Những bất cập trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về truy nã bị can, bị cáo và một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng


Truy nã bị can, bị cáo là hoạt động truy tìm, bắt giữ người bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án có quyết định đưa ra xét xử bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu, để các cơ quan tố tụng xử lí theo pháp luật. Hoạt động này đã được Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định bởi một số điều luật, mục đích nhằm giải quyết triệt để tình trạng bị can, bị cáo sống ngoài vòng pháp luật, không được đưa ra xử lí bằng quyết định của cơ quan tố tụng (đình chỉ) hoặc không được đưa ra toà án để xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Tình trạng bị can, bị cáo là người chưa thành niên tìm mọi cách trốn tránh việc xử lí của pháp luật hoặc cơ quan tố tụng không biết họ đang ở đâu ngoài việc gây khó khăn cho điều tra, truy tố, xét xử còn có những hậu quả khác. Do họ là những người chưa phát triển đầy đủ về trí lực, thể lực, tinh thần nên khi sống trong môi trường “ngoài vòng pháp luật”, càng dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, dễ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, việc truy nã bị can, bị cáo là người chưa thành niên cũng là hoạt động cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm ở những đối tượng đặc biệt này.
Khi đi sâu tìm hiểu những quy định của BLTTHS về truy nã bị can, bị cáo chúng tôi thấy có những vấn đề bất cập, dẫn đến vướng mắc cho hoạt động thực tiễn. Cụ thể có những vướng mắc, bất cập như sau:

1. BLTTHS quy định về truy nã bị can nhưng không có điều luật nào quy định việc truy nã bị cáo. Điều 161 BLTTHS quy định căn cứ truy nã bị can gồm 2 căn cứ là bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu, quy định những thủ tục cần phải có trong việc truy nã bị can và hình thức thông báo quyết định truy nã bị can. Như vậy, BLTTHS chỉ điều chỉnh đối tượng bị truy nã là bị can trong giai đoạn điều tra hoặc trong giai đoạn truy tố (Điều 169 BLTTHS). Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 169 BLTTHS trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát cũng có quyền tạm đình chỉ khi không biết bị can đang ở đâu và yêu cầu cơ quan điều tra ra lệnh truy nã bị can. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra áp dụng Điều 161 BLTTHS để truy nã bị can là đúng luật. Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 169 quy định căn cứ yêu cầu cơ quan điều tra truy nã “khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu” là không rõ ràng. Đã trốn thì làm sao biết được bị can đang ở đâu, liên từ “mà” đã làm cho cụm từ “không biết rõ bị can đang ở đâu” trở nên thừa, tối nghĩa. Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải thay từ “mà” bằng từ “hoặc”. Việc sửa đổi như vậy là thống nhất với những quy định về truy nã, tạm đình chỉ khác như các điều 160, 161 BLTTHS. Điểm b khoản 2 Điều 169 BLTTHS được hiểu là viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can khi có một trong hai căn cứ để yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can: Một là bị can trốn, hai là không biết rõ bị can đang ở đâu.
- Còn đối với bị cáo là người đã bị toà án quyết định đưa ra xét xử, Điều 187 BLTTHS quy định: “Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo” nhưng BLTTHS chưa có điều luật quy định về việc cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị cáo phải được tiến hành như thế nào. Với quy định này thì khi toà án tạm đình chỉ vụ án do bị cáo trốn vẫn thuộc thẩm quyền trách nhiệm thụ lí giải quyết của toà án, toà án không trả hồ sơ cho viện kiểm sát. Hội đồng xét xử chỉ có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Điều đó có nghĩa là bị cáo vẫn là tư cách bị cáo mà không trở lại thành bị can để áp dụng theo Điều 161 BLTTHS để thực hiện việc truy nã bị can. Vậy truy nã bị cáo rõ ràng không có điều luật nào điều chỉnh. Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã ghi là truy nã bị can chứ không ghi truy nã bị cáo trong trường hợp này.
- Trên thực tiễn, nếu hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo thì thường cơ quan điều tra áp dụng tương tự như trường hợp truy nã bị can, coi Điều 161 BLTTHS về truy nã bị can là chuẩn mực pháp lí để truy nã bị cáo với lí do tương tự. Khi truy nã bị cáo, cơ quan điều tra ghi căn cứ trong quyết định truy nã là Điều 161 BLTTHS như đã phân tích ở trên. BLTTHS hiện hành không quy định áp dụng tương tự trong trường hợp truy nã bị cáo, vì vậy khi cơ quan điều tra nhận được yêu cầu truy nã của hội đồng xét xử đối với bị cáo bỏ trốn thì cơ quan điều tra không thể căn cứ vào Điều 161 BLTTHS để truy nã bị cáo được, vì Điều 161 BLHS chỉ điều chỉnh việc truy nã bị can mà thôi. Giả sử cơ quan điều tra không căn cứ vào Điều 161 để truy nã bị cáo mà căn cứ vào đoạn 3 khoản 1 Điều 187 BLTTHS để truy nã bị cáo thì cũng không ổn. Bởi vì, đoạn 3 khoản 1 Điều 187 BLTTHS chỉ nói về lí do của việc hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Trong khi đó việc truy nã bị cáo ngoài việc xác định căn cứ truy nã còn phải quy định trình tự, thủ tục, nội dung của việc truy nã, để thể hiện tính đặc thù của việc truy nã bị cáo. Những yêu cầu đó không có điều luật nào quy định. Nếu việc truy nã bị cáo được tiến hành giống như việc truy nã bị can thì trong quy định tại Điều 187 BLTTHS cần phải dẫn chiếu Điều 161 BLTTHS để làm căn cứ cho việc áp dụng tương tự Điều 161 BLTTHS trong việc truy nã bị cáo và lúc đó cơ quan điều tra có căn cứ ghi trong quyết định truy nã theo yêu cầu của hội đồng xét xử là truy nã bị cáo.
- Để giải quyết bất cập này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ nội vụ, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 07/01/1995 hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy tố bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử, theo đó việc truy nã bị cáo được tiến hành theo quy định của BLTTHS về truy nã bị can. Theo chúng tôi, Thông tư này đáp ứng yêu cầu của BLTTHS năm 1988, tuy nhiên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2003 và nên pháp điển hóa vào BLTTHS bằng việc bổ sung đoạn 3 khoản 2 Điều 187 BLTTHS 2003: “Nếu bị cáo trốn tránh thì hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Việc thực hiện truy nã bị cáo được áp dụng theo Điều 161 BLTTHS”.

2. Truy nã bị can gồm hai căn cứ: Căn cứ thứ nhất là bị can trốn tránh và căn cứ thứ hai là không biết bị can đang ở đâu. Hai căn cứ truy nã bị can này rất khó phân biệt và có những cách hiểu khác nhau. Đối với căn cứ bị can trốn, điều luật không nói rõ bị can trốn lúc nào, do vậy có ý kiến cho rằng việc bỏ trốn có thể xảy ra ngay khi gây án, sau khi bị khởi tố hoặc có quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, bỏ trốn sau khi được trả tự do, thay đổi biện pháp ngăn chặn, bỏ trốn trong khi đang bị tạm giữ, tạm giam, bỏ trốn sau khi đã có quyết định xử lí của cơ quan tiến hành tố tụng (như kết luận điều tra đề nghị truy tố, quyết định truy tố, quyết định đưa vụ án ra xét xử…). Còn căn cứ không biết bị can đang ở đâu được hiểu là sau khi xác định được đối tượng gây án, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can hoặc ra quyết định bắt nhưng không xác định được bị can đang ở đâu để thực hiện quyết định bắt, tống đạt quyết định khởi tố hoặc để tiến hành những hoạt động điều tra cần thiết, mặc dù bị can không bỏ trốn.
- Có ý kiến khác lại cho rằng hai căn cứ truy nã bị can phải bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố bị can, vì lúc đó họ mới chính thức là bị can còn truy nã bị cáo thì phải xác định từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, vì lúc đó họ mới chính thức là bị cáo. Như vậy, hai căn cứ nêu trên có nhiều cách giải thích khác nhau và thường rất khó phân biệt. Cơ quan điều tra thường áp dụng căn cứ xác định bị can trốn tránh, còn căn cứ không biết bị can đang ở đâu hầu như rất ít được áp dụng. Việc trốn tránh của bị can rất tinh vi, có thể họ làm như là người không có dấu hiệu gì là bỏ trốn. Do vậy, Điều 161 BLTTHS về truy nã bị can thiết nghĩ cần có tiêu chí đặc trưng để phân biệt hai căn cứ này (có thể thông qua văn bản dưới luật). Điều này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi áp dụng chế định truy nã mà nó còn có ý nghĩa để xác định đúng căn cứ truy nã bị cáo (vì theo Điều 187 BLTTHS, việc hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo chỉ dựa trên một căn cứ duy nhất là “bị cáo trốn tránh” chứ không có căn cứ “không biết bị cáo đang ở đâu”). Ngoài ra, còn có ý nghĩa trong việc xác định chính xác căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì việc phân biệt hai căn cứ truy nã bị can tại đoạn 4 khoản 1 Điều 160 BLTTHS quy định tạm đình chỉ và ra quyết định truy nã chỉ trên một căn cứ duy nhất là “nếu không biết bị can đang ở đâu” chứ không có căn cứ “ bị can đang bỏ trốn”.

3. Việc truy nã bị can là người chưa thành niên, BLTTHS không có quy định phân biệt đối với họ. Điều đó có nghĩa là bất kì bị can nào trốn hoặc không biết đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã và đây là quy định bắt buộc. Việc truy nã bị can không phân biệt bị can đó đã thành niên hay chưa, không phân biệt họ phạm vào loại tội nào (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Chương XXXII BLTTHS quy định về thủ tục đặc biệt đối với người chưa thành niên cũng không có điều luật nào trực tiếp xác định không được truy nã bị can là người chưa thành niên. Theo Điều 301 BLTTHS quy định phạm vi áp dụng thủ tục đặc biệt đối với người chưa thành niên thì rõ ràng được phép truy nã bị can là người chưa thành niên theo Điều 161 BLTTHS, vì điều này không trái với những quy định của Chương XXXII.
- Vấn đề bất cập ở đây là khi ra quyết định truy nã bị can là người chưa thành niên thì có được bắt, tạm giữ, tạm giam họ hay không? Nếu không được phép bắt, tạm giữ, tạm giam bị can là người chưa thành niên thì việc truy nã bị can là người chưa thành niên có còn ý nghĩa gì? Để làm rõ bất cập của luật về vấn đề này, chúng tôi sẽ nêu ra những quy định xung đột gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng như sau:
+ Tại khoản 2 Điều 83 BLTTHS quy định những việc cần làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt theo quyết định truy nã. Theo quy định này thì việc bắt bị can có quyết định truy nã là đương nhiên, cho dù họ là người chưa thành niên. Trong trường hợp cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến nhận người bị bắt thì cơ quan bắt có quyền tạm giữ để thông báo cho cơ quan ra quyết định truy nã biết. Quy định này xác định được phép bắt bị can là người chưa thành niên khi họ bị truy nã, không phân biệt họ phạm vào loại tội nào.
+ Theo Điều 86 BLTTHS quy định về tạm giữ thì bị can là người chưa thành niên bị bắt theo lệnh truy nã phải bị áp dụng biện pháp tạm giữ và các thủ tục gia hạn tạm giữ như các trường hợp khác và cũng không phân biệt họ phạm vào loại tội nào.
+ Theo khoản 2 Điều 83 và điểm a khoản 2 Điều 88 BLTTHS, bị can là người chưa thành niên khi bị bắt theo quyết định truy nã phải bị áp dụng biện pháp tạm giam và khi áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này, luật cũng không phân biệt họ phạm vào loại tội nào (giống như biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ đối với người bị bắt truy nã nêu trên).
+ Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 303 BLTTHS thì việc bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên được quy định thành các trường hợp căn cứ vào độ tuổi, lỗi và loại tội mà họ thực hiện. Có nghĩa là người chưa thành niên có thể bị bắt tạm giữ, tạm giam khi có đủ căn cứ quy định tại Điều 80, 81, 82, 88, 120 BLTTHS nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bị can là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Qua phân tích trên, rõ ràng việc truy nã là quy định bắt buộc đối với mọi bị can khi có một trong hai căn cứ trốn hoặc không biết đang ở đâu, không phân biệt bị can là người chưa thành niên hay đã thành niên cũng như loại tội họ thực hiện nhưng theo quy định tại Điều 303 BLTTHS thì chỉ trong những điều kiện nhất định mới được bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên (ràng buộc về loại tội) và điều này đã gián tiếp xác định: Khi bị can là người chưa thành niên trốn hoặc không biết đang ở đâu sẽ không bị truy nã trong mọi trường hợp mà chỉ trong những trường hợp mà luật quy định được phép áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với họ.
- Trong thực tiễn, để đấu tranh xử lí tội phạm triệt để, tránh tình trạng người thực hiện hành vi phạm tội sống ngoài vòng pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thực hiện việc truy nã, bắt, tạm giữ, tạm giam bị can là người chưa thành niên như những bị can khác. Theo chúng tôi, có sự mâu thuẫn trong quy định của pháp luật về việc truy nã bị can là người chưa thành niên và việc truy nã bị can thành niên như thực tiễn hiện nay là chưa thực sự thỏa đáng. Về vấn đề này, có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên trốn tránh hoặc không biết đang ở đâu thì phải bị truy nã theo quy định của BLTTHS hiện hành và nên sửa lại Điều 303 BLTTHS quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên theo hướng đối với trường hợp họ bị truy nã thì phải bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong mọi loại tội phạm. Ý kiến này giải quyết được mâu thuẫn của luật, nhưng lại không đáp ứng được chính sách hình sự đối với người chưa thành niên. Ý kiến thứ hai cho rằng cần sửa quy định truy nã bị can là người chưa thành niên theo hướng được phép truy nã đối với bị can là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi (vì họ phạm vào loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và loại tội đặc biệt nghiêm trọng), không được phép truy nã đối với bị can người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nếu họ phạm vào loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý. Mặt khác, cũng cần điều chỉnh Điều 303 BLTTHS theo hướng không bắt, tạm giữ, tạm giam. Ý kiến này cũng giải quyết được mâu thuẫn của luật nhưng chưa đáp ứng triệt để chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cũng như yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, vì người chưa thành niên phạm vào loại tội này chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Thực tiễn cũng cho thấy việc truy nã chủ yếu đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm vào loại tội ít nghiêm trọng (theo nghiên cứu của Bộ tư pháp về loại tội do người chưa thành niên thực hiện từ năm 1982 đến năm 1996 trên toàn quốc thì tổng số vụ án có người chưa thành niên tham gia là 10.987 vụ, trong đó số vụ ít nghiêm trọng là 9032 vụ, chiếm tỉ lệ 83%).(1) Chúng tôi đồng tình với ý kiến thứ nhất, vì theo hướng này trước mắt trong giai đoạn hiện nay mặc dù chưa thực sự đáp ứng được việc bảo vệ quyền của người chưa thành niên trong việc hạn chế biện pháp xâm phạm tự do thân thể của họ nhưng hướng này đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với người chưa thành niên. Chúng tôi đề xuất một số quy định bổ sung về truy nã bị can, bị cáo là người chưa thành niên như sau: Nội dung truy nã bị can là người chưa thành niên cũng phải được xác định là thủ tục đặc biệt (quy định trong Chương XXXII BLTTHS), cần ràng buộc một số điều kiện đối với việc truy nã bị can là người chưa thành niên trước khi áp dụng biện pháp này để phù hợp với pháp luật quốc tế (Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên, gọi tắt là Quy tắc Bắc Kinh được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 29/11/1985). Điều 7 Quy tắc Bắc Kinh quy định các quyền của người chưa thành niên trong đó có quyền được suy đoán vô tội, quyền được giữ yên lặng. Điều 8 Quy tắc này quy định bảo vệ sự riêng tư của người chưa thành niên: “Quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn nhằm tránh những tác hại gây ra do sự công khai quá mức hay việc dán ảnh truy nã”. Việc dán ảnh truy nã bị can, bị cáo là người chưa thành niên có những ảnh hưởng không tốt, làm danh dự của họ bị tổn thương và việc đó có tác động mạnh như sự kết tội của bản án (trong khi đó các bị can, bị cáo là người chưa thành niên chưa bị coi là người có tội). Điều 9 BLTTHS Việt Nam cũng quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, được cụ thể hoá từ Điều 72 Hiến pháp năm 1992 đó là: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong khi đó tại Điều 161 BLTTHS thì lại quy định dán ảnh kèm theo các thông tin cá nhân đối với các bị can trốn hoặc không biết đang ở đâu trong đó có bị can là người chưa thành niên, truy nã được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt giữ người bị truy nã.
- Rõ ràng với quy định nêu trên về truy nã bị can, bị cáo, trong đó có bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì không phù hợp với quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia, cũng như không phù hợp với Điều 72 Hiến pháp năm 1992, Điều 9 BLTTHS xác định nguyên tắc suy đoán vô tội. Do vậy, đề xuất nên sửa Điều 161 về truy nã bị can theo hướng đối với bị can là người chưa thành niên thì cần hạn chế đến mức thấp nhất việc công khai những thông tin cá nhân (nhất là về hình ảnh) lên các phương tiện thông tin đại chúng. Biện pháp chủ yếu để bắt bị can, bị cáo là người chưa thành niên bị truy nã là cơ quan điều tra cần phát huy tối đa các biện pháp nghiệp vụ, cũng như các quy chế liên ngành giữa cơ quan điều tra với chính quyền, đoàn thể, tổ chức cơ sở Đảng trong việc quản lí, giáo dục, phát hiện những đối tượng này. Do tính hạn chế công khai các thông tin cá nhân nên trong trường hợp này cũng kéo theo sự giới hạn chủ thể là công dân tham gia bắt. Nội dung này có thể được hướng dẫn bằng văn bản dưới luật./.

Chú thích :
(1). Viện nghiên cứu khoa học pháp lí Bộ tư pháp, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển Radda Barnen (2000), Tăng cường hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Hà Nội, tr. 30.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự