Kỹ năng viết bản án hình sự sơ thẩm

Bản án hình sự sơ thẩm được quy định tại Điều 224 của Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS). Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, bản án hình sự sơ thẩm là văn bản tố tụng đánh dấu sự kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử, khẳng định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội và nếu phạm tội thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự (BLHS), các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo và Hội đồng xét xử về giải quyết vụ án. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải chỉ rõ những căn cứ xác định bị cáo không phạm tội, đồng thời quyết định việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Như vậy, Hội đồng xét xử là chủ thể duy nhất có quyền ban hành văn bản pháp lý quan trọng này. Xét xử vụ án hình sự là sự thể hiện rõ rệt quyền lực Nhà nước và là một biện pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Một bản án được lập luận chặt chẽ, logic trên cơ sở phân tích, chứng minh đầy đủ, khách quan, toàn diện những chứng cứ đã được thẩm tra, làm rõ tại phiên tòa và các quyết định của bản án chính xác, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ và đề cao tính giáo dục, phòng ngừa. Bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chẳng những làm cho người phạm tội " tâm phục, quy định của pháp luật, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức pháp luật và đặt niềm tin vào công lý. Vai trò, vị trí của Tòa án được nâng lên khi nhân dân tin tưởng vào các bản án của Tòa án.
Chính vì ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên của bản án hình sự sơ thẩm nên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba " xét xử sơ thẩm" của BLTTHS năm 2003, trong đó tại Điều 2 mục IV đã hướng dẫn về Điều 224 của BLTTHS. Đồng thời, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) cũng đã ban hành một số mẫu văn bản tố tụng kèm theo Nghị quyết, trong đó có mẫu bản án hình sự sơ thẩm. Đây là căn cứ pháp lý để các Thẩm phán áp dụng khi viết bản án hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là mẫu về bố cục, đáp ứng các quy định tại các Điều 185,224 và 307 của BLTTHS năm 2003. Vấn đề quan trọng hơn là việc trình bày các nội dung đó như thế nào để bản án đáp ứng được các yêu cầu cơ bản là bản án phải chính xác, có sự thuyết phục; phải có căn cứ và phải hợp pháp lại thuộc về kỹ năng, trình độ viết của Thẩm phán.

I/ Viết phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm
Mặc dù là phần mở đầu, chỉ phản ánh những vấn đề có tính hình thức nhưng dó lại là hình thức của tố tụng, được pháp luật tố tụng quy định khi viết phần mở đầu cũng đòi hỏi phải đảm bảo tính chính xác, đúng và đầy đủ.
Khoản 2 Điều 224 BLTTHS quy định:
" Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Toa án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.
- Ghi tên Tòa án: Nếu là TAND cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực thì phải ghi tên của Tòa án đó và tên Tòa án cấp trên trực tiếp.
Ví dụ: TAND huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định hoặc: Tòa án quân sự khu vực 1- Quân khu 4
Ví dụ: TAND Thành phố Hải Phòng hoặc Tòa án quân sự Quân khu 5
Nếu là TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu thì ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tên quân khu
- Ghi bản án: Ví dụ: Bản án số 50/2013/HSST
- Ghi ngày của bản án: Vụ án có thể được xét xử trong một ngày nhiều ngày liên tục hoặc có thể không liên tục vì rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ, nhưng dù trong trường hợp nào thì ngày của bản án cũng là ngày tuyên án.
Ví dụ: Bản án được tuyên án vào ngày 25/10/2013 thì bản án đó ghi ngày là 25/10/2013.
- Ghi tên Tòa án xét xử vụ án: Như cách ghi tên Tòa án nêu ở phần trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi có cần thiết phải viết lại tên của Tòa án cấp trên trực tiếp không vì phần trên đã viết rồi, nếu viết lại thực ra không thật cần thiết. Do đó trong phần này, đối với bản án của TAND cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực chỉ cần viết tên của Tòa án đó là đủ:
Ví dụ: Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
TAND huyện Mỹ Lộc
Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:
- Ghi thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX)
+ Nếu thành phần HĐXX gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và họ tên của hai Hội thâm nhân dân (hoặc Hội thẩm quân nhân nếu là Tòa án quân sự).
+ Nếu thành phần HĐXX gồm năm người thì phải ghi đầy đủ họ tên Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán là thành viên của HĐXX, họ tên của ba Hội thẩm nhân dân (hoặc hội thẩm quân nhân nếu là Tòa án quân sự).
+ Nếu vụ án xét xử người chưa thành nhiên phạm tội hoặc người bị hại là người chưa thành niên thì nhất thiết phải ghi rõ nghề nghiệp và nơi công tác của Hội thẩm là giáo viên hoặc Đoàn thanh niên cộng  sản Hồ Chí Minh. ( quy định tại Điều 307 BLTTHS và Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp, Bộ Lao động Thương binh - Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.
Nếu bị cáo đã là người thành niên hoặc đến khi xét xử họ đã là người thành niên thì không nhất thiết phải ghi nghề nghiệp, nơi công tác của Hội thẩm nhân dân và cũng không nhất thiết phải có thành phần Hội đồng xét xử như khi xét xử đối với người chưa thành niên.
- Ghi họ tên Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa và tên Tòa án nơi Thư ký Tòa án đang công tác.
Ví dụ: Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Hùng
          Cán bộ TAND quận Hai Bà Trưng
Thư ký Tòa án là một chức danh pháp lý trong bộ máy tổ chức của Tòa án và  thông thường họ là những người tiến hành tố tụng trong phiên tòa nên trong ngành Tòa án còn có thuật ngữ là Thư ký phiên tòa. Để thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản phiên tòa thì không nhất thiết phải và chỉ có Thư ký Tòa án mà trong một số trường hợp Chánh án có thể phân công chuyên viên, Thẩm tra viên, thậm chí là Thẩm phán làm nhiệm vụ này (Chẳng hạn các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm)
- Ghi họ tên kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hoặc Viện kiểm sát quân sự
Ví dụ: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa tham gia phiên tòa:
          Ông Trần Trung Dũng Kiểm sát viên
          Hoặc: Đại diện Viện kiểm sát quân sự quân khu 4 tham gia phiên tòa:
          Bà Trần Thị Hà kiểm sát viên.
Chú ý: Trong trường hợp có hai hoặc nhiều Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên thì phải ghi đầy đủ họ và tên những người tiến hành tố tụng đó tại phần đầu án.
Đối với những vụ án phức tạp, phải xét xử trong nhiều ngày thì phải có sự chuẩn bị, bố trí Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết. Những người tiến hành tố tụng dự khuyết này phải có mặt tại phiên tòa từ đầu để theo dõi việc xét xử. Trong trường hợp đặc biệt, họ có thể thay thế thành viên của Hội đồng xét xử ( Điều 186 BLTTHS). Tuy nhiên, cho đến nay cách ghi những người tiến hành tố tụng dự khuyết ( Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên) như thế nào trong bản án hoặc ghi như thế nào khi có sự thay đổi thì chưa được HĐTP hướng dẫn cụ thể:
Theo chúng tôi, đây cũng là vấn đề cần phải hướng dẫn để giải quyết ngay trong phần thủ tục phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa cần và phải giới thiệu thành phần HĐXX, những người tiến hành tố tụng dự khuyết để những người tham gia tố tụng thực hiện quyền xin thay đổi. Nêu như họ không xin thay đổi ai, kể cả những người dự khuyết thì khi phải thay thế, bổ sung người tiến hành tố tụng dự khuyết thì HĐXX không phải làm lại thủ tục của phần bắt đầu phiên tòa.
Những người tiến hành tố tụng dự khuyết được ghi vào biên bản phiên tòa và nếu có sự thay thế thì cũng phải thể hiện tại biên bản phiên tòa. Như vậy, bản án chỉ ghi thành phần HĐXX bao gồm những thành viên của HĐXX ở thời điểm nghị án và tuyên án chứ không bao gồm cả những người dự khuyết hoặc đã được thay thế, bổ sung.
- Ghi ngày xét xử:
+ Nếu chỉ xét xử trong ngày thì ghi là: Trong... ngày... tháng... năm
+ Nếu xét xử trong nhiều ngày liên tục thì ghi: Trong các ngày 2,3,4 tháng... năm...
+ Nếu xét xử trong quá nhiều ngày thì ghi: Trong các ngày từ 2 đến 15 tháng... năm...
+ Nếu thời gian xét xử liên tục nhưng khác tháng thì ghi: Trong các ngày, từ ngày...tháng...đến ngày... tháng... năm.
+ Nếu xét xử không liên tục do gặp ngày lễ, ngày nghỉ kéo dài thì ghi là: Trong các ngày...tháng và các ngày...tháng...năm
Ví dụ: Trong các ngày 8,9,10 tháng 7 và các ngày 13,14,15 tháng 7 năm 2013.
- Ghi địa điểm xét xử:
Ví dụ: Trong các ngày 2 và 3 tháng 11 năm 2013, tại trụ sở TAND thành phố Hà Nội
Hoặc: Trong ngày 14 tháng 11 năm 2013, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội ( xử lưu động)
- Ghi rõ sổ thụ lý vụ án:
Ví dụ: vụ án hình sự thụ lý số 105/2013/HSST ngày 21 tháng 11 năm 2013.
- Ghi bị cáo: Nếu vụ án chỉ có một bị cáo thì ghi "đối với báo cáo"; nếu vụ án có nhiều bị cáo thì ghi " đối với các bị cáo"
+ Ghi đầy đủ họ và tên bị cáo, các bí danh, các tên gọi khác ( nếu có)
Ví dụ: 1. Họ và tên: Nguyễn Xuân Dũng; bí danh Dũng đen; tên gọi khác là Nguyễn Hữu Dũng.
+ Ghi ngày, tháng, năm sinh: Chỉ ghi cụ thể ngày, tháng, năm sinh đối với các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đường lối, thủ tục tố tụng phải áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Đối với những trường hợp đã là người thành niên thì chỉ cần ghi năm sinh của họ.
+ Ghi nơi cư trú: Nơi cư trú có thể là nơi họ thường sinh sống và có thể đồng nghĩa với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng cũng có thể không đồng nghĩa. Một người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi nhưng lại cư trú, làm ăn sinh sống tại Hà Nội hoặc ngược lại. Do đó, theo quy định tại Điều 224 BLTTHS thì Tòa án ghi nơi cư trú, tức là ghi nơi họ sống, làm việc thường xuyên ( có thể có đăng ký tạm trú).
+ Ghi nghề nghiệp: Nếu bị cáo có nghề thì ghi nghề nghiệp của họ, nếu không có nghề nghiệp thì tùy từng trường hợp có thể ghi là không có nghề nghiệp hoặc nội trợ, hoặc già yếu...
+ Ghi trình độ văn hóa: Trình độ văn hóa khác với trình độ nghề nghiệp. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể để ghi cho phù hợp. Ví dụ một người là cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ một ngành nào đó thì đương nhiên họ phải tốt nghiệp phổ thông trung học. Do vậy, nếu chi ghi trình độ văn hóa lớp 10 ( cũ) hoặc lớp 12 thì chưa đủ mà nên ghi bằng cấp của họ thì rõ hơn về trình độ nhận thức xã hội nói chung và nhận thức pháp luật nói riêng. Đối với trường hợp không có bằng cấp cao thì chỉ ghi trình độ văn hóa lớp... hoặc không biết chữ.
- Ghi tên bố, mẹ: Phải ghi đúng và đầy đủ tên bố, mẹ. Trường hợp đó là bố nuôi, mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế thì phải ghi rõ cả tên bố mẹ đẻ và người nuôi dưỡng (nếu có tên của bố mẹ đẻ)
- Ghi tên vợ hoặc chồng: Chỉ ghi vợ hoặc chồng hợp pháp (có đăng ký kết hôn). Trường hợp sống với nhau như vợ chồng thì không ghi vì đó không phải là vợ chồng.
- Ghi con: Chỉ cần ghi số con. Ví dụ: Có 2 con, lớn 10 tuổi và nhỏ 6 tuổi hoặc có 2 con đều đã trưởng thành (trên 18 tuổi)
- Ghi tiền án, tiền sự
+ Tiền án: Chỉ ghi những tiền án chưa được xóa án tích, không ghi những tiền án mà theo quy định của pháp luật đã được xóa án hoặc không được coi đó là tái phạm ( tiền án đối với người phạm tội dưới 16 tuổi)
+ Tiền sự: Chỉ ghi những lần bị xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội thì chưa hết thời hạn được coi như chưa bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên cần lưu ý là thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật khác nhau. Luật xử lý vi phạm hành chính là 1 năm, nhưng có những văn bản luật khác lại có thể dài hơn về thời hạn. Ví dụ: trong xây dựng hoặc bắt buộc cai nghiện thì thời hạn này lại là thời hạn 2 năm. Do đó, việc xác định tiền sự còn thời hạn hay đã hết thời hạn đặc biệt quan trọng trong những trường hợp mà dấu hiệu " đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật" là dấu hiệu định tội
- Ghi ngày tạm giữ, tạm giam:
Nếu bị cáo bị bắt tạm giữ, sau đó là tạm giam thì ngày bắt giam tính từ ngày tạm giữ. Nếu bị cáo bị bắt tạm giam thì ghi ngày bắt tạm giam. Nếu có ngày được tại ngoại ( trả tự do) thì ghi ngày trả tự do; nếu sau khi được cho tại ngoại lại bị bắt lại thì cũng phải ghi ngày bắt lại.
- Ghi sự có mặt, vắng mặt của bị cáo: nếu bị cáo có mặt tại phiên tòa thì ghi là "có mặt"; nếu không có mặt tại phiên tòa thì ghi là " vắng mặt"
- Ghi người đại diện hợp pháp: Nếu bị cáo có người đại diện hợp pháp thì ghi họ tên và mối quan hệ đối với bị cáo.
Ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn B là bà Trần Thị H mẹ đẻ của bị cáo B có mặt hoặc vắng mặt.
- Ghi người bào chữa cho bị cáo
Nếu có người bào chữa cho bị cáo thì ghi tên của bị cáo và tên người bào chữa cho bị cáo. Nếu người bào chữa là luật sư th phải ghi rõ họ tên thuộc Văn phòng Luật sư và Đoàn Luật sư nào:
Ví dụ: Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn K:
- Ông Đỗ Hồng Hà, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hà và cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng:
Nếu người bào chữa không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bào chữa đó:
Ví dụ: người bào chữa không phải là luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi cộng tác của người bào chữa đó:
Ví dụ: Người bào chữa cho bị cáo là Trần Văn K:
- Bà Đỗ Thị Kim, bào chữa viên nhân dân, công tác tại Hội luật gia tỉnh Hưng Yên.
Những người bào chữa nếu có mặt thì phải ghi là "có mặt", nếu vắng mặt thì phải ghi là "vắng mặt". Sự có mặt hoặc vắng mặt của người bào chữa tại phiên tòa, trong một số trường hợp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc xét xử hay hoãn phiên tòa. Chẳng hạn nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì dù người bào chữa có gửi bào chữa đến phiên tòa thì nếu họ vắng mặt thì HĐXX vẫn phải quyết định hoãn phiên tòa ( Điều 190 BLTTHS).
- Ghi những người tham gia tố tụng khác: Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định. Cách ghi tương tự như đối với bị cáo nhưng ngắn gọn hơn.
Ví dụ: Người bị hại: Ông Hoàng Văn B, sinh năm 1976, thường trú tại xóm 2 thôn 3 xã Y huyện X tỉnh K. "Có mặt" hoặc "vắng mặt".
+ Trường hợp người tham gia tố tụng ( trừ người phiên dịch và người giám định) là người chưa thành niên hoặc trẻ em thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh. Đặc biệt đó là người bị hại vì tuổi của người bị hại trong một số loại tội ( như các tội phạm về tình dục) có tính chất quyết định hành vi của bị cáo phạm tội gì ( hiếp dâm trẻ em, dâm ô với trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, mua dâm người chưa thành niên hoặc mua bán người hay mua bán trẻ em.
+ Đối với những trường hợp người tham gia tố tụng là người chưa thành  niên thì phải ghi họ và tên, tuổi, nơi cư trú, mối quan hệ với người tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp (như cách ghi đối với bị cáo).
+ Nếu những người tham gia tố tụng (người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì cũng phải ghi họ tên của Luật sư hoặc bào chữa viên nhân dân (như cách ghi đối với người bào chữa cho bị cáo).
+ Nếu người phiên dịch, người giám định: Cần ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, nơi công tác.
Ví dụ: Người giám định: ông Đỗ Khắc Hùng, giám định viên thuộc phòng Khoa học kỹ thuật hình sự, Công an thành phố H.
+ Đối với những người tham gia tố tụng nếu có mặt tại phiên tòa thì ghi là "có mặt", nếu vắng mặt tại phiên tòa thì phải ghi là "vắng mặt". Sự có mặt hay vắng mặt của họ ảnh hưởng đến việc sau này Tòa án tuyên về quyền kháng cáo và thực hiện việc đảm bảo quyền kháng cáo của họ.
II/ Viết phần "Nhận thấy" của bản án hình sự sơ thẩm
" Nhận thấy" là phần thể hiện các hành vi phạm tội của bị cáo ( hoặc các bị cáo) mà Viện kiểm sát truy tố trong nội dung của bản cáo trạng. Thực tế có nhiều bản án gần như chép lại bảo cáo trạng trong phần này, làm cho bản án  dài, thừa và không logic. Khi đã chép cáo trạng thì lại chép nguyên văn, chép cả những viện dẫn chứng cứ của cáo trạng và nếu các chứng cứ mà Viện kiểm sát viện dẫn trong bản cáo trạng cũng là những chứng cứ mà Tòa án sử dụng để buộc tội thì vô hình chung, Tòa án lại lặp lại chứng cứ khi phân tích trong phần "xét thấy".
Theo chúng tôi, trong nghiên cứu hồ sơ vụ án có hai cách thì trong phần "nhận thấy" cũng có thể có hai cách viết. Chúng tôi xin nêu cụ thể như sau:
1/ Cách viết thứ nhất:
Khi nghiên cứu hồ sơ theo phương pháp tổng hợp ( tức là theo trình tự tố tụng, trình tự về thời gian). không bị lệ thuộc vào kết luận điều tra hay bản cáo trạng. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán tự mình tổng hợp được diễn biến của vụ án, xác định được các hành vi, các sự kiện xảy ra của vụ án. Theo đó, tự Thẩm phán có thể tóm tắt những vấn đề cơ bản của vụ án và đối chiếu với kết quả điều tra, kết quả truy tố xem có vấn đề gì, tình tiết nào phù hợp hoặc không phù hợp. Từ cách nghiên cứu này, do không bị chi phối bở bản cáo trạng nên Thẩm phán có thể viết phần " nhận thấy" theo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án mà không phải là theo bản cáo trạng.
Ví dụ: Theo hồ sơ vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân Huyện K truy tố như sau:
Thẩm phán sẽ viết hay trình bày sự việc phạm tội, các hành vi phạm tội của bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố. Những hành vi tuy được thể hiện trong hồ sơ hoặc trong bản cáo trạng nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không cần ghi. Tuy nhiên, nếu xét thấy các hành vi đó có thể là căn cứ, là dấu hiệu của một tội phạm khác hoặc đó là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là tình tiết định khung hình phạt thì cũng cần phải viết để làm tiền đề cho phần "xét thấy" khi cần thiết phải khởi tố vụ án, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Chú ý: Trong phần "nhận thấy" chỉ mô tả, trình bày sự việc, các hành vi mà theo bản cáo trạng thì đó là các tội phạm, không viện dẫn các chứng cứ để xác định hành vi đó. Chẳng hạn không viện dẫn biên bản giám định pháp y số... ngày...tháng... năm...(bút lục số...) hoặc lời khai của bị cáo tại các bút lục số...
2/ Cách viết thứ hai
Dựa trên cách nghiên cứu hồ sơ vụ án theo phương pháp không theo trình tự tố tụng, không theo thời gian. Thẩm phán đọc kết thúc điều tra, bản cáo trạng có thể nắm được những vấn đề cơ bản của vụ án. Tuy đây là phương pháp nhanh, tận dụng được kết quả điều tra đã được Viện kiểm sát tổng hợp trong bản cáo trạng, nhưng dễ bị lệ thuộc, chi phối bởi quan điểm của cơ quan điều tra và cơ quan truy tố và cũng dễ bị xét xử sai, thậm chí xét xử oan.
Từ cách nghiên cứu hồ sơ vụ án này, Thẩm phán viết phần "nhận thấy" theo nội dung truy tố của bản cáo trạng.
Tuy nhiên, đây vẫn là phần trình bày sự việc phạm tội, hành vi phạm tội theo truy tố của Viện kiểm sát nên việc trình bày theo hướng tóm tắt không viện dẫn chứng cứ, không sao chép nguyên bản của bản cáo trạng nhưng Viện kiểm sát không truy tố hoặc không có liên quan đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, định khung hình phạt hoặc là dấu hiệu của một hoặc các tội phạm khác.
Ví dụ: Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An truy tố về các hành vi phạm tội như sau:
(Tóm tắt nội dung của sự việc phạm tội, các hành vi mà bản cáo trạng đã truy tố bị cáo)
Chú ý: Cũng như cách viết thứ nhất, cách viết này cũng không viện dẫn các tài liệu, chứng cứ để tránh việc phải lặp lại trong phần "xét thấy"
- Dù viết  theo cách nào thì trong trường hợp có nhiều bị cáo, nhiều hành vi phạm tội khác nhau thì việc trình bày cũng phải đảm bảo tính logic, đầy đủ.
Ví dụ: Vụ án có 3 bị cáo phạm các tội giết người, trộm cắp tài sản và đánh bạc, nhưng trong đó Viện kiểm sát truy tố bị cáo A và B tội giết người; A và C tội trộm cắp tài sản; A,B,C tội đánh bạc.
Khi trình bày nội dung của vụ án, cần trình bày theo thứ tự:
+ Sự việc phạm tội và hành vi giết người của bị cáo A và B;
+ Sự việc phạm tội và hành vi trộm cắp tài sản của bị cáo A và C;
+ Sự việc phạm tội và hành vi đánh bạc của các bị cáo A,B,C.
- Cuối phần "nhận thấy" cần viết chính xác, đầy đủ quyết định truy tố của Viện kiểm sát đối với từng bị cáo, về từng tội danh cụ thể:
Ví dụ:  Tại bản cáo trạng số 27 ngày 05 tháng 12 năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã truy tố bị cáo Giang A Páo về tội giết người theo điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS và tội Cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.
- Về câu "Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ và kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo người bào chữa ( nếu có) và những người tham tố tụng khác" của bản án hình sự sơ thẩm, ban hành kèm Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán số 04/2004 ngày 05/11/2004.
Có nhiều quan điểm khác nhau về sử dụng câu viết này như thế nào cho hợp lý và logic. Đây là cầu nối giữa phần "nhận thấy" với phần "xét thấy" hay là câu khẳng định kết quả tại phiên tòa hoặc đó là sự mô tả diễn biến của phiên tòa? Dù hiểu theo cách nào thì cũng đều chưa đầy đủ và thiếu thuyết phục.
  +  Nếu cầu nối giữa hai phần "nhận thấy" và  xét thấy" thì lại thừa và không hợp lý vì trong phần "xét thấy" buộc phải đưa ra để phân tích và khẳng định "căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa". Các căn cứ khác diễn ra tại phiên tòa, được thẩm tra tại phiên tòa.
+ Nếu đó là câu khẳng định thì lại thiếu và không phù hợp với phần nhận thấy (bởi theo bố cục của mẫu thì câu này nằm trong phần "nhận thấy".
+ Nếu đây là câu mô tả diễn biến của phiên tòa thì lại quá chung chung, không đầy đủ, không rõ ràng và vì thế trong phần "xét thấy" vẫn phải lặp lại việc phân tích, đánh giá chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa hoặc những  người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Vì đây là mẫu do HĐTP ban hành nên các Thẩm phán phải thực hiện và không ít Thẩm phán đã thực hiện rất máy móc khi chép nguyên ăn câu này trong bản án của mình. Cần lưu ý rằng đây là mẫu và có thể không đúng với trường hợp này nhưng đúng với trường hợp khác.
Ví dụ: Khi vụ án không có những người tham gia tố tụng khác hoặc có nhưng họ vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án không thể viết là "xem xét" đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của...những người tham gia tố tụng khác được.
Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán sử dụng câu này như thế nào cho phù hợp và đúng với phiên tòa.
Theo chúng tôi, để tránh lặp lại và việc trình bày bản án logic hơn thì nên viết thẳng vào diễn biến của phiên tòa và toàn bộ câu mẫu này được đưa xuống phần "xét thấy" ngay sau quyết định truy tố của Viện kiểm sát.
Ví dụ:
                                                Xét Thấy
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội giết người theo điểm d, khoản 1 Điều 93 BLHS và tội Cướp tài sản theo điểm d, khoản 2 Điều 133 BLHS, đồng thời đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Giàng A Páo 10 năm tù về tội giết người; 8 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt của hai tội là 18 năm tù. Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Giàng A Páo phải bồi thường cho người bị hại là chị Tráng A Mùa 90 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy các vật chứng của vụ án.
Luật sư Trần Văn A đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết: bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội, ăn năn hối cải; gia đình bị cáo đã tích cực bồi thường cho chị Tráng A Mùa 20 triệu đồng trước khi xét xử; bị cáo đã có thời gian đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường B và hiện là thương binh; người bị hại cũng đã có đơn và có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo....
Người bị hại là chị Tráng A Mùa xác nhận đã nhận 20 triệu đồng bồi thường thiệt hại, chị yêu cầu bị cáo bồi thường thêm 70 triệu đồng và đề nghị Toa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Xét lời nhận tội của bị cáo Giàng A Páo tại phiên tòa phù hợp vơi lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại về việc đã bị xâm phạm đến tính mạng và bị chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy, phù hợp biên bản hiện trường xảy ra vụ án, phù hợp với vật chứng đã thu giữ...
Theo cách viết này thì không phải lặp lại và cũng mặc nhiên thể hiện đầy đủ diễn biến phiên tòa, đánh giá, sử dụng chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa...
III/ Viết phần " Xét thấy" của bản án hình sự sơ thẩm
" Xét thấy" là phần cốt lõi, là trọng tân của bản án bởi đây là những nhận định, đánh giá trên cơ sở phân tích khách quan, đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa; các ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, của người bào chữa; của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa hoặc đánh giá các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập nếu họ vắng mặt tài phiên tòa. Nói cách khác, đây là phần mà HĐXX chấp nhận hay bác bỏ kết quả điều tra, truy tố ( một phần hoặc toàn bộ). Chính vì vậy, viết phần "xét thấy" trong các bản án cũng không hoàn toàn giống nhau. Chúng tôi xin nêu về cách viết phần "xét thấy" trong một số trường hợp cụ thể sau đây:
1. Viết phần xét thấy trong trường hợp kết tội đối với bị cáo.
a. Trường hợp vụ án có một bị cáo nhưng khai nhận tội
Trong phần " xét thấy" có thể viết tóm tắt diễn biến tại phiên tòa, tức là nêu về việc bị cáo có nhận tội hay không. Kết luận của Viện kiểm sát hoặc lời buộc tội của người bị hại ( trong trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại); ý kiến của Luật sư, người bào chữa, người tham gia tố tụng ( nếu có).
- Phân tích và đánh giá về những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa để kết tội đối với bị cáo. Xác định hành vi của bị cáo đã phạm tội gì, tội phạm đó được quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo và có thể đánh giá cả động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội. Đối với người phạm tội là người chưa thành niên thì cần xem xét, đánh giá thêm về trình độ nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện, mục đích và có người đã thành niên xúi giục họ phạm tội không.
- Nếu bị cáo bị truy tố và xét xử nhiều tội khác nhau thì phải đánh giá chứng cứ, tài liệu kết tội của từng tội, các tình tiết của từng tội riêng biệt vì có thể ở hành vi phạm tội này là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng nhưng ở hành vi phạm tội khác thì lại không phải. Tuy nhiên, nếu bị cáo phạm nhiều tội thì khi đánh giá về nhân thân có thể đánh giá chung mà không nhất thiết phải đánh giá riêng đối với từng tội, trừ trường hợp nhân thân của người phạm tội là tình tiết hay yếu tố quyết định tội, khung hình phạt.
Chú ý: Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, động cơ, mục đích nếu đã là tình tiết định tội, định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, không được viện dẫn để áp dụng hai hoặc nhiều lần những tình tiết này trong bản án. Đây cũng  chính là các phân tích, đánh giá để quyết định hình phạt chính và các hình phạt bổ sung.
- Phân tích, đánh giá về thiệt hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo hoặc của người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án  (trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại).
- Phân tích, đánh giá để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan trong vụ án.
- Phân tích, đánh giá về vật chứng, hướng xử lý vật chứng đó.
Chú ý: Khi xác định bị cáo phạm tội (kết tội), đánh giá toàn diện các tình tiết như đã nêu phần trên, HĐXX cần xem xét và quyết định các vấn đề: Có buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự không? có tình tiết căn cứ để áp dụng Điều 25, Điều 54 (miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt) hoặc áp dụng khoản 2 Điều 69 để miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, hoặc áp dụng Điều 70 "Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội" hay không.
Nếu không áp dụng được các điều luật trên của Bộ luật hình sự thì HĐXX phải áp dụng hình phạt. Tùy theo chế tài hình phạt của các tội, có thể lựa chọn hình phạt hoặc không được lựa chọn hình phạt. Trường hợp áp dụng hình phạt dưới khung  hình phạt liền kề nhẹ hơn hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn (theo quy định tại Điều 47 BLHS), thì bản án phải phân tích cụ thể, đánh giá, nhận định cụ thể các căn cứ để áp dụng và các căn cứ này phải đúng quy định tại Điều 46 BLHS. Sau khi xác định được mức hình phạt tù, nếu có căn cứ, Tòa án xem xét đến biện pháp chấp hành hình phạt, hay nói cách khác, HĐXX phải quyết định việc có cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội không. Có thể cho bị cáo hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ không.
Tất cả các vấn đề trên đều phải phân tích, nhận định, đánh giá cụ thể trong bản án. Các đánh giá, kết luận trong bản án buộc phải phù hợp với biên bản nghị án. Không được phép thiếu, thừa, sai so với biên bản nghị án.
Ví dụ: HĐXX nghị án và quyết định phải phạt tù đối với bị cáo thì trong bản án không được phép phân tích, nhận định, đánh giá theo hướng phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Hoặc HĐXX nghị án và ghi trong biên bản nghị án là bị cáo phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS thì bản án được phân tích, viện dẫn, đánh giá, nhận định là bị cáo đã phạm tội theo điểm... khoản 2 Điều 133 BLHS.
b) Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo nhưng đều khai nhận tội
Đối với vụ án có nhiều bị cáo, thì phần diễn biến tại phiên tòa nên viết theo cách tổng hợp nếu các bị cáo phạm cùng một tội hoặc có nhóm bị cáo phạm các tội khác nhau nhưng các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Ví dụ: Tại phiên tào các bị cáo A,B,C,D đều khai nhận hành vi rủ nhau trộm cắp xe máy của gia đình ông H vào đêm ngày 12.12.2013. Hoặc: Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố A,B,C,D về tội trộm cắp tài sản theo điểm a, khoản 2 Điều 138 BLHS. Hoặc: Các luật sư đều thừa nhận hành vi của các bị cáo đã phạm tội trộm cắp tài sản nhưng đều cho rằng các bị cáo phạm tội không có tổ chức mà chỉ là đồng phạm. Do đó, các luật sư đề nghị HĐXX chỉ áp dụng khoản 1 Điều 138 BLHS để xử phạt đối với các bị cáo.
Hoặc: Ông Trần Văn H yêu cầu bốn bị cáo phải bồi thường thiệt hại là 12 triệu đồng.
- Phân tích, đánh giá về những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa để kết tội các bị cáo. Do quyết định truy tố của Viện kiểm sát và bào chữa của các luật sư có khác nhau nên bản án phải phân tích, đánh giá cụ thể về sự khác nhau đó để xác định các bị cáo phạm tội gì, tội phạm đó được quy định tại điểm, khoản, điều nào của BLHS. Nếu không chấp nhận truy tố theo điểm của Viện kiểm sát thì bản án chỉ kết tội theo cấu thành cơ bản của điều luật (thông thường là khoản 1)
Ví dụ: Cáo trạng của Viện kiểm sát và kết luận của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đều đề nghị HĐXX xử phạt các bị cáo theo điểm a, khoản 2, Điều 138 BLHS. Trong vụ án này, các bị cáo rủ nhau đi trộm cắp, có chuẩn bị kìm công lực để cắt khóa, chuẩn bị xe máy để chở nhau đến nhà ông H, cả bốn bị cáo đều thực hiện hành vi vào nhà ông H để trộm cắp. Tuy  nhiên, khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo không có sự phân công, không có sự cấu kết chặt chẽ, giữa những người thực hiện hành vi phạm tội nên chưa được coi là có tổ chức mà chỉ là đồng phạm.
- Phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo; nhân thân của từng bị cáo; động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội. Từ đó, đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án theo thứ tụ từ nghiêm trọng đến ít nghiêm trọng ( từ nặng đến nhẹ) và nhận định về đường lối xử lý đối với từng bị cáo (có miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, có áp dụng khoản 2 Điều 69, Điều 70 BLHS không? có áp dụng hình phạt không? Loại hình phạt nào? có căn cứ để áp dụng Điều 60 hoặc Điều 31 BLHS không? có căn cứ để áp dụng Điều 47 BLHS không...)
- Nếu các bị cáo phạm nhiều tội khác nhau thì bản án phải phân tích, đánh giá đối với từng tội, xác định từng tội phạm cụ thể, các tình tiết của từng tội vì các tình tiết của từng tội có thể không giống nhau.
Ví dụ: Phân tích, đánh giá về bồi thường thiệt hại, về xử lý vật chứng về các vấn đề cần chú ý khác cũng tương tự như xét xử đối với vụ án có một bị cáo (xem tiểu mục a)
c) Viết phần xét thấy trong trường hợp bị cáo hoặc các bị cáo không khai nhận tội
Tại các cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo (hoặc các bị cáo) không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Nghĩa vụ chứng minh này thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án mà trực tiếp là HĐXX. Bị cáo có thể khai báo nhưng cũng có thể không khai hoặc khai không đúng sự thật ( chối tội). Nếu HĐXX thấy mặc dù bị cáo không khai nhận tội, nhưng có đầy đủ các chứng cứ để kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo, các chứng cứ này đã được thẩm tra tại phiên tòa, đúng quy định của pháp luật thì trong phần " xét thấy" của bản án phải phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ đó.
Ví dụ: Mặc dù tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo (hoặc các bị cáo) không thừa nhận hành vi tham ô tài sản và cho rằng bị truy tố và xét xử oan, nhưng căn cứ vào các tài lệu, chứng cứ sau đây:
(Phân tích các chứng cứ để xác định hành vi tham ô tài sản như các chứng từ hóa đơn, sổ sách kế toán bị sửa chữa, tẩy xóa, làm giả, làm khống; các chi phí mà các bị cáo nêu ra không đúng với thực tế; không giải trình được sự thiếu hụt kho, quỹ mà mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý; không giải trình được các khoản thu nhưng không đưa vào sổ sách, quỹ hoặc nộp kho bạc; các chứng cứ về lợi dụng hoặc sử dụng quyền hạn, chức trách của mình để chiếm đoạt tài sản...)
- Khi đã phân tích, đánh giá, chứng minh và đưa ra kết luận hay nhận định bị cáo ( hoặc các bị cáo) phạm tội thì việc kết tội cũng tương tự như những trường hợp bị cáo, các bị cáo nhận tội và cách viết phần "xét thấy" cũng tương tự. Tuy nhiên, bản án không được coi việc không nhận tội là hành vi ngoan cố, cố tình chối tội đến cùng hoặc đánh giá đó là các tình tiết phải xử lý nghiêm khắc.
Trong thực tế, có một số bản án sử dụng các ngôn ngữ không tế nhị khi gặp những trường hợp này.
Ví dụ: Mặc dù Tòa án đã đưa ra những chứng cứ rõ ràng nhưng bị cáo vẫn ngoan cố, chối tội đến cùng, chứng tỏ bị cáo không thành khẩn, không ăn năn hối cải, không tiếp thu sự giáo dục của HĐXX nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, ở mức cao của khung hình phạt mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung...
IV/ Viết phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm
Quyết định của bản án là kết quả của cả quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nói cách khác đó là sự đánh giá quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Quyết định của bản án phải và buộc phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa. HĐXX xem xét, đánh giá các chứng cứ đó thông qua hoạt động nghị án. Nếu như trong phần "xét thấy" thể hiện những đánh giá, nhận định của HĐXX và đó cũng chính là những căn cứ để HĐXX ra các quyết định khi nghị án, thì quyết định của bản án phải là và chỉ có thể là bản sao của biên biên nghị án. Nghị án thế nào thì quyết định của bản án phải đúng như vậy. Do đó, phần "xét thấy", nghị án và quyết định của bản án là một thể thống nhất chặt chẽ, không thể có mâu thuẫn trong từng phần hoặc giữa các phần với nhau.
1. Viết phần quyết định trong trường hợp kết tội đối với bị cáo ( hoặc các bị cáo)
- Khi đã có đủ căn cứ kết tội bị cáo thì trong phần quyết định phải tuyên bố bị cáo phạm tội gì; áp dụng các điểm, khoản, điều nào của BLHS; xử phạt bị cáo thế nào (áp dụng loại hình phạt nào) hoặc không áp dụng hình phạt đối với bị cáo (miễn trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường thị trấn); có cho bị cáo hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ không? Có áp dụng hình phạt tử hình không? Hành vi phạm tội của bị cáo có phải trong trường hợp thuộc loại hình thức đặc biệt của tội phạm không (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt) không?
Khi đã tuyên bố bị cáo phạm tội, tuy từng trường hợp để áp dụng các điều luật tương ứng hoặc các biện pháp tương ứng đối với các bị cáo.
Ví dụ: Khi miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì phải áp dụng Điều 25 hoặc Điều 54 BLHS; khi phạt tù cho hưởng án treo thì phải áp dụng Điều 60 BLHS; khi đưa vào trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì phải áp dụng Điều 70 BLHS; khi miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thì phải áp dụng khoản 2 Điều 69 BLHS; khi xử phạt đối với người chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt thì phải áp dụng Điều 17,18 và Điều 52 BLHS; khi sử phạt tử hình thì cần quyết định " tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án"; khi cho bị cáo hưởng án treo thì phải ấn định thời gian thử thách và giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc giao cho cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc để giám sát và giáo dục.
Ví dụ: Tuyên bố bị cáo Trần Văn Đông phạm tội "Trộm cắp tài sản" Áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 138, điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS.
Xử phạt: Trần Văn Đông 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 05 tháng 10 năm 2013. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
- Nếu bị cáo phạm nhiều tội thì phải quyết định về việc phạm từng tội, quyết định hình phạt của từng tội và tổng hợp hình phạt của nhiều tội đó?
Ví dụ: Tuyên bố: bị cáo Nguyễn Văn H, phạm các tội "Trộm cắp tài sản", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý gây thương tích".
Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 138; điểm e khoản 2 Điều 139; điểm d khoản 1 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 50 BLHS.
Xử phạt: Nguyễn Văn H 03 (ba) năm tù về tội " Trộm cắp tài sản"; 03 (ba) năm tù về tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 02 (hai) năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Tổng hợp hình phạt của ba tội, buộc Nguyễn Văn H phải chấp hành hình phạt chung là 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam 12 tháng 10 năm 2013. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
- Nếu bị cáo phải chấp hành bản án trước đó đã có hiệu lực pháp luật thì phải áp dụng Điều 51 BLHS để tổng hợp hình phạt của một hoặc nhiều bản án.
Ví dụ: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình K phạm tội "Cướp tài sản" Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm d khoản 1 Điều 48; Điều 51 BLHS.
Xử phạt: Nguyễn Đình K 10 (mười) năm tù. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt 08 ( tám) năm tù của bản án số 01/2012 ngày 05/1/2012 của TAND thành phố H. Tổng hợp hình phạt của hai bản án, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày...tháng...năm...
- Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo phạm các tội giống nhau hoặc khác nhau thì phải tuyên bố tội phạm của từng bị cáo, các Điều luật viện dẫn (áp dụng) đối với từng bị cáo, quyết định hình phạt đối với từng tội của từng bị cáo; nếu bị cáo phạm nhiều tội thì áp dụng Điều 50 BLHS để tổng hợp hình phạt; nếu bị cáo phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật thì áp dụng Điều 51 BLHS để tổng hợp.
Ví dụ: Trong vụ án có hai bị cáo phạm các tội giống nhau và khác nhau thì quyết định như sau:
Tuyên bố: Bị cáo Trần Văn H phạm tội "Trộm cắp tài sản" và tội "Cố ý gây thương tích"
Áp dụng khoản 1 Điều 138; khoản 1 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 50 BLHS
Xử phạt: Trần Văn H 01 (một) năm tù về tội "Trộm cắp tài sản"; 01 (một) năm tù về tội " Cố ý gây thương tích". Tổng hợp hình phạt hai tội, buộc Trần Văn H phải chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ ngày 10 tháng 8 năm 2013. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Tuyên bố: Nguyễn Việt T phạm tội "Trộm cắp tài sản" và tội "gây rối trật tự công cộng".
Áp dụng khoản 1 Điều 138; khoản 1 ĐIều 245, điểm b,p khoản 1 Điều 46; Điều 50,51 BLHS.
Xử phạt: Nguyễn Việt T 01 ( một) năm tù về tội " Trộm cắp tài sản"; 01(một) năm tù về tội " Gây rối trật tự công cộng". Tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm tù. Bị cáo phải chấp hành hình phạt 06  (sáu) tháng tù của bản án số 118/2012 ngày 17/12/2012 của TAND huyện M. Tổng hợp hình phạt của hai bản án, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm , 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 10 tháng 8 năm 2013, được trừ thời gian tạm giam của bản án trước từ ngày 10 tháng 10 năm 2012 đến ngày 18thansg 11 năm 2012.
Tiếp tục giam giữ bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Chú ý:
- Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt hoặc được tính để trừ nếu được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Thời gian tạm giữ, tạm giam dù ở trong vụ án này hay trong bản án trước đó mà Tòa án tổng hợp đều được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt. Nếu bị cáo bị tạm giữ, tạm giam, sau đó được cho tại ngoại, có thể bị bắt lại hoặc không bị bắt lại thì thời gian đó vẫn phải trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ. Do không lưu ý đến vấn đề này nên không ít bản án đã quên không trừ thời gian tạm giữ, tạm giam của các trường hợp nêu trên và hậu quả là gây thiệt hại cho bị cáo, phải đính chính bản án hoặc bị hủy án, sửa án (xem Nghị quyết số 01/2000/NQ.HĐTP ngày 04/8/2000 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS.
- Khi phải tổng hợp bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cần chú ý áp dụng đúng quy định của Điều 51 và 60 BLHS.
2/ Viết các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm
Quyết định về bồi thường thiệt hại:
Giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc các vấn đề dân sự khác trong vụ án hình sự là một quy định mang tính nguyên tắc ( Điều 28 BLTTHS). Thực chất, đây là một vụ án dân sự được giai quyết trong vụ án dân sự. Trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, trong một số trường hợp sẽ ảnh hưởng hoặc quyết định việc định tội, định khung hình phạt và xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án. Những trường hợp này thì Tòa án không được tách vấn đề dân sự thành vụ án dân sự khi có yêu cầu của đương sự mà buộc phải giải quyết trong vụ án hình sự ( xem Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của TAND tối cao hướng dẫn về việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự)
Vì bản chất của yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là việc giải quyết vụ án dân sự, nên HĐXX phải áp dụng các quy định tương ứng của BLDS và quy định của Điều 42 BLHS
Ví dụ: Áp dụng Điều 42 BLHS, Điều 640 BLDS. Buộc bị cáo Nguyễn Văn K phải bồi thường cho ông Trần Văn H số tiền là 52.000.000 đồng ( năm mươi hai triệu đồng).
- Quyết định về xử lý vật chứng:
Vật chứng trong vụ án hình sự có nhiều dạng khác nhau. Tùy theo mối quan hệ của vật chứng đó trong vụ án, tùy theo giá trị, giá trị sử dụng của vật chứng đó mà Tòa án quyết định trả lại, tịch thu sung công, tịch thu tiêu hủy... khi quyết định về xử lý vật chứng, phải căn cứ vào Điều 58 BLTTHS và Điều 41 BLHS. Các vấn đề về xử lý vật chứng còn được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/1996/TTLT ngày 31/12/1996 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao. Tuy nhiên, khi quyết định xử lý vật chứng, HĐXX ( bản án) không phải viện dẫn đầy đủ các điều luật, văn bản hướng dẫn mà chỉ cần áp dụng Điều 42 BLHS là đủ.
Ví dụ: Áp dụng Điều 41 BLHS
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước một chiếc xe ô tô Toyota, biển số 29A 7747, số khung X, số máy Y của bị cáo Trần Văn H.
Hoặc : Áp dụng Điều 41 BLHS tịch thu tiêu hủy: 01 con dao phay có chiều dài 50 cm, chiều rộng 15cm; 02 chiếc áo cộc tay; 01 đôi dép tổ ong màu trắng của bị cáo Trần Văn K.
- Quyết định về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 pháp lệnh về án phí , lệ phí Tòa án thì: " 1. Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm". Do đó, bị cáo bị tuyên bố có tội thì phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, không phân biệt đó là người thành niên hay chưa thành niên.
Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án quy định:
"3. Nghĩa vụ chịu án phí  dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này". Do đó, án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch hoặc không có giá ngạch dựa trên quyết định giải quyết vấn đề dân sự của HĐXX ( xem danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án, ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án)
- Quyết định về quyền kháng cáo đối với bản án.
Nếu bị cáo, những người tham gia tố tụng  kể cả Luật sư bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên) mà có mặt tại phiên tòa, thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa hoặc niêm yết tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của họ.
 Đối với trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì cần ghi thêm là " nếu" bị cáo không kháng cáo thì có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo"
- Một số quyết định khác:
HĐXX có thể ra một số quyết định khác trong bản án như quyết định trả tự do ( Điều 227 BLTTHS); quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án ( Điều 228 BLTTHS); Văn bản kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý ( Điều 225 BLTTHS)
V/ Viết bản án trong trường hợp bị cáo không phạm tội
Hội đồng xét xử chỉ có thể ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội nếu có đầy đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội xảy ra hoặc hành vi của bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố không cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS. Trường hợp hành vi của bị cáo không cấu thành tội mà Viện kiểm sát truy tố nhưng lại cấu thành tội khác nhẹ hơn hoặc bằng thì HĐXX có quyền ra bản án xét xử bị cáo vè tội đó (thay đổi tội danh nhẹ hơn hoặc bằng). Nếu hành vi của bị cáo có đủ yếu tố, dấu hiệu cấu thành tội nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì HĐXX không được ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội như truy tố của Viện kiểm sát. Trường hợp này, do Tòa án không được xét xử tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố (Điều 196 BLTTHS giới hạn của việc xét xử) nên HĐXX phải quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng dẫn tại điểm 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, TAND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bản án tuyên bị cáo không phạm tội cũng có bố cục như các bản án tuyên bố bị cáo phạm tội. Tuy nhiên, trong phần nội dung của bản án có những điểm khác, cụ thể như sau:
- Một là: Trong phần "nhận thấy" được viết theo phương pháp nghiên cứu tổng hợp mà không theo cáo trạng, chỉ tóm tắt diễn biến của sự việc bị truy tố.
- Hai là: Trong phần "xét thấy" phải thể hiện đầy đủ, toàn diện, khách quan diễn biến tại phiên tòa; các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra làm rõ tại phiên tòa, kể cả những tài liệu, chứng cứ được bổ sung tại phiên tòa.
+ Các lập luận, phân tích, chứng minh phải sâu sắc, thuyết phục khi bác bỏ các chứng cứ buộc tội của Viện kiểm sát hoặc của người bị hại trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
+ Phân tích, đánh giá về những vấn đề có liên quan trong vụ án như bồi thường thiệt hại, các vấn đề về dân sự, về vật chứng, về hủy bỏ biện pháp ngăn chặn nếu các biện pháp đó đang được áp dụng đối với bị cáo.
+ Nhận định về việc khôi phục danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp của người mà Tòa án sẽ tuyên không có tội.
- Chú ý: Trong trường hợp không có đủ chứng cứ để xác định bị cáo phạm tội, HĐXX phải phân tích, lập luận và khẳng định trong phần "xét thấy" là bị cáo không phạm tội chứ không phải là có tội mà không đủ chứng cứ buộc tội hoặc có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa đầy đủ chứng cứ.
- Viết phần quyết định:
Phần quyết định của bản án xét xử bị cáo không phạm tội phải thể hiện được các nội dung sau đây:
+ Quyết định về việc không có tội của bị cáo: Ghi rõ căn cứ để HĐXX tuyên bị cáo không có tội, thuộc điểm 1 hay 2 Điều 107 BLTTHS khi tuyên không có tội thì không tuyên tội danh mà Viện kiểm sát truy tố.
Ví dụ: Không tuyên là bị cáo Nguyễn Văn T không phạm tội trộm cắp tài sản mà chỉ cần tuyên là: " Tuyên bố Nguyễn Văn T không phạm tội".
+ Quyết định hủy bỏ tất cả các quyết định ngăn chặn, kê biên tài sản...Nếu bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam thì phải quyết định trả tự do cho bị cáo. Quyết định này được thi hành ngay, mặc dù có thể bản án bị kháng cáo, kháng nghị.
+ Quyết định về việc xử lý vật chứng ( nếu có).
+ Quyết định về việc khôi phục danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp của người được HĐXX tuyên không có tội.
+ Quyết định về án phí: người được tuyên bố không có tội thì không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm, nhưng nếu vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại phải nộp án phí hình sự sơ thẩm.
Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi vi phạm của bị cáo không cấu thành tội phạm, nhưng lại gây thiệt hại cho người khác thì mặc dù Tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội, không giải quyết việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, nhưng Tòa án phải hướng dẫn cho họ biết về quyền khởi kiện vụ kiện dân sự.
Ví dụ: Trần Văn A, không có tiền án, tiền sự, trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng. Hành vi của A không phạm tội, nhưng A vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự về việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong một vụ kiện dân sự.
+ Quyết định về quyền kháng cáo.
Bị cáo, những người tham gia tố tụng trong vụ án có quyền kháng cáo như vụ án tuyên bố có tội đối với bị cáo. Bị cáo được tuyên bố không có tội cũng có quyền kháng cáo bản án về những nhận định của bản án về việc họ không phạm tội hoặc kháng cáo về những vấn đề mà họ cho rằng bản án không đúng.
Ví dụ: Bản án nhận định là tài sản mà bị cáo trộm cắp dưới 2.000.000 đồng nếu bị cáo không phạm tội. Bị cáo kháng cáo cho rằng mình không thực  hiện hành vi trộm cắp nên hoàn toàn không có tội.
VI/ Ký và giao bản án hình sự sơ thẩm
1. Bản án gốc và bản án chính
- Bản án gốc là bản án được HĐXX thông qua tại phòng nghị án và đã được các thành viên trong HĐXX ký với đầy đủ họ và tên từng thành viên. Việc các thành viên HĐXX ký vào bản án gốc bao giờ cũng diễn ra sau khi đã ký vào biên bản nghị án bởi bản án buộc phải và chỉ được đúng với biên bản nghị án.
- Bản án chính là bản án đã được sao từ bản án gốc và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký tên, đóng dấu.
2. Giao bản án
Theo quy định tại Điều 224 BLTTHS thì trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cung cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.
Những người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu Tòa án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.
- Bản án được giao cho những nơi nêu trên là bản án chính.

- Bản án gốc được lưu trong hồ sơ vụ án.
Nguyễn Quang Lộc - Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra