Một số vấn đề về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Một số vấn đề về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
 và cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
--------------------------------------
Thạc sỹ Đinh Văn Quế
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt  đối với tội ấy là đến ba năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội giết con mới đẻ (Điều 94); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95; tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở Việt Nam trái phép (Điều 274)...
- Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt  đối với tội ấy là đến bảy năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 117; tội cưỡng dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113.v.v...

- Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 156; tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 154.v.v...
- Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây y nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự). Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 79; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 194; tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 221.v.v...

           Việc xác định tội phạm nào là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không phức tạp, chỉ cần căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Nếu mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng; đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng; đến mười lăm năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng; đến chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 3 năm, 7 năm, 15 năm, chung thân hoặc tử hình, mà trong nhiều trường hợp nhà làm luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt là một năm, hai năm, bốn năm, năm năm, sáu năm, tám năm, mười năm, mười hai năm và hai mươi năm. Mặc dù Bộ luật hình sự đã có hiệu lực pháp luật gần 10 năm nhưng đến nay vẫn còn quan điểm cho rằng, nếu mức cao nhất của khung hình phạt không phải là 7 năm thì chưa phải là tội phạm nghiêm trọng, không phải là 15 năm thì chưa phải là tội phạm rất nghiêm trọng, không phải là chung thân hoặc tử hình thì chưa phải là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: khoản 2 Điều 1 Điều 133 (tội cướp tài sản) có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm chưa phải là tội phạm rất nghiêm trọng mà chỉ là tội phạm nghiêm trọng. Quan điểm này theo chúng tôi là không đúng với quy định của Bộ luật hình sự, vì nhà làm luật chỉ quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy “đến” ba năm, bảy năm, mười lăm năm, chung thân hoặc tử hình chứ không quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy “là” ba năm, bảy năm, mười lăm năm, chung thân hoặc tử hình.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Ví dụ: Ngày 15-01-2000 Bùi Quốc D mượn chiếc xe máy của chị Vũ Thị H để đưa mẹ vào bệnh viện khám bệnh, nhưng sau đó D không trả lại chiếc xe cho chị H mà bán được 10 triệu đồng đánh bạc bị thua hết. Do bị thua bạc và không còn xe để trả cho chị H nên D đã bỏ trốn vào Tây Nguyên ở với chị gái; ngày 15-10-2003 Bùi Quốc D về gia đình. Sau khi về nhà, D hứa với chị H sẽ bồi thường chiếc xe máy cho chị, nên chị H không tố cáo hành vi phạm tội của D với Cơ quan điều tra. Chờ mãi không thấy D bồi thường chiếc xe máy cho mình, nên ngày 20-2-2005 chị H đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Bùi Quốc D với Cơ quan điều tra. Sau khi xác định hành vi phạm tội của Buì Quốc D là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự và là tội phạm ít nghiêm trọng nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Quốc D.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Ví dụ: Ngày 1-1-2000 Trần Văn H phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự nhưng chưa bị khởi tố điều tra, đến ngày 10-12-2004, H lại phạm tội trộm cắp tài sản và đến ngày 30-6-2005 cơ quan điều tra mới phát hiện hành vi phạm tội trộm cắp. Nếu căn cứ vào thời hiệu truy trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng thì sau ngày 1-1-2005 là đã hết, nhưng trước đó (10-12-2004) H lại phạm tội mới nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối vơí tội gây rối trật tự nơi công cộng lại được tính từ ngày 10-12-2005 chứ không phải từ ngày 1-1-2000. Vì vậy H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: tội trộm cắp tài sản và tội gây rối trật tự công cộng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Ví dụ: Ngày 15-2-1990 Phạm Quốc B cùng đồng bọn phạm tội giết người cướp tài sản, sau khi phạm tội Bình bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng vẫn không bắt được Bình vì B đã trốn ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài. Ngày 20-4-2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Phạm Quốc B với tư cách là Việt kiều về thăm quê hương thì bị nhân dân phát hiện báo cho cơ quan điều tra bắt giữ. Nếu tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì trường hợp đối với Phạm Quốc B đã hết (quá 15 năm), nhưng trong thời hạn đó, B đã bỏ trốn ra nước ngoài và có lệnh truy nã nên thời gian bỏ trốn của B không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu trong thời gian người phạm tội bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra không ra lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh lại được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Ngày 25-1-2000 Bùi Văn Đ lấy trộm con dấu của cơ quan rồi bỏ trốn vào Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sinh sống, cơ quan của Đ đã báo cho cơ quan công an, nhưng vì Đ đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án và cũng không ra lệnh truy nã đối với Đ. Ngày 30-2-2005, nhân dịp vào Đà Lạt công tác, thủ trưởng cơ quan của Đ phát hiện Đ đang đi chơi trong thành phố Đà Lạt nên đã báo cho công an bắt giữ Đ. Sau khi Đ bị bắt cơ quan điều tra đã xác định hành vi phạm tội của Đ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật hình sự có mức hình phạt cao nhất là hai năm tù, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm, tuy Đ bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra không ra lệnh truy nã nên thơì hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đ đã hết, do đó cơ quan điều tra không khởi tố bị can đối với Bùi Văn Đ.

Thực tiễn giải quyết các vụ án có liên quan đến việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không phải bao giờ cũng đơn giản như quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự, vì Điều 23 Bộ luật hình sự mới quy định đối với một người phạm một tội, còn đối với các trường hợp khác như: một người phạm tội nhiều tội hoặc nhiều người phạm một tội, thì khi áp dụng Điều 23 Bộ luật hình sự để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự lại phải căn cứ vào các quy định khác của Bộ luật hình sự cũng như khoa học luật hình sự mới có thể xác định đúng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có một số trường hợp vướng mắc và còn ý kiến khác nhau về việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng tôi nêu và phân tích, đồng thời nêu quan điểm cá nhân để bạn đọc tham khảo và cùng trao đổi.  
1. Trường hợp người phạm tội bị khởi tố bị can về một tội và bị truy nã theo quyết định của Cơ quan điều tra, sau một thời gian thì bị bắt. Khi bị bắt Cơ quan điều tra còn phát hiện trước khi bị truy nã người bị truy nã còn thực hiện một tội phạm khác ngoài tội bi truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội mà người phạm tội tự khai ra được tính như thế nào. Ví dụ: A phạm tội giết người, do bị cáo bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với A về tội giết người. Sau 16 năm Cơ quan điều tra bắt được A. Trong qúa trình điều tra về tội giết người đối với A, Cơ quan điều tra còn phát hiện, trước khi phạm tội giết người A còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Công ty H 260.000.000 đồng, thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng. Vậy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không ?
Quan điểm thứ nhất cho rằng, mặc dù A chỉ bị truy nã về tội giết người chứ không bị truy nã về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng người bị truy nã là A thì mọi hành vi phạm tội của A coi như cũng đang bị truy nã. Giả thiết trong thời gian A đang bị truy nã và chưa bắt được A, Cơ quan điều tra phát hiện được hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A thì cũng phải tạm đình chỉ chứ không thể ra một quyết định truy nã bổ sung đối với A về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì A đã có lệnh truy nã rồi. Do đó đối với thời hiệu truy cứ trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A vẫn còn, thời gian A bỏ trốn và có lệnh truy nã đối với tội giết người coi như đó là thời gian bỏ trốn và có lệnh truy nã đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự là mười lăm năm được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, nhưng sau khi phạm tội lừa đảo, A lại phạm tội giết người nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A được tính từ ngày A phạm tội giết người; A chỉ bị truy nã về tội giết người chứ không bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau 16 năm mới phát hiện. Do đó đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A, vì thời gian truy nã chỉ áp dụng đối với tội giết người chứ không áp dụng đối với tội lửa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đồng ý với ý kiến này và phân tích thêm một số vấn đề như sau:
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự thì quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có; tội phạm mà bị can đã bị khởi tố. Nếu Điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự không quy định phải ghi rõ “tội phạm mà bị can đã bị khởi tố” thì quan điểm thứ nhất có thể chấp nhận được, dù sao thì A cũng đã bị truy nã. Những Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ không chỉ đối với lệnh truy nã mà đối với các quyết định khác của cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải rất cụ thể như: quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam, lệnh bắt giam. v.v…đều phải ghi rõ “tội phạm mà bị can đã bị khởi tố”. Trong trường hợp đối với A nêu trên, nếu trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra phát hiện A còn phạm tội khác thì trước hết phải khởi tố bổ sung (thay đổi quyết định khởi tố bị can) đồng thời phải thay đổi quyết định truy nã thì khi bắt được A, thời gian bỏ trốn của A sẽ không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc nhà làm luật quy định chặt chẽ như vậy là để đề cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.

2. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều tội phạm khác nhau ở các thời điểm khác nhau nhưng Cơ quan điều tra chỉ khởi tố một tội và ra lệnh truy nã về tội đó, nhưng sau khi người phạm tội bị bắt, Cơ quan điều tra còn phát hiện ngoài tội phạm bị khởi tố, người phạm tội còn phạm tội khác nhưng không khởi tố vì xác định tội phạm mới phát hiện đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đã khởi tố trước đó được tính như thế nào ? Ví dụ: Ngày 18-12-2001, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án đối với Nguyễn Văn T trong vụ án Năm Cam. Do Nguyễn Văn T bỏ trốn nên 18-3-2002, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định truy nã Nguyễn Văn T; ngày 27-11-2007 Nguyễn Văn T ra đầu thú. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định Nguyễn Văn T đã phạm tội tổ chức đánh bạc từ năm 1994 đến 1995 thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn xác định vào năm 1995 và 1999, T còn phạm tội đánh bạc nhưng hành vi đánh bạc của T đến năm 2008 mới phát hiện nên đã hết thời hiêu truy cứu trách nhiệm hình sự do đó không khởi tố T về tội đánh bạc. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T về tội tổ chức đánh bạc có ý kiến khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì hành vi đánh bạc mà T thực hiện năm 1995 và 1999 không bị khởi tố nên tội tổ chức đánh bạc mà T thực hiện năm 1994 đến năm 1995 tính đến 2001 cũng hết thời hiệu.

Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù tội đánh bạc mà T thực hiện vào năm 1995 và năm 1999 không bị khởi tố vì đến năm 2008 Cơ quan điều tra mới phát hiện nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không vì thế mà cho rằng, T không phạm tội đánh bạc vào năm 1995 và năm 1999. Do đó tội tổ chức đánh bạc mà T thực hiện vào năm 1994 và năm 1995 tính đến năm T phạm tội đánh bạc vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này, vì khoản 3 Điều 23 Bộ luật hình sự chỉ quy định: “nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 23 người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời hiệu đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới”. Chứ không quy định “người phạm tội lại phạm tội mới và bị khởi tố”. Như vậy, việc người phạm tội mới có bị khởi tố hay không khởi tố, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn hay hết không liên quan gì đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cũ. Trở lại trường hợp đối với Nguyễn Văn T, nếu năm 1995 và năm 1999 T không phạm tội đánh bạc thì đúng là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T về tội tổ chức đánh bạc đã hết, nhưng vì năm 1999 T đã phạm tội đánh bạc, nên thời hiệu đối với tội tổ chức đánh bạc của T phải tính lại từ năm 1999; năm 2001 Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội phạm này là vẫn còn thời hiệu.

3. Trường hợp trong vụ án có nhiều người tham gia, khi vụ án xảy ra có người phạm tội bị bắt ngay, có người phạm tội bỏ trốn. Do không tách được hành vi phạm tội của người bỏ trốn để xử lý riêng nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra cả vụ án; đến khi bắt được người bỏ trốn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn đã hết. Vậy vấn đề xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn như thế nào. Ví dụ: Ngày 10-4-2000 Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T phạm tội tộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Ngày 15-4-2000 Cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Do Hoàng Văn H bỏ trốn nên ngày 20-4-2000 Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã đối với Hoàng Văn H và tạm đình chỉ vụ án đối với Đinh Văn M và Bùi Quốc T; ngày 23-4-2008, Hoàng Văn H bị bắt theo lệnh truy nã nên Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án; này 15-8-2008 Cơ quan điều tra kết thúc vụ án và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Q truy tố các bị can Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Khi xem xét đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân huyện Q thấy: Nếu Hoàng Văn H không bỏ trốn hoặc tuy H bỏ trốn nhưng Cơ quan điều tra không ra lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự đối với Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T đã hết (quá năm năm), do H bỏ trốn và có lệnh truy nã nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H vẫn còn nhưng đối với Đinh Văn M và Bùi Quốc T thì có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc Hoàng Văn H bỏ trốn không thể bắt Đinh Văn M và Bùi Quốc T phải chịu về việc bỏ trốn của H. Do đó trong trường hợp này, chỉ có thể truy tố đối với Hoàng Văn H còn đối với Đinh Văn M và Bùi Quốc T đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự nước ta là trách nhiệm cá nhân. Trong một vụ án có đồng phạm hoặc nhiều người tham gia thì trách nhiệm hình sự bao giờ cũng là trách nhiệm cá nhân, việc Hoàng Văn H bỏ trốn không thể bắt Đinh Văn M và Bùi Quốc T phải chịu về việc bỏ trốn của H. Trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một ngươì không trốn tránh và không có lệnh truy nã thì hết thời hạn đó không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ nữa, ngay cả trường hợp họ trốn tránh mà cơ quan điều tra “quên” không ra lệnh truy nã mà đã hết thời hiệu thì cũng không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối họ.

Quan điểm thứ hai cho rằng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T là 5 năm kể từ ngày 10-4-2000 nhưng vì H bỏ trốn, Cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra nên thời gian tạm đình chỉ điều tra không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, vì mặc dù Đinh Văn M và Bùi Quốc T không bỏ trốn nhưng Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với M và T, tức là từ khi khởi tố bị can trở đi thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có bị kéo dài vì lý do khác nhau thì cũng không được trừ vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, sau khi Hoàng Văn H bị bắt theo lệnh truy nã, Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án là phục hồi điều tra đối với cả Hoàng Văn H, Đinh Văn M và Bùi Quốc T chứ không chỉ có Hoàng Văn H, Nếu xét về đạo lý thì việc Đinh Văn M và Bùi Quốc T không bỏ trốn cũng phải “chờ” bắt được Hoàng Văn H mới “được” xử lý là gây bất lợi cho Đinh Văn M và Bùi Quốc T, thời gian bỏ trốn của Hoàng Văn H có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn, cuộc sống của Đinh Văn M và Bùi Quốc T đã ổn định, bản thân Đinh Văn M và Bùi Quốc T không còn nguy hiểm cho xã hội nữa mà khi bắt được Hoàng Văn H họ vẫn bị xử lý là không công bằng. Tuy nhiên, trong phạm vi xem xét thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối với Đinh Văn M và Bùi Quốc T phải xác định là không phải là trường hợp

4. Trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố về một tội, sau đó lại thay đổi tội danh sang tội khác hoặc Viện kiểm sát truy tố tội danh khác thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được xác định như thế nào ? Trường hợp này có thể chia ra hai trường hợp:

- Trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố về tội nặng hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc Toà án kết án. Ví dụ: A bị khởi tố về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, nhưng Viện kiểm sát chỉ truy tố A về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

- Trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố về tội nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc Toà án kết án. Ví dụ: B bị khởi tố về tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự nhưng Viện kiểm sát chỉ truy tố B về tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự.

Về hai trường hợp phạm tội trên thực tiễn giải quyết còn có ý kiến khác nhau về việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là căn cứ vào tội danh mà người phạm tội bị khởi tố chứ không căn cứ vào tội danh mà người phạm tội bị truy tố hay bị Toà án kết án, bởi vì tội danh mà Cơ quan điều tra khởi tố còn là căn cứ để áp dụng các chế định khác của Bộ luật tố tụng hình sự như: thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, ra lệnh truy nã nếu người phạm tội bỏ trốn…Nếu căn cứ vào tội danh Viện kiểm sát truy tố hoặc Toà án kết án để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì hậu quả pháp lý của các hành vi tố tụng và quyết định trước đó của cơ quan tiến hành tố tụng mà gây bất lợi cho người phạm tội thì giải quyết thế nào như: thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, thời hạn xét xử quá thời hạn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. v.v…

Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể căn cứ vào tội danh do cơ quan điều tra khởi tố để làm căn cứ tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mà phải căn cứ vào tội danh thật (tội danh mà theo quy định của Bộ luật hình sự mà họ đã phạm) để làm căn cứ tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, ngay cả trong trường hợp tội danh mà bản án có hiệu lực đã kết án đối với người phạm tội và bản án đó bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì tội danh làm căn cứ tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là tội danh mà Hội đồng giám đốc thẩm đã kết án người phạm tội. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này, vì trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng có thể chưa xác định đúng tội danh mà người phạm tội thực hiện nên có thể khởi tố, truy tố hoặc kết án sai; những sai lầm này của cơ quan tiến hành tố tụng đã gây bất lợi cho người phạm tội khi phải áp dụng các quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự như: về thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam… Nếu lại căn cứ vào tội danh mà người phạm tội bị khởi tố, bị truy tố hoặc bị kết án sai để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thì người phạm tội phải gánh chịu bất lợi hai lần. Ví dụ: A bị khởi tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát nhân dân truy tố A về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự, Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự, thì tội danh để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A là tội danh theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự.

Trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố về tội nhẹ hơn, nhưng Viện kiểm sát truy tố người phạm tội về tội nặng hơn hoặc Toà án kết án người phạm tội về tội nặng hơn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cũng căn cứ vào tội danh mà Viện kiểm sát truy tố hoặc Toà án kết án đối với người phạm tội chứ không phải căn cứ vào tội danh mà Cơ quan điều tra khởi tố. Cách tính này, mới nghe có vẻ bất lợi cho người phạm tội nhưng không phải như vậy, vì lúc đầu Cơ quan điều tra chưa xác định chính xác tội danh mà người phạm tội là tội danh nào quy định trong Bộ luật hình sự nên khởi tố tội danh nhẹ hơn và áp dụng các biện pháp tố tụng theo tội danh nhẹ hơn, nhưng trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng sau đó (Viện kiểm sát và Toà án) xác định lại tội danh mà người phạm tội thực hiện là tội danh nặng hơn tội danh Cơ quan điều tra khởi tố thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự phải tính đối với tội danh mà phạm tội tực hiện; không có gì là gây bất lợi cho người phạm tội cả, ngược lại người phạm tội còn được lợi do việc xác định sai tội danh của Cơ quan điều tra nên chỉ áp dụng các biện pháp tố tụng theo tội danh nhẹ hơn mà lẽ ra họ phải bị áp dụng các biện pháp tố tụng theo tội danh nặng hơn.

5. Trường hợp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng vì nhiều nguyên nhân  khác nhau (trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan) nên vụ án phải kéo dài như: Vụ án bị huỷ đi huỷ lại nhiều lần để xét xử lại hoặc để điều tra lại, bị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại nhiều lần, bị tạm đình chỉ, thậm chí bị bỏ quên.v.v… Vậy thời gian “kéo dài” vụ án có tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không ? Ví dụ: Ngày 14-2-2001 Trương Việt D bị khởi tố và truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự; tại bản án hình sự sơ thẩm (lần 1) ngày 25-8-2002 Toà án nhân dân huyện K đã áp dụng khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự phạt Trương Việt D hai năm sau tháng tù (2 năm 6 tháng) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; sau khi xét xử sơ thẩm Trương Việt D kháng cao kêu oan và tại bản án hình sự phúc thẩm (lần 1) ngày 30-11-2002 Toà án nhân dân tỉnh B đã huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, tại cáo trạng (lần 2) ngày 20-6-2004 Viện kiểm sát nhân dân huyện K truy tố Trương Việt D về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình; tại bản án hình sự sơ thẩm (lần 2) ngày 12-8-2004 Toà án nhân dân huyện K đã áp dụng khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự phạt Trương Việt D một năm sau tháng tù (1 năm 6 tháng) về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; sau khi xét xử sơ thẩm Trương Việt D vẫn kháng cáo kêu oan cho rằng việc D còn nợ tiền của các người bị hại chỉ là quan hệ dân sự; tại bản án hình sự phúc thẩm (lần 2) ngày 10-01-2005 Toà án nhân dân tỉnh B lại huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Sau khi điều tra lại lần thứ ba, Cơ quan điều tra chỉ kết luận Trương Việt D chiếm đoạt của 2 người bị hại với tổng số tiền là 10.500.000 đồng chứ không phải của 5 người bị hại với tổng số tiền là 45.500.000 đồng như kết luận điều tra lần thứ hai; tại cáo trạng (lần 3) ngày 25-6-2006, Viện kiểm sát nhân dân huyện K truy tố Trương Việt D về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự với số tiền chiếm đoạt là 8.500.000 đồng (it hơn 2.000.000 đồng) so với kết luận của Cơ quan điều tra; tại bản án hình sự sơ thẩm (lần 3) ngày 20-9-2006 Toà án nhân dân huyện K đã áp dụng khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự phạt Trương Việt D sáu tháng (6 tháng) tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; sau khi xét xử sơ thẩm lần 3, Trương Việt D vẫn kháng cáo kêu oan và tại bản án hình sự phúc thẩm (lần 3) ngày 15-11- 2006 Toà án nhân dân tỉnh B lại huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Khi thụ lý vụ án để điều tra lại, có ý kiến khác nhau về việc tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trương Việt D:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc để kéo dài thời hạn tố tụng là do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, không thể bắt người phạm tội phải gánh chịu. Nếu tính từ khi Trương Việt D bị khởi tố đến khi Cơ quan điều tra thụ lý lại vụ án để điều tra lại lần thứ 4 thì đã hơn 5 năm và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự là 5 năm kể từ ngày người phạm tội thực hiện tội phạm, nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trương Việt D đã hết, Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Trương Việt D.

Quan điểm thứ hai cho rằng, truy cứu trách nhiệm hình sự là bao gồm: quyết định khởi tố bị can, quyết định truy tố (bản cáo trạng), bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ tính đến ngày khởi tố bị can; sau khi đã khởi tố bị can (trừ trường hợp người phạm tội bỏ trốn và có lệnh truy nã, vụ án phải tạm đình chỉ), còn vì lý do khác mà vụ án kéo dài thì thời gian kéo dài đó không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, vì theo khoản 3 Điều 23 Bộ luật hình sự thì trong thời hạn định tại khoản 2 người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới hoặc người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Không có quy định nào “thời gian tiến hành tố tụng được trừ vào thời hạn để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự". Thời hạn tố tụng và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau; do đó, không thể cho rằng, do thời gian tiến hành tố tụng kéo dài rồi tính cho người phạm tội được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu thời gian tố tụng kéo dài do lỗi của người tiến hành tố tụng thì tuỳ trường hợp mà họ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra