Viện Kiểm Sát phải chỉ đạo hoạt động điều tra?

VKS phải chỉ đạo hoạt động điều tra?
Bàn về vai trò, nhiệm vụ của VKS trong cải cách tư pháp, một vấn đề được nhiều người quan tâm là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và VKS là quan hệ phối hợp hay phục tùng lẫn nhau?

Trong hội thảo mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đang tổ chức tại Huế, VKSND Tối cao cho rằng đó là quan hệ phối hợp nhưng VKS phải là người chỉ đạo các hoạt động điều tra.
Tham gia vụ án ngay từ đầu
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), phải ghi nhận một nguyên tắc là VKS giám sát chỉ đạo quá trình điều tra ngay từ đầu. Thực tế hiện nay yếu tố này chưa đảm bảo vì VKS chỉ có quyền ban đầu là ký lệnh bắt hay không bắt, suốt quá trình điều tra sau đó diễn tiến ra sao thì VKS không hay biết. CQĐT cũng không thông báo cho VKS biết, chỉ khi có kết luận điều tra thì mới chuyển hồ sơ qua. Điều này khiến vai trò của VKS khá mờ nhạt.
Còn theo đại diện VKSND Tối cao, để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp thì phải xây dựng một nền công tố mạnh, hiệu quả phòng chống và phát hiện tội phạm cao. Theo đó, phải khẳng định công tố là chức năng của VKS, còn hoạt động điều tra của CQĐT là bộ phận hợp thành của chức năng công tố giúp VKS đủ chứng cứ buộc tội bị can. Trong mối quan hệ này, CQĐT có nhiệm vụ hỗ trợ VKS để thực hiện các yêu cầu, quyết định tố tụng của VKS. Hoạt động điều tra là của CQĐT, VKS không can thiệp vào tác nghiệp cụ thể của điều tra viên nhưng cần có cơ chế bảo đảm mọi yêu cầu, quyết định của VKS về chứng minh tội phạm phải được thực hiện.
Về vai trò, VKSND Tối cao cho rằng VKS không chỉ đơn thuần là bên buộc tội như trong mô hình tố tụng tranh tụng mà còn đảm bảo không làm oan người vô tội, đảm bảo hoạt động của các cơ quan và người tiến hành tố tụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật…
Sau này VKS sẽ giữ vai trò chỉ đạo trong hoạt động điều tra? Ảnh minh họa: T.TÙNG
Quản lý đầu mối thông tin

Nhiều ý kiến nêu một nghịch lý là hiện nay khi có tin báo tố giác tội phạm thì VKS chuyển ngay cho CQĐT để xác minh, làm rõ. Nhưng khi CQĐT tiếp nhận thông tin đó thì lại không báo ngược lại cho VKS biết để phối hợp. Từ đó, TS Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng cần bổ sung quy định VKS có quyền nắm và quản lý đầy đủ các thông tin về tội phạm.
Cụ thể, khi CQĐT tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm do các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì phải kịp thời báo cho VKS. Sau đó CQĐT có trách nhiệm xác minh tin đó, khi thấy cần thiết thì VKS trực tiếp xác minh. Về lâu dài để phù hợp với vai trò của cơ quan thực hành quyền công tố thì phải để VKS làm đầu mối quản lý mọi thông tin tội phạm nêu trên.
Cũng theo TS Thể, cần quy định về thẩm quyền điều tra của VKS: Khi thấy việc điều tra không khách quan, không đầy đủ hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, VKS đã yêu cầu CQĐT chỉnh sửa nhưng họ không làm hoặc làm không đầy đủ thì tùy mức độ VKS có thể rút vụ án qua để điều tra trực tiếp. Cạnh đó, quy định thêm các biện pháp trinh sát của công an thực hiện trong quá trình điều tra mà có ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của cá nhân và lợi ích hợp pháp của tổ chức như nghe lén, mở bưu kiện… chỉ được thực hiện sau khi VKS phê chuẩn. Ngoài ra, bổ sung các cơ chế bảo đảm mọi yêu cầu quyết định tố tụng của VKS phải được CQĐT thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời.
Không gọi là Viện Công tố?
Tại chuyên đề “Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của VKS trong giai đoạn điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp”, trình bày trước hội thảo, đại diện VKSND Tối cao vẫn xác định tên gọi là VKSND chứ không phải Viện Công tố. Theo đó, VKSND Tối cao khẳng định công tố chỉ là chức năng của VKS, còn bản chất VKS vẫn không đổi thành Viện Công tố. Ngoài ra, VKSND Tối cao còn có nhiều kiến nghị theo hướng không bớt quyền của VKS mà còn tăng thêm một số quyền như đã phân tích ở trên.
Bớt việc để chất lượng hơn
Tôi cho rằng mối quan hệ giữa điều tra và VKS cần phải xem xét kỹ. Nhiều nước hiện nay họ cho tồn tại độc lập với nhau theo kiểu việc ai người nấy làm. VKS không nên giữ vai trò chỉ đạo quá trình điều tra vì bản thân họ cố gắng thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và công tố tại tòa là tốt rồi. Hơn nữa, để chỉ đạo thì đòi hỏi anh phải có một tầm cao hơn về trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm và mọi yếu tố khác thì mới được. Hiện nay trình độ kiểm sát viên của chúng ta không trội hơn điều tra viên, vì thế không thể chỉ đạo được.
Một thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Chú ý việc giám sát
Một vấn đề cần đặt ra là ai giám sát quá trình thực thi chức trách của VKS? Thực tế nhiều vụ án VKS để quá thời hạn điều tra rất dài nhưng suốt quá trình tố tụng đó không ai đôn đốc, giám sát. Theo tôi, việc tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung chỉ là một biện pháp xử lý của tòa chứ không phải tòa đang thực hiện chức năng giám sát VKS. Việc giám sát của HĐND thường kỳ cũng chỉ thực hiện trên cơ sở những báo cáo làm được của VKS, chứ có khi nào giám sát được những việc chưa làm được, chưa báo cáo.
Ông HUỲNH NGỌC ÁNH, Phó Chánh án TAND TP.HCM
THANH TÙNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra