Bàn về quy định xử lý vật chứng trong Luật tố tụng hình sự

Bàn về quy định xử lý vật chứng trong Luật tố tụng hình sự
---------------------------------------------
Việc xử lý vật chứng được quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 2003, việc xử lý vật chứng được quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự 1985 và đã được hướng dẫn thực hiện trong Thông tư Liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BTC ngày 24/10/1998 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính “Về việc hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”. Cho đến nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thêm về việc xử lý vật chứng. Qua thực tiễn xét xử và nghiên cứu các quy định của Điều 74, Điều 76 BLTTHS, chúng tôi phát hiện thấy còn nhiều vấn đề còn bất cập trong quy định của Điều luật cũng như những vướng mắc khác cần phải có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về hình thức xử lý vật chứng và những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự
Hình thức xử lý vật chứng được quy định tại Điều 76 BLTTHS như sau:
1. Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội; vật cấm lưu hành thì tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy.
Đối với những loại vật chứng này, Luật chỉ quy định chung biện pháp xử lý là tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy; Luật không quy định các loại vật chứng này thuộc sở hữu của ai? Loại vật chứng nào tịch thu sung quỹ nhà nước? Loại vật chứng nào tịch thu để tiêu hủy? Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, điểm b, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự cũng như quy định tại Điều 41 Bộ luật hình sự thì các vấn đề vừa nêu được hiểu như sau:
- Đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc sở hữu của người phạm tội thì tịch thu sung quỹ nhà nước nếu có giá trị; tịch thu tiêu hủy nếu không có giá trị.
- Đối với vật chứng là vật cấm lưu hành thì tịch thu và tiêu hủy, không phân biệt vật đó thuộc sở hữu của ai, nếu vật chứng đó không có giá trị hoặc vật chứng đó nếu không tiêu hủy thì sẽ gây nguy hại cho xã hội, ví dụ như: ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy, tài liệu có nội dung phản động...
- Đối với vật chứng là vật cấm lưu hành nhưng có giá trị như vũ khí quân dụng (tìm được) hoặc hàng hóa cấm lưu hành, là những sản vật của tự nhiên như động vật hoang dã quý hiếm, thực vật quý hiếm v.v ... thì lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể tịch thu và tiêu hủy được, mà hiện nay theo quy định hiện hành của pháp luật thì chúng ta phải sung quỹ Nhà nước và phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý tương ứng đối với các loại hàng hóa đó, ví dụ như đối với vũ khí quân dụng thì phải thực hiện theo đúng Nghị định số 94/HĐBT ngày 02 tháng 7 năm 1994 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)...
- Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành bị người phạm tội chiếm đoạt, sau đó, được mua đi bán lại nhưng thu hồi được, thì ngoài việc trả lại, bồi thường hoặc tịch thu tài sản đó, số tiền dùng vào việc mua bán trái phép của từng lần (kể cả của người chiếm đoạt) bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định tại điểm a hay điểm b Điều 41 BLHS. Để tránh trùng thu, mỗi cầu mua bán chỉ tịch thu một lần ở người bán (nếu người mua đã trả tiền) hoặc ở người mua (nếu người mua chưa trả tiền).
- Đối với vật chứng thuộc sở hữu của người khác nhưng người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể tịch thu sung quỹ nhà nước (khoản 3 Điều 41 Bộ luật hình sự).
Một vấn đề đặt ra cần phải có sự thống nhất ở đây là: hiện nay liên quan và gần với khái niệm “vật cấm lưu hành” còn có các khái niệm “hàng cấm”, “hàng cấm lưu thông”, “vật cấm lưu thông”. Trong các khái niệm trên thì khái niệm “hàng cấm” là khái niệm pháp lý, bởi nó đã được định nghĩa trong các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn các khái niệm khác thường chỉ được hiểu, nhận thức dưới góc độ ngôn ngữ học và được sử dụng thông dụng trong cuộc sống. Theo quan điểm chúng tôi, “hàng cấm” là loại hàng hóa nhà nước cấm kinh doanh đương nhiên là “vật cấm lưu hành”, còn các khái niệm “hàng cấm lưu thông”, “vật cấm lưu hành” nếu không thuộc khái niệm “hàng cấm” và trước mắt chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì không coi là “vật cấm lưu hành” nói ở khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Qua đây chúng tôi cũng đề nghị là cụm từ: “vật cấm lưu hành” nói ở điểm a, khoản 2, Điều 76 BLTTHS nên sử đổi thành “hàng cấm” là phù hợp hơn.

Cũng liên quan đến khái niệm “vật cấm lưu hành” còn có khái niệm “tài sản không có giấy tờ hợp lệ”, đây là những loại tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng người đang chiếm hữu các loại tài sản đó lại không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, ví dụ xe mô tô, súng thể thao không có giấy đăng ký... Những tài sản này không phải là “vật cấm lưu hành”, do vậy, Tòa án không thể tịch thu sung quỹ Nhà nước được, mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đồng thời Tòa án phải kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật hành chính.
2. Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ nhà nước.
Theo quy định trên đây thì xử lý vật chứng gồm có hai trường hợp:
* Trường hợp 1: Trường hợp xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì việc xử lý vật chứng không có gì phải bàn thêm.  Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu trong trường hợp này, chủ sở hữu là người không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng tiền bạc, tài sản của mình vào việc phạm tội (đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội) nếu chủ sở hữu là người có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội thì có thể xử lý như điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS như đã phân tích ở trên. Đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức nhưng đã bị kẻ phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, nếu người quản lý hợp pháp vật, tài sản này có lỗi trong việc để cho người phạm tội thực hiện tội phạm thì cũng không được tịch thu mà phải trả lại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức đang quản lý hợp pháp vật, tài sản đó.
* Trường hợp 2: Trong trường hợp vật, tiền bạc đã được người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc chiếm đoạt nhưng không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ nhà nước.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc xác định chủ sở hữu vật chứng như thế nào; trong thực tế, có nhiều vụ án hình sự, đặc biệt các vụ án về xâm phạm sở hữu, các vụ án mang tính chiếm đoạt khác, người phạm tội khai nhận đã chiếm đoạt được tài sản của người khác, Cơ quan Điều tra đã thu giữ được và áp dụng biện pháp xác định chủ sở hữu. Biện pháp xác định chủ sở hữu đối với vật chứng trong vụ án hình sự hiện nay là thông báo trong một thời hạn nhất định; hình thức thông báo là bằng việc niêm yết tờ thông báo tại cơ quan ra thông báo (thường là do Cơ quan Điều tra thực hiện); trường hợp vật chứng có giá trị lớn như ôtô, tàu, thuyền, tiền, vàng v.v ... kèm theo các loại giấy tờ quan trọng mới thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
BLTTHS không quy định về trình tự, thủ tục, biện pháp và thẩm quyền xác định chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, cho nên trong thực tiễn, thì Cơ quan Điều tra ra thông báo tìm chủ sở hữu và thời hạn thông báo là không thống nhất. Có Cơ quan điều tra ra thông báo tìm chủ sở hữu trong thời hạn 6 tháng hoặc 9 tháng, hoặc 1 năm; có Cơ quan điều tra lại thông báo với thời hạn tương ứng với thời hạn điều tra đối với loại tội phạm đang tiến hành điều tra (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) bao gồm cả việc gia hạn. Khi hết thời hạn điều tra thì Cơ quan Điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng với vật chứng.
Việc thông báo tìm chủ sở hữu đối với vật chứng của Cơ quan Điều tra như đã nói trên không thống nhất với quy định của BLDS; trong BLDS có quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật không xác định được chủ sở hữu; đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm; bị đánh rơi, bỏ quên; khi giải quyết vật chứng, Cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào đối tượng vật chứng thuộc loại nào, đó là vật không xác định được chủ sở hữu hay vật bị chôn giấu, chìm đắm, bị đánh rơi, bỏ quên để ra thông báo tìm chủ sở hữu hay không?
Đối với vật chứng mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng bị đánh rơi, bỏ quên mà người phạm tội nhặt được nhưng chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì Cơ quan Điều tra phải làm thông báo tìm chủ sở hữu; còn đối với những vật chứng là tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, được người phạm tội tìm thấy và đây thường là tài sản ở các vụ án chiếm giữ trái phép tài sản, thì Cơ quan Điều tra không phải thông báo tìm chủ sở hữu; nếu vật chứng đó là di tích lịch sử, văn hóa thì sung quỹ Nhà nước; nếu vật chứng là những tài sản thông thường thì căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 240 BLDS, Tòa án tịch thu phần tài sản còn lại sau khi đã trích trừ phần chi phí bảo quản, tìm kiếm và giá trị phần tài sản người phạm tội được hưởng theo quy định tại Điều 239 BLDS.
Theo các quy định tại Điều 239 BLDS thì thời hạn thông báo để tìm chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với vật chứng là một năm, kể từ ngày thông báo công khai; thời hạn này là bắt buộc, việc thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng với thời hạn trên hoặc dưới một năm là không đúng với quy định của pháp luật.
Hiện nay, theo quy định của BLDS và BLTTHS, thì thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu và thời hạn tố tụng đối với vụ án từ lúc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là không giống nhau, do vậy, trong thực tiễn xẩy ra các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Đến ngày mở phiên tòa, thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng đã hết và không tìm được chủ sở hữu vật chứng.
- Trường hợp 2: Đến ngày mở phiên tòa mà thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu vật chứng đang còn và không tìm được chủ sở hữu vật chứng;
Đối với Trường hợp 1, thì không có khó khăn, vướng mắc gì trong thực tiễn xét xử; khi xét xử các vụ án có loại vật chứng nói trên, Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự để quyết định sung quỹ Nhà nước. Nếu đến ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà có người đến nhận là chủ sở hữu của vật chứng đã được Tòa án tuyên sung quỹ Nhà nước, thì đây là trường hợp tranh chấp quyền sở hữu vật chứng, vì vật chứng đã được xác lập chủ sở hữu mới là Nhà nước; trường hợp này buộc đương sự phải thực hiện việc khởi kiện dân sự để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu theo quy định tại khoản 4 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định về kiện đòi lại vật trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.
Đối với Trường hợp 2, khi thời hạn tố tụng sắp hết (sắp hết thời hạn chuẩn bị xét xử) thì buộc Tòa án phải ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa hình sự sơ thẩm vì không có một quy định nào của pháp luật cho phép kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử để chờ hết thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu của vật chứng; trong trường hợp này, khi ra bản án, Hội đồng xét xử quyết định xử lý vật chứng thế nào?
Hiện nay, có quan điểm cho rằng, Hội đồng xét xử “... quyết định thông báo công khai một thời hạn mà thời hạn này cộng với thời hạn đã thông báo trước đó là đủ một năm. Ngày tính để thông báo là ngày tiếp theo với ngày cuối cùng của thời hạn đã thông báo trước. Ví dụ: Cơ quan ra thông báo với thời hạn là 9 tháng, đến ngày 30/6/2006 là chấm dứt thời hạn thông báo. Tòa mở phiên tòa vào ngày 20/5/2006. Trường hợp này, Hội đồng xét xử quyết định thông báo công khai với thời hạn ba tháng, kể từ ngày 01/7/2006” (Đỗ Văn Chỉnh-Tạp chí Tòa án nhân dân số 18, tháng 9/2006).
Chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, cách diễn đạt trong quyết định của bản án thế nào thì cũng đang chưa có sự thống nhất; vấn đề này, đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể hơn. Theo chúng tôi, từ ví dụ đã nêu trên, thì cần tuyên trong bản án như sau:  Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 239 Bộ luật dân sự, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 01/7/2006, nếu không có người đến nhận... (tên vật chứng) thì...(tên vật chứng) được sung quỹ Nhà nước. Trong trường hợp này cùng với việc ra bản án, Hội đồng xét xử phải ra thêm thông báo tìm chủ sở hữu; sau khi tuyên án, nếu trong thời hạn thông báo mà có người đến nhận là chủ sở hữu vật chứng, sau khi xác minh đúng là chủ sở hữu của vật chứng thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lại tài sản cho họ. Nếu hết thời hạn thông báo mà có người đến nhận là chủ sở hữu của vật chứng, thì đây là trường hợp tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng và được giải quyết như ở Trường hợp 1 đã nêu trên; nếu không có người đến nhận vật chứng thì vật chứng đương nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước.
3. Vật chứng là tiền, bạc, tài sản do phạm tội mà có
Đối với vật chứng là tiền, bạc, tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước:
Tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có là vật, tiền bạc là đối tượng của tội phạm như tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... hoặc là vật, tiền bạc do mua bán, trao đổi những thứ ấy mà có.
Tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có cũng có thể là tiền bạc, tài sản được sinh lời từ việc sử dụng tài sản, tiền, bạc vào việc phạm tội hay tài sản, tiền bạc chiếm đoạt được của người khác. Ví dụ: trộm cắp tiền của người khác, sau đó gửi Ngân hàng, số lãi từ khoản tiền gửi này được coi là tiền bạc do phạm tội mà có; dùng tiền trộm cắp được mua vé số và trúng thưởng, khoản tiền trúng số là tài sản do phạm tội mà có; mua bán ma túy có được lợi nhuận, dùng lợi nhuận đó mua bất động sản thì bất động sản là tài sản do phạm tội mà có.v.v.
Trong thực tiễn cũng có trường hợp, kẻ phạm tội chiếm đoạt được tài sản của người khác và bán lấy tiền tiêu xài, khi xét xử người bị hại không đòi bồi thường thiệt hại, thì số tiền này cũng được coi là tài sản do phạm tội mà có và cũng được tịch thu sung quỹ Nhà nước.
4. Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản
Đối với vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì Luật quy định trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể bán theo quy định của pháp luật và gửi vào tài khoản tạm gửi của cơ quan mình mở tại kho bạc Nhà nước. Khi giải quyết vụ án, tùy thuộc và giai đoạn tố tụng mà cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đặc điểm pháp lý của loại vật chứng đã được bán để quyết định sung quỹ Nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ của bên phải bồi thường.
5. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy
Đây là những đồ vật, tài liệu khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội được thu giữ, tạm giữ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án, nó không phải là loại vật cấm lưu hành, không phải là công cụ, phương tiện phạm tội. Ví dụ như chiếc dép thu giữ tại hiện trường vụ cướp tài sản; chiếc áo của nạn nhân bị rách nát trong vụ cố ý gây thương tích v.v ... Đây là những vật, xét về giá trị thì không tính ra được bằng tiền hoặc có nhưng giá trị không đáng kể. Vật chứng không có giá trị cũng có thể là những vật vừa không trị giá ra thành tiền, vừa không có công dụng nào trong thực tế cuộc sống; ví dụ: chiếc gậy tre người phạm tội dùng chống đi đường được thu giữ tại hiện trường vụ án có dấu vân tay của người phạm tội v.v ...
6. Giải quyết trường hợp có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng:
Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng có thể xẩy ra bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng từ khi điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Theo quy định tại khoản 4 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, thì “trong trường hợp có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng, vật chứng nói trong khoản 4 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự là những loại đồ vật, tài sản thông thường, không thuộc vật cấm lưu hành, không thuộc đối tượng tịch thu sung quỹ Nhà nước hay tiêu hủy.
Việc giải quyết đúng tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng một mặt bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của chủ sở hữu, mặt khác nó là điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng mà chủ yếu là Hội đồng xét xử có cơ sở xử lý vật chứng đúng đắn; ví dụ: A là kẻ phạm tội dùng xe môtô đi cướp giật tài sản bị bắt quả tang. Quá trình điều tra bị can khai rằng, xe máy bị can đã mua của B nhưng chưa sang tên đổi chủ, qua xác minh chiếc xe môtô nói trên do B đứng tên chủ sở hữu, nhưng B đến Cơ quan Điều tra khiếu nại rằng, chiếc xe môtô đó bị A chiếm giữ để xiết nợ và đề nghị được nhận lại xe. Trong trường hợp này, nếu theo lời khai của A thì chiếc xe môtô phải bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Nếu theo lời khai của B thì phải trả lại cho B; Tòa án phải giải quyết sự tranh chấp này để có quyết định xử lý vật chứng cho đúng.
Khoản 4 Điều 76 BLTTHS chỉ nói chung là “tranh chấp quyền sở hữu”; trong thực tế thì việc tranh chấp quyền sở hữu có thể xẩy ra trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí cả trong giai đoạn thi hành án. Việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trong từng giai đoạn ra sao, được tiến hành theo trình tự thủ tục nào, thì Luật không quy định rõ mà chỉ nên chung là “theo thủ tục tố tụng dân sự” và hiện nay cũng chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn; do vậy, vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất. Có quan điểm cho rằng, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án hình sự tiến hành điều tra, xác minh để xác định chủ sở hữu của vật chứng sau đó xử lý theo quy định của pháp luật (trả lại chủ sở hữu hoặc tịch thu sung quỹ Nhà nước); quan điểm khác lại cho rằng, đương sự phải khởi kiện thành một vụ án dân sự riêng; để có thể áp dụng thống nhất trường hợp trên, đề nghị cấp có thẩm quyền có hướng dẫn thêm.
 Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định hình thức xử lý các loại vật chứng, tuy nhiên, qua nghiên cứu tại của Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự, cùng với việc thực hiện giải quyết vật chứng trong các vụ án hình sự, chúng tôi thấy rằng, quy định về việc xử lý vật chứng tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự còn điểm bất cập, đó là, chưa quy định hết phạm vi loại vật chứng cần xử lý và xử lý như thế nào, cho nên, trong thực tiễn có vụ án Cơ quan Điều tra thu thập vật chứng phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án, nhưng khi xét xử, Tòa án lại không có căn cứ để xử lý vật chứng đó. Ví dụ 1: trong một vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo dùng dao đâm thủng áo da (mới) của nạn nhân, làm nạn nhân bị thương nặng. Chiếc áo da được Cơ quan Điều tra thu thập coi là vật có giá trị chứng minh tội phạm; trước khi xét xử, bị cáo đã mua áo da khác trả cho nạn nhân; tại phiên tòa, bị cáo đề nghị được nhận lại chiếc áo da đã bị đâm thủng đó. Trường hợp này, Tòa án đã không có căn cứ pháp lý để giải quyết theo yêu cầu của bị cáo và cũng không có căn cứ để tuyên trả lại cho người bị hại, vì điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS chỉ nói đến việc trả lại tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Ví dụ 2: Trong vụ án tai nạn giao thông (Đ202 Bộ luật hình sự), Cơ quan Điều tra tạm giữ hai xe môtô để giám định dấu vết. Hai vật chứng được bàn giao theo hồ sơ đến Tòa án. Nếu Tòa án không ra quyết định xử lý vật chứng trả lại xe môtô cho chủ sở hữu trước khi mở phiên tòa (khoản 3 Điều 76 BLTTHS) mà vẫn để vật chứng như vậy và mở phiên tòa, thì khi ra bản án, Hội đồng xét xử không có căn cứ pháp lý để trả xe cho chủ sở hữu. Trong thực tiễn, trường hợp này, Hội đồng xét xử chỉ nêu căn cứ pháp lý chung chung là: Áp dụng khoản 2 Điều 76 BLTTHS, trả lại ... cho chủ sở hữu; việc áp dụng điều luật như trên là không chính xác. Để làm rõ sự bất cập trong Điều 74 và Điều 76 BLTTHS, chúng tôi có thể mô tả bằng bảng đối chiếu sau: 

Loại vật chứng theo Điều 74 BLTTHS
Hình thức xử lý theo Điều 76 BLTTHS
 Vật được dùng làm công cụ, phương tiện
phạm tội:
* Nếu thuộc sở hữu của người phạm tội.
* Nếu thuộc sở hữu của người khác:
- Nếu chủ sở hữu có lỗi ...

-  Nếu chủ sở hữu không có lỗi ...


- Tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy;

- Có thể bị tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy
- Trả lại cho chủ sở hữu.
 Vật là đối tượng của tội phạm:
* Nếu là tài sản thông thường:
- Bị người phạm tội chiếm đoạt
- Không bị người phạm tội chiếm đoạt
* Nếu là vật cấm lưu hành


- Trả lại cho chủ sở hữu;
- Không có quy định xử lý;
- Tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy.
Tiền bạc, vật khác có giá trị chứng minh tội phạm
và người phạm tội:
* Nếu do phạm tội mà có
* Nếu không do phạm tội mà có và không thuộc
trường hợp vật là công cụ, phương tiện phạm tội,
vật cấm lưu hành


- Tịch thu sung quỹ Nhà nước
- Không có quy định xử lý
Vật mang dấu vết tội phạm (không thuộc các
trường hợp nói trên).
-Không có quy định xử lý

Nhìn vào bảng trên, ta có thể thấy có ba loại vật chứng được quy định tại  Điều 74 BLTTHS sẽ không có cơ sở pháp lý để xử lý.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra do nhận định sai hướng điều tra hoặc xác định không đúng mối liên hệ giữa đồ vật, tài sản của người phạm tội hay của người khác với đối tượng chứng minh mà Cơ quan Điều tra đã thu giữ tài liệu, đồ vật đó theo thủ tục tố tụng hình sự. Quá trình giải quyết vụ án tiếp theo, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định những tài sản đó không phải là vật chứng của vụ án, việc trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu đó hiện nay cũng chưa có điều luật nào quy định. Tại Thông tư 06 đã hướng dẫn xử lý trường hợp này như sau: “... đối với những tài sản không phải là vật chứng, nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả ngay cho chủ sỡ hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó”.
 Theo hướng dẫn trên đây, khi trả những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng cho chủ sở hữu trước khi mở phiên tòa, cơ quan, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ án không ra quyết định xử lý vật chứng cũng không ra quyết định trả lại đồ vật, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp mà chỉ cần lập biên bản trả lại đồ vật, tài sản và lưu vào hồ sơ vụ án. Nếu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ghi vào bản án tại phần quyết định của bản án.
Như vậy, đối với những tài sản không phải là vật chứng cho đến nay vẫn chưa có quy định xử lý trong BLTTHS 2003, mà mới chỉ có văn bản hướng dẫn dưới Luật, mà những văn bản này lại có trước khi BLTTHS 2003 được ban hành. Theo chúng tôi, cần bổ sung quy định xử lý những loại tài sản không phải là vật chứng được thu giữ trong quá trình điều tra vào Điều 76 BLTTHS 2003; cụ thể là bổ sung vào khoản 3 Điều 76 và được viết lại như sau : “ Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng đã bị thu giữ, tạm giữ; trả lại những vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 của Điều này, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án”.
Nếu khoản 3 Điều 76 BLTTHS 2003 được viết lại như trên thì những vướng mắc về cơ sở pháp lý cho việc xử lý vật chứng cũng như những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng như nêu đã nêu trên sẽ được giải quyết triệt để.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra