Một vài ý kiến về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) dành một Chương (từ Điều 146 đến Điều 156) để quy định về trình tự cấp, tống đạt, thông báo (sau đây viết tắt là tống đạt) văn bản tố tụng. Đây được xem là bước tiến lớn về thủ tục tống đạt so với các văn bản quy định về tố tụng dân sự trước đây. Qua thời gian áp dụng trong thực tiễn, các quy định về tống đạt văn bản tố tụng đã phát huy giá trị, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản tố tụng và đặc biệt đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy một số quy định về tống đạt văn bản tố tụng của BLTTDS đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần có sự hoàn thiện hoặc cần có văn bản hướng dẫn để phát huy giá trị pháp lý của thủ tục tố tụng này.
1. Đối với các phương thức tống đạt
Theo quy định tại Điều 129 BLTTDS về phương thức tống đạt văn bản tố tụng thì việc tống đạt được thực hiện bằng 03 phương thức (1) Tống đạt trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được uỷ quyền; (2) Niêm yết công khai và (3) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, hình thức tống đạt qua người thứ ba được ủy quyền chưa được quy định rõ trình tự, thủ tục mà chỉ quy định đối với hình thức tống đạt qua trung gian (gồm: qua người thân thích; qua tổ trưởng tổ dân phố hoặc qua Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã). Ngay cả hình thức tống đạt qua bưu điện theo chúng tôi cũng chỉ là hình thức tống đạt qua trung gian. Hình thức này không được BLTTDS quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành.
Chúng tôi cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu các phương thức tống đạt văn bản tố tụng cần được chia làm 04 phương thức gồm:
- Tống đạt trực tiếp;
- Tống đạt qua trung gian gồm: người thân thích, tổ trưởng tổ dân phố; Ủy ban nhân dân cấp xã; Công an cấp xã và qua bưu điện;
- Niêm yết công khai;
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Đối với việc tống đạt qua đường bưu điện
Do BLTTDS không quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành nên thực tiễn các Tòa án gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phương thức tống đạt này. Hiện nay, việc tống đạt văn bản tố tụng qua bưu điện qua 02 hình thức: tống đạt thường và chuyển phát nhanh. Trong mỗi hình thức được chia ra 02 cách thức là không hồi báo và có hồi báo. Tuy nhiên, các văn bản thể hiện việc chuyển giao giữa Tòa án và bưu điện (do bưu điện lập sẵn áp dụng cho mọi đối tượng yêu cầu bưu điện thực hiện) không hề có phần nội dung để Tòa án có thể ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập, mời đương sự, người tham gia tố tụng khác và cũng không có mục nhân viên bưu điện phải giao tận tay cho người được tống đạt. Hơn nữa, công việc của bưu điện trong việc nhận, chuyển và giao thư được thực hiện qua nhiều giai đoạn với nhiều nhân viên thực hiện nên người giao tận tay cho người được tống đạt văn bản tố tụng không phải là nhân viên nhận văn bản từ cán bộ Tòa án ban đầu. Chính vì lẽ này, các văn bản chỉ chuyển đến địa chỉ mà Tòa án đã xác định trên bao thư còn việc người có tên trên bao thư ký nhận hay không, trong nhiều trường hợp không được nhân viên bưu điện quan tâm (thậm chí, có trường hợp không ghi họ tên người nhận mà chỉ có chữ ký). Cho nên, rất nhiều trường hợp người khác nhận thay nhưng nhân viên bưu điện không ghi rõ người nhận là ai, quan hệ như thế nào với người được tống đạt. Điều này dẫn đến việc khi đến thời gian hòa giải, đối chất, xét xử… nếu đương sự được triệu tập không đến thì việc giải quyết vụ án phải hoãn lại và thủ tục tống đạt của Tòa án thực sự chưa có hiệu quả.
Trong khi đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 148 BLTTDS thì nhân viên bưu điện cũng là một trong những người thực hiện việc tống đạt và tại khoản 2 Điều 148 BLTTDS đã quy định rõ: “Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo mà không làm đúng trách nhiệm của mình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Trong trường hợp trên, rõ ràng nhân viên bưu điện chưa thực hiện đúng nghĩa vụ của mình nhưng để xử lý trách nhiệm của họ thì không khả thi.
Vì vậy, theo chúng tôi cần có văn bản liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Bưu chính viễn thông về vấn đề tống đạt để đảm bảo các thủ tục tố tụng của Tòa án.
3. Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
Khoản 1 Điều 155 BLTTDS quy định: “Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu”.
Với quy định trên có thể hiểu các trường hợp phải thực hiện phương thức tống đạt trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: (1) khi pháp luật có quy định; (2) có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được tống đạt nhận được thông tin về văn bản cần được tống đạt và (3) có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Chúng tôi cho rằng, quy định này không khả thi và trên thực tế rất ít Tòa án thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trong một số vụ án, đương sự vắng mặt do bỏ địa phương hay cố tình lẩn tránh nên việc tống đạt trực tiếp sẽ không đạt hiệu quả, việc niêm yết cũng không có cơ sở để người được tống đạt biết được việc Tòa án có tống đạt, nên thủ tục tiếp theo là phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này sẽ làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, có thể dẫn tới vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.
Thứ hai, với quy định của khoản 1 Điều 155 BLTTDS có thể hiểu, đương sự chỉ phải chịu chi phí đăng trên phương tiện thông tin đại chúng khi họ là người yêu cầu. Trong trường hợp họ không yêu cầu mà (1) khi pháp luật có quy định; (2) có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được tống đạt nhận được thông tin về văn bản thì đương sự không phải chịu lệ phí đăng báo, đài. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án có phải chịu lệ phí hay không và nếu Tòa án chịu thì được quyết toán vào đâu cũng chưa có hướng dẫn. Chính vì vậy, thực tế, các Tòa án thường chỉ dừng lại ở mức niêm yết công khai, việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ thực hiện khi đương sự có yêu cầu. Trong trường hợp đương sự có yêu cầu thì Tòa án cũng chỉ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng một số văn bản tố tụng chứ không phải tất cả văn bản cần tống đạt cho người được tống đạt.
Vì vậy, theo chúng tôi cần sửa đổi quy định về tống đạt theo hướng quy định cụ thể một số văn bản bắt buộc phải qua các bước trong thủ tục tống đạt về tống đạt, đối với một số văn bản nên chấm dứt việc tống đạt ở giai đoạn việc tống đạt không thực hiện được; việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ khi có yêu cầu của đương sự hoặc pháp luật có quy định. Có như vậy, việc giải quyết vụ án của Tòa án mới đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử, tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án một cách không cần thiết.
4. Đối với thủ tục niêm yết:
Thứ nhất, vấn đề niêm yết cho đối tượng được được tống đạt là cơ quan, tổ chức
Theo quy định tại Điều 154 BLTTDS thì việc niêm yết văn bản tố tụng chỉ cho đối tượng là cá nhân mà không đề cập đến việc niêm yết văn bản tố tụng cho cơ quan, tổ chức. Việc không quy định này là khiếm khuyết của BLTTDS vì cơ quan, tổ chức cũng là đương sự trong vụ án dân sự (Điều 56 BLTTDS). Do đó, cần phải bổ sung việc niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án cho đối tượng được tống đạt là cơ quan, tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ.
Trên thực tế, trụ sở của cơ quan, tổ chức hoặc chi nhánh của cơ quan, tổ chức không phải lúc nào cũng cố định mà thường thay đổi. Bên cạnh đó, hiện nay có thực trạng, một số tổ chức (các doanh nghiệp, công ty) ngưng hoạt động nhưng không làm thủ tục tuyên bố phá sản hay giải thể. Không ít trường hợp một số tổ chức thuê trụ sở, sau khi ngưng hoạt động thì không rõ chủ sở hữu, người đứng đầu các doanh nghiệp ở đâu để tống đạt trực tiếp hoặc qua trung gian văn bản tố tụng của Tòa án. Khi không tống đạt trực tiếp hay qua trung gian được thì thủ tục niêm yết cần được thực hiện nhưng BLTTDS không quy định thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 150 BLTTDS thì “Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật này thì được coi là hợp lệ”. Với quy định này, dẫn đến việc có nơi, sau khi thực hiện thủ tục tống đạt trực tiếp không có kết quả, Tòa án đã xác định hoàn thành thủ tục tống đạt (việc tống đạt xem như hợp lệ). Chúng tôi cho rằng, việc không tiến hành thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức sẽ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của chính cơ quan, tổ chức đó vì họ không biết Tòa án đang giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.
Thứ hai, vấn đề niêm yết trong trường hợp bị đơn đã bị tuyên bố mất tích
Hiện nay, có rất nhiều vụ án hôn nhân, do mâu thuẫn, 01 bên vợ hoặc chồng đã bỏ đi nơi khác. Do không sống chung đã lâu, muốn ly hôn với người vợ hoặc chồng đã bỏ đi để kết hôn với người khác hoặc vì nguyên nhân khác, người chồng hoặc vợ đã làm thủ tục tục tuyên bố mất tích người vợ hoặc chồng bỏ đi. Sau khi có quyết định tuyên bố vợ hoặc chồng mất tích, người còn lại làm thủ tục yêu cầu ly hôn với người mất tích. Sau khi thụ lý, Tòa án đã tiến hành tống đạt trực tiếp, qua trung gian các văn bản tố tụng cho vợ hoặc chồng mất tích nhưng không thực hiện được. Sau đó, Tòa án tiến hành đưa vụ án ra xét xử mà không thực hiện thủ tục niêm yết. Với sự việc này, có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyết định tuyên bố một người mất tích được tiến hành theo thủ tục việc dân sự, còn việc một người khởi kiện yêu cầu ly hôn với người mất tích được tiến hành theo thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân. Chính vì vậy, dù có quyết định tuyên bố bị đơn mất tích nhưng khi thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân, Tòa án vẫn phải tiến hành tống đạt hợp lệ các văn bản theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong đó có thủ tục niêm yết văn bản tố tụng (Điều 154 Bộ lLTTDS) trong trường hợp thủ tục tống đạt trực tiếp, qua trung gian không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án không cần thực hiện thủ tục niêm yết các văn bản tố tụng vì bị đơn không có ở địa phương (qua việc giải quyết thủ tục tuyên bố mất tích trước đó) và không biết họ ở đâu nên các thủ tục tống đạt đương nhiên không hiệu quả. Hơn nữa, thủ tục giải quyết việc dân sự tuyên bố một người mất tích phải qua thủ tục thông báo công khai tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính vì vậy, việc Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết khi thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân là không cần thiết và không có hiệu quả trên thực tế.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, thủ tục giải quyết tuyên bố một người mất tích với thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân là khác nhau. Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự, một bên vợ chồng có quyền yêu cầu ly hôn với người bị tuyên bố mất tích. Tuy nhiên, khi giải quyết yêu cầu này, các trình tự, thủ tục tố tụng cần phải đảm bảo nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mất tích trong đó có thủ tục tống đạt các văn bản tố tụng mà thủ tục niêm yết vô cùng quan trọng sau khi tống đạt trực tiếp, qua trung gian không phát huy giá trị. Hơn nữa, các quy định về tống đạt văn bản tố tụng của Bộ luật Tố tụng dân sự cũng không loại trừ thủ tục niêm yết đối với bất cứ vụ án nào.
5. Các giải pháp và kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục các vướng mắc, bất cấp bên trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong BLTTDS liên quan đến các vướng mắc nêu trên như sau:
5.1. Sửa đổi, bổ sung các phương thức tống đạt văn bản tố tụng tại Điều 149 BLTTDS từ 03 phương thức thành 04 phương thức như sau:
“Điều 149. Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp;
2. Cấp, tống đạt, thông báo qua trung gian gồm: người thân thích, tổ trưởng tổ dân phố; Ủy ban nhân dân cấp xã; Công an cấp xã và qua bưu điện;
3. Niêm yết công khai;
4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
5.2. Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Thông tin và truyền thông cần ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn việc tống đạt văn bản tố tụng qua đường bưu điện để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản tố tụng do Tòa án ban hành. Theo đó, cần hướng dẫn mẫu văn bản chuyển giao văn bản giữa Tòa án với nhân viên bưu điện nơi nhận văn bản; mẫu văn bản tống đạt văn bản tố tụng giữa nhân viên bưu điện nơi giao với người được tống đạt đảm bảo giá trị pháp lý theo hướng dẫn của BLTTDS. Đồng thời, hướng dẫn rõ trường hợp tống đạt trực tiếp cho người được tống đạt, qua người thân, chính quyền địa phương cũng như thể hiện đầy đủ các thông tin trong trường hợp không tống đạt được.
5.3. Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản liên tịch với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện thủ tục tống đạt theo quy định của BLTTDS. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, công an cấp xã, tổ trưởng tổ dân phố trong việc thực hiện các thủ tục tống đạt (tống đạt qua trung gian, ủy quyền niêm yết văn bản tố tụng) và thực hiện việc báo lại kết quả cho tống đạt cho Tòa án. Đồng thời, quy định về chế độ bồi dưỡng đối với những người thuộc các cơ quan thực hiện việc tống đạt để kích thích họ tích cực hỗ trợ Tòa án.
5.4. Để khắc phục các hạn chế của BLTTDS về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng nhằm đảm bảo thời gian giải quyết vụ án, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:
Một là, bổ sung vào Điều 147 BLTTDS khoản 6 với nội dung sau:
Điều 147. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo
...
6. Đối với các văn bản tố tụng về hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án thì không áp dụng thủ tục niêm yết và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTDS như sau:
1. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có yêu cầu của các đương sự. Lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu.
5.5. Bổ sung vào khoản 2 Điều 154 BLTTDS về thủ tục niêm yết cho cơ quan, tổ chức bên cạnh việc niêm yết cho cá nhân. Theo đó, khoản 2 Điều 154 được sửa đổi như sau:
“2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Toà án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo hay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là tổ chức được thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) …
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo hay nơi có trụ sở hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người được cấp, tống đạt, thông báo trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là tổ chức;
c) …”.
Trên đây là một vài ý kiến về các quy định về việc cấp, tống đạt, thông văn bản tố tụng của Tòa án. Rất mong quí bạn đọc trao đổi, góp ý.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra