Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân?


Cơ quan đại diện của bộ, ngành… có tư cách pháp nhân hay không, có được độc lập tham gia tố tụng hay không? Đó là những tranh cãi xuất phát từ một vụ kiện cụ thể gần đây ở TP.HCM.

Tháng 3-2008, ông Nguyễn Ngọc Hùng đã ký hợp đồng làm bảo vệ kiêm sửa chữa điện nước cho Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại TP.HCM, sau đó hai bên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Cuối năm 2008, hai bên ký tiếp phụ lục hợp đồng, thay đổi tên của bên sử dụng lao động vì lúc này văn phòng chuyển thành cơ quan đại diện Bộ TN&MT tại TP.HCM (gọi tắt là cơ quan đại diện).
Bị đuổi việc vì cơ quan mất xe máy
đầu năm 2010, khu tập thể của cơ quan đại diện mất hai chiếc xe máy. Cơ quan này đã ra văn bản buộc ông Hùng phải bồi thường cho hai chủ xe mỗi người 10 triệu đồng, trừ vào tiền làm thêm giờ. Tiếp đó tháng 9-2011, cơ quan ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hùng, lý do là ông không hoàn thành nhiệm vụ, để mất tài sản.
Không đồng ý, ông Hùng khởi kiện ra TAND quận 1 (TP.HCM) yêu cầu tòa hủy quyết định trên, buộc cơ quan phải nhận ông làm việc trở lại và bồi thường thiệt hại trong những ngày không được làm việc. Sau đó, ông Hùng thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu hủy quyết định cho thôi việc, không yêu cầu trở lại làm việc nhưng cơ quan đại diện phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, giao sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bồi thường tiền lương những ngày không được làm việc cộng với hai tháng lương.
Phía cơ quan đại diện thì cho rằng việc chấm dứt hợp đồng của mình là đúng quy định, đã trả trợ cấp thất nghiệp và sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông Hùng…
Nhận đơn kiện, TAND quận 1 đã xác định cơ quan đại diện là bị đơn. Tháng 7-2012, tòa này xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ông Hùng, hủy quyết định cho thôi việc, buộc cơ quan đại diện bồi thường các khoản như ông Hùng yêu cầu. Sau đó, phía cơ quan đại diện kháng cáo, cho rằng tòa xử như vậy là không khách quan, đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu của ông Hùng.
Là “pháp nhân nhưng không đầy đủ”?
Hai tháng sau, tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP, đại diện VKSND TP đã cho rằng việc TAND quận 1 xác định tư cách bị đơn như trên là sai về tố tụng theo Điều 92 BLDS nên đề nghị hủy án để xử sơ thẩm lại. Theo đại diện VKS, bị đơn trong vụ kiện này phải được xác định là Bộ TN&MT chứ không thể là cơ quan đại diện.
Theo TAND TP, xét quyết định của bộ trưởng Bộ TN&MT thì cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức sau: Là một tổ chức giúp việc cho bộ trưởng, theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực thuộc phạm vi của Bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam; thực hiện một số nhiệm vụ theo chương trình công tác của Bộ trên địa bàn được giao phụ trách; phối hợp với các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác chuyên môn được giao; làm chủ đầu tư các dự án xây dựng của Bộ tại các tỉnh phía Nam được phụ trách; lập dự toán và tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán thu chi ngân sách theo quyết định của Nhà nước và phân cấp của Bộ; quản lý cán bộ, công chức, người lao động, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
Từ đó, tòa nhận định cơ quan đại diện là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, là cơ quan đại diện hạch toán báo sổ khi thực hiện dự toán, quyết toán phải theo phân cấp của Bộ, phụ thuộc theo sự phân bổ ngân sách Nhà nước và phân cấp của Bộ, không phải là cơ quan hạch toán độc lập. Mặc dù trong quyết định của bộ trưởng Bộ TN&MT có nội dung: “Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng” nhưng cơ quan này vẫn phải hạch toán báo sổ. Do vậy, cơ quan này có tư cách pháp nhân nhưng không đầy đủ, vẫn chỉ là một đơn vị phụ thuộc vào pháp nhân là Bộ TN&MT.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã kết luận: Việc tòa sơ thẩm xác định bị đơn trong vụ án là cơ quan đại diện là không đúng quy định của pháp luật dân sự. Khi thụ lý vụ án, thấy ông Hùng khởi kiện không đúng đối tượng, lẽ ra tòa sơ thẩm phải hướng dẫn ông Hùng xác định lại nhưng không làm, đồng thời chính tòa cũng xác định sai. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho ông Hùng, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
Phải theo luật!
Vụ án này gây chú ý ở chỗ có thể sẽ trở thành “tiền lệ pháp” cho các tranh chấp phát sinh tại những cơ quan đại diện của các bộ, ngành… sau này khi tòa xác định tư cách tham gia tố tụng.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với nhận định của tòa phúc thẩm và nhấn mạnh: “Trong quan hệ pháp luật, mọi vấn đề phải được xem xét trên quy định chung của pháp luật chứ không nên theo quy ước nội bộ của một cơ quan, đơn vị nào”. Theo ông, trong một vụ kiện, cơ quan đại diện của một bộ chỉ có tư cách pháp nhân đầy đủ khi có sự ủy quyền tham gia tố tụng của bộ chủ quản. Bởi lẽ dù trong quyết định thành lập có nói cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân như trong vụ kiện trên nhưng thực tế thì tư cách này không đầy đủ vì hoạt động của cơ quan đại diện vẫn phụ thuộc vào bộ chủ quản.
Đồng tình, PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích thêm: “Quyết định thành lập cơ quan đại diện tại TP.HCM của Bộ TN&MT ghi “cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng” là không ổn. Bởi BLDS do Quốc hội ban hành đã đặt ra các điều kiện của một pháp nhân đầy đủ và rõ ràng, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân theo. Mặt khác, về mặt lý luận, cơ quan đại diện của Bộ không thể coi là một tư cách pháp nhân vì không thỏa mãn quy định tại khoản 4 Điều 84 BLDS là tham gia giao dịch một cách độc lập. Bởi lẽ mọi hoạt động của cơ quan đại diện đều đặt dưới sự quản lý, điều hành của Bộ, do đó lập luận của tòa phúc thẩm là chính xác. “Tôi nghĩ rằng các cơ quan nhà nước khi thành lập các cơ quan đại diện thì không nên tùy tiện “tặng” cho nó tư cách pháp nhân, nếu có thì cũng phải thỏa mãn các điều kiện luật định, nếu không pháp luật nói chung sẽ không còn ý nghĩa trong cuộc sống” - ông Đại nói.
Quy định về cơ quan đại diện
“…
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích đó…
4. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
5. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện.”
(Trích Điều 92 BLDS)
THANH TÙNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra