Bàn về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính

Bàn về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính
Luật tố tụng hành chính - thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 - có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, gồm 18 Chương 265 Điều, quy định nhiều nội dung mới đồng thời mở rộng quyền dân chủ và pháp chế trong hoạt động hành chính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính.

Theo quy định tại Điều 12 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC): “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”, quy định này thay thế cho quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính: “Toà án tạo điều kiện để các bên có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Như vậy, do tính đặc thù của lĩnh vực hành chính với quan hệ một bên là cơ quan hành chính Nhà nước – thi hành quyền lực hành chính công và một bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức - chịu sự điều hành quản lý, nên Luật không quy định nguyên tắc hoà giải như quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Theo thuật ngữ tiếng Việt thì đối thoại có nghĩa là “ Nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau hoặc bàn bạc, thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên với nhau để giải quyết các vấn đề tranh chấp”. Ở nghĩa thứ nhất "đối thoại" được hiểu chỉ là những cuộc trao đổi miệng bình thường của hai hay nhiều người với nhau, có thể không liên quan gì đến công việc. Nhưng ở nghĩa thứ hai "đối thoại" lại là bàn bạc, thương lượng giữa hai hay nhiều bên với nhau để giải quyết các vấn đề tranh chấp. "Bên", ở đây  có thể là một người hoặc nhóm người có một hoặc một số quan điểm giống nhau, còn tranh chấp chính là những mâu thuẫn, bất hoà về quyền, lợi ích kinh tế và các lợi ích khác giữa các chủ thể tham gia quan hệ nhưng chưa được giải quyết ổn thoả.

Luật TTHC đã sửa đổi cụm từ “thoả thuận” của Pháp lệnh thành “Đối thoại” để tạo điều kiện cho các đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) có thể tận dụng cơ hội tự giải quyết với nhau, người khởi kiện có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện, người bị kiện có thể sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Trong bài viết này, tác giả chỉ nêu ý kiến trao đổi về “Đối thoại” trong tố tụng  hành chính. Hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về thủ tục “Đối thoại”: “Đối thoại” được coi là một thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án hành chính mà Toà án bắt buộc phải thực hiện, nếu thiếu thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và bị huỷ án hoặc “Đối thoại” không phải là thủ tục bắt buộc, chỉ khuyến khích thực hiện, nếu thiếu cũng không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ nhất: Đối thoại là thủ tục tố tụng bắt buộc:

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính, hiện nay Toà án thụ lý vụ án hành chính không cần phải qua thủ tục tiền tố tụng như quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính, tức là một số loại việc kiện hành chính yêu cầu phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu Toà án mới thụ lý giải quyết, chỉ cần có quyết định hành chính cá biệt, hành vi hành chính cá biệt mà người khởi kiện cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, hoặc trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại đều có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Quy định này làm giảm tải công tác giải quyết khiếu nại của người dân cho cơ quan hành chính Nhà nước, tuy nhiên chưa tạo điều kiện cho các bên tiếp xúc, trao đổi để thoả thuận với nhau về vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, cần phải xác định “Đối thoại” là một giai đoạn trong tố tụng hành chính, được pháp luật quy định. Toà án phải tổ chức đối thoại như gửi thông báo cho các bên đương sự biết thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại và Toà án phải lập biên bản ghi ý kiến của các bên đối thoại; các văn bản này phải được lưu vào hồ sơ vụ án, được coi là căn cứ giải quyết vụ án; nếu thiếu biên bản ghi ý kiến của các bên thì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Quan điểm thứ hai: Đối thoại không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc:

Đối thoại không phải là cơ sở trực tiếp mà chỉ là cơ sở gián tiếp để giải quyết vụ án. Đối với các vụ việc Dân sự, nếu các bên thoả thuận được các nội dung trong giải quyết vụ việc thì Toà án lập biên bản công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự, trong hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu không có thay đổi thì Toà án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự. Căn cứ vào biên bản thoả thuận này, Tòa án không phải mở phiên toà xét xử. Đây là thủ tục bắt buộc Tòa án phải tiến hành, nếu Tòa án không tiến hành hòa giải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong Luật TTHC, đương sự được Tòa án tạo điều kiện để đối thoại về việc giải quyết vụ án, không có qui định Toà án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, chỉ khi có ý kiến bằng văn bản của đương sự, Tòa án mới giải quyết theo thủ tục chung do pháp luật quy định: đưa ra xét xử nếu người khởi kiện không thay đổi yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ án nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện; hoặc bên bị kiện huỷ bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người liên quan rút yêu cầu (quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 120 Luật TTHC). Trường hợp đương sự thống nhất với nhau về phương án giải quyết các yêu cầu nhưng không có ý kiến bằng văn bản gửi cho Toà án và không chịu thực hiện sẽ gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Điều 12 Luật TTHC chỉ quy định: “ Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại...” mà không sử dụng thuật ngữ có tính bắt buộc, nên có thể hiểu Toà án có thể phải tạo điều kiện cho các bên đối thoại hoặc có thể không, quy định này mang tính khuyến khích, các đương sự có thể tự đối thoại trên nguyên tắc như: Bình đẳng trong đối thoại, thiện chí, khách quan và tuân thủ theo pháp luật; Tòa án có thể tham dự hoặc không tham dự khi các đương sự đối thoại; Toà án có thể tổ chức cho các bên đối thoại, địa điểm do các đương sự lựa chọn. Sau đó, đương sự có văn bản thể hiện ý kiến của mình như rút đơn hoặc huỷ bỏ quyết định, hành vi hành chính...) gửi Toà án; trong hồ sơ vụ án sẽ không có biên bản đối thoại và các văn bản tố tụng khác liên quan đến việc đối thoại. Ý kiến của đương sự là cơ sở để  Toà án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không cần phải có biên bản đối thoại trong hồ sơ, do vậy không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trên đây là ý kiến của tác giả đối với vần đề đối thoại – là điểm mới trong Luật TTHC - để bạn đọc trao đổi. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như các biểu mẫu để Toà án địa phương áp dụng thống nhất pháp luật tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án .

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra