Tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” và vấn đề áp dụng tình tiết này khi xét xử tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

Tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” và vấn đề áp dụng tình tiết này khi xét xử tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

-----------------------------
Thạc sỹ: Đinh Văn Quế          

Theo quy định tại điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 thì, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc trường hợp gây cố tật nhẹ cho nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật; nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% đến 30% nhưng thuộc trường hợp gây cố tật nhẹ cho nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật; nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31% đến 60% nhưng thuộc trường hợp gây cố tật nhẹ cho nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.

So với điều 109 bộ luật hình sự năm 1985, thì quy định tại điều 104 về tình tiết gây cố tật nhẹ cho nạn nhân có thay đổi cơ bản. điều 109 bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định tình tiết “gây cố tật nặng” là yếu tố định khung hình phạt và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật; điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết “gây cố tật nặng”, nhưng lại quy định tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là yếu tố định khung hình phạt cho cả khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật. cũng chính vì vậy, sau khi bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành, các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều địa phương đã lúng túng khi phải xác định tình tiết này để áp dụng điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định gây cố tật nhẹ, trong khi đó thực tiẽn xét xử có nhiều trường hợp người bị hại bị cố tật nặng, thậm chí rất nặng như bị mù cả hai mắt, cụt cả hai tay, hai chân, bị liệt toàn thân, bị bỏng nặng với diện 80% và độ 2-3... các trường hợp quy định tại các khoản 2, khoản 3 điều 104 bộ luật hình sự chỉ quy định tỷ lệ thương tật và nếu tỷ lệ thương tật dưới mức quy định mà gây cố tật nhẹ thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản tương ứng của bộ luật hình sự. cách quy định này tuy thuận tiện cho việc áp dụng điều 104 bộ luật hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng sẽ không phù hợp với một số trường hợp thực tế xảy ra. ví dụ: một người bị đánh mù một mắt, phải khoét bỏ con mắt đó có tỷ lệ thương tật là 45%. nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ thương tật thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 104, nhưng vì người bị hại bị cố tật nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 104 bộ luật hình sự, nhưng bị khoét bỏ một con mắt thì không thể coi là cố tật nhẹ được.

Việc áp dụng tình tiết gây cố tật nhẹ cho nạn nhân quy định tại điểm b khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 trong trường hợp người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% không có gì vướng mắc, chỉ cần xác định tỷ lệ thương tật và vết thương mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân là cố tật, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% và từ 31% đến 60% nhưng nạn nhân bị cố tật, thì việc áp dụng khoản nào của điều 104 bộ luật hình sự lại có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khoản 2 của điều 104 bộ luật hình sự quy định: phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này..., còn khoản 3 của điều 104 bộ luật hình sự quy định: phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm              từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này... vì vậy, chỉ cần xác định nạn nhân có bị cố tật hay không, nếu nạn nhân bị cố tật (không kể cố tật nhẹ hay cố tật nặng), thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hay khoản 3 của điều 104 bộ luật hình sự. quan điểm này, hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Quan điểm thứ hai cho rằng, điểm b khoản 1 điều 104 chỉ quy định “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chứ không quy định “gây cố tật cho nạn nhân”, nên không thể áp dụng cho khoản 2 và khoản 3 của điều 104 bộ luật hình sự  được, vì không thể coi trường hợp khoét bỏ một con mắt, cắt bỏ một chân, một cánh tay, bị liệt người... là cố tật nhẹ. vì vậy, tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%. việc nhà làm luật quy định “thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này” là để người áp dụng pháp luật căn cứ vào các tình tiết của vụ án, nếu thuộc một trong các trường hợp đã được quy định thì áp dụng, nếu không có tình tiết đó thì thôi, không bắt buộc phải áp dụng nếu như tình tiết đó không có trong vụ án.

Đây là vấn đề tuy không phức tạp, nhưng do cách hiểu khác nhau, mặt khác lại chưa có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể nên việc áp dụng không thống nhất là lẽ đương nhiên.

Để việc áp dụng thống nhất điều 104 bộ luật hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, trước hết cần làm rõ các khái niệm: cố tật, cố tật nhẹ, cố tật nặng, cố tật rất nặng và cố tật đặc biệt nặng, trong đó khái niệm “cố tật nhẹ” là khái niệm mà khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự quy định.

Theo tài liệu y học thì chỉ có khái niệm “cố tật”, còn nặng, nhẹ là tuỳ thuộc vào tật đó có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu %. ví dụ: khoét bỏ một con mắt có tỷ lệ thương tật 45% được coi là cố tật nặng. nếu tật đó có tỷ lệ thương tật 61% là cố tật rất nặng và tật đó có tỷ lệ thương tật 81% trở lên là cố tật đặc biệt nặng.

Cố tật là một tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi.

Cố tật nhẹ cũng là một tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi nhưng có tỷ lệ thương tật được xác định là nhẹ.

Quan niệm về cố tật nhẹ về y học và pháp luật có khác nhau: theo y học thì, cố tật nhẹ là một tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi có tỷ lệ thương tật được xác định là dưới 30%.

Khi xác định tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” quy định tại điểm b khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự phải căn cứ vào những tiêu chí về “cố tật nhẹ” mà bộ luật hình sự quy định chứ không thể căn cứ vào tiêu chí của y học về “cố tật nhẹ”.

Mặc dù bộ luật hình sự không quy định thế nào là “cố tật nhẹ cho nạn nhân”, nhưng căn cứ vào khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự thì, cố tật nhẹ là tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi có tỷ lệ thương tật được xác định là dưới 11%. nếu cố tật có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì mặc nhiên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, hoặc khoản 3 của điều luật rồi.

Quy định này nhằm phân biệt những trường hợp tỷ lệ thương tật chưa đến 11% nhưng xét thấy cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nếu thương tích của người bị hại là cố tật. mặt khác, dù là cố tật hay không cố tật thì thương tích đó bao giờ cũng có một tỷ lệ thương tật nhất định. khi soạn thảo điều 104 bộ luật hình sự năm 1999, nhà làm luật đã lấy tỷ lệ thương tật là tiêu chí để xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội. tuy nhiên, riêng đối với trường hợp người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% trong một số trường hợp cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, trong đó có trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”.

Nếu cho rằng, khoản 2 của điều luật quy định tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% và khoản 3 của điều luật quy định tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 và khoản 3, theo chúng tôi là không hợp lý. vì như vậy là không đúng với nguyên tắc, một hành vi phạm tội lại chịu trách nhiệm hình sự hai lần. hơn nữa, nếu thừa nhận cố tật nhẹ là tật có tỷ lệ thương tật dưới 11% thì nạn nhân bị cố tật có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên không còn là cố tật nhẹ nữa. tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, khoản 2 và khoản 3 của điều luật quy định “thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này” là để người áp dụng pháp luật căn cứ vào các tình tiết của vụ án, nếu có thì áp dụng, nếu không có tình tiết đó thì thôi, không bắt buộc phải áp dụng nếu như tình tiết đó không có trong vụ án. như vậy, trên thực tế khoản 2 và khoản 3 của điều luật  sẽ không bao giờ có trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 của điều luật “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”.

Tuy nhiên, để tránh việc hiểu sai tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” quy định tại điểm b khoản 1 điều 104 bộ luật hình sự, chúng tôi đề nghị khi có dịp sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự năm 1999 thì khoản 2 và khoản 3 của điều 104 bộ luật hình sự không nên quy định “... nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này”, mà nên quy định “... nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 điều này” (không có điểm b).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra