THÔNG TIN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ KHI LY HÔN

THÔNG TIN PHÁP LUẬT
VỀ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ KHI LY HÔN


Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp (Việt Nam) và Tổ chức quốc tế "Hỗ trợ tư pháp và tăng cường sự tham gia từ cơ sở" (Judge) của Canada, Bộ Tư pháp tiến hành xây dựng cuốn tài liệu “Thông tin pháp luật về quyền của phụ nữ khi ly hôn" với mong muốn cung cấp những thông tin cần thiết liên quan và quy định pháp luật về giải quyết ly hôn qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về quyền của phụ nữ khi ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tài liệu này được biên soạn trên cơ sở kết quả khảo sát trực tiếp nhu cầu về thông tin pháp luật của phụ nữ - những người đã ly hôn hoặc đang trong qua trình giải quyết ly hôn, người dân tại cộng đồng cũng như các cán bộ có liên quan ở địa phương (thẩm phán Toà án nhân dân huyện, cán bộ Tư pháp, cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tại các tỉnh Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long cùng với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật từ các chuyên gia tư vấn của Việt Nam và Canada.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được ý kiến góp ý đối với tài liệu để có cơ sở hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

CHÚ DẪN

Để thuận lợi khi sử dụng, một số từ ngữ trong tài liệu này được hiểu như sau:
Hôn nhân thực tế là hôn nhân được công nhận dựa trên cơ sở thực tế là các bên nam và nữ đã và đang chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài…).
Nam, nữ sống chung như vợ chồng trước ngày 03 - 01 - 1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực pháp luật) và có đủ điều kiện kết hôn thì vẫn được công nhận là hôn nhân thực tế.
Nam, nữ sống chung như vợ chồng từ ngày 01 - 01 - 2001 ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật) mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án.
Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình theo phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó.
Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án Việt Nam và bản án, quyết định về dân sự của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận.
Người chưa thanh niên là người dưới 18 tuổi.
Người giám hộ của người mắc bệnh tâm thần được xác định là chồng hoặc vợ đối với vợ hoặc chồng; là con đối với cha mẹ hoặc là cha, mẹ đối với con nếu những người này có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
Thời hạn kháng cáo là khoảng thời gian do pháp luật quy định để những người có quyền kháng cáo được kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án.
Thời hạn kháng nghị là khoảng thời gian do pháp luật quy định để người có thẩm quyền được kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án.
Án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về Phí và Lệ phí.
Thi hành án là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiến hành theo thủ tục, trình tự được pháp luật quy định nhằm thực hiện các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Thời hiệu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Hết thời hạn này mà người được thi hành án không yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án thì người được thi hành án mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
Thi hành án dân sự là hoạt động thi hành các bản án, quyết định sau đây của Tòa án: bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định hình sự; bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà Tòa án Việt Nam đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam và các bản án, quyết định khác do pháp luật quy định.
Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án.

MỤC LỤC
PHẦN THỨ NHẤT
THÔNG TIN VỀ  QUYỀN LY HÔN

Câu hỏi 1: Ly hôn là gì?
Câu hỏi 2: Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Câu hỏi 3: Tòa án dựa trên căn cứ nào để quyết định cho ly hôn?
Câu hỏi 4: Đơn ly hôn chỉ do người chồng hoặc người vợ viết, không có chữ ký của người kia thì Tòa án có giải quyết ly hôn không?
Câu hỏi 5: Chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai (có bầu) hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Tòa án có giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 6: Vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bị chồng hành hạ, ngược đãi có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn không?
Câu hỏi 7: Đơn yêu cầu ly hôn như thế nào thì được coi là hợp lệ?
Câu hỏi 8: Vợ chồng đồng ý ly hôn, cùng viết đơn và ký tên vào đơn ly hôn thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 9: Vợ chồng viết chung đơn thuận tình ly hôn nhưng sau đó một người không đến Tòa án thì việc ly hôn được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 10: Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn nhưng không hỏi ý kiến con từ đủ chín tuổi trở lên về người trực tiếp nuôi con thì quyết định này có giá trị pháp lý không?
Câu hỏi 11: Ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 12: Chồng bỏ nhà đi chung sống với phụ nữ khác, vợ đến Tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn thì cần nộp cho Tòa án những giấy tờ gì?
Câu hỏi 13: Ly hôn với một bên là người đang mắc bệnh tâm thần thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 14: Ly hôn với một bên có biểu hiện bị mắc bệnh tâm thần nhưng không chịu đi giám định thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 15: Ly hôn với vợ hoặc chồng đi vắng lâu ngày, không có tin tức thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 16: Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam nhưng tại thời điểm yêu cầu giải quyết ly hôn, các bên không thường trú tại Việt Nam thì việc ly hôn được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 17: Thủ tục ly hôn với người nước ngoài khi chỉ có một bên xin ly hôn sống ở Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 18: Hai bên nam nữ kết hôn với nhau nhằm mục đích xuất cảnh đi nước ngoài hoặc để nhập hộ khẩu nay muốn ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 19: Vợ là người Việt Nam muốn ly hôn với chồng là người nước ngoài cùng sống tại Việt Nam giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 20: Ly hôn giữa một bên là người Việt Nam với một bên là người Việt Nam đã đi ra nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 21: Công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài nay xin ly hôn tại Việt Nam thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 22: Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn, thì Toà án giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 23: Người ở nước ngoài làm đơn xin ly hôn với người trong nước nhưng chỉ gửi đơn đến Tòa án Việt Nam xin ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 24: Thủ tục ly hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Câu hỏi 25: Vợ chồng đã được Tòa án nước ngoài cho ly hôn sau đó về Việt Nam tiếp tục gửi đơn đến Tòa án xin ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 26: Ly hôn khi không đăng ký kết hôn thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 27: Người bị Tòa án bác đơn ly hôn có thể tiếp tục làm đơn xin ly hôn không?
Câu hỏi 28: Đơn thuận tình ly hôn nộp ở đâu nếu khi ly hôn vợ chồng đăng ký hộ khẩu thường trú ở một địa phương nhưng sinh sống ơ địa phương khác?
Câu hỏi 29: Trường hợp người chồng có nhiều nơi cư trú, khi người vợ có yêu cầu ly hôn thì nộp đơn đến Tòa án nào?
Câu hỏi 30: Chồng bỏ nhà đi, vợ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt chồng thì có được giải quyết không?
Câu hỏi 31: Khi Tòa án giải quyết ly hôn, hòa giải việc ly hôn của vợ chồng có phải là thủ tục bắt buộc không?
Câu hỏi 32: Hòa giải việc ly hôn của vợ chồng tại Tòa án có những ai tham gia? Câu hỏi 33: Thời hạn giải quyết ly hôn được quy định như thế nào?
Câu hỏi 34: Ly hôn phải nộp nhưng khoản tiền gì? Ai là người phải nộp những khoản tiền này?
Câu hỏi 35: Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án ly hôn?
Câu hỏi 36: Trường hợp nào được xem xét miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng an phí, án phí giải quyết vụ án ly hôn và gia đình?
Câu hỏi 37: Trường hợp nào người có yêu cầu ly hôn được Tòa án xem xét miễn nộp một phần tiền tạm ứng an phí, án phí giải quyết vụ án ly hôn và gia đình? Mức miễn nộp một phần được xác định như thế nào?
Câu hỏi 38: Người có yêu cầu ly hôn nhưng bị Tòa án bác đơn ly hôn thì phải nộp tiền án phí không?

PHẦN THỨ HAI
QUYỀN VỀ CON VÀ YÊU CẦU CẤP
DƯỠNG NUÔI CON

Câu hỏi 39: Khi nào được coi là con chung của vợ chồng?
Câu hỏi 40: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con khi bố mẹ ly hôn được quy định như thế nào?
Câu hỏi 41: Khi ly hôn, người muốn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con phải có điều kiện gì?
Câu hỏi 42: Tòa án quyết định giao con chưa thành niên cho mẹ nuôi nhưng chồng cố tình giấu con thì phải làm gì để được trực tiếp nuôi con?
Câu hỏi 43: Việc thăm nom con của vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định như thế nào?
Câu hỏi 44: Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con được thực hiện trong trường hợp nào?
Câu hỏi 45: Thủ tục thay đổi người nuôi con thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 46: Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi một bên vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài thì giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 47: Cấp dưỡng là gì?
Câu hỏi 48: Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi cha mẹ ly hôn được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 49: Cha mẹ không đăng ký kết hôn có được yêu cầu cấp dưỡng cho con không?
Câu hỏi 50: Việc thoả thuận cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Câu hỏi 51: Tiền cấp dưỡng nuôi con gồm những khoản nào? Các khoản này có thể thay đổi được không?
Câu hỏi 52: Cấp dưỡng nuôi con được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 53: Cấp dưỡng nuôi con một lần được thực hiện trong trường hợp nào?
Câu hỏi 54: Trường hợp nào thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng có thể yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện cấp dưỡng bổ sung?
Câu hỏi 55: Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được xác định như thế nào?
Câu hỏi 56: Khi ly hôn, Tòa án quyết định vợ nuôi con và chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 300.000đ/tháng nhưng chồng không thực hiện thì phải làm thế nào?
Câu hỏi 57: Thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con gồm những khoản nào? Việc trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 58: Cách thức trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con?
Câu hỏi 59: Làm thế nào để yêu cầu thực hiện cấp dưỡng nuôi con nếu thu nhập của chồng hoặc vợ (là người có nghĩa vụ cấp dưỡng) lại đang do người khác quản lý, sử dụng (mẹ đẻ, vợ hoặc chồng sau...)?
Câu hỏi 60: Chồng qua đời (chết), vợ kế có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con riêng của chồng không?
Câu hỏi 61: Ai là người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và cánh thức yêu cầu như thế nào?
Câu hỏi 62: Khi nào thì nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chấm dứt?
Câu hỏi 63: Thời hạn yêu cầu thi hành quyết định, bản án cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Câu hỏi 64: Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Câu hỏi 65: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con xử lý như thế nào?
Câu hỏi 66: Hành vi thường xuyên cản trở vợ hoặc chồng thăm nuôi con khi ly hôn bị xử lý như thế nào?

PHẦN THỨ BA
QUYỀN TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

Câu hỏi 67: Tài sản của vợ chồng được quy định như thế nào?
Câu hỏi 68: Vợ, chồng có quyền nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng không? Thủ tục như thế nào?
Câu hỏi 69: Thu nhập hợp pháp là tài sản chung của vợ chồng gồm những khoản nào?
Câu hỏi 70: Khi ly hôn, việc chia tài sản của vợ chồng được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 71: Vợ chồng sống chung với bố mẹ, khi ly hôn thì việc chia tài sản thực hiện như thế nào?
Câu hỏi 72: Vợ chồng không cùng hộ khẩu thường trú nên khi mua nhà, đất chỉ đứng tên chồng. Khi ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng đối với nhà, đất này sẽ được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 73: Sau khi kết hôn, một bên được tặng cho và đứng tên giấy chứng nhận sở hữu một căn nhà. Khi ly hôn, một bên đòi chia căn nhà nói trên vì cho rằng căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng như vậy có đúng không?
Câu hỏi 74: Việc chia tài sản chung vợ chồng là nhà đất, ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình có bắt buộc phải chia đều bằng hiện vật không và chia như thế nào?
Câu hỏi 75: Khi ly hôn, nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ do vợ chồng đầu tư sản xuất, kinh doanh được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 76: Tài sản của vợ chồng là quyền sử dụng đất được xác định như thế nào?
Câu hỏi 77: Pháp luật quy định như thế nào về việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản khi vợ, chồng ly hôn?
Câu hỏi 78: Chia quyền sử dụng đất mà vợ chồng được Nhà nước cho thuê quy định như thế nào?
Câu hỏi 79: Vợ chồng ly hôn, quyền sử dụng đất chung của vợ chồng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản chung với hộ gia đình được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 80: Vợ được cho một mảnh đất trước khi kết hôn, chưa được cấp sổ đỏ. Sau khi kết hôn đã xây dựng nhà ở và công trình phụ trên đất được cho nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có tên hai vợ chồng. Khi ly hôn, chồng yêu cầu được chia đất vì cho rằng đó là tài sản chung vợ chồng như vậy có đúng không?
Câu hỏi 81: Khi ly hôn, quyền sử dụng đất của vợ chồng được Nhà nước giao chung với hộ gia đình giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 82: Khi ly hôn, quyền lợi của vợ chồng đối với nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc của chồng giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 83: Khi ly hôn, nhà của vợ chồng ở thuê của Nhà nước được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 84: Vợ chồng ở nhà thuê của tư nhân, khi ly hôn giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 85: Tài sản vợ hoặc chồng được tặng cho riêng, hoa lợi (lợi nhuận) phát sinh từ tài sản được tặng cho trong thời gian vợ chồng ly thân thì khi ly hôn có phải chia cho chồng hoặc vợ không?
Câu hỏi 86: Nhà ở của vợ chồng xây dựng trái phép trên đất công, khi ly hôn giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 87: Khi vợ chồng ly hôn, đất vợ chồng đang sử dụng không có tài sản hoặc vật kiến trúc, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giải quyết như thế nào?
Câu hỏi 88: Đất nông nghiệp hoặc lâm nghiệp do một bên vợ hoặc chồng đứng tên ký hợp đồng thầu khoán để sản xuất kinh doanh có phải là tài sản chung của vợ chồng không?
Câu hỏi 89: Gia đình ông Bình trong diện giãn dân nên được chính quyền cho mảnh đất có diện tích 200m2. Trong qua trình sinh sống, gia đình ông lấn chiếm thêm 50m2 làm vườn rau, Khi ly hôn, vợ, chồng ông Bình có được chia diện tích đất 50m2 lấn chiếm không?
Câu hỏi 90: Thời hiệu yêu cầu thi hành quyết định, bản án chia tài sản vợ chồng được xác định như thế nào?
Câu hỏi 91: Thủ tục yêu cầu thi hành án bao gồm những gì?
Câu hỏi 92: Khi ly hôn, vợ nuôi các con nên được chia đất ruộng để sản xuất nhưng người chồng không bàn giao ruộng, không cho vợ cấy lúa, trồng rau trên diện tích đất ruộng được chia. Vậy, người vợ cần phải làm gì để nhận được ruộng?

PHẦN THỨ NHẤT
THÔNG TIN VỀ QUYỀN LY HÔN

Câu hỏi 1: Ly hôn là gì?
Trả lời:
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng.
Câu hỏi 2: Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Trả lời: Vợ, chồng hoặc cả vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn; trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Câu hỏi 3: Tòa án dựa trên căn cứ nào để quyết định cho ly hôn?
Trả lời:



Câu hỏi 4: Đơn ly hôn chỉ do người chồng hoặc người vợ viết, không có chữ ký của người kia thì Tòa án có giải quyết ly hôn không?
Trả lời: Vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn do đó đơn ly hôn có thể là đơn chung của cả vợ và chồng hoặc cũng có thể chỉ là đơn riêng do vợ hoặc do chồng viết đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, đơn ly hôn do ai viết thì phải có chữ ký của người đó. Tòa án vẫn giải quyết ly hôn khi chồng hoặc vợ của người viết đơn không ký tên vào đơn ly hôn.
Câu hỏi 5: Chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai (có bầu) hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Tòa án có giải quyết như thế nào?
Trả lời: Để bảo vệ thai nhi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, bà mẹ mới sinh và đang nuôi con ở tuổi sơ sinh, pháp luật hôn nhân và gia đình quy định người chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai (có bầu) hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai).
Trường hợp, nếu người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì Tòa án trả lại đơn cho người chồng (nếu Tòa án chưa thụ lý) hoặc giải thích cho người chồng biết quy định chồng không có quyền ly hôn trong thời gian vợ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đồng thời, Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (nếu người chồng rút đơn yêu cầu xin ly hôn) quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của người chồng (nếu người chồng không rút đơn yêu cầu ly hôn).
Khi Tòa án bác yêu cầu xin ly hôn của người chồng thì sau thời gian một năm người chồng mới có quyền tiếp tục nộp đơn xin ly hôn (nếu có nguyện vọng).

Câu hỏi 6: Vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bị chồng hành hạ, ngược đãi có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn không?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành, chồng không có quyền ly hôn khi vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không hạn chế người vợ xin ly hôn khi họ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên, khi bị chồng hành hạ, ngược đãi, người vợ cần yêu cầu cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, tổ trưởng dân phố) nơi cư trú để được bảo vệ.

Câu hỏi 7: Đơn yêu cầu ly hôn như thế nào thì được coi là hợp lệ?
Trả lời:
Đối với các vụ việc về ly hôn hiện nay được chia ra làm hai loại đơn như sau:
+ Đơn xin ly hôn (dạng đơn phương, một bên đứng đơn, còn gọi là vụ án dân sự) có quy định nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như sau: ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ (nếu có); tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có); những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp; các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án; người khởi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.
+ Đơn yêu cầu công nhận việc thuận tình ly hôn (hai người cùng đứng đơn xin thuận tình ly hôn, còn gọi là việc dân sự) có quy định nội dung chính của đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự như sau: ngày, tháng, năm viết đơn; tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn; tên, địa chỉ của người yêu cầu; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó; tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu (nếu có); các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu; người yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.
Hiện nay, để thuận lợi cho người có yêu cầu ly hôn, một số Tòa án phát hành mẫu đơn về hôn nhân và gia đình, có đóng dấu hoặc số ký hiệu của tòa; người có yêu cầu ly hôn có thể liên hệ với Tòa án để mua, sử dụng (không bắt buộc).

Câu hỏi 8: Vợ chồng đồng ý ly hôn, cùng viết đơn và ký tên vào đơn ly hôn thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Khi vợ chồng cùng tự nguyện, yêu cầu ly hôn, đã thỏa thuận về tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con mà Toà án hòa giải không thành, thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con; trường hợp vợ chồng tuy thuận tình ly hôn nhưng không thoả thuận được về tài sản, con hoặc tuy vợ chồng có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn nhưng Tòa án quyết định về tài sản và con
Câu hỏi 9: Vợ chồng viết chung đơn thuận tình ly hôn nhưng sau đó một người không đến Tòa án thì việc ly hôn được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Vợ chồng cùng viết chung một đơn thuận tình ly hôn thì được coi là đồng nguyên đơn. Do đó, trong qua trình giải quyết ly hôn, một người không đến Tòa án theo giấy mời của Tòa án, cố tình lẩn tránh thì Tòa án sẽ hỏi ý kiến của người còn lại về việc có tiếp tục xin ly hôn nữa không; nếu người còn lại vẫn giữ ý kiến xin ly hôn thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung như trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên; trường hợp người còn lại không có yêu cầu ly hôn nữa thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.
Câu hỏi 10: Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn nhưng không hỏi ý kiến con từ đủ chín tuổi trở lên về người trực tiếp nuôi con thì quyết định này có giá trị pháp lý không?
Trả lời:
Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng mà trước đó không hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên là chưa đầy đủ. Pháp luật quy định khi giải quyết ly hôn cần phải hỏi ý kiến con từ đủ 9 tuổi trở lên là cần thiết nhằm xem xét nguyện vọng của con, bảo đảm quyền lợi chính đáng của con.
Nếu có khiếu nại về việc nuôi con thì Tòa án cấp Giám đốc thẩm cần hỏi ý kiến của con: nếu ý kiến nguyện vọng của con phù hợp với thỏa thuận của bố mẹ thì không phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; nếu ý kiến nguyện vọng của con không phù hợp với thỏa thuận của bố mẹ thì phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.
Câu hỏi 11: Ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Trả lời:



Câu hỏi 12: Chồng bỏ nhà đi chung sống với phụ nữ khác, vợ đến Tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn thì cần nộp cho Tòa án những giấy tờ gì?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, người có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cần nộp các giấy tờ và theo các thủ tục sau:
- Vợ gửi đơn lên Toà án (Tòa án quận/huyện nơi vợ chồng có hộ khẩu thường trú hoặc Toà án nơi chồng cư trú hoặc nơi vợ cư trú nếu có sự thoả thuận của vợ chồng);
- Chuẩn bị đầy đủ và nộp cho Tòa án các giấy tờ như sau:
+ Đơn xin ly hôn theo mẫu có chữ ký của bên yêu cầu ly hôn);
+ Bản sao Giấy đăng ký kết hôn (có chứng thực);
+ Bản sao Chứng minh nhân dân của người viết đơn hoặc sổ đăng ký hộ khẩu thường trú (xuất trình cùng bản chính);
+ Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng).
- Tòa án giải quyết ly hôn trên cơ sở mục đích hôn nhân không đạt được theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 13: Ly hôn với một bên là người đang mắc bệnh tâm thần thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, nếu ly hôn với một bên đang mắc bệnh tâm thần được coi là ly hôn với người có nhược điểm thể chất hoặc tâm thần nên không thể tham gia giải quyết ly hôn được do đó phải có người đại diện của họ tham gia giải quyết.
Việc ly hôn này được giải quyết như sau:
- Tòa án thuyết phục người viết đơn ly hôn (nguyên đơn), giải thích để họ đoàn tụ và rút đơn ly hôn (không tiến hành hòa giải như các vụ ly hôn khác).
- Nếu người viết đơn (nguyên đơn) vẫn giữ ý kiến yêu cầu giải quyết ly hôn, Tòa án mở phiên tòa xét xử việc ly hôn.
Câu hỏi 14: Ly hôn với một bên có biểu hiện bị mắc bệnh tâm thần nhưng không chịu đi giám định thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Tòa án khi thụ lý giải quyết đơn xin ly hôn mà có một bên có triệu chứng tâm thần thì phải có giám định của bệnh viện, kết luận bị đơn là người mắc bệnh tâm thần. Sau khi thụ lý đơn, Tòa án yêu cầu bị đơn đi giám định về tình trạng và mức độ bệnh tật mà người này không chịu đi giám định thì căn cứ vào kết quả xác minh, chứng cứ thu thập được, Tòa án vẫn giải quyết ly hôn theo thủ tục chung về trường hợp ly hôn với một bên đang mắc bệnh tâm thần.

Câu hỏi 15: Ly hôn với vợ hoặc chồng đi vắng lâu ngày, không có tin tức thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:



Câu hỏi 16: Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam nhưng tại thời điểm yêu cầu giải quyết ly hôn, các bên không thường trú tại Việt Nam thì việc ly hôn được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng. Như vậy, nếu tại thời điểm có nguyện vọng xin ly hôn mà hai vợ chồng cùng có nơi thường trú tại nước ngoài thì được giải quyết theo pháp luật của nước mà hai vợ chồng đang thường trú chung; nếu hai vợ chồng không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Câu hỏi 17: Thủ tục ly hôn với người nước ngoài khi chỉ có một bên xin ly hôn sống ở Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc ly hôn với người nước ngoài do Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam giải quyết (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh).
- Trường hợp hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn thì hai người cùng gửi đơn yêu cầu thuận tình ly hôn tới Toà án nhân dân tỉnh, thành phố nơi thường trú (hoặc tạm trú) của bên vợ hoặc bên chồng; kèm theo đơn là chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con (nếu có).
- Trường hợp bên sống ở nước ngoài không đồng ý ly hôn thì bên xin ly hôn có thể gửi đơn yêu cầu đơn phương ly hôn đến Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú để được giải quyết, kèm theo đơn là chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con (nếu có).
Câu hỏi 18: Hai bên nam nữ kết hôn với nhau nhằm mục đích xuất cảnh đi nước ngoài hoặc để nhập hộ khẩu nay muốn ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Nam nữ kết hôn với nhau mặc dù chỉ với mục đích để được xuất cảnh đi nước ngoài hoặc để được nhập hộ khẩu nhưng theo quy định của pháp luật thì không vi pham điều kiện kết hôn hoặc không thuộc những trường hợp cấm kết hôn nếu muốn ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án xin ly hôn theo thủ tục chung và phải tiến hành hòa giải.
Câu hỏi 19: Vợ là người Việt Nam muốn ly hôn với chồng là người nước ngoài cùng sống tại Việt Nam giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Việc ly hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài cùng thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam. Theo đó, bên có nguyện vọng yêu cầu giải quyết ly hôn làm đơn xin ly hôn gửi tới Tòa án cấp tỉnh nơi thường trú để yêu cầu giải quyết.
Câu hỏi 20: Ly hôn giữa một bên là người Việt Nam với một bên là người Việt Nam đã đi ra nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Tòa án cấp tỉnh khi thụ lý những vụ án ly hôn này sẽ căn cứ vào từng trường hợp để giải quyết, cụ thể như sau:
- Trường hợp bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý, không có địa chỉ rõ ràng nên không thể liên hệ với bị đơn; ủy thác tư pháp không có kết quả, thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
- Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:
+ Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật.
+ Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 21: Công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài nay xin ly hôn tại Việt Nam thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
- Trường hợp các bên có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước đã ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc đã được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam:
+ Tòa án thụ lý giải quyết việc ly hôn nếu việc kết hôn của các đương sự đã được ghi chú vào sổ đăng ký (hoặc yêu cầu đương sự làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định);         
+ Nếu đương sự không thực hiện yêu cầu của Tòa án làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký mà vẫn có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án không công nhận họ là vợ chồng;
+ Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về con cái, tài sản thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung như khi giải quyết cha mẹ ly hôn. Trường hợp các bên có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước chưa ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp cấp và cũng chưa được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tòa án thụ lý giải quyết vụ án ly hôn (giấy đăng ký kết hôn phải được hợp pháp hóa lãnh sự, việc kết hôn phải được ghi chú vào sổ đăng ký);
+ Nếu đương sự không thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn, thực hiện thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký mà vẫn có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án không công nhận họ là vợ chồng;
+ Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về con cái, tài sản thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung như khi giải quyết cha mẹ ly hôn.
Câu hỏi 22: Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn, thì Toà án giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Do đó, nếu người nước ngoài bỏ về nước không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng theo quy định, thời gian không có tin tức cho vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam từ một năm trở lên mà đương sự, thân nhân của họ và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước họ, các cơ quan có thẩm quyền mà người đó là công dân), sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của họ theo thủ tục xuất nhập cảnh, địa chỉ mà họ khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn... nhưng cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định chung.
Câu hỏi 23: Người ở nước ngoài làm đơn xin ly hôn với người trong nước nhưng chỉ gửi đơn đến Tòa án Việt Nam xin ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Việc giải quyết ly hôn căn cứ vào từng trường hợp cụ thể như sau:
- Nếu nguyên đơn không về nước để có mặt tại Tòa án và bị đơn đồng ý ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định;
- Nếu nguyên đơn không về nước để có mặt tại Tòa án và bị đơn không đồng ý ly hôn, khi đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án mà nguyên đơn vẫn không về nước: nếu xác định được lý do nguyên đơn ở nước ngoài không về nước để đến Tòa án giải quyết ly hôn là do hoàn cảnh không thể về nước được hoặc về nước nhưng do vụ án giải quyết chưa xong thì hết hạn ở lại Việt Nam và xét thấy đủ căn cứ cho thấy không thể tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân đó nữa thì Tòa án vẫn xử cho ly hôn.
Tòa án chỉ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp nếu có tranh chấp về tài sản, con cái hoặc những vấn đề khác mà không có mặt nguyên đơn sẽ không giải quyết được thì mới tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Câu hỏi 24. Thủ tục ly hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam, cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài, chứ không có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài hoặc giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau.
Pháp luật cũng quy định việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam, nếu không có đơn yêu cầu không công nhận việc ly hôn đó tại Việt Nam.
Do đó, Vợ chồng có thể đề nghị Toà án nước ngoài nơi đang cư trú giải quyết ly hôn theo pháp luật nước đó và khi về Việt Nam vợ chồng có thể đề nghị Toà án Việt Nam công nhận việc ly hôn do Tòa án nước ngoài đã giải quyết.

Câu hỏi 25: Vợ chồng đã được Tòa án nước ngoài cho ly hôn sau đó về Việt Nam tiếp tục gửi đơn đến Tòa án xin ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Đây là trường hợp vợ chồng đã được Tòa án nước ngoài cho ly hôn song bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu muốn ly hôn thì Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Namđồng thơi bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được sử dụng là tài liệu tham khảo khi Tòa án Việt Nam giải quyết việc ly hôn của vợ chồng.
Câu hỏi 26: Ly hôn khi không đăng ký kết hôn thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu giải quyết về con thì giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn; nếu có yêu cầu giải quyết về tài sản thì tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết và có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
Câu hỏi 27: Người bị Tòa án bác đơn ly hôn có thể tiếp tục làm đơn xin ly hôn không?
Trả lời:
Tòa án bác đơn xin ly hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại trước pháp luật. Sau thời gian một năm kể từ ngày bản án bác đơn ly hôn có hiệu lực pháp luật, người bị Tòa án bác đơn xin ly hôn có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Câu hỏi 28: Đơn thuận tình ly hôn nộp ở đâu nếu khi ly hôn vợ chồng đăng ký hộ khẩu thường trú ở một địa phương nhưng sinh sống ơ địa phương khác?
Trả lời:
Theo quy định thì Toà án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Theo đó, khi ly hôn các bên có thể nộp đơn tại Toà án nơi vợ chồng cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu) hoặc nơi làm việc của chồng hoặc của vợ. Việc lựa chọn Tòa án nơi nào giải quyết là do vợ chồng quyết định trên cơ sở đảm bảo phù hợp với điều kiện của các bên.
Câu hỏi 29: Trường hợp người chồng có nhiều nơi cư trú, khi người vợ có yêu cầu ly hôn thì nộp đơn đến Tòa án nào?
Trả lời:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống). Do vậy, để được Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, người viết đơn ly hôn (vợ - nguyên đơn) cần chứng minh nơi chồng (bị đơn) thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống, hoặc nơi chồng làm việc.
Để giải quyết việc ly hôn, có thể thực hiện như sau:
- Liên hệ với công an xã, phường, thị trấn nơi chồng thường trú đề nghị xác nhận chồng thường xuyên sinh sống hoặc có đang sinh sống ở địa phương đó. Nếu công an xã, phường, thị trấn xác nhận là chồng thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống tại địa phương đó thì vợ gửi đơn ly hôn đến Tòa án quận/huyện nơi chồng thường trú để yêu cầu giải quyết ly hôn;
- Liên hệ với công an xã, phường, thị trấn nơi cho là chồng đang sinh sống để nhờ xác nhận việc chồng có cư trú thực tế ở đó không; nếu công an xác nhận chồng đang sinh sống tại địa bàn này thì vợ gửi đơn ly hôn đến Tòa án quận/huyện nơi đó để yêu cầu giải quyết ly hôn;
- Liên hệ với cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở nơi chồng đang làm việc để xác nhận chồng đang làm việc tại đây và gửi đơn đến Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cơ sở nơi chồng đang làm việc giải quyết việc ly hôn.
Câu hỏi 30: Chồng bỏ nhà đi, vợ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt chồng thì có được giải quyết không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật, với những trường hợp vắng mặt của đương sự, Tòa án vẫn xét xử cho ly hôn. Do đó, vợ có quyền gửi đơn đến Tòa án cấp quận/huyện nơi chồng có hộ khẩu thường trú để yêu cầu giải quyết ly hôn.
Trường hợp chồng bỏ nhà đi, nếu đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Trong trường hợp xét xử vắng mặt, Tòa án sẽ tiến hành niêm yết bản án tại trụ sở Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi người chồng cư trú.
Sau 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án hoặc từ ngày người chồng nhận được bản án mà người chồng không kháng cáo hoặc sau 30 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án hoặc từ ngày Viện Kiểm sát nhận được bản án mà Viện Kiểm sát cùng cấp (quận/huyện) không kháng nghị thì bản án đó có hiệu lực pháp luật.
Câu hỏi 31: Khi Tòa án giải quyết ly hôn, hòa giải việc ly hôn của vợ chồng có phải là thủ tục bắt buộc không?
Trả lời:
Hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc nhằm mục đích với sự giúp đỡ của Tòa án sẽ giúp cho các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ ly hôn; qua đó giúp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc ly hôn mà không cần đưa vụ án ra xét xử.
Câu hỏi 32: Hòa giải việc ly hôn của vợ chồng tại Tòa án có những ai tham gia?
Trả lời: Theo quy định, thành phần phiên hòa giải ly hôn tại Tòa án gồm có:
- Thẩm phán, chủ trì phiên hòa giải.
- Thư ký Tòa án, ghi biên bản hòa giải.
- Vợ, chồng yêu cầu ly hôn.
- Người đại diện hợp pháp của vợ, chồng.
 - Người phiên dịch (nếu vợ, chồng không biết tiếng Việt).


Câu hỏi 33: Thời hạn giải quyết ly hôn được quy định như thế nào?
Trả lời:




Câu hỏi 34: Ly hôn phải nộp nhưng khoản tiền gì? Ai là người phải nộp những khoản tiền này?
Trả lời: Theo quy định, người có yêu cầu ly hôn phải nộp 200.000 đồng án phí ly hôn (xét xử sơ thẩm) nếu không có tranh chấp tài sản; trường hợp có tranh chấp tài sản thì án phí được tính theo quy định hiện hành. Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn khi bên có yêu cầu ly hôn đã đóng tiền án phí ly hôn sơ thẩm (nộp cho Tòa án biên lai đã đóng tiền án phí).

Câu hỏi 35: Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án ly hôn?
Trả lời:



Câu hỏi 36: Trường hợp nào được xem xét miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng an phí, án phí giải quyết vụ án ly hôn và gia đình?
Trả lời:
Toà án cho miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí đối với các trường hợp sau:
- Người yêu cầu cấp dưỡng;
- Người yêu cầu xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
 - Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Câu hỏi 37: Trường hợp nào người có yêu cầu ly hôn được Tòa án xem xét miễn nộp một phần tiền tạm ứng an phí, án phí giải quyết vụ án ly hôn và gia đình? Mức miễn nộp một phần được xác định như thế nào?
Trả lời:
Người có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Toà án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.
Mức tiền được miễn nộp một phần nhiều nhất không vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án mà người đó phải nộp.
Câu hỏi 38: Người có yêu cầu ly hôn nhưng bị Tòa án bác đơn ly hôn thì phải nộp tiền án phí không?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật, người có yêu cầu ly hôn được gọi là nguyên đơn. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (bác đơn).

PHẦN THỨ HAI
QUYỀN VỀ CON VÀ YÊU CẦU CẤP DƯỠNG NUÔI CON

Câu hỏi 39: Khi nào được coi là con chung của vợ chồng?
Trả lời: Con chung của vợ chồng là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng; con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật; con được Tòa án xác định là con chung của vợ chồng.
Câu hỏi 40: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con khi bố mẹ ly hôn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Khi ly hôn, vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác; con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (phải hỏi ý kiến của con).
Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con dưới 18 tuổi (con chưa thành niên) hoặc con trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Câu hỏi 41: Khi ly hôn, người muốn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con phải có điều kiện gì?
Trả lời:
Người có nguyện vọng được nuôi con cần phải đảm bảo các điều kiện tốt nhất về sự phát triển thể chất, đảm bảo việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con, cụ thể xem xét ở các vấn đề sau:
- Khả năng tài chính của bản thân như công việc, thu nhập ổn định; - Có nơi cư trú rõ ràng, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt bình thường;
- Các điều kiện về mặt tinh thần: tình cảm của người con, nhân thân, tính cách của người muốn nhận nuôi.
Câu hỏi 42: Tòa án quyết định giao con chưa thành niên cho mẹ nuôi nhưng chồng cố tình giấu con thì phải làm gì để được trực tiếp nuôi con?
Trả lời:
- Người được Tòa án quyết định giao con trực tiếp nuôi dưỡng làm đơn gửi cơ quan Thi hành án đề nghị Thi hành án giao con;
- Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị
- xã hội tại địa phương thuyết phục người có nghĩa vụ tự nguyện giao con cho người được giao trực tiếp nuôi dưỡng con;
- Chấp hành viên của cơ quan thi hành án ra quyết định buộc giao con cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định;
- Nếu người có nghĩa vụ giao con không giao con cho người trực tiếp nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định xử phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao con cho người được giao trực tiếp nuôi dưỡng;
- Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Câu hỏi 43: Việc thăm nom con của vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Câu hỏi 44: Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con được thực hiện trong trường hợp nào?
Trả lời: Khi người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con (không có việc làm, thu nhập ổn định; không có nơi cư trú rõ ràng, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt bình thường cũng như các điều kiện về mặt tinh thần: tình cảm với con, nhân thân, tính cách của người đang trực tiếp nuôi dưỡng con…), thì người đang trực tiếp nuôi con (hoặc người không trực tiếp nuôi con) hoặc cả hai bên bên đều có thể yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con; nếu con đã từ đủ chín tuổi trở lên thì phải tính đến nguyện vọng của con.
Câu hỏi 45: Thủ tục thay đổi người nuôi con thực hiện như thế nào?
Trả lời: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà các bên tự thỏa thuận được (không có tranh chấp) là loại việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Để yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, các bên nộp đơn cho Tòa án cấp huyện/quận nơi người trực tiếp nuôi con đang cư trú.
Giấy tờ kèm theo gồm:
- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh (của con);
- Sổ hộ khẩu;
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người yêu cầu thay đổi người nuôi con;
- Quyết định hoặc bản án ly hôn.
Câu hỏi 46: Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi một bên vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp vợ chồng sau ly hôn có thỏa thuận về việc yêu cầu Tòa án công nhận thay đổi người trực tiếp nuôi con trong đó một bên đang cư trú ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án cấp tỉnh nơi một trong các bên cư trú, làm việc.
Thủ tục tiến hành như sau:
- Người có yêu cầu thay đổi người nuôi con nộp đơn yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cho Tòa án cấp tỉnh nơi mình đang cư trú;
- Nộp các tài liệu, chứng cứ liên quan: bản sao hợp lệ giấy khai sinh (của con), sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người yêu cầu thay đổi, quyết định hoặc bản án ly hôn;
- Người đang cư trú ở nước ngoài có đơn xin vắng mặt trong đó nói rõ nguyện vọng, yêu cầu về người nuôi con, vấn đề cấp dưỡng nuôi con (nếu có); - Đơn này phải được xác nhận chữ ký của đương sự của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (đại sứ quán, lãnh sự quán…);
- Tòa án quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận việc thay đổi người nuôi con sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Câu hỏi 47: Cấp dưỡng là gì?
Trả lời:
 Cấp dưỡng là việc một người theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình và có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc là người đã thành niên (đủ 18 tuổi) mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu.
Câu hỏi 48: Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi cha mẹ ly hôn được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Khi ly hôn, cha hoặc mẹ nếu là người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu con dưới 18 tuổi hoặc con đã trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái. Do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Câu hỏi 49: Cha mẹ không đăng ký kết hôn có được yêu cầu cấp dưỡng cho con không?
Trả lời: Trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn thì việc cấp dưỡng nuôi con do các bên tự tthỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định theo yêu cầu của người mẹ hoặc do Tòa án quyết định theo đề nghị của Viện Kiểm sát về việc yêu cầu Tòa án xác định cha cho con chưa thành niên (con dưới 18 tuổi).
Để có thể yêu cầu cấp dưỡng cho con cần có điều kiện sau:
- Người cha tự nguyện nhận con hoặc thừa nhận đó là con chung của hai người (làm thủ tục nhận con tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi người cha cư trú: khai tên cha trong Giấy khai sinh của con, đặt tên con theo họ của cha, đăng ký hộ tịch cho con…);
- Có quyết định hoặc bản án xét xử công nhận cha cho con của Tòa án nhân dân (mẹ yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án xác định cha cho con chưa thành niên (con dưới 18 tuổi)).
Nếu hai bên vẫn không thỏa thuận được việc cấp dưỡng cho con, người mẹ có thể khởi kiện ra Tòa án để được xem xét, giải quyết.
Câu hỏi 50: Việc thoả thuận cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Trả lời:
Thỏa thuận việc cấp dưỡng có thể thực hiện bằng miệng hoặc lập thành văn bản trong đó thể hiện các nội dung sau:
- Thời điểm (ngày, tháng...) người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện cấp dưỡng;
- Mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện cấp dưỡng;
- Các thỏa thuận khác về thay đổi mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng… Nếu thỏa thuận được lập thành văn bản thì phải ghi rõ ngày, tháng lập văn bản, chữ ký của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng.
Câu hỏi 51: Tiền cấp dưỡng nuôi con gồm những khoản nào? Các khoản này có thể thay đổi được không?
Trả lời:
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con; nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú.
Việc xác định mức cấp dưỡng là do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Câu hỏi 52: Cấp dưỡng nuôi con được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng thỏa thuận về việc thực hiện cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản.
Các bên có thể thoả thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Câu hỏi 53: Cấp dưỡng nuôi con một lần được thực hiện trong trường hợp nào?
Trả lời:
Cấp dưỡng nuôi con một lần được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng thỏa thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Tòa án chấp nhận;
- Theo yêu cầu và được Tòa án chấp nhận trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tình trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần;
- Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích từ phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Câu hỏi 54: Trường hợp nào thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng có thể yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện cấp dưỡng bổ sung?
Trả lời:
Trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng.
Câu hỏi 55: Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được xác định như thế nào?
Trả lời:
Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là do người được cấp dưỡng hoặc giám hộ của người được cấp dưỡng thỏa thuận với người có nghĩa vụ thực người hiện cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được về thời điểm thực hiện cấp dưỡng thì thời điểm thực hiện được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Câu hỏi 56: Khi ly hôn, Tòa án quyết định vợ nuôi con và chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhưng chồng không thực hiện thì phải làm thế nào?
Trả lời:
Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (chồng cũ) không tự nguyện thực hiện cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của Tòa án, người được cấp dưỡng (con) hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của con (mẹ) có thể làm đơn, gửi tới cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền (nơi Tòa án đã xét xử) kèm theo bản sao quyết định ly hôn để yêu cầu thi hành án cấp dưỡng.
Căn cứ vào đơn yêu cầu, cơ quan thi hành án sẽ có quyết định thi hành án gửi đến người có nghĩa vụ thi hành án cấp dưỡng (chồng cũ) và ấn định một thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành án.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ thi hành án cấp dưỡng có đủ điều kiện thi hành án (có việc làm, thu nhập ổn định...) mà vẫn không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành bằng biện pháp theo quy định như khấu trừ tiền trong tài khoản, tiền lương, trừ thu nhập, kê biên tài sản của người phải thi hành án.
- Đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là cán bộ, công chức, bộ đội, công an… có thu nhập từ lương thì theo quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.
Người yêu cầu thi hành án về tiền cấp dưỡng không phải nộp phí thi hành án.
Câu hỏi 57: Thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con gồm những khoản nào? Việc trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.
Việc trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Theo thỏa thuận giữa người trực tiếp nuôi con và người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con;
- Theo bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án thực hiện cấp dưỡng nuôi con;
- Thi hành án cấp dưỡng theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con không đủ để thi hành án.

Câu hỏi 58: Cách thức trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con?
Trả lời:
- Chấp hành viên của cơ quan thi hành án ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án cấp dưỡng nuôi con;
- Mức trừ thu nhập tính như sau:
+ Đối vơi thu nhập là tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động: trừ 30% tổng số tiền người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhận được hàng tháng (trừ trường hợp giữa người trực tiếp nuôi con và người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con có thỏa thuận khác);
+ Đối với thu nhập khác: mức trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án cấp dưỡng nuôi con nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và người được cấp dưỡng;
- Trách nhiệm thực hiện trừ thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội nơi chi trả tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác cho người phải thi hành án cấp dưỡng nuôi con có trách nhiệm trừ thu nhập theo quyết định, bản án và chuyển trả cho người trực tiếp nuôi con (người được nuôi dưỡng) theo quy định pháp luật.
Câu hỏi 59: Làm thế nào để yêu cầu thực hiện cấp dưỡng nuôi con nếu thu nhập của chồng hoặc vợ (là người có nghĩa vụ cấp dưỡng) lại đang do người khác quản lý, sử dụng (mẹ đẻ, vợ hoặc chồng sau...)?
Trả lời:
Trong trường hợp thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đang do người khác quản lý thì việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con được thực hiện như sau:
- Người trực tiếp nuôi con làm đơn gửi cơ quan Thi hành án đề nghị thi hành án cấp dưỡng nuôi con;
- Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền tương ứng với quyết định, bản án của Tòa án về cấp dưỡng nuôi con để thi hành án;
- Người thứ ba (mẹ đẻ của chồng, vợ sau của chồng…) đang giữ tiền của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con phải giao nộp tiền cho Chấp hành viên để trả cho người trực tiếp nuôi con (hoặc người được cấp dưỡng);
- Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba (mẹ đẻ của chồng, vợ sau của chồng…) đang giữ tiền (nếu người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng về việc thu khoản tiền cấp dưỡng nuôi con);
- Chấp hành viên thông báo cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con biết về số tiền đã trừ thu nhập từ người thứ ba đang giữ tiền của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (mẹ đẻ, vợ sau...);
- Chấp hành viên chuyển số tiền cấp dưỡng nuôi con đã thu được cho người trực tiếp nuôi con (hoặc người được cấp dưỡng).
Câu hỏi 60: Chồng qua đời (chết), vợ kế có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con riêng của chồng không?
Trả lời:
Cấp dưỡng là nghĩa vụ không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu, giữa vợ và chồng. Do đó, vợ kế không có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con riêng của chồng. Nếu chồng chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt.

Câu hỏi 61: Ai là người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và cánh thức yêu cầu như thế nào?
Trả lời:




Câu hỏi 62: Khi nào thì nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chấm dứt?
Trả lời: Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chấm dứt nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động;
- Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 63: Thời hạn yêu cầu thi hành quyết định, bản án cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Trả lời:
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người trực tiếp nuôi con (hoặc người được cấp dưỡng) có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án cấp dưỡng nuôi con.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định cụ thể trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đó đến hạn thực hiện.
Đối với bản án, quyết định cấp dưỡng thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn thực hiện.
Câu hỏi 64: Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào?
Trả lời:
Việc xác minh điều kiện thi hành án cấp dưỡng nuôi con được thực hiện theo các bước như sau:
- Ra quyết định thi hành án:
+ Trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
+ Người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh: lập biên bản về việc yêu cầu Chấp hành viên xác minh và các biện pháp người được thi hành án tự xác minh nhưng không có kết quả;
- Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Tiến hành xác minh điều kiện thi hành án:
+ Thời hạn: 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án hoặc ngày nhận đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án; (trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tiến hành xác minh ngay);
+ Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án;
+ Lập biên bản kết quả xác minh điều kiện thi hành án có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh.
Câu hỏi 65: Hành vi từ chối hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con xử lý như thế nào?
Trả lời: Người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Câu hỏi 66: Hành vi thường xuyên cản trở vợ hoặc chồng thăm nuôi con khi ly hôn bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau ly hôn bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

PHẦN THỨ BA
QUYỀN TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

Câu hỏi 67: Tài sản của vợ chồng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Vợ, chồng có tài sản chung và tài sản riêng và có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng (trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng); đồ dùng, tư trang cá nhân.
.




Câu hỏi 68: Vợ, chồng có quyền nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng không? Thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Vợ, chồng có quyền nhập tài sản riêng thành tài sản chung, trừ trường hợp nhập tài sản để nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên có tài sản riêng thì không được pháp luật công nhận. Ví dụ: vi phạm pháp luật bị xử phạt tịch thu tài sản riêng nên muốn nhập tài sản riêng là như nhà ở, đất đai, xe ô tô thành tài sản chung của vợ chồng để trốn tránh việc bị tịch thu các tài sản này.
Nhập các tài sản riêng có giá trị lớn (nhà ở, quyền sử dụng đất…) phải được lâp thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng và chứng thực theo quy định.

Câu hỏi 69: Thu nhập hợp pháp là tài sản chung của vợ chồng gồm những khoản nào?
Trả lời:




Câu hỏi 70: Khi ly hôn, việc chia tài sản của vợ chồng được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì thuộc quyền sở hữu của người đó.
Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết trên cơ sở sau:
- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Câu hỏi 71: Vợ chồng sống chung với bố mẹ, khi ly hôn thì việc chia tài sản thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia tài sản này do hai bên thỏa thuận, nếu không chia được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp tài sản của vợ chồng có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra để chia.
Câu hỏi 72: Vợ chồng không cùng hộ khẩu thường trú nên khi mua nhà, đất chỉ đứng tên chồng. Khi ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng đối với nhà, đất này sẽ được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về cư trú thì công dân có quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ đăng ký (hộ khẩu) thường trú hoặc tạm trú tại một địa điểm nhất định.
Quyền sở hữu tài sản của một công dân không phụ thuộc vào nơi người đó đăng ký hộ khẩu, một người đăng ký hộ khẩu ở một nơi nhưng có quyền sở hữu đối với nhiều tài sản ở các địa bàn khác nhau. Do vậy, những tài sản trên vẫn là tài sản chung vợ chồng và cùng có quyền sở hữu (gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt) ngang nhau đối với số tài sản.
Nếu khi ly hôn tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi có xem xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.
Bên nào cho rằng một tài sản nào đó là tài sản riêng thì bên đó phải chứng minh, nếu không chứng minh được thì pháp luật mặc nhiên xác định tài sản đó là tài sản chung vợ chồng.

Câu hỏi 73: Sau khi kết hôn, một bên được tặng cho và đứng tên giấy chứng nhận sở hữu một căn nhà. Khi ly hôn, một bên đòi chia căn nhà nói trên vì cho rằng căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng như vậy có đúng không?
Trả lời:
Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; đồ dùng, tư trang cá nhân. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình.
Đối chiếu các quy định nêu trên nếu bên được cho căn nhà không có thỏa thuận đưa ngôi nhà đó vào khối tài sản chung của vợ chồng thì đó là tài sản riêng của bên được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, không có căn cứ để xác định đó là tài sản chung của vợ chồng, do đó yêu cầu được chia ngôi nhà nói trên là không đúng pháp luật.

Câu hỏi 74: Việc chia tài sản chung vợ chồng là nhà đất, ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình có bắt buộc phải chia đều bằng hiện vật không và chia như thế nào?
Trả lời:
Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không nhất thiết phải chia đều bằng hiện vật. Việc chia tài sản chung vợ chồng là hiện vật cần bảo đảm sát thực tế giữa việc chia tài sản bằng hiện vật với chia tài sản bằng tiền, bao đảm quyền lợi, tài sản bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn.
Pháp luật quy định tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Trường hợp không thể chia được hiện vật hoặc không thể chia đều hiện vật thì người nhận toàn bộ hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá trị cao hơn phải thanh toán tiền chênh lệch cho người không nhận hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá trị thấp hơn trên nguyên tắc bảo đảm tối đa giá trị sử dụng của tài sản, khả năng sử dụng hợp lý tài sản, ổn định đời sống của mỗi bên sau khi phân chia tài sản.
Câu hỏi 75: Khi ly hôn, nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ do vợ chồng đầu tư sản xuất, kinh doanh được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo đó, nghĩa vụ thanh toán nợ của hai vợ chồng sẽ được giải quyết trước khi chia tài sản chung của vợ chồng. Sau khi giải quyết xong số nợ vay, tài sản còn lại được chia đôi. Nếu các bên không tự thỏa thuận giải quyết được, Tòa án sẽ giải quyết và người cho vay nợ sẽ tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi liên quan.
Câu hỏi 76: Tài sản của vợ chồng là quyền sử dụng đất được xác định như thế nào?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng là tài sản riêng của vợ chồng và chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận về việc nhập thành tài sản chung của vợ chồng.
Câu hỏi 77: Pháp luật quy định như thế nào về việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản khi vợ, chồng ly hôn?
Trả lời:
Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng được chia theo thoả thuận của hai bên nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng, nếu không thể thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà bên đó được hưởng thì bên kia có quyền chuyển nhượng phần quyền sử dụng đất của mình cho người thứ ba, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Câu hỏi 78: Chia quyền sử dụng đất mà vợ chồng được Nhà nước cho thuê quy định như thế nào?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng hoặc chỉ một bên vợ hoặc chồng được Nhà nước cho thuê là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn, tùy từng trường hợp mà việc chia quyền sử dụng đất của vợ chồng được giải quyết như sau:
Trường hợp vợ chồng đã trả tiền thuê đất hàng năm, cả hai bên cùng có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất: quyền sử dụng đất chia như chia các tài sản khác: các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Sau khi chia, các bên phải ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp vợ chồng đã trả tiền thuê đất hàng năm, chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất: bên có nhu cầu sử dụng tiếp tục sử dụng đất và ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu các bên đã đầu tư vào tài sản có trên đất và không có thỏa thuận khác, thì căn cứ vào tài sản và công sức đầu tư của bên không sử dụng, bên sử dụng phải thanh toán cho bên không sử dụng một phần giá trị tài sản đã đầu tư trên đất mà người không sử dụng đất được hưởng vào thời điểm chia tài sản ly hôn.
Trường hợp vợ chồng đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê, hai bên cùng có nhu cầu sử dụng đất: hai bên thỏa thuận về việc sử dụng đất và thanh toán cho nhau phần tiền thuê đất đã nộp trong thời gian thuê còn lại. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp vợ chồng đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê, chỉ một bên có nhu cầu sử dụng toàn bộ diện tích đất và không có thoả thuận khác: bên sử dụng đất phải thanh toán cho bên kia một nửa số tiền thuê đất tương ứng với thời gian thuê đất còn lại kể từ thời điểm chia tài sản khi ly hôn.
Nếu các bên đã đầu tư và tài sản có trên đất mà không có thỏa thuận khác thì căn cứ vào tài sản và công sức đầu tư của bên không sử dụng đất, bên tiếp tục thuê đất phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị tài sản đã đầu tư trên đất vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn.
Câu hỏi 79: Vợ chồng ly hôn, quyền sử dụng đất chung của vợ chồng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản chung với hộ gia đình được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo thỏa thuận của hai bên nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo nguyên tắc chia tài sản; trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.

Câu hỏi 80: Vợ được cho một mảnh đất trước khi kết hôn, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi kết hôn đã xây dựng nhà ở và công trình phụ trên mảnh đất đó nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có tên hai vợ chồng. Khi ly hôn, chồng yêu cầu được chia đất vì cho rằng đó là tài sản chung vợ chồng như vậy có đúng không?
Trả lời:
Vợ chồng có quyền có tài sản riêng, có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Do đó, mảnh đất vợ được cho trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ. Nếu tại thời điểm ly hôn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai vợ chồng, không có chứng cứ chứng minh vợ đã đồng ý nhập mảnh đất đó là tài sản chung của vợ chồng và người vợ vẫn xác định là tài sản riêng, thì khi ly hôn mảnh đất này không được chia.
Câu hỏi 81: Khi ly hôn, quyền sử dụng đất của vợ chồng được Nhà nước giao chung với hộ gia đình giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thoả thuận của hai bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định chung:
- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.
Câu hỏi 82: Khi ly hôn, quyền lợi của vợ chồng đối với nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc của chồng giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng thì khi ly hôn, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác (nhập vào tài sản chung…) thì nhà ở này vẫn thuộc sở hữu riêng của bên có nhà.
Nếu nhà ở này đã đưa vào sử dụng chung trong thời kỳ hôn nhân (ở chung), khi ly hôn, bên có nhà có nghĩa vụ hỗ trợ cho bên không có nhà tìm chỗ ở mới; nếu bên không có nhà có khó khăn và không thể tìm được chỗ ở mới thì được lưu cư (ở lại nhà) trong thời hạn 6 tháng để tìm chỗ ở khác.
Nếu nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng sau khi đã đưa vào sử dụng được xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo thì bên có nhà phải thanh toán cho bên không có nhà phần giá trị nhà đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo tương ứng với giá trị bên không có nhà được hưởng vào thời điểm chia tài sản khi ly hôn trên cơ sở căn cứ giá giao dịch (mua bán) thực tế tại địa phương vào thời điểm tiến hành định giá tài sản.
Câu hỏi 83: Khi ly hôn, nhà của vợ chồng ở thuê của Nhà nước được giải quyết như thế nào?
Trả lời:



Câu hỏi 84: Vợ chồng ở nhà thuê của tư nhân, khi ly hôn giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Việc phân chia quyền sử dụng nhà ở khi vợ chồng ly hôn đối với nhà ở thuê tư nhân phải bảo đảm quyền lợi của chủ nhà cho thuê và được thực hiện như sau:


Câu hỏi 85: Tài sản vợ hoặc chồng được tặng cho riêng, hoa lợi (lợi nhuận) phát sinh từ tài sản được tặng cho trong thời gian vợ chồng ly thân thì khi ly hôn có phải chia cho chồng hoặc vợ không?
Trả lời:
Vợ chồng có tài sản chung và có quyền có tài sản riêng cũng như có nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng. Khi ly hôn, tài sản riêng của vợ hoặc chồng vẫn thuộc quyền sở hữu của người có tài sản đó bao gồm các quyền đối với hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng và đương nhiên sẽ không bị chia khi vợ chồng ly hôn nếu vợ chồng không có thỏa thuận chia tài sản riêng của vợ hoặc chồng.
Câu hỏi 86: Nhà ở của vợ chồng xây dựng trái phép trên đất công, khi ly hôn giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Nhà xây dựng trên đất công, đất lấn chiếm của người khác, nhà xây dựng không có giấy phép thì không có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp. Do vậy, khi ly hôn, đất bị lấn chiếm, đất công không được định giá để chia cho vợ chồng; vợ chồng chỉ được chia giá trị nguyên vật liệu và trang thiết bị của ngôi nhà. Giá trị đất và quyền sử dụng đất có ngôi nhà trên đất sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Câu hỏi 87: Khi vợ chồng ly hôn, đất vợ chồng đang sử dụng không có tài sản hoặc vật kiến trúc, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Nếu đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án sẽ tạm phân chia sử dụng và kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết chính thức việc giao quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nếu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định thì Tòa án chia quyền sử dụng đất trên cơ sở tên của người được xác định trong giấy chứng nhận hoặc trên cơ sở là tài sản riêng của vợ (hoặc chồng) hoặc là tài sản chung của vợ chồng.
Câu hỏi 88: Đất nông nghiệp hoặc lâm nghiệp do một bên vợ hoặc chồng đứng tên ký hợp đồng thầu khoán để sản xuất kinh doanh có phải là tài sản chung của vợ chồng không?
Trả lời:
Đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà do một bên vợ hoặc chồng đứng tên trực tiếp ký hợp đồng thầu khoán để sản xuất kinh doanh không được coi là tài sản chung của vợ chồng và không chia khi vợ chồng ly hôn.
Câu hỏi 89: Gia đình ông Bình trong diện giãn dân nên được chính quyền cấp cho mảnh đất có diện tích 200m2. Trong qua trình sinh sống, gia đình ông lấn chiếm thêm 50m2 làm vườn rau, Khi ly hôn, vợ, chồng ông Bình có được chia diện tích đất 50m2 lấn chiếm không?
Trả lời:
Tòa án chỉ giải quyết chia tài sản chung thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng (200m2) nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được. Diện tích đất có được do lấn chiếm (50m2) không được coi là tài sản chung của vợ chồng. Tòa án không định giá, không chia diện tích đất này.
Câu hỏi 90: Thời hiệu yêu cầu thi hành quyết định, bản án chia tài sản vợ chồng được xác định như thế nào?
Trả lời:
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp thời hạn thi hành nghĩa vụ được quy định cụ thể trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đó đến hạn thực hiện.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn thực hiện.
Câu hỏi 91: Thủ tục yêu cầu thi hành án bao gồm những gì?
Trả lời:
Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau đây:
- Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự;
- Gửi đơn qua bưu điện.
Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.




Câu hỏi 92: Khi ly hôn, vợ nuôi các con nên được chia đất ruộng để sản xuất nhưng người chồng không bàn giao ruộng, không cho vợ cấy lúa, trồng rau trên diện tích đất ruộng được chia. Vậy, người vợ cần phải làm gì để nhận được ruộng?
Trả lời:
- Vợ làm đơn gửi cơ quan thi hành án tiến hành buộc chồng phải giao đất cho vợ sản xuất, nuôi con;
- Chấp hành viên của cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án và tổ chức giao diện tích đất ruộng cho người vợ (có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý đất về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.

PHỤ LỤC
Mẫu 1: Đơn yêu cầu giải quyết việc thuận tình ly hôn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ THUẬN TÌNH LY HÔN, NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

Kính gửi: Tòa án nhân dân quận
Họ và tên: Nguyễn Thi B
Sinh ngày: 01 tháng 01 năm 1975 Chứng minh thư số:
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:
Chỗ ở hiện nay:
Nghề nghiệp:
Địa chỉ cơ quan hoặc nơi làm việc:
Thu nhập hàng tháng (lương, thu nhập khác...): 3.000. 000đ/tháng
Họ và tên: Trần Văn A
Sinh ngày: 01 tháng 01 năm 1972
Chứng minh thư số:
Nơi đăng ký hộ khẩu thường, trú:
Chỗ ở hiện nay:
Nghề nghiệp:
Địa chỉ cơ quan hoặc nơi làm việc:
Thu nhập hàng tháng (lương, thu nhập khác...): 3.000. 000đ/tháng Chúng tôi làm đơn này yêu cầu Tòa án nhân dân quận HK công nhận thuận tình ly hôn, lý do: Hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về tình cảm, nuôi dạy con cái; hai bên không còn quan tâm, lo lắng cho nhau; chồng đi làm ăn xa đã nhiều năm ở nơi khác, không sống chung với vợ, con.
Yêu cầu Tòa án công nhận sự tự nguyện thoả thuận của chúng tôi:
Về con chung có (chưa có): 02 con
Họ và tên: Trần  C, sinh ngày 10/10/2006.
Họ và tên: Trần Thị M, sinh ngày 01/5/2009.
Chúng tôi đã thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng như sau: Do điều kiện anh A đi làm ăn xa ở địa phương khác nên không thể trực tiếp nuôi dưỡng các con, mặt khác các con đều còn nhỏ, cần có sự chăm sóc trực tiếp của người mẹ, do đó chúng tôi thống nhất cả hai cháu C và M sẽ ở với mẹ. Hàng tháng anh A sẽ đóng góp tiền nuôi hai con là 2.000.000 đồng/tháng cho đến khi các con 18 tuổi. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc các con nếu xảy ra khó khăn gì về kinh tế mà mẹ các cháu cần sự hỗ trợ thì anh A có trách nhiệm cấp dưỡng bổ sung thêm theo thỏa thuận của hai bên trong khả năng của anh A có được.
Về tài sản chung chúng tôi đã tự nguyện thỏa thuận chia như sau: (ghi cụ thể mỗi người được chia sở hữu tài sản gì) (nếu không có tài sản chung thì ghi không có tài sản chung): Vợ chồng tôi có tài sản 01 tủ lạnh Panasonic, 01 tivi màu 40inhce hiệu LG, 01 xe máy Attila màu trắng và các đồ dùng sinh hoạt gia đình mua từ thời gian năm 2005, hiện các tài sản này đều do tôi và các con sử dụng ổn định. Nay nếu ly hôn chồng tôi đồng ý để lại các tài sản này cho tôi và các con tiếp tục sử dụng.
Về nhà ở chúng tôi đã tự nguyện thỏa thuận như sau (nếu không có nhà ở thì ghi không có): Chúng tôi có 01 căn nhà cấp 4 diện tích 45m2 do hai vợ chồng cùng mua từ năm 2008, trong đó có vay tiền mua nhà là 20.000.000 đồng của anh trai chồng tôi là ông Trần Văn P. Nay chồng tôi thống nhất để lại ngôi nhà này cho tôi và các con, tôi có trách nhiệm thanh toán số tiền 20.000.000đồng vay của ông P và làm thủ tục sang tên nhà theo quy định.
Về vay nợ chúng tôi đã thỏa thuận tự nguyện như sau (nếu không có vay nợ thì ghi không có): Tôi có trách nhiệm thanh toán khoản vay 20.000.000đồng của ông P đã vay để mua nhà từ năm 2008. Ngoài ra, chúng tôi không vay nợ của ai.
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2010
Người chồng
(Ký và ghi rõ họ tên)
Trần Văn A
Người vợ
(Ký và ghi rõ họ tên)
Nguyễn Thị B


Mẫu 2: Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN
Kính gửi: Tòa án nhân dân huyện
Tên tôi là:..........................................................................................
Sinh năm:..........................................................................................
Nghề nghiệp:....................................................................................
Hộ khẩu thường trú:........................................................................
Tạm trú trú:......................................................................................
Điện thoại liên hệ:...........................................................................
Tại bản án, quyết định:...................................................................
tại:...................................ngày..........tháng..........năm.....................
của Tòa án nhân dân......................................................................
Về phần con chung:........................................................................
Hiện con chung đang ở với anh (chị).............................................
 là..................................................................
trực tiếp nuôi dưỡng Hộ khẩu thường trú:.........................................................................
Tạm trú:.............................................................................................
Điện thoại liên hệ:...........................................................................
Nhưng nay do hoàn cảnh của tôi:..................................................
Tôi đề nghị Tòa án giải quyết cho tôi được trực tiếp nuôi con chung là.............................................................................................
Hà Nội, ngày.......tháng......năm 200.........
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)


HỒ SƠ NỘP KÈM KHI THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON SAU LY HÔN
1/ Đơn
Phần hộ khẩu thường trú ghi đúng như trong hộ khẩu trường hợp có thay đổi về mặt thực tế thì có ghi đính chính kèm theo.
Phần tạm trú (nơi ở) ghi rõ: số nhà, ngõ, phố, tổ, phường.
2/ Hộ khẩu thường trú (có công chứng).
3/ Trường hợp hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú không phải ở cùng một chỗ thì phải có giấy tạm trú của Công an.
4/ Chứng minh nhân dân (công chứng)
5/ Bản án (Quyết định) của Tòa án (bản chính)
6/ Giấy khai sinh của con chung (bản sao)
7/ Giấy xác nhận thu nhập của nơi làm việc (nếu có)
8/ Giấy xác nhận của công an nơi con chung và người trực tiếp nuôi dưỡng con chung đang trực tiếp sinh sống.

Mẫu 3: Đơn yêu cầu thi hành án

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN
(Đối với Bản án số .............ngày.........của Toà án nhân dân ...................................)
Kính gửi: THI HÀNH ÁN.............................................
Tôi tên là:..................................................Sinh năm:.......................
Địa chỉ:................................................................................................
Tôi làm đơn này yêu cầu Thi hành án.........thi hành Bản án số: ngày............của Toà án nhân dân................................................... Nội dung yêu cầu:
.............................................................................................................. ..............................................................................................................

Tôi kính mong Thi hành án......... yêu cầu: (người phải thi hành án). thực hiện các yêu cầu trên theo bản án đã tuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Đính kèm: (bản sao)                     Tỉnh/thành phố..., ngày … tháng … năm …
- Bản án số …                                                       Người yêu cầu
 - CMND, Hộ khẩu





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra