Hiểu thế nào là hung khí nguy hiểm

Hiểu thế nào là hung khí nguy hiểm?
Thực tiễn thực hiện pháp luật cho thấy, có văn bản hướng dẫn đã lệch hướng so với tinh thần quy định của luật. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12.5.2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) trong số đó.
Theo quy định tại Điều 104 BLHS thì, khi một người dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% cũng đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% là phạm tội thuộc khoản 2 (có mức hình phạt từ hai năm đến bảy năm). Bởi vì, việc dùng hung khí nguy hiểm sẽ làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiểu thế nào là hung khí nguy hiểm thì thực tiễn xét xử thời gian qua còn có sự nhận thức khác nhau. Không chỉ nhận thức của những người tiến hành tố tụng mà ngay cả hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này cũng chứa đựng những điều bất ổn về mặt lý luận cũng như đối chiếu với tinh thần của pháp luật thực định.
Tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã hướng dẫn: “2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ). 2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. a. Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn… b. Về vật mà người mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.
Như vậy có thể thấy, hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP viện dẫn ở trên đã đồng nhất khái niệm “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS (tội cố ý gây thương tích) với khái niệm “sử dụng vũ khí, phương tiện khác” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS (tội cướp tài sản). Cách hướng dẫn trên không phù hợp. Lý do, tội cố ý gây thương tích và tội cướp tài sản hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau được thể hiện ở khách thể xâm phạm, hành vi và hậu quả của tội phạm không giống nhau. Tội cướp tài sản là “hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc… làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Đây là tội có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi mà chưa cần hậu quả xẩy ra thì tội phạm đã hoàn thành. Do đó, việc người phạm tội dùng bất kỳ loại vũ khí, phương tiện nào để tấn công người bị hại đều làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi. Mặt khác, tội cướp tài sản xâm phạm khách thể được bảo vệ đó là quyền sở hữu, do đó việc dùng vũ khí, phương tiện khác để tấn công còn có nguy cơ cao trong việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe (một khách thể khác với khách thể của tội cướp tài sản).

Tội cố ý gây thương tích là hành vi dùng vũ lực tác động vào cơ thể của người bị hại gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe. Đây là tội có cấu thành vật chất, hành vi phạm tội phải gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tội phạm mới hoàn thành. Tỷ lệ thương tích vừa là yếu tố định tội (khung cơ bản) vừa là yếu tố định khung tăng nặng. Tỷ lệ thương tích gây ra càng cao thì khung hình phạt quy định cũng như hình phạt được áp dụng càng cao (tỷ lệ thuận). Nếu loại trừ yếu tố chủ quan của người phạm tội thì việc sử dụng vũ khí, phương tiện khác có tính năng càng cao (độ sắc, nhọn, cứng, nặng,…) thì thương tích gây ra càng cao. Khác với tội cướp tài sản, hậu quả của tội cố ý gây thương tích là thương tích đã gây ra, do đó việc sử dụng công cụ, phương tiện để gây ra thương tích là đặc điểm riêng của tội này. Khi người phạm tội sử dụng vũ khí, phương tiện thực hiện hành vi gây thương tích thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo mức độ nặng nhẹ tương ứng với thương tích gây ra cho nạn nhân. Thực tế cho thấy, để gây ra thương tích cho người khác không một ai lựa chọn sử dụng các vật nhẹ, mềm để làm công cụ, phương tiện phạm tội. Hung khí nguy hiểm có thể là một trong những loại vũ khí hoặc phương tiện khác, tuy nhiên không phải mọi loại vũ khí và phương tiện khác đều là hung khí nguy hiểm. Cần phải hiểu hung khí nguy hiểm trong tội cố ý gây thương tích là những loại công cụ, phương tiện mà khi người phạm tội sử dụng ngoài việc gây ra thương tích còn có nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng của nạn nhân (hậu quả khác với hậu quả của tội cố ý gây thương tích). Chẳng hạn như dùng dao nhọn đâm vào ngực, vào bụng nạn nhân là thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm; còn trường hợp dùng gạch, đá, gậy cứng đánh vào tay, vào chân của người bị hại thì không thể coi là dùng hung khí nguy hiểm. Do đó, không thể đồng nhất khái niệm dùng hung khí nguy hiểm trong tội cố ý gây thương tích với khái niệm sử dụng vũ khí, phương tiện khác trong tội cướp tài sản.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra