Thẩm phán ra Quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cũng có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án. 
A- THẨM PHÁN RA QUYẾT ĐỊNH TẠM ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN
Tạm đình chỉ vụ án là Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà  tạm thời chưa quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đã quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tạm dừng việc mở phiên toà.
Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự. Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự là quy định về tạm đình chỉ điều tra nên khi áp dụng Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự để tạm đình chỉ vụ án, một mặt Thẩm phán phải căn cứ vào quy định của Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự, mặt khác phải căn cứ vào thực tế vụ án đang ở giai đoạn chuẩn bị xét xử để áp dụng cho phù hợp. Ví dụ: Điều 160 quy định trong trường hợp chưa xác định được bị can thì tạm đình chỉ điều tra, nhưng không thể có trường hợp chưa xác định được bị cáo để tạm đình chỉ vụ án được, vì khi Viện kiểm sát đã truy tố ra Toà án bằng một bản cáo trạng là đã xác định người phạm tội là ai rồi ; nếu Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà lại chưa biết người bị truy tố có phải là người phạm tội hay không thì không được tạm đình chỉ vụ án mà tuỳ trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hoặc mở phiên toà xét xử ; nếu kết quả xét xử tại phiên toà cũng không đủ căn cứ xác định người bị truy tố là người phạm tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội. Như vậy, Thẩm phán tạm đình chỉ vụ án khi có các căn cứ sau:
- Bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần và không thuộc trường hợp không có trách nhiệm hình sự hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y. Trong trường hợp Toà án đã trưng cầu giám định tâm thần hoặc giám định pháp y, nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn xét xử thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả. Sau khi có kết quả, tuỳ trường hợp mà Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử (nếu bị cáo không mắc bệnh tâm thần) hay quyết định bắt buộc chữa bệnh (nếu bị cáo bị bệnh tâm thần) ; đối với bị cáo bị bệnh hiểm nghèo nhưng Hội đồng giám định pháp y kết luận không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng cần phải có thời gian điều trị, thì Thẩm phán có thể chưa huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ mà đợi sức khoẻ của bị cáo ổn định mới đưa vụ án ra xét xử. Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì nên đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo khác, còn có thể quyết định tạm đình chỉ đối với bị cáo tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị theo yêu cầu của Giám định viên.
- Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử, trường hợp bị cáo không bị tạm giam, mặc dù trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã lấy lời khai; bị cáo đã được tống đạt kết luận điều tra, bản cáo trạng nhưng khi cần triệu tập bị cáo đến Toà án hoặc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo không còn ở nơi cư trú nữa. Trong trường hợp Thẩm phán không biết bị cáo ở đâu thì cần phải phân biệt: Nếu có căn cứ cho rằng bị cáo đã bỏ trốn thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cùng với việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Toà án phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã đối với bị cáo; nếu việc vắng mặt của bị cáo có lý do chính đáng nhưng cũng không xác định được bị cáo đang ở đâu thì Thẩm phán chỉ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án mà không cần phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã đối với bị cáo.
Khi vận dụng các quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự để quyết định tạm đình chỉ vụ án cần chú ý một số vấn đề như sau:
Đối với bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa trưng cầu giám định pháp y thì Toà án phải trưng cầu giám định pháp y, nếu Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đã trưng cầu giám định pháp y nhưng Toà án thấy còn nghi ngờ về kết quả giám định đó thì Toà án phải trưng cầu giám định pháp y bổ sung hoặc giám định lại để biết kết quả, sau đó tuỳ thuộc vào kết quả giám định mà Toà án có thể quyết định tạm đình chỉ vụ án hay đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp Toà án đã trưng cầu giám định mà thời hạn xét xử đã hết mà chưa có kết quả giám định thì tạm đình chỉ vụ án khi nào có kết quả giám định Toà án tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp Toà án yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh truy nã, nếu truy nã không kết quả mà thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 176 đã hết thì Toà án mới ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Quy định này khác với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự về việc Toà án xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp “bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả”. Vì vậy, để tránh sự lầm lẫn giữa tạm đình chỉ vụ án của Thẩm phán theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự với việc xét xử vắng mặt bị cáo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự cần phân biệt:
Trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự là trường hợp do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà quyết định sau khi đã yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can mà việc truy nã không có kết quả và trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự là trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định sau khi yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo  sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu việc truy nã bị cáo không có kết quả thì Toà án có thể xét xử vắng mặt bị cáo.
B- THẨM PHÁN RA QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN
Đình chỉ vụ án là một quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Vụ án đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố hoặc xét xử. Trường hợp quyết định đình chỉ vụ án bị phát hiện là trái pháp luật thì sẽ bị huỷ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cũng có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.
Như vậy, căn cứ để Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án cũng là căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự và trong trường hợp người yêu cầu khởi tố theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm. Những căn cứ đó là:
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một dấu hiệu thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm, những người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực chất là chưa thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm và suy cho đến cùng thì hành vi của người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng là hành vi không cấu thành tội phạm, nhưng dấu hiệu không cấu thành thuộc yếu tố chủ thể và nó chỉ là dấu hiệu về tuổi của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu loại bỏ yếu tố này thì hành vi của họ thực sự là một tội phạm có đủ các dấu hiệu về khách thể, mặt chủ quan và khách quan. Có chủ thể của tội phạm, nhưng chủ thể chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự nước ta quy định hai độ tuổi, hai mức chịu trách nhiệm hình sự khác nhau:
Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tiễn xét xử, những sai lầm, trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu là đối với các tội vừa là tội phạm nghiêm trọng lại vừa là tội rất nghiêm trọng hoặc vừa là tội phạm nghiêm trọng vừa là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Nguyễn Văn A 15 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự vì các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hành vi phạm tội của A có tính chất côn đồ và thương tật mà bị cáo gây ra cho nạn nhân là 45%. Nhưng thực tế Nguyễn Văn A cố ý gây thương tích không thuộc trường hợp có tính chất côn đồ mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự mà khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, nên Nguyễn Văn A chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Loại sai lầm này xuất phát từ sai lầm trong việc nhận thức về các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do không xác định đúng tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên đã truy tố người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự như: chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội và thân nhân của bị cáo về ngày tháng năm sinh, không được điều tra xác minh tuổi thật của họ hoặc căn cứ vào căn cước lý lịch của người phạm tội do Cơ quan điều tra lập, chính quyền địa phương xác nhận mà không yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hay xác minh sổ hộ tịch ở địa phương, nên đã xác định không đúng tuổi thật của người phạm tội dẫn đến việc truy tố không đúng.
2. Người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật.
Việc truy tố một người có hành vi phạm tội, luật pháp nước ta cũng như các nước trên thế giới đều tuân theo nguyên tắc: Một hành vi phạm tội chỉ bị xử lý một lần. Vì vậy, khi khởi tố vụ án hình sự và suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu ở giai đoạn nào phát hiện hành vi phạm tội đang bị truy cứu đã có một bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự, không được khởi tố bị can, không được truy tố, không được đưa ra xét xử; nếu đã đưa ra xét xử thì không được kết án người đã có hành vi đó nữa. Trường hợp nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện việc kết án đó là trái pháp luật thì thì cấp giám đốc thẩm phải huỷ bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án đối với người bị kết án.
Thực tiễn xét xử đối với những trường hợp phải đình chỉ vụ án vì người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật rất ít xảy ra. Vì đây là căn cứ để không được khởi tố vụ án hình sự  hình sự, những sai sót này hầu như đã được khắc phục ở giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thực tiễn xét xử vẫn có trường hợp Viện kiểm sát truy tố người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
3. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn theo quy định của pháp luật kể từ khi thực hiện tội phạm sau một thời gian nhất định nếu cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì không được truy cứu nữa.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ: một người phạm tội đe doạ giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự xảy ra ngày 1-1-2000, đến ngày 2-1-2005 Cơ quan điều tra mới tiến hành khởi tố vụ án hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi đe doạ giết người đã hết.
- Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
- Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
- Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người phạm tội ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Thời gian trốn tránh nếu không có lệnh truy nã thì vẫn được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự thì, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 đối với các tội quy định Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật hình sự.
4. Tội phạm đã được đại xá.
Một người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng trước khi bị khởi tố, tội phạm đó đã được đại xá thì người có hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tiễn xét xử, hầu như không có trường hợp nào một tội phạm đã được đại xá mà người phạm tội lại vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Nói chung, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trước khi khởi tố vụ án hình sự  thì không khởi tố vụ án hình sự; Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nếu người phạm tội chết ở giai đoạn nào thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ vụ án ở giai đoạn đó. Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án trong trường hợp chưa đưa vụ án ra xét xử mà bị can bị hoặc bị cáo chết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trước ngày mở phiên toà mà bị cáo chết thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà không có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án mà quyền đó thuộc về Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử). Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, để đưa một vụ án ra xét xử thường có một phiên toà trù bị (phiên họp trù bị) giữa Hội đồng xét xử với Kiểm sát viên để xem xét các điều kiện cần thiết cần phải hoàn thiện trước khi mở phiên toà và mọi quyết định sẽ do Hội đồng xét xử trù bị ban hành kể cả quyết định đình chỉ vụ án nếu bị cáo chết trước khi mở phiên toà chính thức. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định phiên toà trù bị mà chỉ quy định thời hạn chuẩn bị xét xử, và thời hạn chuẩn bị xét xử được hiểu là từ lúc Toà án thụ lý hồ sơ vụ án đến ngày mở phiên toà; việc Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng chỉ là một việc cần thiết cho việc chuẩn bị xét xử. Do đó, nếu bị cáo chết trước ngày mở phiên toà thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà vẫn có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án.
6. Người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì, Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Đây là căn cứ đình chỉ vụ án mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 do thực tiễn xét xử đặt ra mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 chưa quy định. Tuy nhiên, việc đình chỉ vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 105, Toà án phải xác định xem người rút yêu cầu khởi tố có tự nguyện hay bị ép buộc, cưỡng bức ? việc xác định này trong thực tiễn không dễ, vì khi người người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại đã rút yêu cầu họ thường khai với cơ quan tiến hành tố tụng là họ tự nguyện, nhưng trong một số trường hợp họ bị ép buộc vì những lý do khác nhau mà họ không nói ra được. Vì vậy, khi Toà án đình chỉ vụ án trong trường hợp này cần phải cân nhắc kỹ.
Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ thời gian địa điểm ra quyết định, lý do đình chỉ vụ án, việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu tạm giữ nếu có và những vấn đề có liên quan. Nếu trong vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Toà án phải gửi quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp, cho bị can, người bị hại, người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị cáo; những người khác tham gia tố tụng thì được gửi giấy báo.
7. Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.
Đây là căn cứ đình chỉ vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử mà người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ là Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà.
Theo quy định tại Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự, thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.
Như vậy, trong các căn cứ để Viện kiểm sát rút quyết định truy tố có những căn cứ để Thẩm phán đình chỉ vụ án, đó là: các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự. Vậy vấn đề đặt ra là, nếu như Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà và Viện kiểm sát đều phát hiện bị can, bị cáo đã bị tuy tố nhưng có một trong các căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án hay chỉ cần Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà đình chỉ vụ án ? Nếu Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì Toà án vẫn phải ra quyết định đình chỉ. Vì vậy, trong trường hợp này theo chúng tôi nếu Thẩm phán chủ toạ phiên toà không phát hiện được hoặc quan điểm của Viện kiểm sát và Toà án khác nhau về việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát quyết định rút truy tố, buộc Toà án phải quyết định đình chỉ, còn nếu Viện kiểm sát và Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thống nhất về việc đình chỉ vụ án thì chỉ cần Viện kiểm sát thông báo cho Thẩm phán để Thẩm phán thực hiện việc quyết định đình chỉ vụ án.
Ngoài những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự, thì còn những căn cứ khác nếu Viện kiểm sát không rút quyết định truy tố, thì Thẩm phán không tự mình ra quyết định đình chỉ vụ án được, đó là: Không có sự việc phạm tội (điểm 1 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự); hành vi không cấu thành tội phạm (điểm 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự); tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 19 Bộ luật hình sự); miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25 Bộ luật hình sự) và trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự).
- Không có sự việc phạm tội
Không có sự việc phạm tội là tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố đối với một hoặc một số người theo Bộ luật hình sự không xảy ra trong thực tế. Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự nhưng thực tế vụ án giết người đó không có (không xảy ra) vì người được coi là bị giết vẫn sống bình thường ở một nơi khác. Đối với một số tội phạm xâm phạm đến các quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, việc nhận diện tội phạm nhiều trường hợp cũng không phải dễ dàng. Ví dụ: một người bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng thực tế không có vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà đó chỉ là quan hệ pháp luật dân sự. Việc xác định có sự việc phạm tội hay không chủ yếu là do công tác trinh sát, điều tra và khởi tố vụ án hình sự . Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng có thể phát hiện vụ án đã khởi tố không xảy ra và tuỳ thuộc vào giai đoạn tố tụng mà ra quyết định đình chỉ vụ án, nhưng cũng có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm Viện kiểm sát mới phát hiện tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo không xảy ra, nên rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.
- Hành vi không cấu thành tội phạm
Khác với trường hợp không có sự kiện phạm tội, trường hợp này có một người hoặc một số người thực hiện một hoặc một số hành vi, nhưng hành vi của họ không cấu thành tội phạm. Hành vi không cấu thành tội phạm có thể là hành vi vi phạm pháp luật hoặc đó là hành vi hợp pháp, nhưng do đánh giá sai tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nên đã truy tố người thực hiện hành vi đó về một tội mà Bộ luật hình sự quy định. Sai lầm này chủ yếu là do trình độ nghiệp vụ, năng lực công tác trong việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm về một hành vi cụ thể đã xảy ra.
Hành vi không cấu thành tội phạm được biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau:
- Trước hết, hành vi đó thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự "tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể". Ví dụ: Trộm cắp vài trái cây trong vườn, câu trộm vài con cá dưới ao hoặc gây thương tích cho người khác nhưng tỷ lệ thương tật một vài phần trăm và không thuộc một trang các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. v.v...
- Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm. Khoa học luật hình sự ở nước ta cũng như các nước trên thế giới đều cho rằng tội phạm được cấu thành bởi 4 yếu tố hay nói cách khác: Bốn yếu tố cấu thành tội phạm mà các giáo trình giảng dạy ở các trường Đại học hiện nay được lưu hành. Bốn yếu tố đó là: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố thì hành vi cũng không cấu thành tội phạm.
- Hành vi không cấu thành tội phạm là thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như: phòng về chính đáng; sự kiện bất ngờ; tình thế cấp thiết; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng; tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Các trường hợp trên, suy cho đến cùng thì nó cũng thuộc trường hợp thiếu yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng vì nó là những trường hợp đặc biệt nên Bộ luật hình sự quy định thành các chế định riêng cho tiện việc nghiên cứu áp dụng.
- Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Điều 19 Bộ luật hình sự quy định: "Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này".
Về lý luận, thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành và chuẩn bị phạm tội. Còn ở những giai đoạn khác không thể có "tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội" mà chỉ có thể "tự ý chấm dứt tội phạm" ở giai đoạn tội phạm chưa đạt đã hoàn thành và giai đoạn tội phạm hoàn thành, người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội phạm.
Khi xem xét một vụ án có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm hay không, thì điều kiện trước hết là phải xét người phạm tội thực hiện tội phạm được dừng lại ở giai đoạn nào, nếu dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hoặc tội phạm đã hoàn thành thì mặc dù người phạm tội có tự ý dừng lại không thực hiện nữa cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Sự tự ý phải dứt khoát, triệt để chứ không phải là tạm thời, chốc lát.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Còn hành vi thực tế mà họ đã thực hiện trước khi họ tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành một tội khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự  về tội đó. Ví dụ:định giết người, nhưng mới đâm một nhát thấy nạn nhân bị thương, thấy vậy thôi không đâm nữa, tuy không có gì ngăn cản, thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng y vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích đã gây ra.
Trong một vụ án có đồng phạm, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm không giống như trường hợp phạm tội riêng lẻ (chỉ có một người thực hiện). Chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm mới áp dụng lý luận về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm như trường hợp phạm tội riêng lẻ, còn những người khác như: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì phải có thêm những điều kiện khác ngoài hai điều kiện đã quy định như đối với người thực hành. Những điều kiện đó là:
- Sự tự ý của người đồng phạm phải xảy ra trước khi người thực hành trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện tội phạm;
- Đồng thời với sự tự ý, họ phải có những hành động tích cực ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
- Miễn trách nhiệm hình sự

Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người phạm tội được miến trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra hoặc xét xử, do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và khi có quyết định đại xá. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu Viện kiểm sát thấy rằng người bị truy tố có đủ các điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự thì ra quyết định rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.

Tóm lại, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án khi có những căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

Nguồn: Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra