Tòa án có quyền hủy bỏ các quyết định trái pháp luật

Tòa án có quyền hủy bỏ các quyết định trái pháp luật

* Bỏ quy định Tòa án có quyền hủy quyết định của cơ quan, tổ chức khi giải quyết vụ án dân sự.

Trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự 2004, giai đoạn từ ngày 1-1-1990 cho đến ngày 31-12-2004, khi giải quyết các vụ án dân sự, các Toà án áp dụng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1988.



Vào giai đoạn này, khi giải quyết các tranh chấp dân sự mà việc giải quyết có liên quan đến nội dung quyết định của cơ quan, tổ chức, các Toà án có quyền xem xét tính hợp pháp của các quyết định đó, trong trường hợp rõ ràng các quyết định này là trái pháp luật, các Toà án có quyền huỷ bỏ các quyết định này. Căn cứ về mặt tố tụng của việc huỷ bỏ các quyết định nói trên là Điều 12 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định về thẩm quyền của Toà án đối với các quyết định của cơ quan, tổ chức khác.


Năm 1996, UBTVQH thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Có lẽ do nhận thức việc Toà án xem xét tính hợp pháp các quyết định của cơ quan hành chính chỉ có thể theo thủ tục tố tụng hành chính, nên từ ngày 1-7-1996, khi giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến việc phải xem xét tính đúng đắn các quyết định của cơ quan hành chính, các Toà án thường hướng dẫn cho đương sự khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính, mặc dù giai đoạn này Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự vẫn đang còn hiệu lực pháp luật, trong đó có quy định thẩm quyền của Toà án đối với việc huỷ quyết định của cơ quan, tổ chức khi thấy các quyết định này rõ ràng trái pháp luật.


Vào giai đoạn này tranh chấp nhà đất chưa gay gắt như những năm sau này, nên cách giải quyết như trên của các Tòa án nhìn chung ổn thỏa. Vì vậy, trên tinh thần đó, BLTTDS đã loại bỏ thẩm quyền của Toà án theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, tức là không còn quy định cho Toà án có quyền huỷ quyết định của cơ quan, tổ chức mà Toà án cho là trái pháp luật và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án dân sự.


Tuy vậy thực tiễn xét xử của các Toà án cho thấy không phải vụ án tranh chấp dân sự nào có liên quan đến việc Toà án phải xem xét tính đúng đắn quyết định hành chính của cơ quan, tổ chức đều có thể giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính được. Thực tế là sau khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có hiệu lực, các Toà án vẫn phải giải quyết rất nhiều vụ án tranh chấp dân sự loại này, mà không thể hướng dẫn đương sự khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính hoặc tự Toà án chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Tất cả các vụ án này đều liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất.


Vậy khi không được phép huỷ bỏ quyết định của cơ quan, tổ chức rõ ràng là trái pháp luật trong khi vẫn phải giải quyết vụ án dân sự, mà việc giải quyết vụ án liên quan đến nội dung quyết định này, các Toà án phải làm thế nào?


Trong nhiều năm qua các Toà án lập luận rằng mặc dù Toà án không có thẩm quyền huỷ bỏ các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước về giao quyền sử dụng đất, nhưng Toà án vẫn có quyền xem xét tính đúng đắn của các quyết định đó để thừa nhận hay không thừa nhận. Trong trường hợp quyết định đó là trái pháp luật, Toà án sẽ không thừa nhận quyết định đó và giải quyết vụ án. Cơ quan hành chính nhà nước căn cứ vào bản án của Toà án để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự. Căn cứ pháp lý để các Toà án được quyền xét xử như vậy  là Luật đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai. Cụ thể Điều 49 Luật đất đai về những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại khoản 5 điều luật này có quy định: “ Người được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành”. Các điều 41,42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai có nội dung về cơ bản như khoản 5 điều 49 luật đất đai nói trên.

Trong phần trước chúng tôi đã lý giải tại sao BLTTDS năm 2004 bỏ quy định Tòa án có quyền hủy quyết định của cơ quan, tổ chức khi giải quyết vụ án dân sự, đồng thời cũng đề cập lý lẽ mà các Tòa án dùng làm căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến quyết định giao đất của UBND. 


Tuy vậy cũng có quan điểm cho rằng khi giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự này, việc giải quyết của Toà án phải trên cơ sở chấp nhận quyết định hành chính của cơ quan, tổ chức, bởi lẽ BLTTDS năm 2004 không quy định Toà án có quyền huỷ quyết định của cơ quan, tổ chức mà Toà án cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án. Nếu làm ngược lại thì thực chất xét về nội dung không có gì khác với việc huỷ bỏ quyết định của cơ quan, tổ chức đã ra quyết định đó. Mà việc này như đã nói ở trên là không được phép.

Mặt khác việc dựa vào Điều 49 Luật Đất đai và các điều 41,42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai để cho rằng Toà án có quyền xét xử vụ án dân sự theo hướng không thừa nhận quyết định giao đất của cơ quan hành chính và sau khi có bản án của Toà án, theo yêu cầu của đương sự cơ quan nhà nước có trách nhiệm huỷ bỏ quyết định cũ và ra quyết định mới thay thế là không đúng tinh thần các điều này. Người được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói ở Điều 49 Luật Đất đai và các điều 41,42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP phải hiểu là các trường hợp do có những sự kiện pháp lý mới phát sinh dẫn đến quyết định giao đất trước đây không còn phù hợp, cần phải thay đổi, như trường hợp vợ chồng ly hôn, Toà án chia tài sản giao mỗi người được quyền sử dụng một phần thửa đất trước đây giao chung cho vợ chồng, hay trường hợp Toà án chia thừa kế theo pháp luật quyền sử dụng đất của bố mẹ cho các con. Đây là các trường hợp Toà án phân chia quyền sử dụng đất không phải do Toà án cho rằng quyết định giao đất trước đây của Uỷ ban nhân dân trái pháp luật, cần phải phân chia lại cho đúng theo yêu cầu của đương sự, mà là do những sự kiện pháp lý mới phát sinh, cần phải có quyết định hành chính mới điều chỉnh.

Hơn nữa, việc Toà án giải quyết vụ án dân sự theo hướng không chấp nhận quyết định hành chính của cơ quan, tổ chức trong khi không có thẩm quyền huỷ bỏ các quyết định này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều bản án của Toà án không thi hành được do bản án của Toà án chỉ mang tính kiến nghị. Trong trường hợp cơ quan hành chính cho rằng quyết định của mình là đúng đắn, họ sẽ không thi hành bản án của Toà án. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tính chất hoạt động xét xử của Toà án, là cơ quan mà khi xét xử được phép nhân danh Nhà nước, đồng thời cũng không phù hợp với nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của chúng ta, trong đó Hiến pháp quy định rõ các bản án và quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu việc BLTTDS không quy định Toà án có quyền huỷ bỏ quyết định của cơ quan, tổ chức khi giải quyết vụ án dân sự như Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án dân sự, thì cần sửa đổi, bổ sung pháp luật, không nên để tình trạng bản án của Toà án chỉ mang tính kiến nghị, hoặc thiếu rõ ràng, dứt khoát theo kiểu sử dụng các thuật ngữ “tạm giao quyền sử dụng đất...” như có một thời các Toà án từng sử dụng khá phổ biến.


Chúng tôi cho rằng quan điểm này là rất xác đáng.


Thực tế những năm qua nhiều vụ án thuộc loại các vụ án nói trên không thể thi hành được, do Uỷ ban nhân dân cho rằng quyết định hành chính mình ban hành là đúng pháp luật và bản án của Toà án chỉ mang tính kiến nghị mà thôi, hoặc khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án của Toà án thì đương sự không chấp hành với lý do quyết định giao đất của Uỷ ban nhân dân vẫn đang còn hiệu lực pháp luật, vì chưa có văn bản nào của Nhà nước huỷ bỏ nó. Về phía cơ quan thi hành án cũng rất khó có thể tìm ra lý lẽ nào mang tính thuyết phục để giải thích cho họ.


Xuất phát từ thực tế trên, Quốc hội khoá XII, tại kỳ họp thứ 9 đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung  một số điều BLTTDS, trong đó bổ sung Điều 32a cho phép Toà án có quyền huỷ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết. Đây là sự bổ sung rất quan trọng, giúp các Toà án tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tồn tại từ năm 2005 cho đến nay. Văn bản pháp luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12-2012.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra