Thay đổi địa vị tố tụng trong vụ án dân sự - một số vấn đề cần trao đổi

1. Thay đổi địa vị tố tụng
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự thì nguyên đơn là người khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự; Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện những việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ (Điều 56 Bộ Luật tố tụng dân sự). Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án có thể thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự nếu xảy ra trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn; nếu trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn và người có nghĩa vụ với yêu cầu độc lập là bị đơn.

Việc thay đổi địa vị tố tụng được xuất phát từ nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án, nếu sự thay đổi đó không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu. Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cụ thể cách giải quyết trong việc đương sự rút yêu cầu: trường hợp rút trước khi mở phiên toà thì Thẩm phán căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu đã rút và xác định lại địa vị tố tụng của đương sự. Trường hợp rút tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu đã rút của đương sự, công bố công khai việc thay đổi địa vị tố tụng tại phiên toà; việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự phải thể hiện trong biên bản phiên toà và được ghi vào trong bản án (Điều 219 Bộ luật tố tụng dân sự);
2. Trường hợp rút yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên toà:
Trường hợp rút trước khi mở phiên toà thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu đã rút  do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thực hiện. Nếu đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có) thì Thẩm phán căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 192 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự thì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 245). Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu đã rút và xác định lại địa vị tố tụng của đương sự theo quy định tại Điều 219 BLTTDS. Bộ Luật tố tụng dân sự không quy định việc kháng cáo đối với quyết định này nên người đã rút đơn sẽ mất đi quyền kháng cáo và chỉ được khởi kiện lại vụ án nếu có đầy đủ các điều kiện khởi kiện. Đây là vấn đề còn bất cập trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, bởi lẽ, nếu việc rút đơn là hoàn toàn tự nguyện thì sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu sau khi có đơn rút yêu cầu khởi kiện, đương sự mới phát hiện bị lừa dối hoặc đương sự bị cưỡng ép rút đơn … thì họ sẽ mất đi quyền khiếu nại, kháng cáo đối với yêu cầu đã rút của mình.
3. Trường hợp đương sự rút tại phiên toà:
Tại phiên toà, đương sự có quyền bổ sung, thay đổi yêu cầu nếu việc bổ sung, thay đổi yêu cầu đó không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Việc thay đổi, rút yêu cầu sẽ làm phát sinh việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự. Trường hợp rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút  của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có), các vấn đề còn lại Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết tại phiên toà.
Tuy nhiên, trong thực tế việc ra quyết định đình chỉ xét xử của Hội đồng xét xử đối với yêu cầu đã rút còn chưa thống nhất: Hội đồng xét xử ra quyết định độc lập về việc rút yêu cầu và ra 01 bản án về việc giải quyết các vấn đề còn lại mà đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu hay thể hiện chung trong 01 bản án và có nhận định về việc rút yêu cầu của đương sự?
Trường hợp ra 02 văn bản tố tụng độc lập thì hồ sơ sẽ có 02 biên bản nghị án và 02 quyết định của hội đồng xét xử, trong đó có 01 biên bản nghị án và 01 quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của đương sự; 01 biên bản nghị án và 01 bản án giải quyết các vấn đề còn lại của vụ án trong trường hợp bị đơn không rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút yêu cầu độc lập. Bởi lẽ, vụ án đã được thu thập chứng cứ đầy đủ nên Hội đồng xét xử không cần thiết phải tách vụ án mà tiếp tục xét xử và tuyên án. Bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, còn quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu đã rút sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị, do đó cần phải ra 02 quyết định để đảm bảo quyền kháng cáo cho đương sự.
Trường hợp giải quyết các nội dung rút yêu cầu và giải quyết các vấn đề khác trong cùng 01 bản án: nhận định về rút yêu cầu của đương sự; thay đổi địa vị tố tụng trong vụ án; giải quyết các yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, việc giải quyết  này dựa vào nguyên tắc phải xem xét đầy đủ, toàn diện toàn bộ nội dung của vụ án và xử lý tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã đóng. Như đã phân tích ở trên, quyết định đình chỉ xét xử của hội đồng xét xử sẽ không bị kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, do đó nếu nhận định chung trong 01 bản án có phù hợp không, bởi lẽ, đương sự có quyền kháng cáo toàn bộ nội dung bản án mà toà án đã tuyên (Điều 243 BLTTDS) và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án (Điều 250 BLTTDS). Trường hợp này, quyết định đình chỉ xét xử trong bản án sẽ bị kháng cáo, kháng nghị - việc này sẽ không đúng pháp luật về tố tụng.
Trên đây là một số quan điểm trao đổi về vấn đề thay đổi địa vị tố tụng của đương sự trong vụ án dân sự, mong quý bạn đọc quan tâm trao đổi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra