Tổng Hợp Vướng Mắc Về Tố Tụng Hình Sự

Tổng Hợp Vướng Mắc Về Tố Tụng Hình Sự


Thông qua hoạt động tập huấn, trao đổi nghiệp vụ năm 2010, có nhiều vướng mắc được các Tòa án nhân dân địa phương đưa ra thảo luận. Có một số vấn đề, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến đồng thuận. Trường Cán bộ Tòa án xin lựa chọn và giới thiệu để các Tòa án nhân dân địa phương tham khảo cho việc áp dụng pháp luật.



Câu hỏi 1. Tội phạm mà các bị cáo thực hiện rất nghiêm trọng. Khi áp dụng luật, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đúng điểm, khoản, điều luật của Bộ luật Hình sự. Nhưng khi quyết định hình phạt lại xử quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo. Như vậy có vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng Bộ Luật Tố tụng Hình sự không? Thế nào là có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử?

Trả lời:
Tại mục 4.4 Phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có quy định: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành thủ tục đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện”.
Khái niệm này đã chỉ rõ những đặc điểm về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gồm:
- Phải có hành vi không thực hiện những quy định bắt buộc trong Bộ luật Tố tụng Hình sự khi tiến hành tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tung, người tiến hành tố tụng;
- Hoặc có hành vi thực hiện, nhưng thực hiện không đúng theo trình tự, thủ tục đã quy định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;
- Các hành vi trên phải xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…;
- Hoặc việc bỏ qua hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ thủ tục làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.
Ví dụ: Đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bắt buộc phải chỉ định luật sư, nhưng bỏ qua không thực hiện là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được pháp luật quy định. Những vi phạm thuộc các trường hợp trên đều coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải được điều tra, truy tố lại hoặc xét xử lại. Những vi phạm ngoài phạm vi khái niệm này thì được coi là những vi phạm tố tụng không nghiêm trọng và chỉ thực hiện việc kiến nghị sửa chữa, khắc phục.
Ví dụ: Vi phạm về thời hạn điều tra, thời hạn xét xử …cũng là những vi phạm tố tụng nhưng không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Đối với trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng điểm, khoản, điều luật của Bộ luật Hình sự nhưng khi quyết định hình phạt lại xử quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo thì không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và Tòa án cấp phúc thẩm không có quyền hủy án trong trường hợp này với lý do vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Tuy nhiên, việc xử phạt quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng là đã có việc đánh giá và áp dụng không đúng, không đầy đủ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cũng như việc cho hưởng án treo không đúng với các điều kiện do pháp luật quy định. Vấn đề đặt ra là Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa án sơ thẩm không cho bị cáo hưởng án treo không? Theo thực tiễn áp dụng pháp luật chung thì khi xét xử phúc thẩm cần phân biệt các trường hợp cụ thể để xử lý như sau:
- Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt hoặc không cho bị cáo hưởng án treo hoặc vừa kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt, vừa không cho bị cáo được hưởng án treo, nếu có căn cứ thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa án sơ thẩm theo hướng đó.
- Trường hợp người bị hại kháng cáo vừa yêu cầu tăng hình phạt, vừa yêu cầu không cho bị cáo hưởng án treo, nếu có căn cứ thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng có quyền sửa án theo hướng đó.
- Trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo yêu cầu không cho hưởng án treo thì không phải là kháng cáo tăng hình phạt, không thuộc phạm vi quyền kháng cáo của người bị hại nên kháng cáo không hợp pháp, Tòa án cấp phúc thẩm không có quyền sửa án.

Câu hỏi 2. Các trường hợp xác định sai tư cách hoặc thiếu người đại diện tham gia tố tụng được xử lý như thế nào và trường hợp nào cấp phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm?
Trả lời:
Mỗi người tham gia tố tụng đều có những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khác nhau. Do đó, có những quyền và nghĩa vụ tố tụng cũng khác nhau. Mọi trường hợp xác định sai tư cách hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng đều dẫn đến hậu quả ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong vụ án và không đúng pháp luật.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm mà việc xử lý của Tòa án cấp phúc thẩm khác nhau (có thể sửa án, có thể hủy án sơ thẩm).
* Về trường hợp xác định sai tư cách đại diện người bị hại thành người có nghĩa vụ liên quan: Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Một trong nội dung đặc trưng quyền kháng cáo của người bị hại là được quyền kháng cáo cả phần hình phạt và bồi thường, nhưng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ có quyền kháng cáo phần quyết định bản án liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Vì vậy, nếu xác định sai tư cách thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng và nguyên tắc chung là không đúng với quy định của pháp luật. Nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật chung xác định trường hợp sai như trên thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn khắc phục được, không làm mất quyền của người đại diện người bị hại nên không phải hủy án.
* Về việc bỏ sót đại diện người bị hại tham gia tố tụng:
Về nguyên tắc chung trong các vụ án hình sự có người bị hại, đặc biệt là các vụ án mà người bị hại đã chết thì quá trình điều tra, truy tố và xét xử đều phải đưa người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại vào tham gia tố tụng; mọi trường hợp bỏ sót đều được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nếu họ kháng cáo thì hủy án.
 Tuy nhiên, trong vụ án hình sự người bị hại đã chết mà có nhiều người đại diện thì Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cụ thể về từng trường hợp, khi xét xử Tòa án phải thực hiện đúng Nghị quyết này.
Theo qui định tại mục 1.4, phần I của Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP nêu trên thì: Trong vụ án hình sự có người bị hại đã chết mà họ có nhiều người đại diện khác nhau, quá trình điều tra, truy tố, xét xử không đưa đầy đủ đại diện người bị hại hoặc không có ủy quyền vào tham gia tố tụng, sau khi xét xử người đại diện người bị hại không tham gia tố tụng có kháng cáo thì cần phân biệt và xử lý như sau:
a) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.
b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:
b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;
b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng);  
b.3) Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm”.
Hướng dẫn này cho phép ngoại lệ có trường hợp dù Tòa án cấp sơ thẩm không đưa người đại diện hợp pháp của người bị hại vào tham gia tố tụng trong vụ án, nhưng nếu việc kháng cáo của họ thuộc (b.1) nêu trên thì Tòa án cấp phúc thẩm không phải hủy án sơ thẩm.

Câu hỏi 3. Nếu vật chứng là tài sản, không xác định được chủ sở hữu chung nhưng Cơ quan điều tra chưa ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu thì giải quyết như thế nào?

Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự, thì:
“1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”.
Như vậy, đối với tài sản là vật chứng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 41 của Bộ luật hình sự thì sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước mà không cần phải thông báo tìm kiếm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Đới với tài sản là vật chứng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 41 của Bộ luật hình sự, thì về nguyên tắc chung, để có quyết định xử lý, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định ai là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó. Nếu xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trả lại tài sản đó cho họ; trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật dân sự, thì vật bị coi là không xác định được chủ sở hữu nếu sau một năm (đối với động sản), kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu; sau năm năm (đối với bất động sản), kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 76 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử...”.
Như vậy, trường hợp vật chứng là tài sản không xác định được chủ sở hữu và cơ quan điều tra chưa ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu thì ở giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án phải tiến hành việc thông báo tìm kiếm chủ sở hữu; nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó thì khi xét xử, Hội đồng xét xử cần giao tài sản là vật chứng cho cơ quan chức năng bảo quản và trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ nếu trong thời hạn quy định tại Điều 239 của Bộ luật dân sự mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật chứng có yêu cầu thì sẽ xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn này, tài sản sẽ được sung quỹ Nhà nước.

Câu hỏi 4. Các bị cáo sử dụng xe máy chở nhau đi trộm cắp tài sản, sau khi lấy trộm được tài sản chúng dùng chiếc xe máy chở tài sản trộm cắp được để tẩu thoát. Trong trường hợp này chiếc xe máy đó có được coi là vật chứng của vụ án không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Vì vậy, trường hợp các bị cáo sử dụng xe máy chở nhau đi trộm cắp tài sản, sau khi lấy trộm được tài sản lại dùng xe máy chở tài sản đã trộm cắp được để tẩu thoát, thì chiếc xe máy này là vật chứng của vụ án đó.
Nhưng cần lưu ý rằng, nếu chiếc xe máy thuộc sở hửu của người khác, thì tùy trường hợp cụ thể mà xử lý theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Câu hỏi 5. Việc niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú được xem là thủ tục tống đạt văn bản, giấy triệu tập hợp lệ. Vậy thời gian từ ngày niêm yết đền ngày mở phiên tòa là bao nhiêu ngày hay chỉ cần niêm yết xong là có thể mở phiên tòa được ngay?
Trả lời:
Bộ luật Tố tụng Hình sự không quy định cụ thể về thời hạn mở phiên tòa đối với trường hợp niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập bị cáo tại ngoại tại nơi cư trú của bị cáo.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 182, Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất mười(10) ngày trước khi mở phiên tòa. Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.
Với quy định này có thể hiểu thời gian từ khi niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập đến ngày mở phiên tòa phải đảm bảo ít nhất là mười ngày.

Câu hỏi 6. Tại phiên tòa Kiểm sát viên có quyền kết luận và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng về khoản nặng hơn để xử phạt bị cáo so với cáo trạng đã truy tố không?
Trả lời:
Về phạm vi thẩm quyền của Kiểm sát viên tại phiên tòa được quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội”.
Theo quy định trên thì Kiểm sát viên không có quyền kết luận và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt đã truy tố.Nếu có kết luận như vậy thì Tòa án không được căn cứ vào kết luận đó của Kiểm sát viên để xử phạt ở khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt đã truy tố.
Tuy nhiên, nếu tại phiên tòa, Kiểm sát viên kết luận và đề nghị xét xử bị cáo ở khung hình phạt nặng hơn mà đề nghị đó phù hợp với quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án thì chỉ là ý kiến Kiểm sát viên đồng tình với quan điểm của Tòa án, Tòa án có quyền xét xử theo khung hình phạt nặng hơn vì đã làm đúng thủ tục (đã nêu việc có thể xử theo khung hình phạt nặng hơn tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử) chứ không phải phụ thuộc vào kết luận của Kiểm sát viên.

Câu hỏi 7. Đối với vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội khác nhau (có tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) hoặc nhiều khung hình phạt khác nhau trong cùng một tội thì việc ra quyết định tạm giam đối với từng bị cáo như thế nào? Thời gian tạm giam có thể tính theo tội danh mà trong đó có bị cáo bị truy tố về tội đặc biệt nghiêm trọng... và có thời gian chuẩn bị xét xử dài nhất được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 177 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì sau khi nhận hồ sơ vụ án, Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giam để chuẩn bị xét xử. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 176 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và được hướng dẫn chi tiết tại 1.2.1 tiểu mục 1.2 mục 1 phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003”, cụ thể là:
“a. Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhận hồ sơ vụ án tối đa là:
a.1. Bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
a.2. Hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
a.3. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
a.4. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
b. Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuản bị xét xử kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhận hồ sơ vụ án tối đa là:
b.1. Hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b.2. Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; b.3. Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
b.4. Bốn tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
c. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b trên đây mà phiên tòa không mở được trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là mười lăm ngày nữa.”
Theo hướng dẫn tại điểm đ tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP nêu trên thì trường hợp trong vụ án có nhiều bị cáo bị truy tố về nhiều tội khác nhau (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) thì thời hạn tạm giam đối với từng bị cáo không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị cáo đó bị truy tố.
Như vậy, đối với vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội khác nhau (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) hoặc nhiều khung hình phạt khác nhau trong cùng một tội thì thời hạn tạm giam được Tòa án áp dụng đối với từng bị cáo căn cứ vào tội phạm (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) mà bị cáo đó bị truy tố. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội khác nhau (trong đó có bị cáo bị truy tố về tội đặc biệt nghiêm trọng) thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án có thể kéo dài hơn thời hạn tạm giam mà Tòa án áp dụng đối với những bị cáo bị truy tố về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng (vì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được xác định theo tội danh nặng nhất mà trong vụ án có bị cáo bị truy tố). Trong trường hợp này, nếu xét thấy cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị cáo đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết thì theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP, “..., trước khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày), Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải đề nghị Chánh án hoặc phó Chánh án Tòa án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và cho đến khi kết thúc phiên tòa; cụ thể cần ghi: “Thời hạn tạm giam kể từ ngày... tháng... năm... cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm”.

Câu hỏi 8. Trường hợp một vụ án vừa có bị can bị tạm giam vùa có bị can tại ngoại, Viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ sang Tòa án nhưng mới chỉ mới giao cáo trạng cho bị can tạm giam, chưa giao cáo trạng cho bị can tại ngoại, nếu thời hạn tạm giam đối với bị can bị tạm giam vừa hết thì Tòa án hay Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam tiếp?
Trả lời:
Theo quy định tại Đoạn 3, Khoản 1, Điều 166 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày truy tố bị can trước Tòa án, Viện kiểm sát phải giao bản cáo trạng cho bị can. Quy định này được hiểu là trong trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao bản cáo trạng cho tất cả các bị can bị truy tố trong vụ án đó.
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQHĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, thì khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê khai tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem đã đẩy đủ hay chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định tại đoạn 3, Khoản 1, Điều 166 của Bộ luật Tố tụng Hình sự hay chưa? Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ so với bản kê tài liệu hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can, thì Tòa án không nhận hồ sơ vụ án vì Viện kiểm sát chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo quy định tại Điều 177 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì chỉ sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án mới có thẩm quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Trường hợp vụ án vừa có bị can bị tạm giam, vừa có bị can tại ngoại, nếu Viện kiểm sát chuyển hồ sơ sang Tòa án nhưng chỉ mới giao cáo trạng cho bị can bị tạm giam, chưa giao cáo trạng cho bị can tại ngoại thì Tòa án chưa nhận hồ sơ vụ án; do đó, Tòa án chưa có thẩm quyền xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Nếu thời hạn tạm giam đối với bị can bị tạm giam đã hết thì việc có tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can đó hay không thuộc thẩm quyền xem xét của Viện kiểm sát.

Câu hỏi 9. Theo tinh thần quy định tại Điều 88 và Điều 303 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù từ 2 năm trở xuống hoặc người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý thì không áp dụng biện pháp tạm giam. Như vậy, nếu các bị can, bị cáo thuộc trường hợp này bỏ trốn và Cơ quan điều tra có quyết định truy nã thì khi bắt được người bị truy nã, có được áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ từ đủ 16 tuổi trở lên; tuy nhiên ngay cả đối với trường hợp này thì khi xử lý cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 69 của Bộ luật Hình sự, trong đó có nguyên tắc: “Người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hậu quả không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục” (khoản 2 Điều 69).
Về thủ tục tố tụng, Bộ luật Tố tụng Hình sự có một chương (chương XXXII) quy định những thủ tục đặc biệt để áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Chỉ những vấn để mà Chương XXXII không quy định thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới được áp dụng các quy định tại các chương khác của Bộ luật Tố tụng Hình sự và việc áp dụng phải đảm bảo không trái với các quy định tại Chương XXXII. Theo quy định tại Điều 303 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy, đối với những bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý thì không áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ. Tuy nhiên, đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi và bỏ trốn, nếu khi bị phát hiện họ đã đủ 18 tuổi và có đủ các căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 88 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (thuộc trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm; có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội) thì việc Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ là không trái với quy định tại Điều 303 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Đối với trường hợp bị can, bị cáo đã thành niên, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù từ 2 năm trở xuống, nếu họ bỏ trốn thì về nguyên tắc theo quy định tại Điều 161 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã đối với họ. Mặc dù Điều 88 của Bộ luật Hình sự không quy định về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù từ 2 năm trở xuống, tuy nhiên Điều 88 cũng không loại trừ việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp này. Theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Tố tụng Hình sự về những việc làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt theo lệnh truy nã thì: “… Sau khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt có trách nhiệm giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất”. Như vậy, đối với trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù từ 2 năm trở xuống bỏ trốn và đã có lệnh truy nã thì khi bắt được đối tượng bị truy nã, việc Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ là không trái với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Câu hỏi 10. Đối với trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có hậu quả thương tích xảy ra thì việc xác định tội danh như thế nào?
Trả lời:
Đối với tội gây rối trật tự công cộng, vẫn có hậu quả xảy ra là gây thương tích hoặc làm chết người. Việc gây rối trật tự công cộng mà có hậu quả thương tích thì cần phân biệt các trường hợp cụ thể để xác định tội danh như sau:
- Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có đánh nhau gây thương tích, nếu các hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập thì có thể bị truy tố xét xử cả hai tội: tội gây rối trật tự công cộng và tội cố ý gây thương tích.
Ví dụ: Hai băng nhóm có mâu thuẫn đánh nhau. Việc rượt đuổi đánh nhau làm náo loạn trên đường phố hoặc gây ách tắc giao thông và gây thương tích cho nhau… Vụ án này có thể truy tố xét xử cả tội gây rối trật tự công cộng và tội cố ý gây thương tích( nếu có đủ yếu tố cấu thành các tội đó).
- Trường hợp chỉ có hành vi gây rối trật tự công cộng và việc gây rối đó có các hậu quả xảy ra như gây thương tích hoặc dẫn đến chết người không do họ cố ý và hậu quả đó ngoài mong muốn của người gây rối trật tự công cộng thì chỉ truy tố xét xử về Tội gây rối trật tự công cộng, còn hậu quả thương tích hoặc chết người là yếu tố định tội hoặc định khung tăng nặng của tội gây rối (Xem mục 5 phần I Nghị quyết số 022003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 17-4-2003).
Ví dụ: Tại sân vận động có trận bóng đá đang diễn ra. Một nhóm thanh niên có hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng làm cho mọi người sợ hãi chạy toán loạn, xô xát giẫm đạp nhau gây chết người hoặc gây thương tích cho người khác thì họ chỉ bị truy tố xét xử về tội gây rối trật tự nơi công cộng, hậu quả trên không thể truy tố thành các tội phạm độc lập.

Câu hỏi 11. Việc xác định hàm lượng để xem xét trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi tàng trữ thân, lá, rễ cây anh túc (cây thuốc phiện) có số lượng lớn (không có quả) như thế nào?
Trả lời:
Theo khoa học thì trong cây anh túc (cây thuốc phiện) chỉ có quả mới chứa chất nhựa trắng (lấy ra phơi khô thành thuốc phiện), trong đó chứa 10% morphin là chất gây nghiện. Vì vậy, tại Điều 194 Bộ luật Hình sự chỉ qui định hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy đối với quả cây thuốc phiện khô hoặc tươi (Điểm k, l Khoản 2 và Điểm d, đ Khoản 3), và chỉ qui định về trọng lượng quả của cây thuốc phiện. Do đó, đối với hành vi tàng trữ thân, lá, rễ cây anh túc (cây thuốc phiện) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cho dù số lượng rất lớn. Nên việc xác định hàm lượng đối với thân, lá, rễ cây anh túc là không đặt ra.
Về việc xét xử đối với các tội phạm về ma túy, cần thực hiện theo Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-03-2001 của Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24-12-2007 hướng dẫn truy tố xét xử về các tội phạm ma túy có quy định tình tiết định tội, định khung hình phạt cho từng loại tội phạm về ma túy và cách tính hàm lượng của từng chất ma túy.

Câu hỏi 12. Người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý trong các công ty cổ phần thì có phạm tội tham ô tài sản không?
Trả lời:
Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. Trong đó vướng mắc lớn nhất là phân định tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp có vốn góp của các cá nhân, tổ chức và xác định có hay không có tội tham ô tài sản ở các doanh nghiệp này. Vấn đề trên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn xét xử về tội tham ô, nhưng cũng chỉ hướng dẫn các mức hình phạt áp dụng cho khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật chung vẫn xác định: Đối với các doanh nghiệp không có vốn nhà nước góp thì ở đó không có tội tham ô tài sản xảy ra. Các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước mà từ 50% trở xuống và không giữ quyền chi phối doanh nghiệp thì ở đó cũng không có tội danh này. Các trường hợp còn lại (vốn nhà nước từ 51% trở lên và giữ quyền chi phối doanh nghiệp) nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, cho dù là công ty cổ phần đều được coi là hành vi phạm tội tham ô tài sản quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra