Hà Vũ kiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì sao Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trả lại đơn khởi kiện?
Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền (khoản 2 Điều 32)
“Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Toà án cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Toà án cấp tỉnh giải quyết.
Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Toà án cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau hoặc giữa các Toà án cấp tỉnh do Chánh án Toà án nhân dân tối cao giải quyết”
3. Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện (Điều 31)
Đối tượng khởi kiện hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức…
Theo quy định của pháp luật, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm bởi các đối tượng trên bằng con đường khiếu nại hoặc khởi kiện, đối với khiếu kiện danh sách cử tri bắt buộc phải khiếu nại trước khi khởi kiện. Như vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ có thể lựa chọn chon mình 1 trong 2 con đường trên. Một trong những nội dung bắt buộc trong đơn khởi kiện là: Cam đoan không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (điểm g khoản 1 điều 105).
Thế nhưng, có những trường hợp, cá nhân, cơ quan, tổ chức đồng thời vừa khiếu nại đến cơ quan hành chính, vừa khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Ví dụ: A bị Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh ra quyết định thu hồi đất, không đồng ý, ngày 30/7/2011, A khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, ngày 01/8/2011, A khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Trong trường hợp này, A đã đồng thời vừa khiếu nại, vừa khởi kiện. Thẩm quyền sẽ theo sự lựa chọn của A theo quy định tại khoản 1 Điều 31:
Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự