Trao đổi về vụ án có đương sự vắng mặt nơi cư trú

Hiện nay, trong các vụ án tranh chấp hợp đồng vay, mượn tài sản, thừa kế, ly hôn,.. trường hợp tại thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, các bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt ở địa phương trước đó xảy ra tương đối nhiều. Một số Tòa án đã thụ lý giải quyết đối với trường hợp này, nhưng có một số Toà án không đồng ý thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện theo quy định Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự vì cho rằng người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong một số trường hợp, khi đã thụ lý đơn khởi kiện có kèm giấy xác nhận chứng minh nơi cư trú của bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của chính quyền địa phương, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành xác minh lại thì được biết bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt khỏi địa phương trước thời điểm Toà án thụ lý nên đã đình chỉ vụ án theo điểm i khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung (BLTTDS), căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện cho đương sự với lý do người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Từ thực tiễn nêu trên cho thấy việc áp dụng pháp luật ở các Toà án đối với trường hợp nêu trên chưa thống nhất, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và gây ra nhiều bức xúc cho đương sự. Dưới góc độ pháp lý, tác giả có vài ý kiến trao đổi về hướng xử lý trong vụ án có đương sự vắng mặt nơi cư trú từ một vụ án cụ thể như sau:
Vào cuối năm 2010, ông A có vay tiền của ông B với số tiền là 200 triệu đồng, lãi suất hai bên thoả thuận là 2% tháng, hai bên có lập biên nhận viết tay và hẹn đến cuối năm 2012 ông A sẽ thanh toán đầy đủ số tiền vốn vay. Kể từ khi vay thì ông A chỉ trả lãi cho ông B được 03 tháng đầu thì ngưng không trả lãi nữa. Đến hạn trả nợ vay, ông B đã liên hệ yêu cầu ông A thanh toán khoản nợ trên nhưng ông A cố tình dây dưa không trả và vào đầu năm 2013, ông A đã bỏ địa phương lên thành phố Hồ Chí Minh ở tại một nhà người quen. Đến tháng 3/2013, ông B đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Khi nộp đơn khởi kiện, ông B có nộp kèm giấy xác nhận tình trạng cư trú của ông A. Nội dung xác nhận như sau: “Ông A có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp X, xã Y huyện M, tỉnh N”. Ông B ghi địa chỉ của ông A theo đúng nơi cư trú của ông A mà chính quyền địa phương đã xác nhận. Vụ kiện của ông B đã được Toà án nhân dân huyện M thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, nhưng sau đó thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đến xã Y để xác minh thì chính quyền đã xác nhận: “Ông A có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp X, xã Y huyện M, tỉnh N và đã đi khỏi địa phương từ tháng 1/2013”. Sau đó, Tòa án triệu tập ông B đến và yêu cầu ông B cung cấp địa chỉ hiện tại của ông A nhưng ông B không cung cấp được.
Đối với vụ việc nêu trên, có hai quan điểm giải quyết, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất: Cần quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS) và trả lại đơn khởi kiện cho đương sự (căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS) vì ông B không cung cấp được địa chỉ của ông A; hướng dẫn ông B thực hiện nộp đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú theo qui định tại chương XXII của BLTTDS.
Quan điểm thứ hai: Toà án cấp sơ thẩm cần phải thực hiện các thủ tục để xét xử vắng mặt ông A theo quy định tại Điều 199 BLTTDS vì các lý do sau đây:
Tại Công văn 109/KHXX ngày 30/6/2006 về việc xử lý trường hợp không biết địa chỉ của người khởi kiện của Toà án nhân dân Tối cao có hướng dẫn như sau:
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 164 BLTTDS, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTĐS, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện (điểm đ khoản 2 Điều 1 64).
Trong trường hợp người khởi kiện không thi hành đúng quy định nêu trên của BLTTDS, thì Toà án yêu cầu họ phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của BLTTĐS. Nếu họ không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của BLTTĐS.”
Tại các tiểu mục 8.6 và 8.7 mục 8 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm" của BLTTDS quy định:
"8.6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
8.7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan."
Như vậy theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ cụ thể địa chỉ của người bị kiện. Địa chỉ ở đây được hiểu là nơi sinh sống, làm việc của một người nào đó và để xác định địa chỉ của một cá nhân thì phải căn cứ vào nơi cư trú của họ theo đúng Luật cư trú. Trong trường hợp này, ông B đã xác định cụ thể địa chỉ cư trú của ông A là tại nơi ông A có đăng ký hộ khẩu thường trú và ghi đầy đủ vào đơn khởi kiện, được Toà án thụ lý là đúng với hướng dẫn của TAND tối cao. Khi ông A chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt khỏi địa phương thì địa chỉ mới tại thành phố Hồ Chí Minh cũng được xem là không hợp pháp vì ông A không đăng ký tạm trú hoặc chuyển hộ khẩu theo qui định của pháp luật nên không thể xem địa chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh của ông A là địa chỉ phải bắt buộc ghi trong đơn khởi kiện của ông B được.
Theo tác giả, trong trường hợp này, Toà án cấp sơ thẩm cần niêm yết công khai các văn bản tố tụng và xét xử vắng mặt ông A như phân tích tại quan điểm thứ hai. Nếu đình chỉ giải quyết vụ án và hướng dẫn ông B trước khi khởi kiện phải thực hiện nộp đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú theo qui định tại chương XXII BLTTDS là không phù hợp pháp luật vì tại thời điểm nộp đơn khởi kiện thì việc vắng mặt của ông A chưa đủ thời gian 06 tháng liền; nên nếu ông B muốn thực hiện thủ tục này thì phải đợi đủ thời gian biệt tích của ông A, điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông B vì trong thời gian đợi này, ông A có thể tẩu tán tài sản.
Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong quí bạn đọc trao đổi, góp ý.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra