YÊU CẦU PHẢN TỐ VÀ THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN QUYỀN QUYỀN PHẢN TỐ TỪ QUY ĐỊNH CỦA BLTTDS
Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI (BLTTDS), kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2005, tại điểm c, khoản 1 Điều 60 quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn có ghi nhận: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn cũng như thủ tục phản tố được tiếp tục khẳng định tại Điều 176 và Điều 178 BLTTDS.Quyền phản tố đã được quy định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền tố tụng của bị đơn, đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử, việc áp dụng quy định tại Điều 176, Điều 178 BLTTDS về việc xác định yêu cầu phản tố, thời điểm thực hiện quyền phản tố đã và đang đặt ra những quan điểm tranh cãi liên quan đến cách hiểu và vận dụng luật tại các Tòa án địa phương.
1. Xác định yêu cầu phản tố từ quy định tại Điều 176 của BLTTDS
Khoản 2 Điều 176 BLTTDS quy định:
“Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn được chấp nhận khi có một trong các trường hợp sau:
a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Ngày 12/05/2006 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ 2 thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự, trong đó có hướng dẫn về quy định tại Điều 176 tại tiểu mục 11 của Nghị quyết này. Tuy nhiên, việc hiểu để xác định và phân biệt giữa yêu cầu phản tố, yêu cầu phản bác vẫn thực sự lúng túng.
Vấn đề vướng mắc xuất phát chính từ việc chưa có khái niệm cụ thể nào về yêu cầu phản tố và yêu cầu phản bác trong tố tụng dân sự được ghi nhận trong luật. Do những cánh hiểu khác nhau, dẫn đến cách vận dụng cũng khác nhau. Tại mục 11 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: “Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn, nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng về yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết. Trường hợp bị đơn có yêu cầu cùng về yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn), thì đây là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn”.
* Ví dụ 1: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là 05 triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là 03 triệu đồng.
Theo hướng dẫn trên thì trường hợp này yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A và được Toà án chấp nhận vì yêu cầu của bị đơn B không cùng với yêu cầu của nguyên đơn mà nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết và yêu cầu của bị đơn B đưa ra để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn.
* Ví dụ 2: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ôtô này thuộc sở hữu của C.
Như vậy, khác với ví dụ 1 trường hợp tại ví dụ 2, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C vì yêu cầu của bị đơn D có cùng với yêu cầu của nguyên đơn mà nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết.
Dấu hiệu để xác định yêu cầu phản tố và phân biệt với yêu cầu phản bác từ thực tiễn xét xử tồn tại hai cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất dựa vào việc xác định quan hệ pháp luật. Theo quan điểm này, cơ sở để vận dụng các quy định của điều luật về yêu cầu phản tố cần xác định chính từ bản chất của quan hệ pháp luật tranh chấp căn cứ theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự, để giải quyết vụ án được nhanh chóng và đạt kết quả tốt trong nhiều trường hợp ngoài việc giải quyết quan hệ pháp luật chính, Tòa án phải xem xét và giải quyết các quan hệ pháp luật phái sinh mà việc giải quyết quan hệ pháp luật chính liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quan hệ pháp luật phái sinh. Quan hệ pháp luật chính của vụ án được xác định dựa trên yêu cầu của nguyên đơn và bản chất pháp lý của yêu cầu của nguyên đơn. Quan hệ pháp luật phái sinh được xem xét dựa trên yêu cầu của bị đơn hoặc của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phân biệt yêu cầu phản tố và yêu cầu phản bác chính từ việc xác định yêu cầu của bị đơn (quan hệ pháp luật phái sinh) không cùng nằm trong quan hệ pháp luật với yêu cầu của nguyên đơn. Xem xét quy định tại khoản 2 Điều 176 BLTTDS:
- Trường hợp thứ nhất: Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn. Do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp này được thể hiện rõ trong ví dụ 1 trên.
- Trường hợp thứ hai: Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn yều cầu phản tố lại đối với nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ.
* Ví dụ 3: A có chiếc xe ôtô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C nhưng A nói với B (con A) là cho C thuê mỗi tháng 05 triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong một năm qua là 60 triệu đồng. C có yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ôtô và có tranh chấp. Trong trường hợp này nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ôtô vì C không thuê xe của A mà thực chất chiếc xe trên A đã bán cho C nên C có toàn quyền sở hữu.
- Trường hợp thứ ba: Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
* Ví dụ 4: Chị M khởi kiện yêu cầu anh N phải trợ cấp nuôi con P một tháng 300 ngàn đồng. Anh N có yêu cầu Toà án xác định P không phải là con của anh. Trường hợp này yêu cầu của anh N là yêu cầu phản tố Thực tiễn xét xử lại tồn tại một quan điểm khác về việc xác định yêu cầu phản tố. Cụ thể là, không căn cứ và việc xác định quan hệ pháp luật chính (quan hệ của nguyên đơn) hay quan hệ pháp luật phái sinh (quan hệ của bị đơn), khi xác định yêu cầu phản tố chỉ cần dựa vào yếu tố yêu cầu của bị đơn nhằm bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn hay nói cách khác yêu cầu của bị đơn không cùng với yêu cầu của nguyên đơn.
* Ví dụ 5: A yêu cầu B bồi thường thương tích, B có yêu cầu phản tố A trả nợ. Trong trường hợp này yêu cầu của B cũng được chấp nhận là yêu cầu phản tố vì thực chất yêu cầu phản tố của bị đơn nhằm bù trừ nghĩa vụ đối với nguyên đơn.
Chúng tôi cho rằng, cần linh hoạt khi xác định yêu cầu phản tố trong từng trường hợp cụ thể. Yếu tố quan trọng và rõ ràng để xác định yêu cầu phản tố bắt đầu từ quan hệ pháp luật như quan điểm 1. Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B đòi quyền sử dụng đất, B (bị đơn) cho rằng đất này đã nhận chuyển nhượng của A đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, quan hệ pháp luật A khởi kiện là quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất. Quan hệ B yêu cầu giải quyết là quan hệ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đây là dấu hiệu dễ dàng để xác định yêu cầu phản tố. Tuy nhiên thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp không thể căn cứ vào dấu hiệu hai quan hệ khác biệt để xác định yêu cầu phản tố. Ví dụ: A khởi kiện đòi nhà cho thuê, B (bị đơn) yêu cầu A thanh toán tiền sửa chữa nhà và tiền thuế nộp cho nhà nước. Mặc dù yêu cầu của B không làm phát sinh quan hệ pháp luật phái sinh (vẫn thuộc quan hệ tranh chấp hợp đồng thuê nhà ở), tuy nhiên yêu cầu của B là yêu cầu đối trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, vì vậy trường hợp này phải xác định là yêu cầu phản tố. Vì vậy, để thống nhất áp dụng trong thực tiễn xét xử cần có sự đồng nhất quan điểm về cách hiểu tổng hợp trong cả hai quan điểm trên khi áp dụng Điều 176 BLTTDS.
2. Xác định chủ thể có quyền yêu cầu phản tố và hình thức thực hiện quyền phản tố
Khi xác định yêu cầu phản tố, Toà án không chỉ gặp khó khăn trong việc xác định các yêu cầu phản tố mà việc BLTTDS chưa quy định hay có quy định nhưng chưa rõ dẫn đến việc áp dụng cũng khác nhau. Hình thức ghi nhận yêu cầu phản tố của bị đơn được thể hiện trong bản tự khai, trong biên bản lấy lời khai hay người có yêu cầu phản tố phải làm đơn đề nghị giải quyết. Theo quy định tại Điều 178 BLTTDS: Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể hơn tại tiểu mục 12.1 mục 12 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn quy định tại các Điều 164, 165, 166, 167, 168, 169 và 170 của BLTTDS và hướng dẫn tại các mục 4, 5, 6, 7 và 8 phần I Nghị quyết này.
Như vậy, mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên trong quá trình giải quyết có một số Toà án không thực hiện theo hướng dẫn trên mà vẫn chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đưa ra trong các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản đối chất và thậm chí trong biên bản hoà giải. Chúng tôi thiết nghĩ khi vấn đề trên đã được quy định rõ thì trong quá trình Toà án giải quyết vụ án cần phải thực hiện theo đúng quy định và thống nhất áp dụng ở tất cả các Tòa án địa phương.
Về chủ thể thực hiện quyền phản tố. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 BLTTDS, bị đơn được “Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”. Theo quy định này thì yêu cầu phản tố chỉ được thực hiện khi và chỉ khi bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn. Trong trường hợp người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn tham gia tố tụng trong vụ án có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn thì Toà án giải quyết như thế nào. Giả sử khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn được xác định có yêu cầu phản tố đã uỷ quyền cho người khác theo đúng thủ tục để tham gia tố tụng tại Toà án và có toàn quyền thay mặt bị đơn quyết định các vấn đề có liên quan trong vụ án. Trong trường hợp này đã có rất nhiều Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của người đại diện theo ủy quyền nhưng cũng có những Toà án không chấp nhận vì cho rằng để thực hiện yêu cầu phản tố bị đơn phải là người trực tiếp yêu cầu. Người đại diện theo ủy quyền không có quyền yêu cầu phản tố vì họ không phải là bị đơn mà chỉ là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn. Chúng tôi cho rằng, không thể đặt quy định tại Điều 60 BLTTDS độc lập mà phải đặt trong mối liên hệ với các quy định khác của BLTTDS và chế định ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự. Khi tham gia tố tụng, đương sự được quyền ủy quyền cho người khác đại diện thay mặt mình. Điều 74 BLTTDS xác định: “1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình là đại diện. 2. Người đại diện theo ủy quyền trong
tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền”. Như vậy, cần căn cứ vào văn bản ủy quyền để xác định quyền được thực hiện yêu cầu phản tố của chủ thể là người đại diện theo ủy quyền.
3. Bàn về thời điểm thực hiện quyền phản tố
Nghiên cứu các quy định của BLTTDS, chúng tôi không thấy có quy định về thời điểm thực hiện quyền phản tố. Chính vì quy định chung chung nên việc xác định thời điểm thực hiện yêu cầu phản tố từ thực tiễn xét xử tồn tại các quan điểm khác nhau:
* Quan điển thứ nhất cho rằng: Áp dụng quy định tại Điều 175 và khoản 1 Điều 176 BLTTDS thời hạn thực hiện quyền phản tố được xác định là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trường hợp bị đơn có lý do xin gia hạn và có căn cứ thì thời hạn tối đa để thực hiện quyền phản tố không quá 30 ngày. Quan điểm này xuất phát từ cách hiểu về khoản 1 Điều 176 BLTTDS: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.” “Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Toà án phải gia hạn, nhưng không quá 15 ngày.” (Điều 175 BLTTDS). Xác định thời điểm thực hiện quyền phản tố và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án còn liên quan đến việc tính thời hạn giải quyết vụ án (Điều 179 BLTTDS). Do đó, trong trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu phản tố của bị đơn để giải quyết trong cùng một vụ án, thì ngày thụ lý vụ án để tính thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được xác định như sau:
Trường hợp bị đơn được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày Toà án nhận đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn cùng các tài liệu chứng cư kèm theo. Trường hợp bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị đơn nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí (mục 12 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.)
* Ví dụ 6: Ngày 15 tháng 3 năm 2010 Toà án thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của nguyên đơn A. Cùng ngày Toà án đã tiến hành thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn B biết. Sau khi nhận được thông báo, ngày 30 tháng 3 năm 2010, bị đơn B có đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A. Toà án tiến hành thủ tục xem xét đơn yêu cầu phản tố. Ngày 15 tháng 4 năm 2010 bị đơn B nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp này ngày Toà án thụ lý vụ án được xác định lại là ngày 15 được tháng 4 năm 2010. Trong tường hợp bị đơn không phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án được xác định lại là ngày ngày 30 tháng 3 năm 2010.
* Quan điểm thứ hai lại cho rằng theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 60 và khoản 1 Điều 176 không giới hạn thời gian tối đa để bị đơn thực hiện quyền phản tố, nên trong trường hợp này có thể hiểu yêu cầu phản tố của bị đơn được thực hiện cho đến trước khi Toà án mở phiên toà sơ thẩm. Việc Toà án chấp nhận trong trường hợp này vẫn đảm bảo quyền của đương sự quy định tại Điều 4 và Điều 5 của BLTTDS và trong tường hợp này Toà án phải tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 của BLTTDS.
* Ví dụ 7: Ngày 02 tháng 01 năm 2010 Toà án thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của A. Cùng ngày Toà án đã tiến hành thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn B biết. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án chuẩn bị ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên toà sơ thẩm, thì ngày 10 tháng 4 năm 2010 bị đơn B có đơn yêu cầu phản tố và thực hiện đầy đủ thủ tục yêu cầu phản tố. Trường hợp này được chấp nhận vì bị đơn làm đầy đủ thủ tục phản tố và pháp luật không có quy định cấm.
Quan điểm thứ ba cho rằng do quy định tại điểm c khoản 1 điều 60 và khoản 1 Điều 176 không rõ ràng và giới hạn thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn nên bị đơn vẫn có quyền được yêu cầu phản tố tại phiên toà sơ thẩm. Khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa, Toà án cần xem xét hai căn cứ: đó là yêu cầu phải tố của bị đơn đã được đưa ra trước đó chưa, nếu bị đơn đã yêu cầu và Toà án đã ấn định cho bị đơn nhưng bị đơn vẫn không thực hiện đầy đủ yêu cầu phản tố thì không chấp nhận, còn nếu trước đó bị đơn chưa đưa ra mà tại phiên toà bị đơn đưa ra yêu cầu phải tố thì trong trường hợp này Hội đồng xét xử phải chấp nhận, nếu không chấp nhận dẫn đến việc bỏ lọt yêu cầu của đương sự trong vụ án.
* Ví dụ 8: A và B cùng là chủ cửa hàng đại lý có đăng ký kinh doanh. A bán cho B thóc giống và đã được B thanh toán tiền hàng còn nợ lại 30.000.000 đồng. Sau khi mua về, B lại bán cho các hộ dân số thóc trên nhằm kiếm lợi nhuận. Đến thời hạn thanh toán B không thanh toán. A khởi kiện B ra Toà án giải quyết buộc B phải trả số tiền còn thiếu. Trong quá trình Toà án giải quyết B không đồng ý với yêu cầu của A với lý do A đã bán thóc giống kém chất lượng. Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên toà B đưa ra yêu cầu phản tố đề nghị Toà án giải quyết buộc A phải có trách nhiệm bồi thường cho B vì do A bán thóc giống kém chất lượng dẫn đến B mua về bán cho dân làm cho việc gieo cấy của các hộ dân sản lượng thấp có sự kiểm tra và xác nhận của cơ quan chuyên môn và biên nhận thanh toán bồi thường của B đối với các hộ dân số tiền là 50.000.000 đồng, trong đó có 30.000.000 đồng tiền thóc giống chưa thanh toán và 20.000.000đ thiệt hại phát sinh.
Theo chúng tôi, trong khi chưa có quy định thống nhất về thời điểm thực hiện quyền phản tố thì quan điểm thứ hai có cơ sở để áp dụng. Mặc dù theo quan điểm 1, Điều 175 và khoản 1 Điều 176 có quy định “Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn”. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định về quyền phản tố mà không quy định chế tài để thực hiện quyền này trong thời hạn cụ thể, vì vậy không có cơ sở để ấn định thời hạn 15 ngày hay 30 ngày theo như quan điểm 1. Chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm thứ 3, mặc dù thực tế vẫn được một số Toà án vận dụng giải quyết nhưng việc chấp nhận yêu cầu phản tố tại phiên tòa trên sẽ dẫn đến hệ quả vụ án bị kéo dài do phải tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử. Đồng thời tại phiên toà, khi Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn thì phải hoãn phiên toà nhưng không có căn cứ để hoãn phiên toà và thời hạn hoãn phiên toà không đảm bảo theo quy định tại Điều 208 của BLTTDS do phải tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử. Mặc dù từ trước đến nay quyết định hoãn phiên toà được các Toà án vận dụng khác nhau, thậm chí việc vận dụng và ra quyết định hoãn phiên toà là không đúng quy định của pháp luật nhưng không có một điều luật nào quy định về quyền, thủ tục, thời hạn kháng cáo, kháng nghị và khiếu nại đối với quyết định hoãn phiên toà. Bên cạnh đó, điều kiện để xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn, bị đơn phải có đơn yêu cầu và phải làm thủ tục phản tố theo quy định tại Điều 178 BLTTDS, tại phiên tòa bị đơn mới đưa ra yêu cầu phản tố, vì vậy không đáp ứng được điều kiện về thủ tục phản tố theo quy định của BLTTDS.
Để thống nhất việc áp dụng pháp luật khi sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự chúng tôi cho rằng sẽ khoa học hơn nếu sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 176 theo hướng: “Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án. Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Toà án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Toà án phải gia hạn, nhưng không quá 15 ngày”./.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!