VẤN ĐỀ NGƯỜI BỊ HẠI RÚT YÊU CẦU KHỞI TỐ VỤ ÁN TẠI PHIÊN TOÀ TRONG MỘT SỐ VỤ ÁN ĐƯỢC KHỞI TỐ THEO YÊU CẦU CỦA NGƯỜI BỊ HẠI

Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”. Trên thực tế quy định này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và thực hiện nghiêm chỉnh, vừa tiết kiệm được chi phí của ngân sách Nhà nước, vừa đảm bảo được quyền lợi cho người bị hại, đồng thời góp phần tích cực vào việc tôn trọng thoả thuận của các cá nhân, xoá đi mặc cảm, tạo dựng tình cảm đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, giữ gìn được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, ổn định trật tự trị an – an toàn xã hội.
Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau do nhận thức khác nhau, đó là trường hợp : Người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà sơ thẩm trong một số vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; Và trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong vụ án có nhiều bị can hoặc bị cáo.
A.Trường hợp vụ án chỉ có một bị cáo
Qua việc trao đổi, nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi nhận thấy hiện nay khi có sự kiện người bị hại rút yêu cầu tại phiên toà sơ thẩm thì tuỳ theo nhận thức của Thẩm phán, của các thành viên Hội đồng xét xử sẽ dẫn đến nhiều quan điểm và cách giải quyết, xử lý khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà thì Hội đồng xét xử(sau đây viết tắt là HĐXX) cần phải yêu cầu người bị hại trình bày lý do của việc rút yêu cầu đó và tiếp tục xét xử bình thường, đến phần nghị án HĐXX đi vào phòng nghị án để thảo luận, sau đó HĐXX ra tuyên bố hoãn phiên toà, để bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố gửi cho toà, với lý do HĐXX không thể khẳng định chắc chắn được việc bị hại rút yêu cầu khởi tố là có tự nguyện hay không? (có trái với ý muốn không, hoặc có bị ép buộc không). Khi người bị hại về làm đơn gửi đến toà thì lúc này được xem là trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà, vì vậy vụ án phải được đình chỉ.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại phiên toà bị hại rút yêu cầu khởi tố thì HĐXX hoàn toàn có thể xét hỏi đối với bị hại để làm rõ việc bị hại rút yêu cầu như vậy là có tự nguyện hay không mà không cần phải hoãn phiên toà như quan điểm thứ nhất. Qua việc xét hỏi nếu thấy người bị hại rút yêu cầu là do bị ép buộc thì HĐXX tiếp tục xét xử theo thủ tục chung. Còn nếu thấy rằng người bị hại rút yêu cầu khởi tố đúng là hoàn toàn tự nguyện thì đến phần nghị án, HĐXX thảo luận và căn cứ khoản 2 Điều 199 BLTTHS ra Quyết định đình chỉ vụ án, ở phần tuyên án chủ toạ sẽ công bố quyết định này.

Một quan điểm khác cũng gần giống như quan điểm thứ hai, chỉ khác là khi nghị án HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng Hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS) ra luôn bản án, tuyên đình chỉ vụ án ( trong bản án có sự nhận định và đánh giá chi tiết các tình tiết người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà).
Quan điểm thứ ba cho rằng: HĐXX sẽ vẫn xét xử bình thường, khi nghị án HĐXX quyết định Miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 BLHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo theo Điều 54 BLHS.
Quan điểm thứ tư cho rằng: HĐXX có thể “tìm ra lý do” nào đó có lý để hoãn phiên toà, trả hồ sơ cho VKS để Điều tra bổ sung, tạo điều kiện cho người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong thời gian đó, như vậy lại thuộc trường hợp bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà, vì thế vụ án sẽ được Viện kiểm sát( sau đây viết tắt là VKS) hoặc Cơ quan điều tra (sau đây viết tắt là CQĐT) ra quyết định đình chỉ .
Quan điểm thứ năm cho rằng: Khi bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà, thì HĐXX sẽ hỏi ý kiến của KSV tham gia phiên toà, nếu KSV cũng đồng ý rút toàn bộ quyết định truy tố, thì HĐXX sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Lý do của quan điểm này là tại phiên toà chỉ có KSV mới là người có quyền rút một phần quyết định truy tố hoặc rút toàn bộ quyết định truy tố. Còn nếu KSV không đồng ý rút toàn bộ quyết định truy tố, thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, vì luật không quy định người bị hại được rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà.
Quan điểm thứ sáu cho rằng: Người bị hại còn có quyền rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà phúc thẩm, họ chia ra:
Nếu sau khi toà án sơ thẩm đã xét xử và còn trong thời hạn kháng cáo mà người bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, thì cấp phúc thẩm coi đây là đơn kháng cáo của người bị hại. Toà phúc thẩm sẽ thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục chung; tuỳ từng trường hợp cụ thể mà toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự ( sau đây viết tắt là BLHS) hoặc Điều 54 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; Toà án cấp phúc thẩm cũng có thể giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên.
Nếu là trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo kháng nghị, bị cáo không kháng cáo, VKS không kháng nghị, chỉ có người bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố, thì vụ án được xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm, cấp Giám đốc có thể huỷ án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật và Đình chỉ vụ án (căn cứ vào khoản 2 Điều 285- BLTTHS).
Quan điểm thứ bẩy cho rằng: BLTTHS năm 2003 chỉ có quy định cho phép KSV được rút một phần quyết định truy tố hoặc rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà (các Điều 195, 221, 222- BLTTHS), còn tại Phần thứ ba – Về xét xử sơ thẩm - gồm các chương từ XVI đến XXII của BLTTHS không có điều luật nào quy định về việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà sơ thẩm, vì vậy khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên toà sơ thẩm thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử bình thường đối với bị cáo, đồng thời xem việc bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo chính là việc bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, thuộc trường hợp quy định tại điểm c, Mục 5 của Nghị quyết 01/2000 ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ( sau đây viết tắt là HĐTP – TANDTC) đã hướng dẫn, để từ đó HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Phân tích lần lượt từng quan điểm ở trường hợp A (vụ án có một bị cáo) chúng tôi thấy rằng:
- Đối với quan điểm thứ nhất, việc HĐXX lấy lý do hoãn phiên toà là để tạo điều kiện cho người bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án gửi cho toà, đây không phải là lý do chính đáng, vì theo quy định thì chỉ có thể hoãn phiên toà khi thuộc các trường hợp quy định tại các Điều 45,46,47,187,189,190,191,192,193 của BLTTHS, mà không có quy định nào cho phép HĐXX hoãn phiên toà để người bị hại về làm đơn rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo.
- Đối với quan điểm thứ hai và quan điểm gần giống quan điểm này, do HĐXX đã làm rõ được việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà là hoàn toàn tự nguyện, nên HĐXX ra Quyết định đình chỉ vụ án hoặc ra bản án tuyên có nội dung đình chỉ vụ án. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng HĐXX muốn đình chỉ vụ án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Chỉ khi có các căn cứ để đình chỉ thì HĐXX mới được quyền ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời quyết định đình chỉ vụ án phải được viết theo mẫu thống nhất của ngành Toà án. Nghị quyết số 04/2004 ngày 05/11/2004 của HĐTP- TANDTC đã ban hành mẫu số 05c Quyết định đình chỉ vụ án dùng cho HĐXX sơ thẩm, tại đoạn “Xét thấy”(4) đã hướng dẫn cách ghi: Khi thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm 3,4,5,6 và 7 Điều 107 BLTTHS thì ghi theo trường hợp đó. Khi đối chiếu các điểm 3,4,5,6 và 7 Điều 107 BLTTHS thì không thấy có trường hợp nào quy định là: “Người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên toà sơ thẩm”. Như vậy rõ ràng HĐXX này đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án mà không có căn cứ pháp luật.
Tương tự như vậy mẫu Bản án hình sự sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004 nói trên, tại phần Quyết định (27) không có hướng dẫn nào cho phép HĐXX ra Bản án tuyên đình chỉ vụ án khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà sơ thẩm, mà chỉ có hướng dẫn cho phép HĐXX tuyên bị cáo có phạm tội hoặc không phạm tội khi có căn cứ quy định tại điểm 1,2 Điều 107 BLTTHS. Thực tế không có loại Bản án sơ thẩm có nội dung đình chỉ vụ án, mà chỉ có Quyết định đình chỉ vụ án do HĐXX ban hành. Việc ra bản án có nội dung đình chỉ vụ án là không có căn cứ pháp luật.
Đối với quan điểm thứ ba, HĐXX lại áp dụng Điều 25, hoặc Điều 54 BLHS để miễn TNHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà. Chúng tôi cho rằng HĐXX quyết định như vậy là chưa phù hợp với căn cứ của pháp luật, vì ở đây không thuộc các trường hợp được luật quy định như: Có sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, hoặc trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 46 BLHS, đáng được khoan hồng như các Điều 25, 54 BLHS quy định.
Đối với quan điểm thứ tư, HĐXX tìm mọi lý do để hoãn phiên toà, sau đó trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, tạo điều kiện cho bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo. Theo chúng tôi, lý do hoãn phiên toà là không có căn cứ như đã nêu và phân tích ở trên, đồng thời việc trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vì lý do bị hại rút yêu cầu khởi tố là không có căn cứ theo quy định tại Điều 199 BLTTHS, cũng như tại Thông tư liên ngành số 01/2010/TTLT- VKSNDTC- TANDTC- BCA ngày 27/8/2010 quy định về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các ngành Trung ương.
Đối với quan điểm thứ năm và quan điểm thứ sáu chúng tôi thấy rằng HĐXX đã có nhiều cách giải quyết khác nhau và không có căn cứ pháp luật quy định. Đối với quan điểm thứ bẩy, về lý luận chúng tôi đồng ý với cách giải quyết của quan điểm này, vì nó phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, luật đã quy định như thế Thẩm phán và HĐXX phải thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, xét về góc độ quyền con người, về các lợi ích thực tiễn trong xã hội hiện nay, cũng còn có vấn đề phải tiếp tục thảo luận làm rõ thêm .
Theo đánh giá của chúng tôi, trừ quan điểm thứ bảy, còn lại tất cả sáu quan điểm trước đó, HĐXX đã có nhiều cách giải quyết mà ở đó đã có sự vận dụng nhằm đi đến mục đích cuối cùng là đình chỉ vụ án. Hình thức đình chỉ vụ án cũng rất khác nhau. Đó là quyết định đình chỉ vụ án của HĐXX, hình thức bản án sơ thẩm, hình thức quyết định miễn TNHS, quyết định miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt của HĐXX, hoặc quyết định đình chỉ điều tra vụ án của VKS, hoặc của CQĐT nếu vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các quan điểm này đều khẳng định: “Làm như vậy không thấy cấp Phúc thẩm huỷ quyết định, huỷ án có nghĩa là chúng tôi đã làm đúng!”
Về góc độ thực tiễn, chúng tôi trao đổi như sau: Cùng là sự kiện người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo, chỉ khác nhau ở thời điểm rút yêu cầu. Đó là “rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà” và “rút yêu cầu tại phiên toà”. Như vậy xét về bản chất thì việc “rút yêu cầu” này là không có gì khác nhau mấy (bởi vì hồ sơ vụ án không có gì thay đổi về nội dung cơ bản).
Sự khác nhau về “thời điểm” được thể hiện ở sự tiếp tục trình tự thủ tục tố tụng đối với vụ án: Nếu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án, điều này có nghĩa là vụ án này chưa được đưa ra xét xử tại phiên toà sơ thẩm, mặc dù có thể vụ án đã được VKS chuyển hồ sơ sang Toà; còn tại phiên toà sơ thẩm người bị hại mới rút yêu cầu khởi tố, thì có nghĩa là VKS đã làm cáo trạng truy tố bị cáo và chuyển hồ sơ vụ án sang Toà án đề nghị xét xử đối với bị cáo, Toà án đã thụ lý vụ án, Chánh án đã phân công Thẩm phán và Hội thẩm tham gia xét xử vụ án này, Thẩm phán đã nghiên cứu hồ sơ, ký giấy triệu tập những người tham gia tố tụng đến toà, đã lập kế hoạch xét hỏi, có thể đã ra một số lệnh hoặc quyết định trước đó, Toà cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho việc xét xử, trên thực tế Toà đã và đang mở phiên toà xét xử đối với bị cáo.
Phân tích “Thời điểm trước ngày mở phiên toà” và “thời điểm tại phiên toà” như vậy, để chúng ta có sự so sánh tính chất quan trọng của hai thời điểm này, từ đó đánh giá liệu có thể “bỏ qua” hay “không thể bỏ qua” “thời điểm” trong việc áp dụng pháp luật hiện nay hay không.
Đã có quan điểm nêu lý do: Pháp luật cho phép người bị hại được rút yêu cầu khởi tố từ khi vụ án hình sự vừa mới được khởi tố theo yêu cầu của họ (hoặc người đại diện của người bị hại) cho đến trước ngày mở phiên toà xét xử sơ thẩm họ vẫn có quyền này, đây là một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để người bị hại suy nghĩ, cân nhắc, để quyết định việc rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo trước ngày mở phiên toà, nhưng họ đã không rút yêu cầu trong khoảng thời gian này, đến ngày Toà án mở phiên toà xét xử, họ mới xin rút yêu cầu khởi tố thì Toà án không chấp nhận việc họ rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà nữa, nếu họ vẫn có ý kiến xin rút yêu cầu khởi tố thì Toà vẫn xét xử theo thủ tục chung và chỉ xem đây là việc bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo, từ đó HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo mà thôi. Hay nói cách khác là người bị hại đã bị mất quyền rút yêu cầu tại phiên toà.
Theo chúng tôi, nếu chỉ vì lý do này mà người bị hại bị mất quyền rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo tại phiên toà, thì pháp luật thực định chưa thật sự tạo điều kiện cho người bị hại thực hiện đầy đủ quyền của họ, cũng như chưa tạo cơ hội bình đẳng, dân chủ và nhất quán trong việc thực thi pháp luật, chưa xem xét đến lợi ích tổng thể của xã hội.
Mặt khác tại khoản 3 Điều 51 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.” Mà ở đây người bị hại đã thể hiện rất rõ ràng ý chí, mong muốn của mình là không tiếp tục buộc tội nữa, vậy thì Toà án (HĐXX) cũng không còn lý do hoặc cơ sở nào để tiếp tục xét xử vụ án đó nữa, do đó theo quan điểm chúng tôi vụ án phải được đình chỉ.
B.Trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố trong vụ án có nhiều bị can hoặc nhiều bị cáo.
Thực tiễn hiện nay trong những vụ án có nhiều bị can hoặc nhiều bị cáo, có trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với một người hoặc đối với nhiều người, thì cũng đang có nhiều quan điểm và cách giải quyết khác nhau, chưa thống nhất.
Có quan điểm thứ nhất cho rằng: trong vụ án có nhiều bị can hoặc bị cáo, nhưng bị hại chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với một hoặc vài bị can hoặc bị cáo, thì các cơ quan tiến hành tố tụng ( sau đây viết tắt là CQTHTT) chỉ được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với các bị can hoặc bị cáo đó, còn những bị can hoặc bị cáo khác không được bị hại rút yêu cầu khởi tố vẫn sẽ bị tiếp tục truy cứu TNHS bình thường, bởi vì đó là quyền của bị hại.
Quan điểm thứ hai cho rằng: trong trường hợp này các CQTHTT sẽ “động viên” người bị hại rút yêu cầu đối với những bị can (hoặc bị cáo) còn lại, nếu họ đồng ý thì đình chỉ vụ án, nếu họ không đồng ý thì vẫn phải giải quyết theo thủ tục chung.
Quan điểm thứ ba cho rằng: khi bị hại đã rút yêu cầu khởi tố đối với một bị can (hoặc bị cáo) thì coi như là đã rút yêu cầu đối với tất cả các bị can (hoặc bị cáo) khác còn lại, bởi vì tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS đã quy định:“ vụ án phải được đình chỉ”. Khoản 2 Điều luật không quy định “khi bị hại rút yêu cầu trước khi mở phiên toà thì các cơ quan THTT phải đình chỉ đối với bị can (hoặc bị cáo)”. Quan điểm này cũng cho rằng bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo như quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS, chứ bị hại không có quyền yêu cầu khởi tố bị can, mà quyền khởi tố bị can thuộc về CQĐT và VKS nên không thể có việc bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố đối với bị can- bị cáo này hay bị can, bị cáo khác. Vì vậy khi người bị hại rút yêu cầu dù chỉ đối với một người đi chăng nữa thì cũng phải đình chỉ vụ án.
Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ để phân tích làm sáng rõ ba quan điểm nêu trên: Giả sử A là một người không tốt ở địa phương, đã bị B, C, D (đều thoả mãn quy định về chủ thể của tội phạm) cùng gây thương tích (không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến điểm k của khoản 1 Điều 104 BLHS) Kết quả giám định thương tích đã xác định được A có tỷ lệ thương tật là: 29% , theo đó việc điều tra cũng xác định được B đã gây thương tích cho A là 17%, C đã gây thương tích cho A là 8%, D đã gây thương tích cho A là 4%.
Đối với quan điểm thứ nhất, giả sử A rút yêu cầu khởi tố đối với C và D, mà không rút yêu cầu đối với B, vì B là người đánh A vào nhiều chỗ trên thân thể và đau nhất, hơn nữa B cũng tỏ ra phạm tội tích cực nhất, nên A muốn B bị xét xử và chịu hình phạt. Cơ quan THTT đã đình chỉ đối với C và D, còn B bị đưa ra toà xét xử. Theo chúng tôi việc làm của A là phù hợp với pháp luật, vừa có tính nhân đạo đối với C và D, nhưng cũng vừa có tính nghiêm khắc xử lý đối với B, nhằm mục đích trừng trị đối với B. Mặt khác A cũng đã thể hiện cho mọi người trong đó có B thấy được ý chí của A khi A đã rút yêu cầu khởi tố cho C và D, còn B thì phải chịu hình phạt.
Nhưng nếu A rút yêu cầu khởi tố đối với B, còn lại vẫn yêu cầu xử lý đối với C và D, theo cách giải quyết của quan điểm thứ nhất, B sẽ được đình chỉ vụ án, còn C và D bị xét xử và chịu hình phạt. Theo chúng tôi đánh giá, phân tích, thì dưới góc độ bảo đảm quyền cho người bị hại, pháp luật đã được thực thi, nhưng nếu xét dưới góc độ xã hội thì có vấn đề chưa ổn. Việc làm này của bị hại A có thể dễ dẫn đến tình trạng người bị hại sử dụng “quyền” nhưng lại biến thành “lợi”, theo đó người bị hại có thể sẽ mặc cả với phía bị can hoặc bị cáo đòi hỏi sự đền bù quá mức, hoặc buộc phải thực hiện những việc làm quá đáng, quá khả năng của bị can hoặc bị cáo cũng như của gia đình những người này, từ đó người bị hại có thể trục lợi, dễ gây nên tâm lý lo sợ, hoang mang, làm mất ổn định đời sống kinh tế của bị can hoặc bị cáo, xã hội do vậy phần nào cũng mất ổn định. Ngoài ra nếu xử lý như vậy thì các căn cứ quyết định hình phạt đã bị vi phạm (Đ 45- BLHS, Đ 53- BLHS), vì người mà tham gia phạm tội tích cực, có hành vi với tính chất nguy hiểm cao hơn, gây hậu quả lớn hơn thì lại không bị xử lý, còn người khác mà sự tham gia phạm tội với vai trò thứ yếu, có hành vi với tính nguy hiểm thấp hơn, hậu quả gây ra cũng nhỏ hơn thì lại bị xử lý? (xét trên góc độ cụ thể theo kết luận giám định), rõ ràng là đã dẫn đến chỗ không công bằng, giảm hiệu lực trừng trị, răn đe, giáo dục của hình phạt.
Đối với quan điểm thứ hai, giả sử A chỉ rút yêu cầu khởi tố đối với C và D còn vẫn đề nghị xét xử B, thì theo quan điểm thứ hai này, CQTHTT sẽ “động viên” A rút luôn yêu cầu khởi tố đối với B, nếu A đồng ý thì ra quyết định đình chỉ vụ án; trong trường hợp A không đồng ý thì tiếp tục xử lý theo pháp luật hình sự đối với B giống như quan điểm thứ nhất. Theo chúng tôi cách giải quyết này có vẻ tôn trọng quyền của người bị hại, nhưng việc “động viên” của CQTHTT đối với bị hại có thực sự khách quan, xuất phát từ quyền lợi của họ hay không? Hay lại xuất phát từ những mục đích khác nhau của cơ quan này? Bởi vì trên thực tế khi CQTHTT đã “động viên” thì thường là những người tham gia tố tụng sẽ buộc phải thực hiện theo, chứ ít khi họ dám không thực hiện. Như vậy thì vấn đề đảm bảo quyền cho người bị hại cũng chưa thật sự được tôn trọng.
Đối với quan điểm thứ ba, việc người bị hại A rút yêu cầu khởi tố cho một người, bất cứ là người nào trong số B, C, D nêu trên, thì vụ án phải được đình chỉ toàn bộ. Quan điểm này cho rằng xử lý như vậy cũng là nhằm ngăn ngừa việc bị hại có thể lợi dụng quyền của mình để trục lợi như ví dụ kể trên. Theo chúng tôi, xử lý như quan điểm thứ ba cũng chưa thực sự đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Bị hại chỉ có hai sự lựa chọn: một là rút yêu cầu đối với toàn bộ các bị can, bị cáo; hai là không rút yêu cầu khởi tố cho ai cả. Như vậy, nguyên tắc xử lý của BLHS về vấn đề phân hoá tội phạm, miễn TNHS, cá thể hoá hình phạt, vấn đề khoan hồng, tôn trọng sự thoả thuận, vấn đề duy trì tình cảm, tăng cường mối quan hệ trong cộng đồng dân cư chưa được xem xét bảo đảm một cách tốt nhất.
Từ việc nêu một số quan điểm và phân tích trên nhằm tránh việc tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật, cũng như cần phải thống nhất quan điểm cách giải quyết, xử lý, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào BLTTHS như sau:
1 .Luật cần có quy định: Người bị hại được quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên toà sơ thẩm, theo đó HĐXX chỉ việc ra Quyết Định Đình chỉ vụ án. Riêng ở giai đoạn Phúc thẩm nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố, thì tuy không được xem là “do có sự chuyển biến của tình hình”, nhưng được xem là có “tình tiết giảm nhẹ đặc biệt” và bị cáo đáng được khoan hồng, để từ đó HĐXX ra quyết định Miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
2 Luật cần quy định rõ trong trường hợp bị hại là người chưa thành niên thì phải cần sự có mặt của người đại diện của họ để tham gia tố tụng. Luật cũng quy định rõ việc bị hại là Người chưa thành niên rút yêu cầu khởi tố vụ án, nhưng Người đại diện của họ lại không rút yêu cầu khởi tố ( hoặc ngược lại Người đại diện thì rút yêu cầu khởi tố, nhưng Người bị hại là Người chưa thành niên không rút yêu cầu) thì giải quyết theo yêu cầu của Người đại diện của người bị hại.
3. Luật cần quy định đối với trường hợp tại phiên toà, KSV rút toàn bộ quyết định truy tố, nhưng Người bị hại (hoặc người đại diện của bị hại) không đồng ý việc rút đó thì HĐXX phải tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung, nếu qua việc xét xử thấy việc rút quyết định truy tố là đúng thì HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội, vì đây cũng còn là cơ sở để người được Toà tuyên vô tội làm căn cứ yêu cầu bồi thường; Nếu xét thấy việc rút toàn bộ quyết định truy tố đó là không có cơ sở, thì HĐXX cũng không được tạm đình chỉ vụ án, để kiến nghị lên VKS cấp trên trực tiếp và không thụ lý như tinh thần của Thông tư số 01/TTLN ngày 08/12/1988 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trường hợp này HĐXX vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án và ra bản án bình thường.
4. Luật cần có quy định trình tự thủ tục riêng đối với trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, theo đó người bị hại hoặc đại diện của người bị hại phải phát biểu lời buộc tội trước tiên ở phần xét hỏi, VKS không làm bản cáo trạng nữa mà chỉ làm quyết định truy tố ngắn gọn theo mẫu, được KSV đọc thông qua ở cuối phần thủ tục của phiên toà; Sự có mặt của người bị hại hoặc đại diện của người bị hại trong trường hợp này là bắt buộc, nếu họ vắng mặt (không có lý do chính đáng) thì coi như họ từ bỏ quyền của mình, vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp đó luật nên bỏ quy định tại khoản 4 Điều 51 BLTTHS: “Nếu người bị hại từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu TNHS theo Điều 308 BLHS (Tội từ chối khai báo)”. Luật cũng cần có quy định trường hợp người bị hại là người đã thành niên nhưng bị thương tích, đau ốm, già yếu đến mức không thể đến Toà được và họ không có người đại diện thì Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử luật sư đại diện văn phòng luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.
5. Luật cần quy định về trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà, KSV tham gia phiên toà cũng đồng ý với bị hại, nhưng bị cáo lại không đồng ý việc rút yêu cầu này và muốn Toà tiếp tục xét xử vụ án, thì phiên toà vẫn phải được tiếp tục xét xử bình thường. Vì đây chính là việc HĐXX phải vận dụng nguyên tắc giải quyết “có lợi cho bị cáo”
6. Đối với các trường hợp vụ án có nhiều bị can- bị cáo: Luật cần quy định rõ khi bị hại rút yêu cầu khởi tố, thì các CQTHTT và người THTT có thẩm quyền, phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, xác định rõ bị hại rút yêu cầu khởi tố như thế nào? Rút toàn bộ hồ sơ tất cả các bị can, bị cáo? rút đối với ai? Để từ đó có cách giải quyết vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa bảo đảm được quyền của bị hại, vừa phù hợp với chuẩn mực đạo đức, dư luận xã hội, phù hợp với các nguyên tắc xử lý chung của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến và đề xuất, chúng tôi xin nêu lên và mong nhận được các ý kiến trao đổi của quý vị./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra