Chuyên đề 5: Một số vấn đề về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

I. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ
1. Về thực trạng pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Luật Tương trợ tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2008. Trước khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực thi hành thì trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự Toà án Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp ra nước ngoài hoặc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn áp dụng các văn bản quy phạm hướng dẫn trước đây về tương trợ tư pháp về dân sự như: Thông tư liên bộ số 139-TT/LB ngày 12-3-1984 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc thi hành hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; Thông tư số 160/HTQT của Bộ Tư pháp ngày 25-3-1993 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài; Bộ luật tố tụng dân sự và các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với một số nước. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn trước đây đã không còn phù hợp; trong khi đó các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với một số nước mới chỉ mang tính chất nguyên tắc mà chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Bên cạnh những thuận lợi về khung pháp lý đã được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tương trợ tư pháp và các hiệp định về tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước, hoạt động tương trợ tư pháp trong thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn như:
- Số quốc gia, vùng lãnh thổ có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam còn ít nên việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam phần lớn vẫn dựa vào nguyên tắc có đi có lại. Các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, pháp luật của nước ngoài vềuỷ thác tư pháp không được cập nhật, phổ biến kịp thời, thường xuyên cho Toà án địa phương nên việc nghiên cứu và áp dụng đúng các điều ước quốc tế cũng như pháp luật nước được uỷ thác hết sức khó khăn.
- Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định hướng dẫn về kinh phí và chi phí trong tương trợ tư pháp khiến hoạt độnguỷ thác tư pháp gặp nhiều khó khăn vì không có mục kinh phí cho công tác này, nhất là khi việc lập và gửi hồ sơuỷ thác tư pháp đi nước ngoài cũng không ít tốn kém. Các cơ quan hiện cũng đang lúng túng trong việc thu và sử dụng các khoản phí tương trợ tư pháp từ các đương sự.
- Cơ chế phối hợp giữa Toà án nhân dân tối cao với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện các yêu cầuuỷ thác tư pháp của nước ngoài và gửi các yêu cầu uỷ thác tư pháp của Toà án Việt Nam ra nước ngoài chưa đồng bộ. Chưa có cơ chế, biện pháp để thường xuyên rà soát và đề nghị phía nước ngoài thực hiện hoặc trả lời kết quả uỷ thác tư pháp.
- Các lớp tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ về tương trợ tư pháp chưa được tổ chức thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện uỷ thác tư pháp của cán bộ Toà án địa phương. Công tác tuyên truyền, tập huấn về các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, về pháp luật tương trợ tư pháp của các nước đối tác hầu như chưa được triển khai mặc dù thực tế công tác uỷ thác tư pháp liên quan trực tiếp đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hay tham gia trong lĩnh vực này và chịu sự điều chỉnh của pháp luật các nước nhận yêu cầuuỷ thác từ Việt Nam.
Từ những khó khăn trên có thể thấy rằng mặc dù đã có Luật Tương trợ tư pháp và các quy định của pháp luật tố tụng liên quan nhưng việc thực hiện tương trợ tư pháp, quy trình thực hiện uỷ thác tư pháp rất phức tạp, trong khi thiếu các văn bản quy định hướng dẫn thi hành nên nhiều trường hợp Toà án đã thực hiện tương trợ tư pháp không đúng, dẫn tới thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự trong vụ án.
2. Thực trạng thi hành pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. [1]
a) Thực trạng thi hành pháp luật về tương trợ tư pháp tại Toà án nhân dân
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Toà án nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các Toàphúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 01-7-2008 đến ngày 31-12-2010 toàn ngành Toà án đã nhận được 310 yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài trong đó đã thực hiện được 268 yêu cầu (đạt 86,5%) và 42 yêu cầu chưa thực hiện được (chiếm 13,5%).
Đối với các yêu cầu uỷ thác tư pháp do các Toà án gửi đi trong 3 năm vừa qua, trong tổng số 3.179 yêu cầu uỷthác do các toà án gửi đi chỉ có 182 yêu cầu có kết quả (chiếm 5,7%), còn lại 2.997 yêu cầu chưa có kết quả uỷthác tư pháp (chiếm 94,2%). Nếu so sánh tỉ lệ này ở các khoảng thời gian khác nhau trong 3 năm vừa qua có thể thấy công tác thực hiện Luật tương trợ tư pháp đã ngày càng đem lại kết quả tốt hơn.
- Thời gian từ 01-7-2008 đến 31-12-2009: tổng số yêu cầu uỷ thác tư pháp của các Toà án gửi đi là: 2.683 yêu cầu, có 16 yêu cầu có kết quả (chiếm 0,6%);
- Thời gian từ 01-01-2010 đến 31-6-2010: tổng số yêu cầu uỷ thác tư pháp của các Toà án gửi đi là: 119 yêu cầu, có 3 yêu cầu có kết quả (chiếm 2,5%);
- Thời gian từ 01-7-2010 đến 31-12-2010: tổng số yêu cầu uỷ thác tư pháp của các Toà án gửi đi là: 372 yêu cầu, có 163 yêu cầu có kết quả (chiếm 43,8%).
b) Thực trạng thi hành pháp luật về tương trợ tư pháp tại Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong thời gian từ 01 tháng 7 năm 2008 đến 30 tháng 6 năm 2011, Bộ Tư pháp đã thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự cụ thể như sau:
* Đối với yêu cầu tương trợ tư pháp do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi đi nước ngoài:
- Tổng số hồ sơ gửi đến Bộ Tư pháp: 8823 hồ sơ
- Tổng số hồ sơ không hoàn thiện Bộ Tư pháp gửi lại để hoàn thiện: 767 (chiếm 8,7%)
- Tổng số hồ sơ có kết quả gửi về: 281 (chiếm 3,1 %).
Các hồ sơ gửi ra nước ngoài yêu cầu ủy thác tư pháp chủ yếu là tống đạt giấy tờ, tài liệu, bản án, thu thập chứng cứ lấy lời khai của đương sự.
Năm địa phương có yêu cầu ủy thác ra nước ngoài nhiều nhất: Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Tây Ninh.
Năm nước Việt Nam gửi yêu cầu ủy thác nhiều nhất: Hoa Kỳ, Trung Quốc (Đài Loan), Úc, Canada, Hàn Quốc.
* Đối với yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài gửi tới Việt Nam:
- Tổng số: 826 hồ sơ
- Kết quả đã thực hiện: 288 yêu cầu (chiếm 34,9%)
- Trả lại: 09 hồ sơ (chiếm 1.08%)
Trong đó số lượng ủy thác tư pháp đến của những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam là 317; số lượng ủy thác tư pháp đến của những nước chưa có Hiệp định với Việt Nam là 498.
Các hồ sơ của nước ngoài yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp phần lớn là tống đạt hồ sơ, tài liệu, thu thập chứng cứ lấy lời khai, cung cấp thông tin về hộ tịch. Số lượng 5 nước có yêu cầu ủy thác lớn nhất: Hàn Quốc, Pháp, Đức, Séc, Ba Lan.
Số lượng 5 địa phương thực hiện ủy thác của nước ngoài nhiều nhất: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội.
Thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp trong 3 năm qua có thể thấy một số điểm như sau:
- Xét về tổng thể, tỉ lệ các yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó yêu cầu ủy thác xử lý hàng năm ngày càng tăng về số lượng, phức tạp và đa dạng hơn về nội dung, đối tượng, quốc gia thực hiện và yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.
- Trước khi có Luật Tương trợ tư pháp, tình hình thực hiện ủy thác tư pháp ra nước ngoài chỉ thuận lợi đối với những nước có hiệp định tương trợ tư pháp tuy nhiên kết quả thực hiện cũng chậm. Đối với những nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp thì về cơ bản là không có kết quả. Kể từ khi có Luật Tương trợ tư pháp đến nay, thực trạng này vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể.
- Việc thực hiện ủy thác tư pháp được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế quy định thì việc ủy thác tư pháp được thực hiện trên cơ sở có đi có lại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài đạt kết quả khá tốt (trong lĩnh vực ủy thác tư pháp về dân sự đạt 34,9%). Trong khi đó, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan nước ngoài đối với yêu cầu củaViệt Nam rất hạn chế.
- Sai sót trong việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp: nhiều hồ sơ yêu cầu nước ngoài thực hiện ủy thác do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lập không đúng quy định của Luật Tương trợ tư pháp cả về nội dung lẫn hình thức, cụ thể như: ngôn ngữ sử dụng trong yêu cầu tương trợ tư pháp không đúng với ngôn ngữ của quốc gia được yêu cầu; địa chỉ ở nước ngoài của các đương sự không chính xác; không rõ quốc tịch của đương sự; không rõ tên và địa chỉ của cơ quan được ủy thác;… nên các cơ quan đầu mối thực hiện ủy thác phải gửi trả lại cơ quan yêu cầu ủy thác để hoàn thiện dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức.
- Đối với các hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi, do tiếng Việt không có dấu nên nhiều trường hợp không rõ tên cụ thể, địa chỉ, hay nhiều đương sự sau khi nhập cảnh về Việt Nam không còn ở địa chỉ cũ đã khiến việc tống đạt gặp nhiều khó khăn, mất thời gian điều tra, xác minh.
- Thực hiện thủ tục ủy thác không đúng: việc tuân thủ quy trình, thủ tục tương trợ tư pháp theo Luật chưa được triệt để hay không xác định được cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác do không xác định được quốc tịch đương sự nên không đạt được kết quả, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan đầu mối trong công tác quản lý.
Qua tổng kết tình hình thực hiện ủy thác tư pháp trong thời gian qua, có thể thấy hiệu quả công tác ủy thác tư pháp còn hạn chế do những bất cập trong quá trình thực hiện công tác ủy thác tư pháp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả tương trợ tư pháp thấp, trong đó nguyên nhân quan trọng đó là chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp, đặc biệt là các quy định hướng dẫn về việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp, trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp tại Tòa án… Để khắc phục tình trạng này, ngày 15 tháng 9 năm 2011, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15-9-2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC). Theo các quy định của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì về cơ bản nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn tương trợ tư pháp trong thời gian qua đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Nội dung tiếp theo của chuyên đề này, chúng tôi xin giới thiệu khái quát các quy định của Luật Tương trợ tư pháp và Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC về hai nội dung: yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; và thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài.
II. YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
1. Ủy thác tư pháp đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Uỷ thác tư pháp về dân sự là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp chính là một hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 13 của Luật Tương trợ tư pháp thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu;
- Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;
- Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài Tòa án Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự khi cần tiến hành một số hoạt động tố tụng dân sự tại nước ngoài.
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.3 Mục 4 Phần I của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 3 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì những vụ việc dân sự “Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài” là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Toà án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Toà án nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa quy định cụ thể trong trường hợp nào và những vụ việc dân sự nào thì Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định khác nhau của pháp luật thì thông thường những vụ việc dân sự phải phải tiến hành ủy thác tư pháp là những vụ việc dân sự có yêu tố nước ngoài.
Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam có quy định tại khoản 2 Điều 405 về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự có ít nhất một trong các đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc các quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
“Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” cũng có thể được xác định qua việc xác định thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó khoản 2 Điều 410 của Bộ luật tố tụng dân sự có quy định:
“Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;
b) Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
c) Nguyên đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đối với vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ;
d) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
đ) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam;
e) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
g) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.”
Tuy nhiên, việc xác định “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” và việc xác định việc phải ủy thác tư pháp trong một số trường hợp khá phức tạp và không phải “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” nào Tòa án cũng phải tiến hành ủy thác tư pháp và ngược lại, nhiều vụ việc dân sự khi Tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết thì không phải là “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” và không phải tiến hành ủy thác tư pháp nhưng sau đó một hoặc nhiều đương sự ra nước ngoài công tác, học tập, lao động dẫn đến Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp. Do đó, việc xác định “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” để xác định việc Tòa án có phải tiến hành việc ủy thác tư pháp hay không chỉ mang tính tương đối. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà mình đang giải quyết để xác định xem có cần tiến hành hoạt động tố tụng ở nước ngoài hay không, từ đó xác định việc có phải tiến hành việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài hay không.
Qua thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân các cấp thì các vụ việc sau đây thì Tòa án sẽ phải tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:
- Yêu cầu bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài; Yêu cầu Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam bắt giữ tàu biển.
- Yêu cầu bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ  tại cảng hàng khụng, sõn bay để bảo đảm lợi ớch của người cú quyền, lợi ớch đối với tàu bay hoặc để thi hành ỏn dõn sự  có yếu tố nước ngoài.
- Yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có yếu tố nước ngoài;
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài, bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài.
- Yêu cầu không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Toà án nước ngoài, bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài  mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại, lao động của Trọng tài nước ngoài.
- Yêu cầu liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án có yếu tố nước ngoài.
- Các vụ án khác về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài.
- Các vụ việc khác về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài.
2. Thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Tòa án nhân dân
Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự thì về nguyên tắc, những tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC về thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự thì trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự mà cần tiến hành hoạt động tố tụng ở nước ngoài thì Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp quy định tại mục 4 Phần I của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 3 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 về việc không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Toà án thì, đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Toà án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
Do đó, khoản 2 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC đã có quy định riêng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện khi phải yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự. Theo quy định này thì, trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự mà cần tiến hành hoạt động tố tụng ở nước ngoài thì Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC, gửi tới Toà án nhân dân cấp tỉnh để thực hiện theo thủ tục chung. Để thực hiện đúng quy định của Luật Tương trợ tư pháp, thì khi giải quyết các vụ việc dân sự nói chung; vụ việc liên quan đến yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; vụ việc liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại; vụ việc liên quan bắt giữ tàu biển, tàu bay; thì nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện đang giải quyết nhưng phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp thì Tòa án nhân dân cấp huyện lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định và gửi cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh trực thuộc để thực hiện theo thủ tục chung.
Thẩm quyền ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài của Tòa án khi giải quyết các vụ việc khác được xác định như sau:
- Tòa án có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điều 7 của Luật Phá sản năm 2004 có thẩm quyền tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại Điều 7 Luật Trọng tài thương mại có thẩm quyền tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển có thẩm quyền tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển có thẩm quyền tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Như vậy, thẩm quyền tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài của Tòa án Việt Nam được xác định căn cứ vào các quy định pháp luật tố tụng tương ứng.
3. Chuẩn bị lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
a) Xác định điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Công việc quan trọng đầu tiên của Tòa án khi tiến hành ủy thác tư pháp về dân sự cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đó chính là việc xác định quốc gia, vùng lãnh thổ dự định ủy thác, từ đó xác định quốc gia, vùng lãnh thổ đó đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với Việt Nam hay chưa. Công việc này có ý nghĩa quan trọng vì việc xác định có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với Việt Nam sẽ không chỉ đảm bảo cho việc Tòa án tiến hành đúng theo quy định trong điều ước quốc tế mà còn có ý nghĩa trong việc xác định trình tự, thủ tục, hồ sơ ủy thác, ngôn ngữ và chi phí ủy thác tư pháp...
Tòa án nhân dân các cấp có thể tham khảo tên các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Việt Nam tại phụ lục của bài viết này trước khi tiến hành ủy thác tư pháp. Trường hợp khi tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà Tòa án không xác định được quốc gia, hay vùng lãnh thổ đó đã có điều ước hay thỏa thuận về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Việt Nam hay chưa. Hoặc tuy Tòa án đã biết có điều ước, thỏa thuận về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Việt Nam nhưng chưa rõ nội dung của điều ước, thỏa thuận quốc tế đó thì Tòa án có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới Bộ Tư pháp để được cung cấp thông tin liên quan đến các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo quy định tại Điều 7 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC. Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
b) Xác định ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp về dân sự
Xác định đúng ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp về dân sự có ý nghĩa quyết định đến việc Tòa án lập hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ. Trong nhiều trường hợp khi lập hồ sơ ủy thác tư pháp, việc Tòa án phải dịch hồ sơ ủy thác tư pháp ra ngôn ngữ theo quy định là việc làm bắt buộc. Việc không dịch hồ sơ ủy thác hoặc dịch hồ sơ ủy thác không đúng với ngôn ngữ quy định sẽ dẫn tới hồ sơ ủy thác tư pháp không hợp lệ và hồ sơ đó sẽ bị cơ quan có thẩm quyền trả lại.
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Tương trợ tư pháp thì ngôn ngữ sử dụng để lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự hoặc yêu cầu Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp là ngôn ngữ được quy định trong điều ước quốc tế đó.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 4 của Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 25-8-1998 thì, yêu cầu tương trợ tư pháp được lập bằng ngôn ngữ của Bên ký kết yêu cầu, kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của Bên ký kết được yêu cầu hoặc tiếng Anh. Do vậy, khi lập hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga thực hiện tương trợ tư pháp thì, Tòa án phải lập hồ sơ gồm một bản bằng tiếng Việt và một bản bằng tiếng Nga hoặc tiếng Anh.
- Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hồ sơ phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác mà nước được yêu cầu chấp nhận.
Theo quy định tại Điều 6 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì trong một số trường hợp cụ thể ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp về dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự mà Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì ngôn ngữ thực hiện tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Hồ sơ ủy thác tư pháp và bản dịch sang tiếng Việt phải được chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Trường hợp Tòa án lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ tương trợ tư pháp mà nước được yêu cầu tương trợ tư pháp chấp nhận, thì Toà án gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
- Trường hợp Tòa án lập hồ sơ ủy thác tư pháp yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thì ngôn ngữ tương trợ tư pháp là tiếng Việt. Trong trường hợp này, hồ sơ ủy thác tư pháp không phải hợp pháp hoá lãnh sự.
c) Xác định chi phí trong tương trợ tư pháp về dân sự
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức phí và chi phí cụ thể đối với trường hợp cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Trong khi chưa có quy định mới về chi phí trong tương trợ tư pháp về dân sự, thì việc xác định chi phí trong tương trợ tư pháp về dân sự sẽ tạm thời được thực hiện như sau:
* Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.
- Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài yêu cầu Tòa án Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp thì phải nộp lệ phí là 5.000.000 đồng cho Bộ Tư pháp, trừ trường hợp giữa Việt Nam và nước yêu cầu có thỏa thuận khác hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- Trường hợp phạm vi yêu cầu tương trợ tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có phát sinh các chi phí bất thường như: chi phí giám định; chi phí định giá; chi phí cho người làm chứng, chi phí cho người phiên dịch, chi phí cho luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Bộ Tư pháp thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có yêu cầu tương trợ tư pháp biết để họ nộp các chi phí phát sinh đó.
- Bộ Tư pháp dự tính các chi phí cần thiết và hợp lý để thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp và thông báo cho cơ quan đã yêu cầu ủy thác tư pháp biết. Bộ Tư pháp chỉ chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện khi hồ sơ đó hợp lệ và đã thanh toán hoặc cam kết thanh toán đầy đủ lệ phí và các chi phí phát sinh (nếu có).
* Chi phí yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp.
- Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì phải nộp lệ phí cho Tòa án để Tòa án chuyển cho Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo yêu cầu, quy định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Trường hợp nước được yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp yêu cầu nộp chi phí để thực hiện ủy thác tư pháp thì Bộ Tư pháp gửi yêu cầu cho Tòa án để Tòa án thông báo cho cá nhân, tổ chức Việt Nam về việc nộp chi phí theo quy định của nước được yêu cầu. Trước khi quyết định lập hồ sơ ủy thác tư pháp, Tòa án phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp.
- Hồ sơ ủy thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định, trừ trường hợp giữa Việt Nam và nước yêu cầu có thỏa thuận khác hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
* Hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trên cơ sở có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp.
Theo quy định tại Điều 8 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có yêu cầu tương trợ tư pháp phải nộp phí và chi phí tương trợ tư pháp. Mức phí và chi phí, đối tượng nộp, cơ quan có thẩm quyền thu; việc quản lý và sử dụng các khoản phí và chi phí được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
d) Áp dụng pháp luật trong tương trợ tư pháp về dân sự
Theo quy định tại Điều 3 của Luật Tương trợ tư pháp thì Tòa án áp dụng pháp luật trong tương trợ tư pháp về dân sự như sau:
* Áp dụng điều ước quốc tế trong tương trợ tư pháp về dân sự.
Trường hợp phỏp luật về tương trợ tư phỏp về dõn sự của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hũa xó hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viờn cú quy định khỏc nhau về cựng một vấn đề thỡ ỏp dụng quy định của điều ước quốc tế đú.
Các điều ước quốc tế mà Cộng hũa xó hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viờn về tương trợ tư pháp về dân sự được quy định tại phần Phụ lục của chuyên đề này.
* Áp dụng pháp luật Việt Nam trong tương trợ tư pháp về dân sự.
- Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng pháp luật Việt Nam khi thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài; yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện Việt Nam) thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ở trong nước thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không trái với pháp luật của nước sở tại.
- Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài hoặc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự thì áp dụng quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp. Trường hợp pháp luật tương trợ tư pháp không có quy định thì áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
* Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
Việc áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tương trợ tư pháp được thực hiện khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
- Việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế;
- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho nước đã yêu cầu biết.
4. Lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
a) Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự là khâu quan trọng trong quá trình tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài. Theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và Điều 10 Thông tư số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự bao gồm các văn bản sau đây:
a) Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC;
b) Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC;
c) Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác;
d) Các giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp (Ví dụ: Thông báo về việc thụ lý vụ án; Quyết định uỷ thác thu thập chứng cứ; Bản án, Quyết định của Tòa án...).
Cần lưu ý việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và Điều 10 Thông tư số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC và mẫu văn bản số 01 và 02 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
Đối với việc ủy thác tư pháp để bắt giữ tàu biển theo quy định của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển phải có các nội dung quy định tại Điều 57 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển. Đồng thời Hồ sơ ủy thác tư pháp phải có các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển.
Khi tiến hành lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự, Tòa án chỉ cần xác định giữa Việt Nam và nước đó đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hay chưa để thực hiện theo đúng điều ước đó. Trường hợp quốc gia, vùng lãnh thổ dự định ủy thác tư pháp chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với Việt Nam thì Tòa án cũng không cần phải xác định ngay quốc gia, vùng lãnh thổ mà Tòa án dự định ủy thác tư pháp có thỏa thuận hoặc có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại hay chưa. Vì theo thông báo của Bộ Ngoại giao thì hiện nay đa số các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam đều được quốc gia thực hiện mà không đặt vấn đề yêu cầu ta cam kết có đi có lại. Do đó, trường hợp cần ủy thác tư pháp tới quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với Việt Nam, thì Tòa án tiến hành tương trợ tư pháp theo thủ tục thông thường dưới hình thức áp dụng nguyên tắc có đi có lại mà không phân biệt quốc gia, vùng lãnh thổ đó đã có thỏa thuận hoặc có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại hay chưa. Trường hợp sau khi Tòa án đã tiến hành ủy thác tư pháp theo đúng quy định nhưng nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc phải làm Công văn đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Tòa án sẽ thực hiện thủ tục tương trợ tư pháp theo đúng quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
b) Cách thức lập hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự được Tòa án lập theo cách thức sau đây:
- Hồ sơ ủy thác tư pháp phải do Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm ký trừ các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC này được lập thành ba bộ và gửi tới Bộ Tư pháp.
- Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự do Tòa án lập phải là bản chính và các văn bản, giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính hoặc bản sao. Bản sao và bản dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu này phải được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
- Trường hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp cho nhiều đương sự có nội dung ủy thác khác nhau hoặc có địa chỉ khác nhau hoặc khác quốc tịch thì Tòa án phải lập riêng hồ sơ uỷ thác tư pháp cho từng đương sự.
- Trường hợp yêu cầu tương trợ tư pháp đối với đương sự là người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài thì Tòa án lập hồ sơ ủy thác như trường hợp thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài khi Tòa án xác định quốc tịch hữu hiệu của đương sự là quốc tịch Việt Nam và nếu không trái với pháp luật nước ngoài hoặc nước ngoài không phản đối.
c) Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự thì hồ sơ ủy thác tư pháp được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo đúng quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
- Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
- Hồ sơ ủy thác tư pháp đã được lập đủ số lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
- Cá nhân, tổ chức đã nộp phí, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp phí, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
5. Trình tự, thủ tục gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
a) Trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Tòa án
Khi tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp về dân sự, Tòa án tiến hành thủ tục gửi hồ sơ ủy thác tư pháp theo đúng quy định tại Điều 14 của Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 12 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC. Theo đó, Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự phải lập hồ sơ ủy thác theo quy định tại Điều 11 của Luật Tương trợ tư pháp và gửi cho Bộ Tư pháp.
b) Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Bộ Tư pháp
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Tòa án gửi đến, Bộ Tư pháp có trách nhiệm vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác tư pháp đi), kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, Điều 11 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
* Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp đầy đủ và hợp lệ:
- Chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
- Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao để xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC nếu giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
* Trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không đầy đủ và hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác tư pháp cho Tòa án đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
c) Trình tự, thủ tục nhận, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Đối với trường hợp Bộ Ngoại giao thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc theo quy định của điều ước quốc tế liên quan thì thời hạn chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ do Bộ Tư pháp chuyển đến.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm triển khai việc thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Đối với trường hợp thực hiện ủy thác tư pháp theo nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn và quy trình thực hiện tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
6. Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự
a) Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 16 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC về thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì yêu cầu tương trợ tư pháp như: tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, lấy lời khai, triệu tập người làm chứng, người giám định, cung cấp, thu thập chứng cứ và các trường hợp tương trợ tư pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam cho đương sự ở nước ngoài, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành theo thủ tục quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch này, Bộ luật Tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không trái với pháp luật của nước sở tại.
b) Thực hiện tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 17 của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC về tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Trường hợp người được tống đạt đã nhận văn bản ủy thác hoặc người được tống đạt vắng mặt tại địa chỉ nhưng có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự ký nhận thay và cam kết giao tận tay cho người đó thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc đã thực hiện việc tống đạt. Trường hợp người được tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới khác với địa chỉ đã yêu cầu ủy thác tư pháp thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tống đạt đến địa chỉ mới.
- Trường hợp tên, địa chỉ hoặc thông tin cá nhân của người được tống đạt không đúng, hoặc đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới, hoặc vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt và nêu rõ lý do.
- Trường hợp người được tống đạt từ chối nhận hồ sơ ủy thác thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc từ chối nhận hồ sơ trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có chữ ký của người tống đạt, chữ ký của người được tống đạt, trong trường hợp người đó không ký vào biên bản thì cần có chữ ký của người làm chứng về việc người đó từ chối nhận văn bản.
- Trường hợp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể thực hiện được việc tống đạt, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của mình. Sau thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày niêm yết, nếu người được tống đạt không đến nhận hồ sơ ủy thác thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc đã thực hiện thủ tục niêm yết công khai và kết quả của việc niêm yết.
7. Xử lý kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
a) Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định tại Điều 14 về xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:
- Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc ủy thác tư pháp hoặc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, biên bản tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo về Bộ Ngoại giao.
- Trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác của cơ quan có thẩm quyền trong nước mà cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thể thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không có thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc không trả lời đề nghị của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo về Bộ Ngoại giao.
- Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, Bộ Ngoại giao chuyển văn bản đó cho Bộ Tư pháp để chuyển cho Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp.
b) Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Tòa án
Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định tại Điều 15 về xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Tòa án như sau:
* Xử lý kết quả tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài:
- Trường hợp Tòa án nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp nếu xác minh được đúng tên, địa chỉ, thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
Trường hợp Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài, thì Tòa án giải thích để đương sự yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Chương XX và Chương XXII của Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau khi có kết quả thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo thủ tục chung. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu mà đương sự không yêu cầu Tòa án tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 168 và Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp Tòa án nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại khoản 1, 3 và 4 Điều 17 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
* Xử lý kết quả ủy thác tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài
- Trường hợp Tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo việc tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người cần tống đạt không đúng hoặc người cần tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới hoặc người cần tống đạt vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về, thì Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp lần thứ hai nếu xác minh được đúng địa chỉ, tên và thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
Trường hợp việc thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn không có kết quả mặc dù Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp để xác minh địa chỉ, tên và thông tin cá nhân của đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn không xác định được thông tin chính xác thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp Tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo về việc người được tống đạt đã nhận được văn bản ủy thác tư pháp hoặc người được tống đạt từ chối nhận, thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc theo thủ tục chung.
- Trường hợp vụ việc dân sự không thể thực hiện được việc ủy thác tư pháp do Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng được nguyên tắc có đi có lại, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc tiến hành thủ tục niêm yết công khai hồ sơ ủy thác tư pháp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự được ủy thác tư pháp (nếu có) trong thời hạn sáu tháng và đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương (kênh sóng dành cho người nước ngoài) ba lần trong ba ngày liên tiếp. Nếu hết thời hạn này mà không có tin tức của đương sự ở nước ngoài thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung.
* Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Trường hợp Tòa án ủy thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài mà trong thời hạn ba tháng kể từ ngày tống đạt bản án, quyết định cho người cần tống đạt hoặc thời hạn sáu tháng kể từ ngày niêm yết bản án, quyết định tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc kể từ ngày gửi hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp mà Tòa án không nhận được kháng cáo của đương sự ở nước ngoài, và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có người khác kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và Tòa án không phải tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp.
* Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp
Sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.
* Xử lý kết quả ủy thác tư pháp trong trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp
Trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc nếu xét thấy tài liệu, chứng cứ đã đúng và đủ theo nội dung yêu cầu; trường hợp tài liệu, chứng cứ chưa đúng hoặc chưa đủ theo nội dung đã yêu cầu thì Tòa án tiếp tục ủy thác tư pháp theo thủ tục chung.
III. THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ CỦA NƯỚC NGOÀI
1. Phạm vi thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Phạm vi thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được quy định trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam là thành viên. Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự nói chung cũng đã được quy định tại Điều 10 của Luật Tương trợ tư pháp. Theo các quy định này thì phạm vi thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cũng giống như phạm vi Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện tương trợ tư pháp. Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự;
- Triệu tập người làm chứng, người giám định;
- Thu thập, cung cấp chứng cứ;
- Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Trong đó các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự là các yêu cầu tương trợ tư pháp không phải là yêu cầu quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Tương trợ tư pháp nhưng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Căn cứ vào đó, khi Tòa án nhận được các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài cần xem xét yêu cầu đó có thuộc Điều 10 của của Luật Tương trợ tư pháp hay không để từ đó xác định xem Tòa án Việt Nam có thẩm quyền thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp đó hay không?
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 60 của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì Tòa án Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài về việc bắt giữ tàu biển theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. Do đó, mặc dù khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Tương trợ tư pháp không có quy định về việc ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển nhưng căn cứ và các quy định nêu trên của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, Tòa án Việt Nam có thể tiến hành việc bắt giữ tàu biển để thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
2. Thẩm quyền của Tòa án thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Về mặt nguyên tắc, Tòa án nhân dân thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài như thực hiện các thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 415 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Việt Nam không chấp nhận thực hiện việc uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài, cụ thể như sau:
- Việc thực hiện uỷ thác tư pháp xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam hoặc đe doạ đến an ninh của Việt Nam;
- Việc thực hiện uỷ thác tư pháp không thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 18 của Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC về thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- Tòa án có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp là Tòa án nơi người được tống đạt là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở chính;
- Tòa án nơi người được triệu tập làm chứng, người giám định cư trú, làm việc;
- Tòa án nơi thực hiện việc thu thập, cung cấp chứng cứ;
- Tòa án thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự là Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
a) Thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định tại Điều 15 về thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài như sau:
- Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu, Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước yêu cầu là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao.
- Trường hợp ủy thác tư pháp không thực hiện được hoặc quá thời hạn mà nước ngoài yêu cầu hoặc cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do để Bộ Tư pháp thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu.
b) Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Điều 20 của Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài như sau:
- Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi theo quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc có thỏa thuận hoặc đã có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
-  Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thủ tục tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC.
- Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần uỷ thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
Chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch này hoặc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ.
Trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hoặc thông qua Bộ Ngoại giao nếu giữa Việt Nam và nước ngoài đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự và nêu rõ lý do trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp không hợp lệ.
c) Trình tự, thủ tục và thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Tòa án
Điều 21 của Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về trình tự, thủ tục xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài như sau:
Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Tòa án vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần uỷ thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
- Tiến hành thụ lý để thực hiện ủy thác tư pháp nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
- Trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tòa án áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để thực hiện ủy thác tư pháp và thông báo cho Bộ Tư pháp kết quả thực hiện ủy thác tư pháp trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ.
Theo quy định nêu trên thì trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ Tòa án thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài phải gửi thông báo kết quả về Bộ Tư pháp mà không phân biệt đã thực hiện được công việc ủy thác tư pháp hay chưa thực hiện được ủy thác tư pháp.
4. Thông báo kết quả việc thực hiện ủy thác tư pháp
Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định tại Điều 22 về thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp, Tòa án gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ quyền ký, với số lượng ba bản cho Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp chuyển kết quả thực hiện ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao đối với những trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua cơ quan này theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, Bộ Ngoại giao gửi kết quả cho cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đã yêu cầu hoặc chuyển cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã gửi yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.

 

[1] Số liệu thống kê, tổng hợp trong phần này được trích dẫn từ Dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp của Bộ Tư pháp tháng 10/2011


TS. Thẩm phán Nguyễn Văn Cường
Nguồn: Phó Viện trưởng Viện KHXX – TANDTC



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra