Thẩm quyền ra quyết định trong vụ án dân sự sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì nguyên tắc quyền quyết định và quyền tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc quan trọng và Toà án phải tôn trọng nguyên tắc này trong suốt quá trình giải quyết vụ án, “…các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội” (Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự).
Trường hợp đương sự rút đơn trước khi mở phiên toà sẽ do Thẩm phán  giải quyết bằng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Dân sự theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự hoặc nếu đương sự tự nguyện thoảthuận mà không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Thẩm phán lập biên bản hoà giải thành và ra quyết định công nhận sự thoả thuận đó của các đương sự căn cứ vào Điều 187 và Điều 188 của Bộ luật tố tụng dân sự.  Tuy nhiên, nếu trong thời gian sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và trước khi mở phiên toà thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoặc công nhận sự thoả thuận do Hội đồng xét xử xem xét ra quyết định hay thuộc thẩm quyền của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án; vấn đề này hiện nay còn nhiều tranh cãi, vẫn chưa có hướng dẫn thống nhất.
* Trường hợp 1: Thoả thuận trước khi mở phiên toà:
Vụ án sau khi đã có quyết định đưa ra xét xử, Hội thẩm nhân dân và Kiểm sát viên Viện kiểm sát tham gia phiêntoà đã được ghi vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án đã triệu tập đương sự và những người tham gia tố tụng khác đến tham gia phiên toà và đã tống đạt hợp lệ:
Quan điểm 1: Thuộc thẩm quyền của Thẩm phán,  nếu đương sự thoả thuận được với nhau về toàn bộ nội dung vụ án, thì Thẩm phán tiếp tục tổ chức hoà giải lại, triệu tập đương sự và ra thông báo phiên hoà giải theo quy định tại các Điều 183; 184; 185; 186 đúng quy trình tố tụng, sau đó ra quyết định công nhận sự thoả thuận theo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự. Đương sự chỉ phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm.
Quan điểm 2: vẫn tiếp tục mở phiên toà và Hội đồng xét xử công nhận sự thoả thuận đó tại phiên toà theo quy định tại Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự: “trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án”. Khi mở phiên toà, Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận thì đương sự phải chịu án phí 100% như ra bản án.
* Trường hợp 2 : Nguyên đơn rút đơn trước khi mở phiên toà và Toà án đình chỉ
Nếu tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 218 và Điều 219 Bộ luật tố tụng dân sự ; nhưng nếu trước khi mở phiêntoà và sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử mà đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Toà án giải quyết như thế nào, thẩm quyền ra quyết định là của Thẩm phán hay của Hội đồng xét xử?
Quan điểm 1: Sau khi xem xét việc đương sự rút yêu cầu, nếu xét việc rút  là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, Thẩm phán có thể ra quyết định Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự và không mở phiên toà.
Quan điểm 2 :  Thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử nên phải mở phiên toà để Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.
* Một số trao đổi về vướng mắc :
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thường nếu đương sự rút đơn hoặc tự nguyện thoả thuận về toàn bộ nội dung vụ án, Toà án không mở phiên toà mà Thẩm phán được Chánh án phân công trao đổi với Viện kiểm sát, Hội thẩm nhân dân và thông báo cho đương sự về việc không mở phiên toà. Sau đó tiến hành triệu tập đương sự đến để giải quyết và ra quyết định giải quyết vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, nếu mở phiên toàvừa tốn kinh phí, vừa mất thời gian, phải đầu tư công sức trong việc nghiên cứu hồ sơ và các thao tác tố tụng khác để xét xử vụ án… trong khi đó vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật về nội dung và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự đã được Toà án tôn trọng, nếu mở phiên toà thì nội dung giải quyết vụ án cũng không thay đổi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được ban hành nhưng không mở phiên toà có đúng pháp luật không? Nếu đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì vụ án sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng xét xử kể từ khi ban hành quyết định cho đến khi kết thúc phiên toà và ra quyết định giải quyết cuối cùng. Như vậy, quyết định mở phiên toà chỉ bị hết hiệu lực khi có quyết định hoãn hoặc quyết định của Hội đồng xét xử về giải quyết vụ án. Trường hợp Thẩm phán không mở phiên toà là vi phạm thủ tục tố tụng, bởi lẽ thông báo phiên hoà giải hoặc biên bản về việc đương sự rút đơn khởi kiện không phải là văn bản pháp luật để huỷ bỏ quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bộ luật tố tụng Dân sự cũng không quy định Toà án phải ra quyết định khác đểhuỷ quyết định này, do vậy quyết định đưa vụ án ra xét xử vẫn tồn tại trong hồ sơ.
Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể. Kính mong quý bạn đọc quan tâm trao đổi và TAND tối cao có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể để Toà án địa phương thực hiện thống nhất pháp luật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra