Được kiện hành chính loại quyết định nào?

Luật Đất đai năm 2003 đã sửa đổi, người dân được kiện quyết định giải quyết tranh chấp lần hai của chủ tịch UBND tỉnh.

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 nhưng nhiều bạn đọc vẫn chưa rõ trường hợp nào được khởi kiện án hành chính, phải kiện sao cho có lợi… Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (ảnh), giải đáp các thắc mắc này của bạn đọc.
Tòa án giải quyết mọi khiếu kiện hành chính
. Luật TTHC không liệt kê các loại quyết định, hành vi được kiện hành chính. Do vậy, nhiều người vẫn chưa rõ loại quyết định, hành vi nào thì được kiện. Chẳng hạn, với các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc giải quyết khiếu nại thì có kiện được hay không?

+ Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND theo phương pháp liệt kê, tức là tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết những trường hợp được quy định trong pháp lệnh. Nay Luật TTHC quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính theo phương pháp loại trừ. Theo đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao (theo danh mục do Chính phủ quy định) và các quyết định, hành vi hành chính mang tính chất nội bộ cơ quan.
Như vậy, từ ngày 1-7-2011, nếu không đồng ý với các quyết định hành chính, hành vi hành chính (bao gồm cả quyết định giải quyết tranh chấp đất đai) và không thuộc trường hợp loại trừ nêu trên thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện tại TAND có thẩm quyền. Quyết định hành chính giải quyết khiếu nại cũng là đối tượng khởi kiện nếu có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại.


Từ ngày 1-7-2011, người dân có thể khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính (bao gồm cả quyết định giải quyết tranh chấp đất đai) theo quy định mới. Một vụ cưỡng chế hành chính tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
. Còn quyết định kê biên tài sản trong quá trình xử lý phần dân sự trong vụ án hình sự, quyết định kê biên (hoặc giải tỏa kê biên) tài sản để thi hành án thì sao, có kiện được không?
+ Đây là loại quyết định do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc dân sự thực hiện. Các quyết định này không phải là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước… ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính như quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật TTHC. Vì vậy, chúng không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Trong trường hợp không đồng ý với các quyết định này, người dân có thể khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Thi hành án dân sự.
Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai: Kiện được!
. Có ý kiến cho rằng theo Điều 138 Luật Đất đai, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của chủ tịch UBND cấp tỉnh về lĩnh vực quản lý đất đai là quyết định giải quyết cuối cùng, tức người dân không có quyền khởi kiện sau quyết định này. Cách hiểu này có đúng không?
+ Kể từ ngày 1-7-2011, cách hiểu trên là không đúng vì quy định nêu trên của Luật Đất đai năm 2003 đã được sửa đổi tại Điều 264 Luật TTHC. Theo đó, nếu một trong các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch UBND tỉnh thì có quyền khiếu nại lên bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật TTHC.
. Theo luật, người dân có quyền kiện quyết định giải quyết khiếu nại lần một của UBND cấp huyện hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, có người cho rằng không nên kiện quyết định giải quyết của UBND tỉnh (về giá bồi thường đất chẳng hạn) vì nếu tòa tuyên hủy quyết định này thì người kiện cũng chẳng được gì. Bởi lẽ quyết định áp giá bồi thường là của UBND huyện trong khi tòa lại xét xử quyết định của tỉnh. Ý kiến của ông về việc này?
+ Quyết định hành chính của UBND huyện bị khởi kiện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện, quyết định hành chính của UBND tỉnh bị khởi kiện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan trung ương bị khởi kiện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh nơi cư trú của người khởi kiện.
Nếu không đồng ý với một hay nhiều quyết định hành chính thì người khởi kiện có quyền khởi kiện tất cả quyết định hành chính đó hoặc chỉ lựa chọn khởi kiện quyết định hành chính nào mà họ cho rằng có lợi cho họ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự