Kỹ năng viết bản án dân sự sơ thẩm

Viết bản án dân sự sơ thẩm được quy định tại Điều 238 của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) và được hướng dẫn thực hiện theo mẫu bản án sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo Điều 39 của Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì trong 20 loại mẫu văn bản tố tụng ban hành kèm theo Nghị quyết này, không có mẫu bản án sơ thẩm. Tại khoản 1 Điều 40 của Nghị quyết này cũng không đề cập đến hiệu lực thi hành của Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005. Do vậy, mẫu bản án sơ thẩm đã được ban hành kèm theo Nghị quyết này của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn được áp dụng trong công tác xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động.
I/ Viết phần mở đầu của bản án
Khoản 3 Điều 238 BLTTDS quy định “trong phần mở đầu phải ghi rõ Tòa án sẽ xử sơ thẩm; số, ngày, tháng, năm thụ lý vụ án; số bản án, ngày tuyên án; họ tên các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, họ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đối tượng tranh chấp; số, ngày, tháng, năm của Quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian, địa điểm xét xử”. Những quy định nêu trên, đã được thể hiện đầy đủ trong mẫu bản án sơ thẩm và hướng dẫn sử dụng mẫu bản án sơ thẩm ban hành cùng Nghị quyết số 01/2005 ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, khi sử dụng mẫu này cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1/ Cách ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án
Vụ án dân sự hay bản án dân sự sơ thẩm được hiểu theo nghĩa rộng của BLTTDS bao gồm các vụ án và bản án về các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Ký hiệu bản án đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS”.
Điều 3: Về cách ghi sổ, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định dân sự:
a) Cách ghi sổ và ký hiệu bản án sơ thẩm
+ Đối với bản án dân sự sơ thẩm thì ghi ký hiệu là DS-ST
+ Đối với bản án hôn nhân và gia đình thì ghi ký hiệu là HNGĐ-ST
+  Đối với bản án kinh doanh, thương mại thì ghi ký hiệu là KDTM-ST
+ Đối với bản án lao động thì ghi ký hiệu là LĐ-ST.
Ví dụ: Bản án số 01/2013/DS-ST; Bản án số 10/2013/HNGĐ-ST; Bản án số 05/2013/KDTM-ST hoặc Bản án số 06/2013/LĐ-ST.
b) Cách ghi trích yếu của bản án sơ thẩm
- Việc ghi trích yếu của bản án sơ thẩm cần phải căn cứ vào quan hệ pháp luật đang có tranh chấp mà Tòa án đã thụ lý giải quyết, xét xử.
Ví dụ: Tranh chấp mà Tòa án đã thụ lý giải quyết, xét xử là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam, quy định tại khoản 1 Điều 25 của BLTTDS thì ghi là: “V/v tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam”.
- Trong trường hợp tại khoản tương ứng của điều luật quy định nhóm tranh chấp thì ghi cụ thể tranh chấp được giải quyết.
Ví dụ: Nhóm tranh chấp là hợp đồng dân sự quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 25 của BLTTDS thì phải ghi cụ thể tranh chấp đó là hợp đồng dân sự nào. Nếu là hợp đồng thuê nhà ở thì ghi là  “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự thuê nhà ở”; nếu là hợp đồng vận chuyển hành khách thì ghi là “V/v tranh chấp hợp đồng dân sự vận chuyển hành khách”… Nếu là tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản thì ghi là “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự mua bán tài sản”; nếu là tranh chấp về mua bán nhà thì ghi là “V/v tranh chấp hợp đồng dân sự mua bán nhà ở”.
Nếu là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì cũng phải ghi rõ hợp đồng kinh doanh thương mại đó là gì. Ví dụ: nếu tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa thì ghi là “V/v tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại mua bán hàng hóa” vv…
2/ Cách ghi ngày tuyên án
Ngày tuyên án hay ngày của bản án là ngày mà Tòa án tuyên án. Trong thực tiễn xét xử, có thể vụ án được khai mạc và tuyên án trong cùng một ngày, nhưng cũng có thể nhiều ngày sau khi khai mạc mới tuyên án. Do vậy, ngày của bản án được xác định như sau:
- Nếu khai mạc và tuyên án trong cùng một ngày thì ngày đó là ngày của bản án. Ví du: Tòa án mở phiên tòa ngày 15/9/2013 và tuyên án trong ngày 15/9/2013 thì ngày 15/9/2013 là ngày của bản án.
- Nếu khai mạc trong một ngày, nhưng xét xử và tuyên án vào những ngày sau đó thì ngày tuyên án (ngày xử cuối cùng) là ngày của bản án. Ví dụ: Tòa án mở phiên tòa ngày 15/9/2013 nhưng đến ngày 25/9/2013 mới tuyên án thì ngày 25/9/2013 là ngày của bản án.
3/ Cách ghi thành phần Hội đồng xét xử, Thư lý Tòa án và đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa:
- Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và bỏ (xóa) dòng “Thẩm phán…” có trong mẫu bản án. Đối với Hội đồng nhân dân thì chỉ ghi họ tên của hai Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử gồm năm người thì ghi họ tên của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, họ tên của Thẩm phán và họ tên của ba Hội thẩm nhân dân là thành viên trong Hội đồng xét xử.
Chú ý: Không ghi chức vụ của Thẩm phán, chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân.
- Ghi họ tên của Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa và tên của Tòa án nơi Thư ký Tòa án đang công tác
Ví dụ: Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
- Nếu có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thì ghi rõ tên của Viện kiểm sát, họ tên của Kiểm sát viên.
Ví dụ: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa: ông Trần Văn Nam, Kiểm sát viên.
4/ Cách ghi thời gian xét xử vụ án
- Nếu phiên tòa được mở và kết thúc trong cùng một ngày thì ghi là “Ngày…tháng…năm tại…mở phiên tòa sơ thẩm…”(tức là bỏ hai từ “trong các…”của mẫu bản án sơ thẩm).
- Nếu phiên tòa được tiến hành trong nhiều ngày thì tùy theo số ngày nhiều hay ít để ghi:
Ví dụ: “Trong các ngày 2, 3 và 4 tháng… năm…tại…mở phiên tòa sơ thẩm…”
Hoặc: “Trong các ngày từ ngày…tháng…năm, tại…mở phiên tòa sơ thẩm”
Hoặc: “Trong các ngày từ ngày…tháng…đến ngày…tháng…năm…tại…mở phiên tòa…”
- Nếu phiên tòa bị gián đoạn bởi ngày nghỉ, ngày lễ thì ghi là “Trong các ngày…đến ngày…tháng và các ngày…tháng…năm, tại…mở phiên tòa sơ thẩm…”
5/ Cách ghi những người tham gia tố tụng trong vụ án
- Nếu đương sự là cá nhân thì ghi rõ tư cách tham gia tố tụng và họ tên của đương sự đó:
Ví dụ: Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Quốc (nếu có tên gọi khác thì ghi rõ tên đó), trú tại: xóm 1, thôn 2, xã N, huyện H, tỉnh K.
- Nếu có nhiều đương sự có cùng địa vị pháp lý như nhau (tư cách tham gia tố tụng như nhau) và có cùng nơi cư trú thì có thể ghi gọn là:
Nguyên đơn: ông Nguyễn Văn A, ông Vũ Ngọc B và bà Trần Thị C cùng trú tại số nhà 70, phố X, thành phố Y, tỉnh K.
- Nếu đương sự là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp nếu có tên giao dịch thì ghi cả tên giao dịch của cơ quan, tổ chức.
Ví dụ: Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Vàng (tên giao dịch Savin) địa chỉ tại số nhà 90, phố H, quận H, thành phố H.
- Trường hợp đương sự có người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì sau khi ghi tên đương sự (là cá nhân hay cơ quan, tổ chức) thì ghi họ tên người đại diện hợp pháp, sau đó ghi họ tên người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó.
Ví dụ: Nguyên đơn: ông Nguyễn Văn Quốc (tên gọi khác là Hai Quốc), trú tại xóm 1, thôn 2, xã N, huyện H, tỉnh K. Người đại diện hợp pháp theo pháp luật của ông Nguyễn Văn Quốc là bà Lê Thị Hương trú cùng địa chỉ với nguyên đơn Nguyễn Văn Quốc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Quốc là ông Trần Trọng Kim, Luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư Kim và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố H.
Cách ghi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phần đầu án cùng tương tự như cách ghi đối với nguyên đơn.
- Nếu vụ án có người phiên dịch hoặc người giám định thì phỉa ghi rõ họ tên, địa chỉ, nơi làm việc của họ.
Ví dụ: Người giám định: ông Nguyễn Xuân Mai, giám định nên Viện Khoa học hình sự, số nhà 50, phố Phạm Văn A, thành phố H.
Chú ý: Trong phần đầu án cần phải thể hiện rõ sự có mặt hay vắng mặt của đương sự tại phiên tòa.
Ví dụ: Nguyên đơn: ông Nguyễn Văn Hoàn, trú tại số nhà 120 phố M, thành phố H. Vắng mặt tại phiên tòa hoặc Bị đơn: bà Trần Tuyết Minh, trú tại số nhà 27 phố K, thành phố H. Có mặt tại phiên tòa.
Việc thể hiện rõ sự có mặt hay vắng mặt của đương sự tại phiên tòa là rất cần thiết không chỉ trong việc Hội đồng xét xử quyết định xét xử hay hoãn xử vụ án mà còn có ý nghĩa trong việc xác định thời hạn kháng cáo của các đương sự trong vụ án.
Mặc dù phần đầu án mang ý nghĩa hình thức nhưng lại là những quy định tố tụng và vì vậy, việc xác định chính xác các chi tiết về đương sự trong phần đầu án là một đòi hỏi, một yêu cầu của việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự.
II/ Cách viết phần “nhận thấy” và “xét thấy” của mẫu bản án sơ thẩm
1/ Viết phần nhận thấy:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 238 BLTTDS thì trong phần nội dung của vụ án phải thể hiện rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đề nghị hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn; đề nghị hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phần nội dung này chính là phần “nhận thấy” của mẫu bản án sơ thẩm. Nếu không biết tổng hợp, tóm tắt khoa học thì dễ rơi vào việc mô tả diễn biến của tranh chấp và tạo ra sự dài dòng của bản án. Vì vậy cần phải biết thể hiện ngắn, gọn nhưng đầy đủ, khách quan các yêu cầu của đương sự, kể cả trong trường hợp các đương sự có yêu cầu bổ sung, thay đổi hoặc rút yêu cầu của mình.
Do vậy, các viết phần “nhận thấy” nên tổng hợp như sau:
* Đối với nguyên đơn hoặc các nguyên đơn thì ghi tóm tắt là: Trong đơn khởi kiện ngày…tháng…năm… được bổ sung ngày…tháng…năm… và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn A trình bày: nguyên đơn và bị đơn là bà Trần Thị B có giao kết với hợp đồng dân sự bán nhà ở. Nguyên đơn đã giao nhà ở và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận của hợp đồng, nhưng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Cụ thể là bị đơn đã không trả đầy đủ tiền cho nguyên đơn. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải:
- Thanh toán số tiền còn thiếu là x đồng;
- Buộc bị đơn phải chịu tiền lãi suất chậm trả của số tiền mua nhà còn thiếu từ ngày…tháng…năm…đến ngày…tháng…năm…là y đồng.
Chú ý:
- Nếu vụ án có nhiều nguyên đơn cùng khởi kiện thì có thể ghi là “Trong đơn khởi kiện ngày…tháng…năm… và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, các nguyên đơn là: ông Nguyễn Văn A, ông Nguyễn Văn B, bà Trần Thị C trình bày…”
- Nếu vụ án mà nguyên đơn ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì cần nêu đơn khởi kiện của nguyên đơn và trình bày, lời khai của người được ủy quyền (tất nhiên là trình bày của người được ủy quyền phải phù hợp với trình bày của nguyên đơn và không được vượt quá giới hạn của giấy ủy quyền nếu như không ủy quyền toàn bộ).
* Đối với bị đơn hoặc các bị đơn
- Nếu bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và không có yêu cầu phản tố thì cách viết là:
Trong đơn trình bày và các lời khai của bị đơn là bà Trần Thị B đều thừa nhận trình bày của nguyên đơn là đúng. Bị đơn thừa nhận có giao kết hợp đồng dân sự mua bán nhà ở với nguyên đơn và còn thiếu x đồng chưa trả cho nguyên đơn. Lý do chưa trả đủ số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng dân sự mua bán nhà ở là gì… Bị đơn đề nghị…
- Nếu bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, nhưng có yêu cầu phản tố thì ghi là:
Trong đơn yêu cầu phản tố ngày…tháng…năm… và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là bà Trần Thị M đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, nhưng bà M còn trình bày nguyên đơn còn nợ bà x đồng đã đến hẹn trả nhưng chưa trả. Bà Trần Thị M yêu cầu Tòa án giải quyết:
+ Buộc nguyên đơn phải trả nợ cho bà x đồng;
+ Hoặc trừ số tiền x đồng vào khoản tiền mà bà M phải thanh toán (trả) cho nguyên đơn.
- Nếu bị đơn không đồng ý với các yêu cầu của nguyên đơn (không đồng ý một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn) và có yêu cầu phản tố thì cách viết như sau:
Trong văn bản (hoặc đơn) phản tố ngày…tháng…năm và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là bà Lê Vân không đồng ý với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn (hoặc không đồng ý với một phần cụ thể yêu cầu của nguyên đơn) vì… (lý do không đồng ý của bị đơn). Bà Lê Vân còn trình bày (nêu yêu cầu phản tố cụ thể của bị đơn và yêu cầu Tòa án giải quyết).
* Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
- Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì có thể viết như sau:
Trong văn bản ngày…tháng…năm và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là ông Trần Văn Hào (đồng ý hoặc không đồng ý với lời khai, yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn) và trình bày (ghi rõ trình bày của ông Trần Văn Hào) và yêu cầu Tòa án giải quyết (ghi yêu cầu cụ thể).
- Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có yêu cầu độc lập thì cách viết như sau:
Trong văn bản (hoặc đơn) ngày…tháng…năm… và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án là ông Trần Văn Hùng trình bày (ghi rõ lý do của yêu cầu độc lập và yêu cầu giải quyết của ông Trần Văn Hùng).
2/ Viết phần “xét thấy” trong mẫu bản án sơ thẩm
“Xét thấy” là phần quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đối với phán quyết của Hội đồng xét xử bởi đó là những nhận định, đánh giá, phân tích, chứng minh từ những chứng cứ, tài liệu do đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án và tất nhiên, đó là kết quả của cả quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là kết quả hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Căn cứ vào sự phân tích, đánh giá chứng cứ, đối chiếu với quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử có thể kết luận chấp nhận hay không chấp nhận toàn bộ, một phần yêu cầu, đề nghị của các đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Bản án chỉ có sức thuyết phục khi mà các nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử chặt chẽ, logic, rành mạch và đúng quy định của pháp luật. Các nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra, làm rõ tại phiên tòa. Mặt khác, việc nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử phải đầy đủ, toàn diện, không sót lọt các yêu cầu, đề nghị của đương sự và cũng không vượt quá yêu cầu của đương sự (kể cả yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu được bổ sung, thay thế nhưng trong phạm vi của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án).
Theo mẫu bản án sơ thẩm hiện hành thì trong phần xét thấy, trước khi nhận định có một đoạn được in sẵn là “sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:” và sau đó và viết các nhận định, phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận từng yêu cầu, đề nghị cụ thể của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc chấp hành các quy định về tố tụng của Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng.
Theo cách viết này thì không lặp lại hoặc không trình bày những diễn biến tại phiên tòa mà diễn biến tại phiên tòa đã được nêu ở phần nhận thấy. Tuy nhiên, cách viết này chỉ phù hợp trong trường hợp lời khai của các đương sự tại phiên tòa hoàn toàn thống nhất với lời khai của họ tại đơn khởi kiện, đơn phản tố hoặc đơn trình bày yêu cầu độc lập ban đầu của các đương sự. Còn trong trường hợp nếu các lời khai tại Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hoặc khi có yêu cầu thay đổi, bổ sung, rút một phần yêu cầu… thì rất mắc vì:
- Nếu đưa tất cả những vấn đề nêu trên lên phần “nhận thấy” thì vừa dài mà cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu về thể hiện nội dung của vụ án mà không thể nhận định đánh giá được các vấn đề mâu thuẫn từ các tài liệu, lời khai.
- Việc đánh giá, nhận định, phân tích các mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, phân tích để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung hoặc rút một phần yêu cầu khởi kiện phải nằm ở phần “xét thấy”. Do đó, trong phần xét thấy sẽ phải nêu lại những vấn đề của phần “nhận thấy”. Việc lặp lại vấn đề trong hai phần này làm cho bản án dài dòng và thiếu tính logic.
Theo chúng tôi, có thể tùy theo diễn biến cụ thể của từng vụ án cụ thể, có thể lựa chọn cách viết cho phù hợp hơn.
Ví dụ: Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa lời khai trước sau của đương sự hoặc sự mâu thuẫn giữa lời khai trước đó với lời khai tại phiên tòa, có sự thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì nên đưa xuống phần nhận xét thấy và cách viết như sau:
- Cách 1: Xét thấy:
Tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn A xin bổ sung yêu cầu về việc đòi bị đơn là bà Trần Thị H phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi suất trong thời gian từ ngày…tháng…năm… Xét yêu cầu bổ sung của nguyên đơn trong phạm vi của yêu cầu khởi kiện và đúng quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 32 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bổ sung của nguyên đơn.
- Cách 2: Xét thấy
Viết và giải quyết (đánh giá, nhận định về từng yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu) sau đó mới xem xét đánh giá về yêu cầu bổ sung và giải quyết luôn yêu cầu đó cả về mặt tố tụng và nội dung nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bổ sung. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận thì chỉ xem xét về phần tố tụng mà không cần phân tích đánh giá về nội dung.
Tùy theo lựa chọn cách 1 và cách 2, trong phần xét thấy đều vẫn phải phân tích, đánh giá về các mâu thuẫn trong lời khai của đương sự, đối chiếu với việc đánh giá các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, được “mổ xẻ” trong phần tranh luận để kết luận về vấn đề đó.
Tuy nhiên, đối với những tình tiết, sự kiện mà các đương sự đã thừa nhận, không có tranh chấp thì theo khoản 2 Điều 80 BLTTDS đây không phải là tình tiết phải chứng minh bằng chứng cứ, nhưng trong bản án cũng phải nhận định về sự thừa nhận này của các đương sự. Còn nếu giữa các bên đương sự không có sự thỏa thuận hay thừa nhận về tình tiết thì trong bản án phải phân tích, chứng minh bằng chứng cứ để đưa ra kết luận là tình tiết đó đúng hay không đúng.
Ví dụ: Bị đơn thừa nhận có thuê nhà của Nguyên đơn, nhưng cho rằng đã trả đủ tiền thuê nhà hàng tháng theo đúng hợp đồng thuê nhà, do đó không chấp nhận yêu cầu đòi tiền thuê nhà. Để xác định việc bị đơn đã trả đủ tiền thuê nhà hay chưa thì phải xem xét các chứng cứ về việc trả tiền nhà, chẳng hạn như các giấy xác nhận đã trả tiền nhà có chữ ký của các bên giao, nhận hoặc hóa đơn thu tiền nhà vv… Các chứng cứ này do cả hai bên nguyên đơn, bị đơn xuất trình. Cũng có thể đó là những tài liệu mà Tòa án thu thập được như lời khai của người làm chứng, hợp đồng thuê nhà vv…
Tuy nhiên, nếu có quá nhiều chứng cứ để khẳng định về một tình tiết nào đó thì không cần thiết phải nêu tất cả các chứng cứ đó trong bản án mà chỉ lựa chọn một vài chứng cứ vừa, đủ để chứng minh.
Đối với các chứng cứ được lấy ta từ các tài liệu, biên bản điều tra, xác minh thì không cần thiết phải trích dẫn toàn bộ nội dung mà chỉ cần nêu tên của văn bản, tài liệu đó (tất nhiên đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa). Nếu xét thấy cần phải trích dẫn văn bản, tài liệu thì cũng rất ngắn, gọn, đầy đủ và phải đảm bảo chính xác.
Ví dụ: Khi trích dẫn về biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ cũng chỉ cần viết là: tại biên bản thẩm định, xem xét tại chỗ (bút lục số…), Tòa án thấy diện tích của ngôi nhà tuy chỉ có…m2 nhưng về ngang mặt phố là 5m nên có thể chia bằng hiện vật để các đương sự tiếp tục sử dụng làm nơi bán hàng và thuận tiện trong sinh hoạt…
Viết phần “xét thấy” là một kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ, khả năng phân tích và chứng minh bằng các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Trong một vụ án có thể có nhiều tình tiết khác nhau, nhiều vấn đề khác nhau, nhiều yêu cầu khác nhau (yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập…). Bản án phải viết theo bố cục giải quyết dứt điểm từng vấn đề, từng yêu cầu và phải đưa ra các đánh giá, nhận định về từng vấn đề, từng yêu cầu đó. Tuy nhiên, cũng có thể có những vấn đề có liên quan đến nhau, ví dụ như vấn đề khởi kiện và yêu cầu phản tố của bị đơn thì có thể viết nhận định về yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố.
Đánh giá, nhận định trong phần “xét thấy” là tiền đề hay là cơ sở pháp lý để Hội đồng xét xử quyết định việc giải quyết vụ án. Do đó, các đánh giá, nhận định này phải đảm bảo tính thống nhất, không được mâu thuẫn với nhau và phải cụ thể. Ví dụ: Nguyên đơn được chia…m2 nhà, bị đơn được…m2 nguyên đơn phải bù chênh lệch cho bị đơn x đồng.
- Việc viện dẫn quy định của pháp luật:
Sau khi phân tích, chứng minh bằng chứng cứ, để đưa ra các đánh giá, nhận định, bản án cần viện dẫn các quy định của pháp luật về vấn đề mà Tòa án giải quyết (quan hệ pháp luật có tranh chấp). Việc viện dẫn này cần tỷ mỉ, đầy đủ và chính xác.
Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 2.1 mục 5 phần I Nghị quyết số…/2013/NQ-HĐTP ngày…tháng…năm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về…thì “…”
Tùy theo quan hệ pháp luật có tranh chấp, cách viết phần xét thấy có thể khác nhau về ngôn ngữ thể hiện, về các tài liệu, chứng cứ, về viện dẫn tài liệu, chứng cứ, viện dẫn các quy định pháp luật tương ứng nhưng đều phải thể hiện được đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử về việc giải quyết tranh chấp đó.
Việc trình bày của Luật sư hay đại diện Viện kiểm sát hoặc của các đương sự có thể được thể hiện ngắn gọn trong phần xét thấy một cách rất khéo léo khi Hội đồng xét xử đánh giá, nhận định.
Ví dụ: Khi đánh giá việc ly hôn, Hội đồng xét xử có thể nhận định “Hội đồng xét xử xét thấy… cần bác yêu cầu xin ly hôn của anh A với chị B như đề nghị của Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích của bị đơn tại phiên tòa”.
- Về án phí: Án phí là nghĩa vụ của các đương sự (trừ trường hợp không phải nộp án phí hoặc được miễn án phí). Mặc dù đây là vấn đề “phụ” trong bản án nhưng nếu không nắm vững quy định của pháp luật về án phí thì bản án dễ bị sai. Các đương sự có thể thỏa thuận về án phí hoặc Tòa án quyết định án phí của từng đương sự. Việc nhận định về án phí trong phần xét thấy cũng phải cụ thể, rõ ràng và đảm bảo chính xác. Đã có không ít bản án phải đính chính hoặc bị sửa về án phí do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
3/ Viết phần quyết định của bản án
Quyết định của bản án là sự đánh giá, nhận định và khẳng định quyền, nghĩa vụ của đương sự trong vụ án và các đương sự buộc phải thi hành khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Quyết định của bản án phải là bản sao của biên bản nghị án. Biên bản nghị án dựa trên các đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử trong phần xét thấy. Một vấn đề bào đó chỉ được quyết định khi đã được xem xét tại phiên tòa, được Hội đồng xét xử nhận định, kết luận trong biên bản nghị án. Không thể không có nhận định mà lại có quyết định hoặc ngược lại có nhận định mà lại không có quyết định.
Như vậy, để quyết định cụ thể, rõ ràng, chính xác thì biên bản nghị án cũng phải thật tỷ mỉ, rõ ràng, rành mạch, đầy đủ và chính xác. Nghị án những vấn đề gì thì quyết định những vấn đề đó, không có nghị án thì không có trong quyết định của bản án.
- Cách trình bày phần quyết định
Theo hướng dẫn tại mục 26 (hướng dẫn sử dụng mẫu bản án sơ thẩm) thì các điều luật được ghi ở phần quyết định. Các điều luật này phải là những điều luật mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án, những điều luật có liên quan khác như thẩm quyền, thời hạn xét xử, thời hiệu… hoặc một số quy định có tính nguyên tắc thì không cần phải viện dẫn trong quyết định của bản án. Tuy nhiên, nếu quy định pháp luật đó ảnh hưởng trực tiếp, có hiệu lực thi hành ngay thì Hội đồng xét xử phải viện dẫn.
Ví dụ: Khi quyết định về tiền bồi thường thiệt hại mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động để họ điều trị thì bị đơn phải thi hành ngay mặc dù có thể có kháng cáo, kháng nghị. Vì thế, quyết định của bản án phải ghi “Căn cứ…khoản, điều…, khoản 2 Điều 375 BLTTDS, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 10 triệu đồng, quyết định này được thi hành ngay, mặc dù có thể có kháng cáo, kháng nghị”.
- Ghi quyết định của Tòa án đối với yêu cầu của đương sự: yêu cầu của đương sự có thể được Hội đồng xét xử quyết định theo các hướng dẫn sau đây:
+ Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của đương sự;
+ Chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự;
+ Không chấp nhận yêu cầu của đương sự.
Tùy theo các hướng nêu trên mà phần này có thể viết khác nhau. Ví dụ: nếu Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn thì viết như sau: (Chẳng hạn vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)
+ Buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn:
- 10 triệu đồng tiền viện phí
- 20 triệu đồng tiền thuốc men
- 5 triệu đồng về tổn thất tinh thần
- 10 triệu đồng tiền mất thu nhập
- 5 triệu đồng về thiệt hại tài sản.
Tổng cộng là 50 triệu đồng.
Trường hợp này không cần phải viết là “Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn”.
Khi viết phần quyết định, cần chú ý rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ. Ví dụ: Nếu nguyên đơn đòi hỏi bị đơn phải trả 100 triệu đồng nhưng Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận 60 triệu đồng thì bản án phải quyết định:
+ Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 60 triệu đồng.
+ Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn trả 40 triệu đồng.
Cách viết này rõ ràng và rõ hơn là nguyên đơn phải chịu án phí của 40 triệu đồng mà Hội đồng xét xử không chấp nhận.
Chú ý:
* Cách viết quyết định nên đi thẳng vào vấn đề, không cần dài dòng. Ví dụ: Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận B phải trả A số tiền là 10 triệu đồng thì không nên viết là:
- Chấp nhận yêu cầu A đòi B trả 10 triệu đồng
- Buộc B phải trả A 10 triệu đồng.
Mà chỉ cần viết là: “Buộc B phải trả A 10 triệu đồng”
* Khi có đối trừ nghĩa vụ cũng không được tuyên đối trừ mà vẫn phải tuyên tách riêng từng yêu cầu
Ví dụ:
- Buộc bị đơn phải trả nguyên đơn 20 triệu đồng.
- Buộc nguyên đơn phải trả bị đơn 5 triệu đồng.
Không tuyên (đối trừ nghĩa vụ của hai bên, bị đơn còn phải trả nguyên đơn 15 triệu đồng). Việc đối trừ ngày sẽ được thực hiện khi các đương sự thực hiện nghĩa vụ và quyền yêu cầu thi hành án. Có thể họ yêu cầu hoặc không yêu cầu thi hành án dân sự. Mặt khác cách tuyên đối trừ sẽ không đảm bảo khi Tòa án tính án phí đối với cả nguyên đơn và bị đơn (án phí sẽ giảm đi).
- Quyết định về án phí phải ghi rõ ràng mức án phí mà các đương sự phải nộp theo quy định của pháp luật, án phí dân sự sơ thẩm bà án phí theo giá ngạch (nếu có).
- Quyết định về quyền kháng cáo của đương sự đối với trường hợp có mặt hoặc vắng mặt tại phiên tòa.
- Quyết định về việc phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
- Phải viết cụ thể quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án về thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

- Ký bản án gốc: Bản án gốc được thông qua tại phòng nghị án và các thành viên của Hội đồng xét xử phải ký vào bản án đó trước khi tuyên án. Bản án gốc này được sao ra nhiều bản, Thẩm phán thay mặt Hội đồng xét xử ký vào bản án chính và được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức khởi kiện (xem mẫu bản án sơ thẩm).
Nguyễn Quang Lộc - Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra