Chuyên đề 4a: Một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án dân sự


I. VỀ TỐ TỤNG:
1. Về thẩm quyền giải quyết vụ án:
Toà án chỉ giải quyết cây trồng trên đất và cho rằng đất chưa có giấy tờ nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là không đúng:
Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kế với bị đơn là bà Phùng Thị Đời, cụ thể như sau:
Bà Kế khởi kiện yêu cầu bà Đời phải trả bà Kế 3.087,7m2 đất rừng trên có 22 cây xoài do bà Kế trồng (số cây còn lại trên đất do bà Đời trồng). Số cây xoài trên diện tích đất này do bà Đời đang quản lý.

Bà Đời thì không đồng ý yêu cầu của bà Kế.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/2008/DSST ngày 12/5/2008, Toà án nhân dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoàđã quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Kế; buộc bà Đời phải trả bà Kế toàn bộ cây trái nằm trên diện tích 3.087,7m2 đất (có sơ đồ kèm theo). Giao cho bà Kế tạm quản lý diện tích đất nêu trên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Bà Kế thanh toán cho bà Đời giá trị số cây đào, bạch đàn, keo lá chàm 2.760.000đ.
Bà Đời kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 12/2009/DSPT ngày 25/2/2009, Toà án nhân dân tỉnh KhánhHoà đã sửa bản án sơ thẩm: huỷ một phần bản án dân sự sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với việc tranh chấp 3.087,7m2 đất; bác yêu cầu của bà Kế về việc tranh chấp 22 cây xoài.
(Toà án cấp phúc thẩm lại cho rằng Toà án chỉ có thẩm quyền giải quyết phần cây trồng trên đất, còn đất (mà trên đó có cây trồng) chưa có giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2 và 5 Luật đất đai 2003 thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án để đình chỉ giải quyết đối với tranh chấp đất).
Tại Quyết định số 124/QĐKN-V5 ngày 17/8/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 691/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: diện tích đất các bên tranh chấp tuy không có giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai, nhưng có tranh chấp 22 cây xoài trên đất; theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật đất đai thì tranh chấp tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân. Toà án nhân dân huyện Cam Lâm thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện là đúng thẩm quyền. Toà án cấp phúc thẩm cho rằng các bên đương sự không có giấy tờ về sử dụng đất được quy định tại khoản 1, 2, 5 Luật đất đai năm 2003 để huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với tranh chấp quyền sử dụng 3.087,7m2 đất với lý do không thuộc thẩm quyền của Toà án là không đúng. Mặt khác, Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết tranh chấp đất nhưng lại giải quyết tranh chấp 22 cây xoài có trên đất (thuộc tài sản gắn liền với đất) cũng là không đúng.
2. Bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
 2.1 Không đưa những người đang ở trên nhà đất tranh chấp vào tham gia tố tụng là thiếu sót:
Khi giải quyết các vụ án tranh chấp nhà đất thì Toà án cần làm rõ nhà đất tranh chấp gồm những ai đang quản lý, sử dụng. Trong trường hợp nguyên đơn chỉ kiện chủ hộ hoặc chỉ kiện một trong số những người đang quản lý, sử dụng nhà đất thì Toà án cần phải đưa những người khác đang cùng quản lý nhà đất vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có làm như vậy thì Toà án mới có thể làm rõ được lý do mà họ được quản lý, sử dụng nhà đất, họ có công sức gì liên quan đến nhà đất tranh chấp… đồng thời khi bản án tuyên nếu có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ thì mới có thể thi hành được. Đã có một số Thẩm phán khi giải quyết các loại việc này không đưa những người cùng ở nhà đất tranh chấp vào tham gia tố tụng nên việc giải quyết không đảm bảo quyền lợi của họ hoặc bản án không tuyên gì đến quyền lợi của họ dẫn đến khó thi hành án hoặc không thi hành án được. Ví dụ: vụ tranh chấp dân sự có nguyên đơn là ông Lê Lam với bị đơn là ông Phạm Văn Do và bà Nguyễn Thị Bê, cụ thể như sau:
Ông Lê Lam khởi kiện đòi ông Phạm Văn Do và bà Phạm Thị Bê phải trả cho ông 370m2 đất. Trên thửa đất tranh chấp có căn nhà số 518A của chị Phạm Thị Thanh Bình (con gái ông Do, bà Bê) hiện gia đình chị Bình đang ở. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 37/2009/DSST ngày 18/8/2009, Toà án nhân dân quận H, Thành phố HCM quyết định: Buộc ông Phạm Văn Do và bà Nguyễn Thị Bê phải trả ông Lê Lam và bà Trần Thị Quỳnh Anh 370m2 đất tranh chấp. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 168/2010/DSPT ngày 2/2/2010, Toà án nhân dân HCM đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Lẽ ra trong trường hợp này Toà án phải đưa chị Bình và chồng chị Bình là anh Hoàng Quang Nhuận vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng pháp luật tố tụng. Toà án cấp sơ thẩm (quận H, Thành phố HCM) và Toà án cấp phúc thẩm (thành phố HCM) đã không đưa anh Nhuận và chị Bình vào tham gia tố tụng (trong khi lại buộc ông Do và bà Bê phải trả đất cho ông Lê Lam, trong đó có phần nhà đất anh Nhuận và chị Bình đang ở) là không đảm bảo quyền lợi của đương sự. Do đó, tại Quyết định số 120/2010/KNDS ngày 6/8/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 695/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷbản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
2.2 Không đưa những người trong hộ vào tham gia tố tụng là thiếu sót:
Khi giải quyết tranh chấp về tài sản có liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình thì Toà án phải đưa đầy đủ các thành viên của hộ gia đình vào tham gia tố tụng vì việc giải quyết có liên quan đến quyền lợi của toàn thể các thành viên đó. Tuy nhiên, trên thực tế có vụ án thì đất tranh chấp đã được Uỷ ban nhân dân cấp cho hộ gia đình, nhưngToà án lại không đưa các thành viên trong hộ tham gia tố tụng là thiếu sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Chúng tôi nêu ví dụ về vụ tranh chấp quyền sử dụng đất có nguyên đơn là bà Phạm Thị Cơ, chị Lê Thị Chuyển với bị đơn là anh Lê Hoàng Chiến, cụ thể như sau:
Bà Cơ khởi kiện yêu cầu anh Chiến phải trả cho bà 180m2 đất nằm trong diện tích 4.442,9m2 đất tại thửa 245, tờ bản đồ số 9 ấp 3, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau mà hộ gia đình anh Chiến được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003. Chị Chuyển (con bà Cơ) thì chỉ yêu cầu anh Chiến trả bà Cơ 150m2 đất. Anh Chiến không đồng ý yêu cầu của bà Cơ và chị Chuyển.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 145/2006/DSST ngày 27/6/2006, Toà án nhân dân thành phố Cà Mau đã bác yêu cầu của bà Cơ và chị Chuyển.
Bà Cơ và chị Chuyển kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 86/2007/DSPT ngày 11/1/2007, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã buộc anh Chiến giao lại cho bà Cơ 500m2 đất (có tứ cận cụ thể) và kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Cà Mau điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại quyết định số 13/2010/KNDS ngày 8/1/2010 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 692/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định trong đó có nội dung: theo quyết định số 10190/QĐUB ngày 26/11/2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố CM thì hộ anh Lê Hoàng Chiến được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích  4.442,9m2 đất tại thửa 245, tờ bản đồ số 9 ấp 3, xã Tân Thành, thành phố CM, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa những người có tên trong hộ anh Chiến (ở thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tham gia tố tụng để làm rõ yêu cầu của họ là có thiếu sót. Mặt khác, Toà án cấp phúc thẩm buộc anh Lê Hoàng Chiến giao lại cho bà Cơ 500m2 đất (trong khi bà Cơ chỉ yêu cầu được sử dụng 150m2 đất) là không đúng. Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
 3. Về đình chỉ giải quyết vụ án:
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng Thẩm phán đã hướng dẫn những quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006. Tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng những quy định này còn có sai sót. Chúng tôi nêu ví dụ về vụ tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn là ông Võ Vinh với bị đơn là bà Trần Thị Hiền, cụ thể như sau:
Tại đơn ngày 25/12/2006 ông Võ Vinh khởi kiện yêu cầu bà Trần Thị Hiền trả nợ cho ông 8.650.000đ gốc và tiền lãi. Tại đơn này ông Vinh ghi địa chỉ của bà Hiền là:“số 26 Kiệt 54 đường Tam Thai, phường Phước Vĩnh, thành phố H, tỉnh TTH”.
 Toà án nhân dân thành phố H tống đạt giấy triệu tập cho bà Hiền qua đường bưu điện và đều nhận lại giấy triệu tập do bưu điện trả lại được ghi ở phong bì là không tìm thấy địa chỉ.
Tại Quyết định số 20/2007/QĐST ngày 1/3/2007, Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh TTH quyết định: đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho ông Võ Vinh.
Ông Vinh kháng cáo. Tại Quyết định số 15/2007/QĐPT ngày 25/4/2007, Toà án nhân dân tỉnh TTH quyết định: giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.
Tại Quyết định số 219/2010/KNDS ngày 6/4/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị quyết định phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 706/2010/DSGĐT ngày 21/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: trong trường hợp này, lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào khoản 2 Điều 169 và tiểu mục 8.5, 8.6 và 8.7 mục 8 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006 của Toà án nhân dân tối cao để xác minh làm rõ đây là trường hợp chưa tìm được địa chỉ của bị đơn hay là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện nên áp dụng điểm c, khoản 1 và khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Toàán cấp phúc thẩm không xác minh địa chỉ của bà Hiền, không gửi giấy triệu tập cho bà Hiền theo quy định của pháp luật tố tụng và cho rằng ông Võ Vinh chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 192, điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự để giữ nguyên quyết định đình chỉ của Toà án cấp sơ thẩm cũng là không đúng.
Quyết định giám đốc thẩm huỷ quyết định phúc thẩm và quyết định sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
4. Không làm rõ yêu cầu khởi kiện của đương sự, chưa xác minh đất tranh chấp có các loại giấy tờ theo quy định hay chưa để xác định thẩm quyền giải quyết mà đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ:
Bộ luật tố tụng dân sự quy định về khởi kiện và thụ lý vụ án tại Chương XII Phần thứ hai Bộ luật tố tụng dân sự từ Điều 161 đến Điều 178. Theo các quy định này thì phạm vi khởi kiện, hình thức, nội dung đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện … được quy định tương đối cụ thể. Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn những quy định này tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006. Theo các quy định này thì việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện được thực hiện trong những trường hợp nhất định và với thời gian, yêu cầu cụ thể: Khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTDS, thì tuỳ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Toà án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày người khởi kiện nhận được văn bản của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể gia hạn thêm, nhưng không quá mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn do Toà án ấn định nêu trên. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện biết để họ thực hiện. Văn bản này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện. Việc giao hoặc gửi này phải có sổ theo dõi.  Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện vẫn được xác định là ngày nộp đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện nộp trực tiếp tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi, nếu đơn khởi kiện được gửi qua bưu điện. Sau khi người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án tiếp tục việc thụ lý vụ án theo thủ tục chung quy định tại Điều 171 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nếu hết thời hạn do Toà án ấn định mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của Bộ luật tố tụng dân sự trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ. Trên thực tế có vụ án người khởi kiện nêu không rõ yêu cầu khởi kiện, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý, giải quyết và cũng không yêu cầu họ sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm cũng không phát hiện ra sai sót này, nên vẫn tiếp tục giải quyết vụ án cũng là không đúng. Đồng thời Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn không xem xét công sức quản lý, tôn tạo đất của người đang sử dụng đất, không xem xét tình hình thực tế về nhà ở của đương sự, nên việc giải quyết chưa đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Chúng tôi nêu ví dụ về vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Xuân với bị đơn là cụ Nguyễn Văn Bắc cụ thể như sau:
Tại đơn khởi kiện ngày 13/12/2007 và các lời khai tiếp theo, bà Trần Thị Xuân yêu cầu cụ Nguyễn Văn Bắc tách cho bà đứng tên trên diện tích 169,5m2 đất hoặc yêu cầu cụ Bắc bồi thường công sức cho bà lấp ao là 100 triệu đồng, hoặc trả cho bà 2.000m2 đất.
Bị đơn cụ Nguyễn Văn Bắc do ông Nguyễn Văn Tòng đại diện trình bày: cha ông là cụ Nguyễn Văn Bắc đứng tên diện tích đất 708,2m2, toạ lạc tại ấp Tân Phú, xã Tân Hương, huyện CT, tỉnh TG. Cha ông không cho bà Xuân bất cứ phần đất nào, mà do bà Xuân tự ý cất nhà ở. Lúc đó, đất này gần sông có ao, sau nhà nước có đào kênh nên gia đình anh mới nhờ đổ đất lấp ao, bà Xuân tự ý bán đất cất nhà ở cùng với con cháu của bà cho đến nay. Nay cha ông không đồng ý tách quyền sử dụng đất cho bà Xuân đứng tên và không đồng ý trả tiền san lấp ao, mà có yêu cầu phản tố buộc bà Xuân di dời trả lại đất cho cha ông.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 280/2008/DSST ngày 10/6/2008, Toà án nhân dân huyện CT, tỉnh TG không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Xuân. Ghi nhận ông Nguyễn Văn Bắc để cho bà Trần Thị Xuân, anh Phạm Văn Tấn, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, anh Phạm Trường Giang, anh Nguyễn Hoàng Giang, chị Phạm Ngọc Hương tiếp tục cất 1 ngôi nhà kết cấu mái lợp lá, vách lá, cột cây tạm, nền đất trên diện tích 35m2 nằm trong diện tích đất 708,2m2 thửa 626 do ông Bắc đứng tên trong Sổ bộ địa chính toạ lạc tại ấp Tân Phú, xã Tân Hương, huyện CT, tỉnh TG. Đến khi bà Xuân chết anh Tấn, chị Thu, anh Trường Giang, anh Hoàng Giang, chị Ngọc Hương có nghĩa vụ di dời nhà, trả lại toàn bộ diện tích 35m2 đất cho ông Bắc (có tuyên về tứ cận).
Buộc bà Trần Thị Xuân, anh Phạm Văn Tấn, chị Phạm Thị Thu Thuỷ, anh Nguyễn Hoàng Giang, anh Phạm Trường Giang và chị Phạm thị Ngọc Hương có nghĩa vụ liên đới di dời nhà ngang 3.4m, dài 5m kết cấu mái lợp lá, vách lá, cột cây tạm, nền đất và di dời 1 bụi chuối, 1 bụi tre trả lại diện tích 134.5m2 nằm trong diện tích đất 708,2m2 thửa đất số 626, do ông Nguyễn Văn Bắc đứng tên trong Sổ bộ địa chính toạ lạc tại ấp ấp Tân Phú, xã Tân Hương, huyện CT, tỉnh TG (có tứ cận). Thời gian di dời và việc trả đất khi án có hiệu lực pháp luật.
Ngày 12/6/2008, bà Trần Thị Xuân có đơn kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 476/2008/DSPT ngày 09/9/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Trần Thị Xuân có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 433/2010/KN-DS ngày 11/6/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đó khỏng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 476/2008DSPT ngày 09/9/2008 của Toà án nhân dân tỉnh TG.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 677/2010/DS-GĐT ngày 19/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định:
- Về tố tụng:
+ Tại đơn khởi kiện ngày 13/12/2007 và các lời khai tiếp theo, bà Trần Thị Xuân yêu cầu cụ Nguyễn Văn Bắc tách cho bà đứng tên trên diện tích 169,5m2 đất, hoặc yêu cầu cụ Bắc bồi thường công sức bà lấp ao là 100.000.000 đồng, hoặc trả cho bà 2.000 m2 đất. Như vậy, bà Bắc chưa thể hiện rõ những yêu cầu đối với cụ Bắc. Lẽ ra trường hợp này, Toà án nhân dân huyện CT, tỉnh TG phải yêu cầu bà Xuân sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại Điều 169 Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu bà Xuân chỉ yêu cầu được tách thửa, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật đất đai năm 2003). Toà án nhân dân tỉnh TG cũng không khắc phục được vấn đề nêu trên, mà vẫn giải quyết vụ án là thiếu sót.
+ Cụ Bắc có yêu cầu phản tố yêu cầu bà Xuân phải trả lại cho cụ diện tích 169,5m2 đất mà bà Xuân đang quản lý, sử dụng là một phần của thửa số 524 diện tích 302m2 mà cụ Bắc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/7/1998. Nhưng theo Biên bản đo đạc, thẩm định giá tài sản ngày 26/3/2008 thì diện tích 169,5m2 đất tranh chấp là một phần của thửa 626, chứ không phải thửa số 524. Ngày 26/3/2008, cụ Bắc có “Đơn xin xác định số thửa, diện tích” trong đó có nội dung thửa đất mà cụ là chủ sử dụng có số thửa 626; đơn của cụ Bắc có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Tân Hương.
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa làm rõ diện tích đất đang tranh chấp thuộc thửa đất nào, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự hay chưa, hoặc có việc cấp sai số thửa cho cụ Bắc hay không, để xác định đúng thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Toà án nhân dân hay của Uỷ ban nhân dân.
- Về nội dung:
Bà Trần Thị Xuân khai cụ Nguyễn Văn Bắc (là cha chồng của bà Xuân) đã cho vợ chồng bà thửa đất và bà đã cất nhà, sử dụng đất, tôn tạo (lấp ao thành đất nền) từ năm 1972. Tuy bà Xuân chưa xuất trình được chứng cứ để chứng minh cụ Bắc đã cho vợ chồng bà Xuân phần đất tranh chấp, nhưng trên thực tế thì bà Xuân đã có nhiều công sức trong việc quản lý, tôn tạo đất. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc bà Xuân trả lại đất cho cụ Bắc mà không xem xét đến công sức của bà Xuân là không đảm bảo quyền lợi của bà Xuân. Mặt khác, theo ý kiến ngày 12/10/2007 của Uỷ ban nhân dân xã Tân Hương, huyện CT, tỉnh TG (nơi có đất tranh chấp) thì ngoài phần đất đang tranh chấp thì bà Xuân không còn phần đất nào ở địa phương.
Do vậy, nếu có căn cứ xác định cụ Bắc chưa cho bà Xuân đất thì phải xác định đúng giao dịch dân sự về quan hệ sử dụng đất của bà Xuân từ năm 1972 cho đến nay với cụ Bắc là loại giao dịch dân sự nào (mượn đất, thuê đất), có thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 Nghị định số 181 ngày ngày 29/10/2004 (đã sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 và Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ) của Chính phủ về việc thi hành Luật đất đai năm 2003 hay không, để có cơ sở giải quyết vụ án. Nếu bà Xuân có nghĩa vụ trả lại đất cho cụ Bắc theo quy định của pháp luật thì chỉ nên buộc bà Xuân phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho cụ Bắc mới hợp tình, hợp lý.
Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.     
5. Về thu thập chứng cứ:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự (Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự). Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự thì Toà án thu thập chứng cứ trong 2 trường hợp sau đây:
- Trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.
- Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
Việc lấy lời khai của đương sự, lấy lời khai của người làm chứng, đối chất, xem xét, thẩm định tại chỗ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, uỷ thác thu thập chứng cứ… được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định từ Điều 86 đến Điều 98 và được hướng dẫn tại phần IV Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005.
Việc thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để Toà án giải quyết vụ án. Chỉ khi thu thập đầy đủ chứng cứ thì Toà án mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế còn có không ít các trường hợp Toà án giải quyết vụ án khi chưa đầy đủ các chứng cứ, như các đương sự tranh chấp nhà đất có liên quan đến chính sách cải tạo, tranh chấp đất đai liên quan đến cải cách ruộng đất, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng Toà án lại không thu thập chứng cứ tại các cơ quan có liên quan để xác định có hay không việc Nhà nước đã có quyết định cải tạo, việc cấp giấy chứng nhận có đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định hay không? Khi cấp giấy chứng nhận thì có khiếu nại hay không và nếu có thì các cơ quan chức năng đã giải quyết hay chưa... Có trường hợp thì lời khai của các đương sự có nhiều mâu thuẫn nhưng Thẩm phán không cho đối chất, không lấy lời khai của người làm chứng, thu thập tài liệu, chứng cứ của các cơ quan..., dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa đủ căn cứ. Ví dụ: vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Chiêm với bị đơn là ông Bùi Văn Lực, cụ thể như sau:
Bà Lê Thị Chiêm khởi kiện cho rằng nguồn gốc 240m2 đất thuộc thửa 236, tờ bản đồ số 2 toạ lạc tại ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, huyện CĐ, tỉnh LA mà gia đình ông Bùi Văn Lực đang quản lý, sử dụng là của cha mẹ chồng của bà để lại cho vợ chồng bà. Trước đây, phần đất này liền thổ với các phần đất khác của gia đình bà. Năm 1978, nhà nước đào kênh nên xẻ phần đất đang tranh chấp sang phía bên kia đường và liền kề với đất của ông Lực nên ông Lực đã lấn chiếm đào ao nuôi tôm. Do đó, yêu cầu ông Lực phải trả lại diện tích đất tranh chấp cho gia đình bà.
Còn ông Lực cho rằng diện tích đất mà bà Chiêm đang tranh chấp quyền sử dụng là do cha mẹ của ông để lại, phần đất này ông trồng lúa từ năm 1978. Ngày 27-6-1997 Uỷ ban nhân dân huyện CĐ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho gia đình ông. Năm 2000, ông đã dời nhà đào ao nuôi tôm. Ông không lấn chiếm đất của bà Chiêm nên không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.
Như vậy, các đương sự đều khai đất tranh chấp là của cha mẹ mình, nhưng không có chứng cứ chứng minh.
Chính quyền địa phương cũng không có ý kiến thống nhất đối với diện tích đất tranh chấp, cụ thể tại Biên bản hoàgiải ngày 13-6-2003, Hội đồng hoà giải xã Long Hựu Đông xác định đất tranh chấp là công thổ, nhưng tại các văn bản trả lời cho ông Lực ngày 05-9-2005, ngày 10-8-2006 và ngày 21-12-2006, Uỷ ban nhân dân xã Long Hựu Đông lại xác định đất tranh chấp là của bà Chiêm, nhưng đã cấp nhầm cho ông Lực. Mặt khác, diện tích đất tranh chấp trong các văn bản trên cũng không có sự thống nhất, mà ở mỗi văn bản diện tích đất là khác nhau.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì diện tích đất tranh chấp đã được bà Chiêm đứng tên chủ sử dụng là một phần thuộc thửa số 178, tờ bản đồ 299, diện tích 2.500m2. Theo trích lục bản đồ năm 2003 lại thể hiện ông Lực đứng tên chủ sử dụng đất tranh chấp với số thửa là 236, tờ bản đồ số 02 và không thể hiện diện tích đất là bao nhiêu. Năm 2006, bà Chiêm lại đứng tên chủ sử dụng thửa 236, tờ bản đồ số 02 với diện tích là 3.029m2.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 54/2006/DSST ngày 21-5-2007, Toà án nhân dân huyện CĐ, tỉnh LA quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Chiêm.
Bà Chiêm kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 326/2007/DS-PT ngày 27-7-2007, Toà án nhân dân tỉnh LA quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Chiêm đối với ông Bùi Văn Lực về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Chiêm đòi ông Bùi Văn Lực giao trả 240m2 đất (ngang 4m dài 60m) thuộc thửa 236, tờ bản đồ số 2. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân xã Long Hựu Đông thu hồi diện tích đất lòng kênh đã cấp cho ông Bùi Văn Lực.
Tại Quyết định số 486/2010/KN-DS ngày 25-6-2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 326/2007/DS-PT ngày 27-7-2007 của Toà án nhân dân tỉnh LA.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 675/2010/DS-GĐT ngày 19/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: bà Chiêm đã đứng tên chủ sử dụng diện tích đất tranh chấp theo chỉ thị 299 của Chính phủ, trong khi đó năm 2003 ông Lực mới đứng tên chủ sử dụng. Lẽ ra, trong trường hợp này cần thu thập, xác minh làm rõ lý do năm 2003 ông Lực đứng tên quyền sử dụng. Lấy ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đối với diện tích đất tranh chấp và thu thập, xác minh về hồ sơ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất của ông Lực có đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai hay không? Có hay không năm 1978 khi Nhà nước đào kênh thì diện tích đất của bà Chiêm bị tách thành hai phần?
Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
6. Vấn đề hoà giải  khi có đương sự vắng mặt và việc công nhận sự thoả thuận của các đương sự khi có đương sự vắng mặt mà sự thoả thuận của các đương sự khác có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt:
Hoà giải là thủ tục bắt buộc khi giải quyết vụ án dân sự (việc dân sự có thuận tình ly hôn vẫn phải hoà giải), trừ những vụ án không được hoà giải theo quy định của Điều 181 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định tại Chương III Phần thứ hai về nguyên tắc tiến hành hoà giải, thành phần phiên hoà giải, nội dunghoà giải, biên bản hoà giải… Tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn thi hành các quy định về hoà giải. Theo các quy định này thì Toà án phải triệu tập tất cả những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án tham dự phiên hoà giải. Nếu việc hoà giải vụ án có liên quan đến tất cả đương sự trong vụ án mà có đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải để mở lại phiên hoà giải khác có mặt tất cả đương sự. Trong một vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt trong phiên hoà giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải và việc hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt. Nếu các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trong trường hợp thoả thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thoả thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải đồng ý bằng văn bản.
Như vậy, pháp luật tố tụng đã quy định rõ trường hợp Toà án công nhận sự thoả thuận của các đương sự khi có đương sự vắng mặt mà nội dung thoả thuận của các đương sự có mặt có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Tuy nhiên trong thực tế áp dụng pháp luật còn có Thẩm phán có sai sót. Chúng tôi nêu ví dụ vụ tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là bà Bùi Thuý Hoa, bà Bùi Thị Thu Nga, bà Bùi Thị Mến, bà Bùi Thị Một và bà Bùi Thị Mười Ba với bị đơn là ông Bùi Văn Hiền (tự Thảo) và ông Bùi Văn Triếu; cụ thể như sau:
Cụ Bùi Văn Mười (chết năm 1999) và cụ Mai Thị Cúc (chết năm 1994) có 11 người con bao gồm các ông, bà: Bùi Văn Bé (định cư tại Hoa Kỳ), Bùi Văn Hiền (định cư tại Hoa Kỳ), Bùi Thuý Hoa, Bùi Thị Thu Nga, Bùi Văn Hiền (tự Thảo), Bùi Văn Lắm, Bùi Thị Mến, Bùi Thị Một, Bùi Văn Triếu, Bùi Văn Mười Hai và Bùi Thị Mười Ba. Các nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ là căn nhà 2/19B khu 4, thị trấn CL, tỉnh TG do ông Bùi Văn Hiền (tự Thảo) đang quản lý, sử dụng; còn các tài sản khác không yêu cầu chia. Ngày 24/7/2005 bà Hoa (là một trong các nguyên đơn) có đơn xin rút đơn khởi kiện.
Tại buổi hoà giải ngày 12/7/1997, các nguyên đơn là bà Bùi Thị Thu Nga, bà Bùi Thị Một và bà Bùi Thị Mười Ba (đại diện cho cả bà Bùi Thị Mến), ông Bùi Văn Hiền, ông Bùi Văn Lắm và ông Bùi Văn Triếu đơn đồng ý không tranh chấp căn nhà do vợ chồng ông Hiền (tự Thảo) đang quản lý với điều kiện vợ chồng ông Hiền (tự Thảo) phải bán căn nhà 2/19B khu 4 để trả nợ cho bà Bùi Thị Một theo bản án dân sự phúc thẩm số 207/DSPT ngày 8/6/2004 của Toà án nhân dân tỉnh TG (tại buổi hoà giải này ông Bé, ông Hiền và ông Mười Hai không có mặt).
Tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 15/2007/QĐST-DS ngày 20/7/2007, Toà án nhân dân tỉnh TG đã công nhận sự thoả thuận của các đương sự như sau: nguyên đơn chị Bùi Thị Một, Bùi Thị Thu Nga, Bùi Thị Mười Ba (đồng thời đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn Bùi Thị Mến) thoả thuận tự nguyện với các bị đơn là Bùi Văn Hiền (tự Thảo), Bùi Văn Triếu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bùi Văn Lắm là các nguyên đơn sẽ rút đơn khởi kiện không tranh chấp thừa kế căn nhà 2/19B khu 4, thị trấn CL, tỉnh TG và các tài sản khác; tất cả thống nhất giao cho ông Bùi Văn Hiền (tự Thảo) và vợ là Nguyễn Thị Viện được quyền bán căn nhà này trả nợ cho chị Một theo bản án số 207/DSPT ngày 8/6/2004 của Toà án nhân dân tỉnh TG. Ghi nhận việc bà Bùi Thị Thuý Hoa có đơn xin rút đơn kiện không yêu cầu chia di sản thừa kế. Đình chỉ giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn Bùi Thuý Hoa.
Tại Quyết định số 544/2010/KNDS ngày 16/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị quyết định nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 678/2010/DS-GĐT ngày 19/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: khi hoà giải ngày 12/7/2007 thì ông Bé, ông Hiền (đang định cư tại Mỹ) và ông Mười Hai vắng mặt tại phiên hoà giải. Trong trường hợp này thoả thuận của các đương sự có ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Bé, ông Hiền và ông Mười Hai, nên lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải lấy ý kiến bằng văn bản của những người này xem họ có đồng ý với sự thoả thuận nêu trên của các đương sự khác hay không, nhưng khi chưa có ý kiến của họ bằng văn bản, Toà án cấp sơ thẩm đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự là trái với quy định tại khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 
7. Tuyên cả 2 chiều đều giáp kênh xáng nên không thi hành án được:
Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Dương Văn Trên với bị đơn là ông Bùi Văn Hốt, cụ thể như sau:
Đất của nguyên đơn và bị đơn liền kề nhau tại ấp 7, xã Khánh An, huyện UM. Tại  đơn khởi kiện 8/4/2004 và các lời khai tiếp theo, nguyên đơn ông Trên trình bày: nguồn gốc đất canh tác của ông là do nhận chuyển như­ợng của ông Tư­ Ú năm 1979 có giấy tờ diện tích 16.996m2 và nhận chuyển nhượng của bà Ky không có giấy chuyển nh­ượng. Trư­ớc 1993, ông sử dụng nh­ưng từ năm 1993, ông Hốt trồng bờ dừa lấn ranh giới sang đất của ông phần đất lấn có hình tam giác (chiều ngang giáp lộ xóm 6m chạy dọc đất hai bên từ tiền tới hậu). Phần đất này nằm trong 22.400m2 đất năm 1995 ông đã đư­ợc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông yêu cầu ông Hốt trả lại đất cho ông.
Bị đơn (ông Hốt) trình bày: Ông khai phá sử dụng đất từ năm 1970. Ranh giới đất giữa ông và ông Trên là hàng dừa do ông trồng năm 1993. Năm 1995 ông đ­ược cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 26.000m2; ông không lấn đất của ông Trên. Năm 2003 khi ông cho xáng múc vét bờ kênh thì ông Trên tranh chấp.
Tại Bản án sơ thẩm số 58/2007/DSST ngày 22/11/2006, Toà án nhân dân huyện UM quyết định:
Bác đơn khởi kiện của ông Trên. Giữ y phần đất cho ông Hốt canh tác diện tích 151m2: Đông giáp sông ụng Đốc- Tây giáp kênh xáng, Nam giáp kênh xáng, Bắc giáp đất ông Trên; Ngang từ Nam ra Bắc 6m phía Đông, chạy từ Đông sang Tây theo hình tam giác 0 m- 6m.
Ngày 04/12/2006, ông Trên kháng cáo.
Tại bản án phúc thẩm số 279/2007/DSPT ngày 20/6/2007, Toà án nhân dân  tỉnh CM quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ông Trên có đơn khiếu nại cho rằng Toà án xác định đất của ông Hốt thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng; trên đất không có hàng dừa nào nh­ư bản án nêu.
Tại công văn số 90/THA ngày 30/6/2009, Thi hành án dân sự huyện UM kiến nghị xem xét lại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm với lý do không thi hành án đư­ợc vì các tứ cận đất tranh chấp mà bản án tuyên không xác định đư­ợc trên thực tế (hư­ớng Nam không xác định đ­ược) và không xác định đ­ược tổng diện tích đất tranh chấp.
Tại quyết định kháng nghị số 454/2010/KN-DS ngày 18/6/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 679/2010/DS-GĐT ngày 19/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: Về diện tích phần đất các đương sự đang tranh chấp: ngày 04/2/2004, Toà án nhân dân huyện UM cùng đại diện chính quyền xã UM đã đo đạc và xác định phần đất tranh chấp là hình tam giác có đỉnh nằm ở hư­ớng Tây giáp kênh xáng lộ xe, đáy nằm ở h­ướng Đông có “điểm tại lộ xóm dài 6m chạy xéo dài 297m” giữa đất của ông Trên và ông Hốt đang sử dụng  ấp 7, xã Khánh An, huyện UM, tỉnh CM, với số liệu các cạnh nêu trên Toàán cấp sơ thẩm xác định diện tích đất tranh chấp là 151m2 là không đúng; hơn nữa  trong quyết định của bản án cũng ghi sai cận đất tranh chấp (cả hư­ớng Tây và hư­ớng Nam đều ghi là giáp kênh xáng). Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm quyết định bác đơn kiện của ông Trên; giữ nguyên phần đất cho ông Hốt canh tác 151m2 là không có đủ cơ sở và không đúng thực tế, nên không thi hành án được. Vì vậy, cần phải huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
8. Không triệu tập người được uỷ quyền đến phiên toà mà lại đình chỉ xét xử phúc thẩm với lý do đương sự đã uỷ quyền không đến là vi phạm nghiêm trọng tố tụng:
Đương sự đã uỷ quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng tại giai đoạn phúc thẩm, nhưng Toà án không triệu tập người được uỷ quyền đến tham gia phiên toà, mà lại đình chỉ giải quyết vụ án là sai. Ví dụ: vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản có nguyên đơn là bà Phạm Thị Ánh với bị đơn là bà Bùi Thị Hồng Vân và ông Trần Văn Thảnh:
Trong vụ án này, ngoài việc tính lãi suất không đúng, thì về tố tụng tại giai đoạn phúc thẩm, ngày 27/11/2009 ông Thảnh, bà Vân uỷ quyền cho ông Bùi Ninh Trường Giang tham gia tố tụng. Ngày 1/12/2009, Toà án cấp phúc thẩm giao giấy báo lần 2 cho bà Vân. Khi nhận giấy báo bà Vân có ý kiến đề nghị Toà án triệu tập người đã được bà uỷquyền là ông Bùi Ninh Trường Giang… Toà án cấp phúc thẩm không tống đạt giấy báo cho ông Giang là trái với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại Quyết định số 131/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 19/8/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 698/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 ToàDân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷ quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên.
9. Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án nhưng lại thay đổi cả nội dung bản án phúc thẩm là vi phạm tố tụng:
Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về sửa chữa, bổ sung bản án: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…”. Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trong đó  quy định về việc chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:
- Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…
- Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai…, mà phải sửa lại cho đúng.
Tuy nhiên trên thực tế thì có Thẩm phán ban hành Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án, nhưng lại làm thay đổi nội dung quyết định của bản án phúc thẩm. Chúng tôi nêu ví dụ vụ tranh chấp chấp ranh đất có nguyên đơn là ông Võ Văn Thái với bị đơn là cụ Trần Quang Hải, cụ thể như sau:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 10/02/2004 và trong quá trình tố tụng nguyên đơn là ông Võ Văn Thái trình bày: Hàng rào ranh giữa thửa đất 439, 440, 441 của ông với thửa đất 442, 443 của ông Hải đã được hiệp thương năm 2000 là một đường thẳng. Nhưng đến năm 2003, ông Hải đã xây lại hàng rào ranh là đường gấp khúc lấn sang đất của ông, chỗ lấn nhiều nhất khoảng 0,7m chiều rộng, hàng rào có chiều dài khoảng 35m, cạnh hàng rào tường có một ngôi mộ. Nay ông yêu cầu Toà án xác định lại ranh đất cho ông và ông yêu cầu ông  Hải  phải trả lại phần đất ranh lấn chiếm, đồng thời dỡ bỏ phần hàng rào ranh xây lấn chiếm, lấy trụ đá phía đầu ngoài lộ đal làm chuẩn kéo dây thẳng đến phía trong để xác định ranh.
Bị đơn là ông Trần Quang Hải trình bày: Ông không lấn ranh đất như ông Thái trình bày, mà ranh đất giữa đất của ông và đất của ông Thái trước đây cụ Định (mẹ ông Thái) đã cắm mốc làm ranh được hai bên thống nhất và không tranh chấp từ năm 1960 đến nay, phía ngoài lộ đal là cột trụ bê tông còn phía  trong là hàng dâm bụt, các trụ đá và hàng rào xương rồng đến nay vẫn còn. Năm 2003, ông  làm hàng rào ngay tại ví trí ranh cụ Định đã cắm mốc, trong lúc xác định ranh để xây ông có mời con ông Thái ra xác nhận. Ông yêu cầu Toà xác định ranh theo biên bản hiệp thương ngày 07/9/2000, nếu bên ông có lấn ranh ông sẽ tự phá dỡ hàng rào trả lại đất lấn chiếm.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 117/2006 ngày 07/8/2006 của TAND huyện CL, tỉnh BT quyết định: Buộc ông Trần Quang Hải phải trả cho ông Thái phần đất lấn chiếm có diện tích 14,4m2 có chiều dài là 10,74m (nối tiếp đoạn ranh dài 28,71m hai bên không tranh chấp tính tự lộ dal vào), chiều rộng phía bắc là 0,5m, chiều rộng phía nam là 0,8m thuộc thửa 439, 440, 441 tờ bản đồ số 02 do ông Thái đứng tên quyền sử dụng. Buộc ông Hải dỡ hàng rào tường tường lưới B40 và những vật lấn qua đất của ông Thái.
Ngày 11/8/2006 ông Hải kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm.
Ngày 18/8/2006 ông Thái kháng cáo yêu cầu xác định lại toàn bộ ranh đất chứ không phải chỉ hơn 10m như án sơ thẩm.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 288/2007/DSPT ngày 11/7/2007, Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định sửa bản án sơ thẩm như sau: “Công nhận đường ranh đất giữa thửa đất (439, 440, 441) của ông Võ Văn Thái sử dụng và thửa đất (442, 443) của ông Trần Quang Hải sử dụng là một đường thẳng từ điểm số 05 có trụ bê tông giáp lộ đal nối thẳng đến điểm số 27, tiếp giáp rạch (theo hoạ đồ hiện trạng sử dụng đất số 439, 440, 441, 442, 443 tờ bản đồ số 2 toạ lạc tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (có hoạ đồ kèm theo)”.
Sau đó, Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành thông báo số 380/TB-TA để sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm số 288/2007/DSPT nêu trên với nội dung:  “Công nhận đường ranh đất giữa thửa đất (439, 440, 441) của ông Võ Văn Thái sử dụng và thửa đất (442, 443) của ông Trần Quang Hải sử dụng là một đường thẳng từ điểm số 05 có trụ bê tông giáp lộ đal nối thẳng đến điểm số 27, tiếp giáp rạch (theo hoạ đồ hiện trạng sử dụng đất số 439, 440, 441, 442, 443 tờ bản đồ số 2 toạ lạc tại xã Sơn Định, huyện CL - có hoạ đồ kèm theo.
Buộc ông Trần Quang Hải phải đập dỡ hàng rào tường lưới B40, những vật và phần xây dựng khác đã lấn qua phần đất của ông Võ Văn Thái, cấm lại cọc mốc tại đoạn giữa của đường ranh đất là đường thẳng từ điểm số 05 đến điểm số 27”.
Sau khi xét xử phúc thẩm, tại Công văn số 01/ĐNKN, Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm và tại Quyết định số 512/2010/KN-DS ngày 09/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 702/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: Theo biên bản xác định ranh giới thửa đất ngày 07/9/2000 và trích lục sơ đồ vị trí thửa đất ngày 26/9/2000, cũng như theo sự thừa nhận của bị đơn tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm thì ranh giữa thửa đất của gia đình cụ Hải và gia đình ông Thái là một đường thẳng nối từ trụ ranh phía bắc (điểm số 05) đến trụ ranh phía nam (điểm số 27), nhưng theo hoạ đồ hiện trạng sử dụng thì bức tường cụ Hải xây làm ranh đất năm 2002 lại là đường gấp khúc. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm công nhận ranh đất giữa các thửa đất của gia đình ông Thái và gia đình cụ Hải là một đường thẳng nối từ điểm số 05 đến điểm số 27 theo hoạ đồ là có căn cứ. Tuy nhiên, thực tế theo ranh giới trên thì trên phần đất của ông Thái có một phần công trình kiến trúc của cụ Hải, nhưng Toà án cấp phúc thẩm không buộc cụ Hải tháo dỡ phần xây cất trên đất của ông Thái là giải quyết không triệt để vụ án.
Tuy ngày 22/4/2008, Toà án nhân dân tỉnh BT ra thông báo số 380/TB-TA để sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm số 288/2007/DSPT nêu trên với nội dung buộc cụ Hải phải tháo dỡ hàng rào tường lưới B40, những vật và phần xây dựng khác lấn ranh đất của ông Thái. Tuy nhiên, thông báo này đã làm thay đổi nội dung quyết định tại bản án phúc thẩm là vi phạm Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự.
10. Việc tiếp nhận, xử lý đơn kháng cáo tại Toà án cấp phúc thẩm
Trường hợp người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo tại Toà án cấp phúc thẩm hoặc gửi đơn kháng cáo đến Toà án cấp phúc thẩm qua bưu điện, thì khi nhận đơn kháng cáo Toà án cấp phúc thẩm cũng phải vào sổ nhận đơn kháng cáo để theo dõi. Toà án cấp phúc thẩm phải ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo. Đồng thời Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển ngay đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để Toà án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc chuyển đơn kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm phải được ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết về việc đã nhận được đơn kháng cáo và chuyển đơn kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm để họ liên hệ với Toà án cấp sơ thẩm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người kháng cáo theo thủ tục chung.
Trên thực tế có vụ án thì Toà án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo trong thời hạn luật định. Lẽ ra Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển đơn về cho Toà án cấp sơ thẩm để Toà án cấp sơ thẩm tiến hành làm các thủ tục cần thiết và gửi hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm, nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại không làm theo các quy định của pháp luật. Sau đó đương sự lại có đơn kháng cáo khác (ngoài thời gian 15 ngày theo quy định). Toà án cấp sơ thẩm làm hồ sơ kháng cáo quá hạn và Toà án cấp phúc thẩm ban hành quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn là sai. Ví dụ: vụ đòi lại đất cho mượn có nguyên đơn là chị Huỳnh Thị Hà với bị đơn là ông Nguyễn Văn Út, bà Nguyễn Thị Lan cụ thể như sau:
Ngày 12/08/2008, Toà án nhân dân huyện PL, tỉnh BL mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Đòi lại đất cho mượn” giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Hà với bị đơn là ông Nguyễn Văn Út và bà Nguyễn Thị Lan. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Văn Út có “Đơn yêu cầu” đề ngày 15/08/2008 gửi Toà án nhân dân tỉnh BL (thể hiện qua phong bì thư dấu bưu điện nơi gửi là “PL ngày 18/08/2008”, dấu bưu điện nơi đến là “BL ngày 19/08/2008”) có nội dung không đồng ý với quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 63/2008/DS-ST ngày 12/08/2008 của Toà án nhân dân huyện PL, tỉnh BL. Toà án nhân dân tỉnh BL đã nhận đơn, vào sổ công văn số thứ tự là 134 ngày 20/08/2008. Tuy nhiên, Toà án nhân dân tỉnh BL không làm thủ tục chuyển đơn cho Toà án cấp sơ thẩm là không thực hiện đúng hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/08/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Ngày 8/9/2008, ông Út tiếp tục có “Đơn xin chống án” có nội dung không đồng ý với quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 63/2008/DS-ST ngày 12/08/2008 của Toà án nhân dân huyện PL, tỉnh BL. Cùng ngày 8/9/2008, Toà án nhân dân huyện PL, tỉnh BL đã ghi lời khai của ông Út.
Toà án nhân dân tỉnh BL chỉ xem xét “Đơn xin chống án” ngày 08/09/2008 của ông Út và căn cứ vào biên bản ghi lời khai ngày 08/09/2008 của ông Út về việc kháng cáo quá hạn để cho rằng ông Út kháng cáo quá hạn không có lý do chính đáng; từ đó Toà án nhân dân tỉnh BL ban hành Quyết định số 07/2008/QĐ-PT ngày 25/09/2008 không chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông Út là không xem xét đầy đủ các tình tiết của vụ án; bởi vì ngoài đơn kháng cáo ngày 8/9/2008 thì ông Út còn làm đơn có nội dung kháng cáo vào ngày 15/8/2008 và căn cứ vào dấu tại phong bì thư của bưu điện huyện PL (ngày 18/8/2008) thì ngày kháng cáo của ông Út là ngày 18/8/2008 (còn trong hạn luật định). Do đó, Toà án nhân dân tỉnh BL xác định ông Út kháng cáo quá hạn là không đúng pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 731/2010/DS-GĐT ngày 27/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷquyết định phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm giải quyết lại.
II.VỀ NỘI DUNG:
1. Lấy tài sản Nhà nước đã có quyết định quản lý chia cho đương sự:
Ví dụ: Vụ tranh chấp về thừa kế và chia tài sản chung có nguyên đơn là ông Phan Văn Kim với bị đơn là bà Phan Thị Ngân, có nội dung như sau:
Tại đơn khởi kiện ngày 29/3/2006 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là Phan Văn Kim trình bày: vợ chồng cụ Phan Văn Đ­ường (chết năm 1987), cụ Nguyễn Thị Tứ (chết năm 2000) có 5 ng­ười con chung là các ông bà Phan Thị Ngân, Phan Văn Bằng, Phan Thị An, Phan Văn Kim, Phan Thị Ngọc. Tài sản của vợ chồng cụ Đ­ường, cụ Tứ để lại gồm có nhà đất tại số 32/7 Thiên Thành, phường 4, ĐL (hiện do ông Kim quản lý sử dụng), nhà đất tại số 10A La Sơn Phu Tử, phư­ờng 6, ĐL (hiện do ông Bằng), nhà đất tại số 126 Hai Bà Trư­ng gồm 4 căn liền kề hiện do ông Bằng, bà An, bà Ngân, bà Ngọc quản lý sử dụng (trong đó bà Ngân sử dụng căn số 126 C, bà An sử dụng căn 126B, bà Ngọc sử dụng căn số 126 A). Ông Kim yêu cầu chia thừa kế di sản của vợ chồng cụ Đ­ường, cụ Tứ theo pháp luật và xin đ­ược nhận hiện vật là nhà đất tại số 32/7 Thiên Thành, ph­ường 4, ĐL; riêng căn nhà từ đ­ường đề nghị Toà án xác định của các đồng thừa kế và giao cho ông Bằng quản lý.
Bị đơn là bà Phan Thị Ngân và ngư­ời liên quan là các ông bà Bằng, An, Ngọc trình bày thống nhất với nguyên đơn về quan hệ huyết thống, về nguồn gốc tài sản, đồng ý chia thừa kế và xác định nhà từ đư­ờng của đồng thừa kế, giao ông Bằng quản lý; riêng ông Bằng yêu cầu xác định nhà từ đ­ường thuộc sở hữu của ông Bằng, ông Kim.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 67/2006/DS-ST ngày 29-6-2006, Toà án nhân dân thành phố ĐL, tỉnh LĐ quyết định: Chấp nhận yêu cầu của ông Phan Văn Kim kiện xin chia di sản thừa kế của cụ Phan Văn Đ­ường, cụ Nguyễn Thị Tứ theo pháp luật.
Xác định hàng thừa kế của cụ Đ­ường, cụ Tứ gồm: bà Phan Thị Ngân, ông Phan Văn Bằng, bà Phan Thị An, ông Phan Văn Kim, bà Phan Thị Ngọc là hàng thừa kế thứ nhất.
Xác định di sản của cụ Đ­ường, cụ Tứ là nhà và đất tại số 32/7 Thiên Thành, phường 4, Đà Lạt; nhà đất tại số 10A La Sơn Phu Tử, ph­ường 6, ĐL và nhà đất tại số 126 Hai Bà Trư­ng, ph­ường 6, ĐL. Theo kết qu� thẩm định giá di sản có trị giá là 13.179.523.000 đồng. Đồng thời Toà án cấp sơ thẩm phân chia di sản.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 131/2007/DS-PT ngày 23-8-2007, Toà án nhân dân tỉnh LĐ sửa án sơ thẩm về giá trị kỷ phần các đương sự được hưởng, công nhận nhà đất tại số 10A La Sơn Phu Tử, ph­ường 6, ĐL thuộc quyền sở hữu chung của các thừa kế làm nhà từ đường…, nhưng vẫn xác định di sản như Toà án cấp sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, các đương sự không khiếu nại.
Tại Công văn số 69/CV-TA ngày 30-3-2010, Toà án nhân dân tỉnh LĐ đề nghị kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên với các căn nhà số 126A và 126B bị nhà nước quản lý theo Quyết định số 301/QĐ-UB ngày 15-10-1979 của UBND tỉnh LĐ, nh­ưng khi giải quyết thì UBND phường cho biết toàn bộ lô đất này vẫn đứng tên cụ Đ­ường và các đ­ương sự không nêu nhà trên đã bị quản lý nên Toà án đã đưa 2 nhà trên vào di sản để chia.
Tại quyết định số 595/2010/KN-DS ngày 30/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 681/2010/DS-GĐT ngày 19/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: Sau khi có án phúc thẩm, tuy các đương sự không khiếu nại mà tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất theo bản án phúc thẩm. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đương sự thì Uỷ ban nhân dân thành phố ĐL nhận thấy theo Quyết định số 301/QĐ-UB ngày 15-10-1979 của Uỷ ban nhân dân tỉnh LĐ thì Nhà nước đã quản lý căn nhà số 126A và 126 B Hai Bà Tr­ưng. Quyết định quản lý nhà nêu trên có hiệu lực pháp luật. Do đó Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định hai căn nhà số 126A và 126B Hai Bà Trưng là di sản thừa kế để chia thừa kế hai căn nhà nêu trên cho bà Ngọc và bà An được sở hữu là không đúng pháp luật, không bảo đảm tài sản của Nhà nước. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ không Toà án cấp phúc thẩm cần xác minh tình trạng pháp lý của căn nhà số 126A và nhà số 126B Hai Bà Trưng, quá trình quản lý sử dụng các căn nhà nêu trên từ tr­ước đến nay, thực tế Nhà nư­ớc đã quản lý, bố trí sử dụng các nhà này chưa? Nếu Nhà nước đã quản lý hai căn nhà trên thì không còn là di sản thừa kế nên Toàán không được phân chia di sản thừa kế đối với hai căn nhà này, mà chỉ phân chia thừa kế đối với các di sản khác của cụ Đường và cụ Tứ theo quy định của pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại.
2. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công chứng, chứng thực. Toà án không buộc các bên tham gia hợp đồng thực hiện các quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định theo quy định tại Điều 134 BLDS, mà vẫn công nhận hợp đồng là sai. Đồng thời trong trường hợp phải huỷ hợp đồng thì phải xác định cho đúng lỗi của các đương sự:
Vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là ông Trịnh Đình Lượng với bị đơn là ông Vũ Đức Lợi, bà Lê Thị Liên; người liên quan là bà Nguyễn Thị Mơ, có nội dung như sau:
Ngày 26/11/2007, vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên, ông Vũ Đức Lợi và ông Lê Đình Lượng cùng ký kết “giấy sang nhượng đất rẫy” có nội dung: bà Lê Thị Liên và ông Vũ Đức Lợi sang nhượng cho ông Lê Đình Lượng diện tích 7.796m2 đất (đất ông Lợi và bà Liên đã được cấp giấy chứng nhận số H00002 cấp ngày 13/1/2005 của Uỷ ban nhân dân huyện Bù Đăng); giá 85 triệu đồng; giấy sang nhượng chỉ có chữ ký của hai bên, không có công chứng, chứng thực. Khi chuyển nhượng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Lợi và bà Liên đã thế chấp để vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng, hạn đến tháng 4/2008. Thực tế thì ông Lợi và bà Liên đã giao đất cho bà Nguyễn Thị Mơ (chị dâu ông Lượng) là người được ông Lượng uỷ quyền từ ngày 26/11/2007.
Theo ông Lượng thì ông đã nhờ bà Nguyễn Thị Mơ (chị dâu ông Lượng) trả đủ tiền cho ông Lợi và bà Liên. Theo ông Lợi và bà Liên thì giá bán thực tế là 78 triệu đồng, còn bà Mơ giao dịch được hưởng 7 triệu đồng, nên ghi giá là 85 triệu đồng; bà Mơ mới trả cho ông bà 48 triệu đồng; còn lại 38 triệu hẹn đến hạn trả ngân hàng tháng 4/2008 thì trả nốt; nhưng đến hạn thì bà Mơ không trả nốt tiền nên ông bà đòi huỷ hợp đồng; bà Mơ thì cho rằng đã giao trả đủ tiền 85 triệu đồng tại nhà bà Liên; khi giao tiền có các nhân chứng Nhữ Văn Thành, Võ Văn Chiến, Nguyễn Đình Đặng đang uống cà phê tại nhà bà Liên biết việc giao tiền.
Tại bản án sơ thẩm số 49/2008/DSST ngày 25/12/2008, Toà án nhân dân huyện Bù Đăng xác định bà Mơ đã trả đủ tiền mua đất; buộc vợ chồng ông Vũ Đức Lợi và bà Lê Thị Liên tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng toàn bộ cây trồng trên đất.
Ông Lợi, bà Liên kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 50/2009/DSPT ngày 30/3/2009, Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước sửa án sơ thẩm buộc ông Trịnh Đình Lượng phải hoàn trả ông Lợi và bà Liên số tiền còn thiếu là 30 triệu đồng; buộc vợ chồng ông Lợi và bà Liên tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bà Liên, ông Lợi khiếu nại. Tại Quyết định số 482/2010/KNDS ngày 24/6/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên vì: Hợp đồng chuyển nhượng chưa có công chứng, chứng thực đáng lẽ trong trường hợp này Toà án cấp sơ thẩm phải ban hành quyết định buộc các bên tham gia hợp đồng thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định theo quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự; để từ đó mới có cơ sở giải quyết vụ án. Toà án cấp sơ thẩm không ban hành quyết định mà lại công nhận hợp đồng là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm không phát hiện sai sót của Toà án cấp sơ thẩm và cũng công nhận hợp đồng là sai.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 694//2010/DSGĐT ngày 20/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị; huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm; giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
3. Đất có nguồn gốc của cha mẹ. Con ở cùng cha mẹ tự đi đăng ký được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toà án xác định quyền sử dụng đất là của người con là không đúng pháp luật.
Nguồn gốc đất 7.176,24 m2 thuộc thửa số 9, tờ bản đồ 25, ấp Châu Thành, thị xã Phụng Hiệp, huyện PH, tỉnh CT (nay là khu vực 6, phường Hiệp Thành, thị xã NB, tỉnh HG), trong đó có 5.079 m2 đất đã bị Nhà nước thu hồi trả số tiền 420.650.000đ là của vợ chồng bà Nguyễn Thị Giỏi  và ông Điều. Vợ chồng bà Giỏi và ông Điều có 2 con gái là chị Nguyễn Thị Gói và Nguyễn Thị Mạnh. Năm 1977, ông Điều chết, vợ chồng chị Gói cùng chung sống với bà Giỏi và canh tác đất (chị Mạnh về ở nhà chồng). Năm 1984, bà Giỏi đứng tên kê khai quyền sử dụng đất. Năm 1992, chị Gói kê khai được cấp giấy chứng nhận tạm thời và ngày 25/12/2011 Uỷ ban nhân dân huyện PH cấp giấy chứng nhận đứng tên “hộ” chị Gói (trong sổ hộ khẩu ghi chủ hộ là bà Giỏi). 
Bà Giỏi khởi kiện yêu cầu chị Gói phải trả lại toàn bộ đất cho bà.
Chị Gói không đồng ý trả đất vì đất chị đã được Uỷ ban nhân dân huyện Phụng Hiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại bản án sơ thẩm số 09/2006/DSST ngày 13/9/2006, Toà án nhân dân thị xã TH, tỉnh HG quyết định: Chấp nhận yêu cầu của bà Giỏi; buộc chị Gói trả cho bà Giỏi ½ số tiền được được nhận bồi thường của 5.079m2 đất; còn lại 1.253,6m2 đất thì chị Gói trả cho bà Giỏi ½ giá trị đất theo giá thị trường.
Cả 2 bên đương sự kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 87/2007/DS-PT ngày 18/7/2007, Toà án nhân dân tỉnh HG quyết định: bác yêu cầu của bà Giỏi; công nhận sự tự nguyện của chị Gói hỗ trợ bà Giỏi 30 triệu đồng.
Bà Giỏi khiếu nại. Tại Quyết định số 536/2010/KNDS ngày 16/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm với nhận định: giấy chứng nhận cấp cho hộ chị Gói trong khi sổ hộ khẩu thì bà Giỏi là chủ hộ và chị Gói cũng là người đăng ký trong hộ khẩu với bà Giỏi, đất lại có nguồn gốc của bà Giỏi, nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại xác định toàn bộ đất tranh chấp và tiền bồi thường giải toả thuộc quyền sử dụng của chị Gói là không đảm bảo quyền lợi của bà Giỏi.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 717/2010/DS-GĐT ngày 22/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷbản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
4. Đương sự đòi lại tài sản. Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đã hết thời hạn khởi kiện về thừa kế là sai.
Vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Đát và 26 nguyên đơn khác do bà Đát đại diện với bị đơn là ông Nguyễn Phụ Kính, có nội dung như sau:
Cố Nguyễn Phụ Lớn (chết từ lâu) và cố Nguyễn Thị Phức (chết từ lâu) có 2 người con là cụ Nguyễn Phụ Tấu và cụ Nguyễn Phu Hội. Cụ Tấu chết năm 1925, có vợ là cụ Khảm chết năm 1973; con chung của cụ Tấu và cụ Khảm là ông Nguyễn Phụ Trịnh chết 1950; ông Trịnh có vợ là bà Nguyễn Thị Đạt; ông Trịnh và bà Đạt có 1 con gái là Nguyễn Thị Đát. Cụ Hội chết năm 1950, có vợ là cụ Nguyễn Thị Tít chết năm 1970; cụ Hội có 4 người con nuôi là ông Nguyễn Văn Hữu (chết năm 1981), ông Nguyễn Xuân Soạn (chết năm 1986), bà Nguyễn Thị Xướng (chết năm 2006) và bà Nguyễn Thị Ve.
Cố Lớn và cố Phức chết để lại di sản cho cụ Tấu và cụ Hội là ngôi nhà 5 gian trên diện tích đất 785m2 thôn Đức Việt, xã Xuân Lâm, huyện TT, tỉnh BN.
Sau khi cố Khảm chết, ông Nguyễn Phụ Kính là người ở liền kề với các cố quản lý nhà đất. Năm 1983 do nhà dột nát, ông Kính đã dỡ ngôi nhà thì bà Đát tranh chấp. Ông Kính tiếp tục quản lý đất, xây tường bao, trồng cây cối và cho chị Lan (con ông Kính có nhà đất liền kề) xây dựng công trình phụ trên diện tích 25,4m2 đất. Năm 2001 ông Kính kê khai và được Uỷ ban nhân dân huyện TT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2006 bà Đát và những người thừa kế của cố Hội và cố Tấu khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Phụ Kính phải trả 785m2 đất là di sản của cố Hội và cố Tấu.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 02/2007/DSST ngày 15/5/2007, Toà án nhân dân huyện TT, tỉnh BN quyết định: chấp nhận yêu cầu của bà Đát và các đồng nguyên đơn yêu cầu ông Kính trả lại di sản thừa kế là 785m2 đất; xác nhận 785m2 đất là di sản của cố Hội và cố Tít để lại.
Ông Kính, chị Lan kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 46/2007/DSPT ngày 6/8/2007, Toà án nhân dân tỉnh BN đã quyết định: huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết, bà Đát khởi kiện về tranh chấp quyền sử dụng đất chứ không yêu cầu chia thừa kế khối di sản này, nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại chia thừa kế là vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Tại Quyết định số 594/2010/KNDS ngày 30/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 752/2010/DSGĐT ngày 28/10/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: bà Đát đã tranh chấp từ 1983 nhưng Toà án cấp phúc thẩm nhận định ông Kính đã quản lý sử dụng đất ngay tình, liên tục, công khai trên 30 năm là không có cơ sở. Do đó các nguyên đơn có quyền đòi lại di sản của cố Hội và cố Tấu đang do ông Kính quản lý theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/quyếtTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên ông Kính có quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ 1973 đến năm 1983; sau năm 1983 có tranh chấp với bà Đát, nhưng sau đó bà Đát và các nguyên đơn cũng chưa trực tiếp quản lý, sử dụng đất, nên ông Kính có nhiều công sức trong việc duy trì, quản lý tài sản và có công sức chăm nom, chăm sóc cụ Khảm, cụ Tít lúc tuổi già. Vì vậy khi giải quyết vụ án Toà án cần xem xét trả lại cho các nguyên đơn một phần và chia cho ông Kính sử dụng một phần đất mới đảm bảo được quyền lợi của đôi bên. Toà án cấp sơ thẩm buộc ông Kính trả lại toàn bộ đất cho nguyên đơn, còn Toà án cấp phúc thẩm lại đình chỉ giải quyết vụ án cho rằng vì đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đều là không đúng.
Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
 5. Toà án xác định hợp đồng vô hiệu là đúng, nhưng lại không buộc các bên phải bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu, mà chỉ buộc trả cho nhau những gì đã nhận là không đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Ví dụ 1: Ngày 20/5/2002, ông Phan Thành Phước được Uỷ ban nhân dân tỉnh KG cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất số 349 Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, thành phố RG, tỉnh KG. Ngày 12/1/2003 bà Nguyễn Thị Lệ Em (vợ ông Phước) làm thủ tục chuyển nhượng ngôi nhà trên cho vợ chồng ông Lâm Bửu Lợi và bà Lương Thị Thu Hồng với giá 300 triệu; thực tế bà Em đã nhận 100 triệu; bà Em ký giả chữ ký của ông Phước. Ngày 29/1/2003, bà Hồng được Sở xây dựng KG chuyển sang tên bà Hồng. Ông Phước, bà Em yêu cầu huỷ hợp đồng; vợ chồng ông Lợi, bà Hồng yêu cầu công nhận hợp đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 62/2006/DSST ngày 7/7/2006, Toà án nhân dân thành phố RG đã quyết định: huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà đất; buộc bà Em trả cho vợ chồng ông Lâm Bửu Lợi và bà Lương Thị Thu Hồng 100 triệu; ông Phước có quyền liên hệ để làm lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu của các đương sự giải quyết thành vụ án khác khi có yêu cầu.
Các đương sự đều kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 208/DSPT ngày 20/7/2007, Toà án nhân dân tỉnh KG quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định số 546/KNDS ngày 19/7/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm với nhận định: cần phải giải quyết bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu trong cùng vụ án.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 733/2010/DSGĐT ngày 27/10/2010 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị; huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao về Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Vụ án thứ 2: vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tự với bị đơn là ông Trần Công Biên, cụ thể như sau:
Ông Trần Công Biên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 5.491m2 đất tại xã Long Trường, huyện TĐ, thành phố HCM. Ngày 1/1/1997 ông Biên chuyển nhượng diện tích đất nêu trên cho bà Nguyễn Thị Tự giá tiền 200 triệu; ông Biên đã nhận đủ tiền nhưng chưa giao đất và chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật vì khi đến Uỷ ban nhân dân phường Long Trường làm thủ tục sang tên nhưng không được do bà Tự có hộ khẩu trong thành phố; ông Biên chỉ giao cho bà Tự giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ hộ khẩu. Năm 2003 Uỷ ban nhân dân thành phố HCM quy hoạch phần đất nêu trên thuộc khu đô thị mới Đông Tăng Long và năm 2005 bồi thường giá trị quyền sử dụng đất số tiền 1.637.555.000đ.
Bà Tự yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu nhận tiền được bồi thường. Ông Biên không đồng ý.
Tại bản án sơ thẩm số 131/2006/DSST ngày 20/9/2006, Toà án nhân dân quận C đã quyết định: tuyên bố việc chuyển nhượng quyền sử dụng 5.491m2 đất giữa bà Nguyễn Thị Tự và ông Trần Công Biên lập ngày 1/1/1997 là vô hiệu. Ông Trần Công Biên có trách nhiệm hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Tự s�� tiền 1.637.555.000đ. Bà Tự có trách nhiệm trả ông Biên bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ hộ khẩu của ông Trần Công Biên.
Ông Biên kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 668/2007/DSPT ngày 25/6/2007, Toà án nhân dân thành phố HCM quyết định sửa án sơ thẩm: tuyên bố việc chuyển nhượng quyền sử dụng 5.491m2 đất giữa bà Nguyễn Thị Tự và ông Trần Công Biên lập ngày 1/1/1997 là vô hiệu. Ông Trần Công Biên có trách nhiệm hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Tự số tiền 200.000.000đ. Bà Tự có trách nhiệm trả ông Biên bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ hộ khẩu của ông Trần Công Biên.
Tại quyết định số 480/KNDS ngày 22/6/2010, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại quyết định giám đốc thẩm số 772/2010/DS-GĐT ngày 18/11/2010, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã nhận định: Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa làm rõ giao dịch chuyển nhượng đất giữa ông Biên và bà Tự có vi phạm điều cấm của pháp luật không? Nếu vi phạm điều cấm thì vi phạm quy định nào trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trường hợp có quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cho phép chuyển nhượng mà các bên vẫn tiến hành giao dịch chuyển nhượng thì hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu (phải áp dụng quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự để giải quyết). Trường hợp được phép chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trả tiền, chưa nhận đất, hợp đồng chưa hoàn tất và Nhà nước quy hoạch, bồi thường thì phải xác định thiệt hại và tính lỗi theo đúng quy định của pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng vô hiệu và buộc ông Biên phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Tự 1.637.555.000đ; còn Toà án cấp phúc thẩm cũng xác định hợp đồng vô hiệu và buộc ông Biên trả lại cho bà Tự 200 triệu đồng nhưng không buộc ông Biên phải bồi thường thiệt hại cho bà Tự là không đúng.
Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Ths. Nguyễn Hồng Nam 
Nguồn: Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tòa Dân sự TANDTC


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra