Những vướng mắt khi áp dụng Luật tố tụng hành chính và Luật khiếu nại


Luật tố tụng hành chính được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011; Luật khiếu nại được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Việc ban hành các Luật trên với nhiều quy định mới đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Tuy nhiên qua nghiên cứu hai Luật trên và Nghị quyết số 02/2011/NQ – HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính, chúng tôi thấy có những quy định cần phải hướng dẫn thống nhất để áp dụng trong thực tiễn xét xử các vụ án hành chính. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin trao đổi về nội dung xem xét tính hợp pháp của “quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan” khi tiến hành xét xử vụ kiện.

* Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 31 Luật khiếu nại thì: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại.
Như vậy, khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì người dân làm đơn khiếu nại; khi nhận được đơn khiếu nại hợp lệ thì cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước phải thụ lý và giải quyết khiếu nại của công dân. Nội dung giải quyết khiếu nại lần đầu bằng một quyết định cụ thể, gồm một trong hai nội dung:
- Giữ nguyên quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
- Sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại.
* Tại khoản 1 Điều 163 Luật tố tụng hành chính quy định: Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.
Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan thuộc thẩm quyền xem xét của Hội đồng xét xử là những quyết định giải quyết khiếu nại gồm những nội dung nào?
Theo quan điểm của chúng tôi thì chỉ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan nào có nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại mới thuộc thẩm quyền xem xét của Hội đồng xét xử, vì:
Tại điểm b khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết số 02/2011/NQ – HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính thì: Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đều thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án và trong quá trình Tòa án giải quyết vụ kiện, người bị kiện có quyết định sửa đổi, bổ sung thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính mà người khởi kiện, người có quyền nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ kiện và phải xem xét tính hợp pháp của cả hai quyết định.
Còn quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; không có nội dung gì khác so với quyết định hành chính ban đầu thì khi xét xử Tòa án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính lần đầu vô hình chung coi như đã vô hiệu hóa quyết định giải quyết khiếu nại mất rồi.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, xin trao đổi cùng quý đồng nghiệp để có sự thống nhất về nhận thức khi áp dụng nhằm nâng cao chất lượng xét xử của toàn ngành, mong nhận được sự đóng góp của quý độc giả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra