Khoản tiền cấp dưỡng nuôi con trong vụ án “ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”, có buộc đương sự chịu án phí không


1. Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con định kỳ theo quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 24/2011/QĐST-HNGĐ ngày 16/11/2011 của Toà án nhân dân thị xã A, giải quyết vụ ly hôn giữa nguyên đơn chị Chế Thị Thanh Tuyền với bị đơn anh Trương Thanh Hùng. Quyết định đã giải quyết công nhận giao con chung Trương Trà My, sinh năm 2009 cho chị Chế Thị Thanh Tuyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và anh Trương Thanh Hùng cấp dưỡng nuôi con 500.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, quyết định lại không buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo định kỳ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
Quan điểm thứ nhất của Toà án nhân dân thị xã A cho rằng: Trong trường hợp này người có nghĩa vụ cấp dưỡng không phải chịu án phí bởi lẽ: Tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án quy định: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Toà án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”. Nếu không có quy định nào khác thì có thể hiểu quy định ở khoản 10 là trong mọi trường hợp thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng đều phải nộp án phí. Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án lại quy định “các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”. Như vậy, đã có một quy định về các loại án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình và nó chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản (là quy định tại khoản 9 Điều 27 nêu trên). Do đó, quy định tại khoản 10 Điều 27 chỉ là quy định về mức án phí đối với việc cấp dưỡng định kỳ và chỉ trong trường hợp có vụ án riêng về cấp dưỡng thì đương sự mới chịu án phí về cấp dưỡng. (Toà án viện dẫn tài liệu trao đổi nghiệp vụ năm 2010 của Trường Cán bộ Toà án tại “câu hỏi 9, Phần II - Trang 24, 25 của tài liệu” để cho rằng quyết định của Toà án là có căn cứ, đúng pháp luật). 
Quan điểm thứ hai của Viện kiểm sát nhân dân thị xã A cho rằng: Việc Toà án không buộc đương sự phải chịu án phí như trên là không đúng quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Bởi lẽ:
Khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án chỉ quy định “người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Toà án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”.
Nhận thấy: Khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án không có quy định nào nói đến việc chỉ áp dụng điều luật này đối với vụ án riêng biệt “tranh chấp về cấp dưỡng” được quy định tại khoản 5 Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hay nói cách khác Điều luật không chỉ rõ nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Toà án phải chịu trong vụ án cụ thể nào. Vụ án cụ thể ở đây có thể là vụ án “tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con” hoặc vụ án “ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản” mà có cả yêu cầu về cấp dưỡng nuôi con.
Mặt khác, tại khoản 9 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án không có quy định nào chỉ ra rằng án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Khoản 9 Điều 27 chỉ có quy định rõ ràng các đương sự trong vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng thì phải chịu các loại án phí sau:
+ Án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án (án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch).
+ Án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Như vậy, khoản 9 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án đã viện dẫn áp dụng đến điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này. Nội dung của điểm a khoản 1 Điều 24 nêu trên lại quy định về “án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch”. Mặt khác, án phí mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con định kỳ theo quyết định của Toà án quy định tại khoản 10 Điều 27 của Pháp lệnh này thuộc trường hợp án phí dân sự không có giá ngạch. Do đó, quy định tại khoản 10 Điều 27 là một trong các trường hợp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 và hoàn toàn phù hợp.
Do vậy, cần phải hiểu trong mọi trường hợp ở các vụ án khác nhau chỉ cần Toà án quyết định người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch, mới đúng tinh thần quy định tại khoản 10 Điều 27 pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
2. Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thực hiện cấp dưỡng một lần.
Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 14/2011/QĐST-HNGĐ ngày 28/9/2011 của Toà án nhân dân thị xã A, giải quyết vụ ly hôn giữa nguyên đơn chị Nguyễn Thị Lam Hoà với bị đơn anh Nguyễn Thanh Tuấn. Toà án công nhận anh Tuấn có nghĩa vụ cấp dưỡng một lần 20.000.000 đồng, nhưng không buộc anh Tuấn chịu án phí đối với nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con một lần.
Quan điểm của Toà án nhân dân thị xã A: Toà án cũng viện dẫn các lập luận như đã nêu ở trên để cho rằng việc Toà án không buộc anh Tuấn phải chịu án phí đối với khoản tiền phải cấp dưỡng nuôi con là đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thị xã A: Trong trường hợp nêu trên, anh Tuấn phải chịu án phí đối với nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con một lần 20.000.000 đồng theo mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mới đúng quy định tại khoản 3 Điều 24, khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Bởi các lẽ sau:
Trong vụ án hôn nhân và gia đình “ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” có thể có nhiều quan hệ pháp luật bao gồm: quan hệ về hôn nhân; quan hệ về nuôi con chung, cấp dưỡng nuôi con; quan hệ về chia tài sản chung, nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng. Tương ứng với mỗi quan hệ pháp luật trong vụ án, Toà án phải giải quyết các yêu cầu cụ thể của cả nguyên đơn và bị đơn.
Như vậy, trong trường hợp nguyên đơn có yêu cầu bị đơn phải cấp dưỡng nuôi con bằng một số tiền cụ thể từ 4.000.000 đồng trở lên và với hình thức cấp dưỡng một lần thì phải hiểu yêu cầu này của nguyên đơn đối với bị đơn mà Toà án phải giải quyết là trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch như quy định tại khoản 3 Điều 24 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Trường hợp Toà án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc bị đơn phải cấp dưỡng một lần với số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Toà án chấp nhận hay nói cách khác bị đơn phải chịu án phí với mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tính trên số tiền cấp dưỡng mà bị đơn thực hiện cấp dưỡng một lần, mới phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24 và khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.
Do còn có nhiều cách hiểu và cách tính án phí khác nhau đối với khoản tiền cấp dưỡng nuôi con trong vụ án hôn nhân và gia đình như đã phân tích nêu trên, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra