Một vài ý kiến trao đổi về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm g khoản 1 điều 46 bộ luật hình sự

Tình tiết giảm nhẹ (TTGN) trách nhiệm hình sự là tình tiết của vụ án hình sự có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đáng được khoan hồng. Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) thì TTGN trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt. Các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 46 BLHS. Một số TTGN trách nhiệm hình sự được các văn bản dưới luật hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với các tình tiết chưa có sự hướng dẫn cụ thể thì trong thực tiễn còn có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau, trong đó có TTGN “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS. Thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng tình tiết này có nhiều quan điểm khác nhau không chỉ ở từng vụ án cụ thể, mà hướng dẫn áp dụng (không phải là văn bản quy phạm pháp luật) của từng ngành tư pháp cũng có những nhìn nhận khác nhau[1].
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nên một số ý kiến về TTGN được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

1. Về khái niệm ‘thiệt hại”
 Hiện nay, có ý kiến cho rằng, thiệt hại tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS là hậu quả vật chất[2]. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thiệt hại tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS không chỉ là hậu quả về vật chất mà chúng bao gồm cả những thiệt hại về tinh thần, thể chất. Bởi vì, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong những tội có cấu thành tội phạm vật chất, đối với những tội có cấu thành tội phạm hình thức thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng thiệt hại thì có thể xảy ra đối với cả tội có cấu thành tội phạm vật chất và tội có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 BLHS mặc dù đây là tội có cấu thành tội phạm hình thức nhưng khi người phạm tội đã thực hiện hành vi giao cấu (sau hành vi dùng vụ lực, đe dọa dùng vũ lục…) thì thiệt hại về thể chất, tinh thần của người bị hại đã xảy ra.
Vì vậy, có thể khẳng định thiệt hại tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS bao gồm thiệt hại về vật chất, thể chất và tinh thần; thiệt hại này không đồng nhất với hậu quả của tội phạm và có khi hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng thiệt hại lại không xảy ra và ngược lại.
2. Về ý thức của người phạm tội đối với thiệt hại
Điểm giống nhau ở hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao và Công văn số 994/VKSTC-V3  ngày 09/4/2012 của Vụ 3 – Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thiệt hại tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS là thiệt hại xảy ra nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, thiệt hại có thể xảy ra ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội nhưng cũng có thể trong dự tính của người phạm tội. Bởi vì, trong một số trường hợp mặc dù có điều kiện để gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại lớn nhưng người phạm tội lại lựa chọn cách thức không gây thiệt hại (như dùng dao chỉ hù dọa người bị hại để xin đểu, khi bị phản ứng lại thì ném dao bỏ chạy) hoặc gây thiệt hại không lớn (có thể chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu nhưng người phạm tội lại chỉ lấy đủ tiền đi xe) như dự định ban đầu của mình.
Chúng tôi cho rằng, quan điểm theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao là phù hợp. Bởi vì, thiệt hại ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội được hiểu là dự tính thực hiện tội phạm của người phạm tội không có ý nghĩa để xem xét thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn. Nếu cho rằng, khi thực hiện tội phạm người phạm tội đã dự tính sẽ không gây thiệt hại hay gây thiệt hại không lớn thì người phạm tội sẽ được xem xét giảm nhẹ với tình tiết tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS “Người phạm tội đã … làm giảm bớt tác hại của tội phạm”. Và thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn có sự chủ động của người phạm tội.
3. Về khái niệm “chưa gây thiệt hại”
Theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại.[3] Với hướng dẫn này có thể hiểu, chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét TTGN này cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng. Trong khi đó, theo Sổ tay Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao, chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội; khi áp dụng tình tiết này, cần phân biệt với phạm tội chưa đạt.
Chính từ hướng dẫn thiếu thống nhất nêu trên mà thực tiễn áp dụng về khía niệm “chưa gây thiệt hại” tại tình tiết điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS giữa Tòa án và Viện kiểm sát có sự thiếu thống nhất. Ví dụ: vào ngày 01/10/2012, khi đang sửa xe cho khách, Trần Văn A (làm thuê cho cửa hàng xe máy TV, thị xã T, tỉnh A) thấy trong túi sách của chị Lê Thị V (nhân viên bán hàng) có một bịch tiền hơn 60 triệu đồng nên đã lợi dụng lúc chị V đi vệ sinh A lén lút chiếm đoạt số tiền này. Khi về đến nhà, do phát hiện bị mất tiền nên chị V báo cáo công an. Ngày hôm sau, khi biết chị V báo công an, vì sợ bị bắt nên A đã nhét bịch tiền phía dưới bàn chỗ chị V ngồi. Hành vi phạm tội của A đã bị phát hiện và truy tố về tội “trộm cắp tài sản”. TAND thị xã T, tỉnh A đã phạt A 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, trong đó có áp dụng TTGN quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS.
Theo Viện kiểm sát nhân dân thị xã T thì việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS đối với A là không đúng, bởi vì: bị cáo A đã chiếm đoạt tài sản có giá trị rất lớn (hơn 60 triệu đồng), thuộc trường hợp nghiêm trọng; mặc dù, sau đó tài sản đã thu hồi trả cho người bị hại thì cũng không thể nói bị cáo phạm tội thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn.
Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân thị xã T đối với vụ án là chưa phù hợp. Không có quy định nào bắt buộc tội mà người phạm tội thực hiện thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng thì không được áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS cho người phạm tội. Ngoài ra, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn thể hiện sự bất cập ở điểm, đối với tội trộm cắp tài sản, nếu người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản mang tài sản đó đi tiêu thụ, sau đó, dùng tiền tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được hoặc tiền khác để bồi thường cho người bị thiệt hại thì được áp dụng TTGN tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS; trong khi đó, sau khi chiếm đoạt được tài sản, do bị phát hiện nên người phạm tội đã tự giao lại tài sản hay tài sản bị thu hồi khi người phạm tội bị bắt quả tang nhưng người phạm tội lại không được áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS là chưa phù hợp.
Vì vậy, hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất thì hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao cần bổ sung thêm việc áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS không phụ thuộc loại tội phạm, tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà chỉ dựa vào căn cứ thiệt hại mà tội phạm đã thực hiện có xảy ra trên thực tế hay không (bất kể chúng được thu do bắt quả tang, người phạm tội tự nguyện giao trả…).
4. Về khái niệm “thiệt hại không lớn”
Việc xác định thế nào là thiệt hại không lớn chưa có sự thống nhất trong thực tiễn. Hiện nay, tồn tại 02 quan điểm về căn cứ xác định thiệt hại không lớn. Ý kiến thức nhất cho rằng, thiệt hại không lớn là thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại do người phạm tội mong muốn[4]. Ý kiến khác lại cho rằng, thiệt hại không lớn nếu chúng không lớn so với mức bình thường. Khi xác định hậu quả như thế nào là bình thường cần căn cứ vào các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại cụ thể đã gây ra cho người bị hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất) trong từng trường hợp cụ thể[5].
Chúng tôi cho rằng, căn cứ xác định thiệt hại không lớn như ý kiến thứ nhất là chưa hợp lý. Bởi vì, nếu thiệt hại mà người phạm tội mong muốn không đáng kể thì dưới mức người phạm tội mong muốn sẽ gây ra thiệt hại không đáng kể. Chẳng hạn, vì không có tiền đi xe nên T đã dùng dao hù dọa buộc L phải đưa cho T số tiền 200.000 đồng để T đón xe về. Nếu cho rằng T phải chiếm đoạt dưới mức 200.000 đồng mới được áp dụng tình tiết “thiệt hại không lớn” là chưa phù hợp. Nguợc lại, mong muốn của người phạm tội là rất lớn thì khi người phạm tội chưa đạt được mong muốn của mình thì thiệt hại cũng vô cùng lớn. Chẳng hạn, biết A vừa mới rút 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ Ngân hàng mang về nhà nên B (là bà con của A đến nhà A chơi) đã lợi dụng lúc A đi ra phía sau, mở tủ lấy bọc tiền mà B vừa rút ở Ngân hàng về nhưng số tiền mà B chiếm đoạt chỉ có 700 triệu đồng do A không rút hết tiền gửi tiết kiệm. Trường hợp này, rõ ràng số tiền 700 triệu đồng là thiệt hại rất lớn nhưng nếu theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì B vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì “thiệt hại không lớn”.
Theo chúng tôi thì quan điểm xác định “thiệt hại không lớn” như ý kiến thứ hai là phù hợp với thực tiễn áp dụng hiện nay và có căn cứ. Bởi vì, việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với mỗi tội phạm là khác nhau nên hậu quả (thiệt hại) của mỗi tội phạm gây ra cho xã hội là khác nhau. Hơn nữa, hành vi vi phạm đối với từng tội trong thực tiễn cũng diễn biến đa dạng nên không thể quy định một mức cụ thể để xác định “thiệt hại không lớn”. Cho nên, việc dành quyền xem xét, áp dụng cho Hội đồng xét xử đánh giá khi cá thể hóa hình phạt trong từng trường hợp cụ thể như ý kiến thứ hai là phù hợp, tránh sự tùy tiện và bao quát mọi tình huống xảy ra trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, như đã xác định bên trên, thiệt hại theo điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS bao gồm thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần. Khi thiệt hại là thể chất, tinh thần thì việc xác định thiệt hại thế nào là không lớn không đơn giản. Chẳng hạn, Nguyễn Văn T dùng xe mô tô ép sát xe mô tô của chị Hoàng Thị K chạy ngược chiều đang nghe điện thoại để giật chiếc điện thoại của chị K có trị giá 900.000 đồng. Sau đó, A đã mang bán chiếc điện thoại và tiêu xài cá nhân hết. Trong vụ án này, khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh H đã áp dụng TTGN được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS cho bị cáo T. Nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H đã không chấp nhận việc áp dụng tình tiết được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS cho bị cáo vì cho rằng, mặc dù, tài sản mà bị cáo cướp giật được không lớn, nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội là rất cao, có thể gây nguy hiểm cho người bị hại và cho những người điều khiển các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Theo chúng tôi, đối với những tội mà hành vi phạm tội xâm phạm cả 02 khách thể là vật chất và thể chất như trường hợp nêu trên thì việc xem xét có áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS cho bị cáo hay không phải xem xét cả thiệt hại về thể chất và vật chất đã xảy ra trên thực tế. Nếu chỉ xem xét một trong 02 thiệt hại là thiếu sót. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý, TTGN nếu được áp dụng thì chỉ xem xét giảm nhẹ một phần cho người phạm tội khi lượng hình. Vì vậy, ở khía cạnh TTGN, việc xác định thiệt hại đã xảy ra hay chưa, xảy ra có lớn hay không thì cần bám vào thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Đối với vụ án trên, rõ ràng thiệt hại thể chất, vật chất đã được nhà làm luật xác định mức độ nguy hiểm trong Điều 139 BLHS và bắt buộc Tòa án khi quyết định hình phạt phải xem xét tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm. Theo chúng tôi thì trong trường hợp ở trên, thiệt hại về thể chất chưa xảy ra và thiệt hại về vật chất với mức 900.000 đồng rõ ràng là không lớn. Cho nên, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng TTGN cho T là phù hợp với quy định của pháp luật hình sự.
 vậy, hướng dẫn về việc xác định thiệt hại không lớn tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS cần dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần), các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể. Riêng thiệt hại về tinh thần thì nên hạn chế áp dụng TTGN tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS và chỉ áp dụng TTGN này khi thiệt hại đó không ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt bình thường của người bị thiệt hại. Việc xác định thiệt xảy ra không lớn không phụ thuộc vào loại tội mà người phạm tội vi phạm (có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng), không phụ thuộc đó là tội phạm cấu thành vật chất hay cấu thành hình thức và không phụ thuộc tính chất của tội phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Từ các phân tích trên, chúng tôi đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn áp dụng TTGN quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS để có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra