BÀN VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNH VI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Quá trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến nhóm tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác cho thấy: việc xem xét đánh giá nhân thân người phạm tội, xác định lỗi của người phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm xâm hại đến những khách thể nêu trên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này không đơn giản, còn nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật đối với loại tội phạm này không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều đó đã gây nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình giải quyết án. Trong bài viết này chúng tôi muốn cùng trao đổi với bạn đọc về một số vướng mắc trong quá trình xử lý đối với nhóm tội phạm này.

Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ ngày 01/7/2000, tại Điều 104 có quy định về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; Điều 105 BLHS quy định về tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; Điều 106 BLHS quy định “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đang”, mặc dù đã có sự tiến bộ vượt bậc, có sự thay đổi về chất và đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp trong việc áp dụng pháp luật giải quyết những loại án này trên thực tiễn. Tuy nhiên, thực tiễn công tác cho thấy sau khi Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 có hiệu lực thi hành vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cụ thể sau:

Thứ nhất: về việc nhận định thế nào là trường hợp phạm tội “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân” để xác định đó là yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập được quy định tại Điều 105 BLHS, với việc nhận định “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần” là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 46 BLHS. Thực tiễn công tác cho thấy, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu và vận dụng khác nhau nên đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Cụ thể:

Vụ án hình sự xảy ra tại địa bàn huyện QH, tỉnh QN: Hà Quốc Huy và Nguyễn Quốc Việt đều là học sinh lớp 11G, trường PTTH VT, huyện QH. Trong thời gian từ ngày 23 đến ngày 27/9/2006, trên đường đi học, Nguyễn Quốc Việt đã nhiều lần chặn đánh Huy, bắt Huy phải đưa tiền cho Việt. Huy và gia đình đã gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương, nhưng không được giải quyết. Sáng 28/9/2006 trước khi đi học, Huy đã mang theo 01 con dao nhọn, mục đích để phòng thân. Khi đến cổng trường học, Huy lại bị Nguyễn Quốc Việt chặn đánh, bắt phải đưa tiền và sau khi vào lớp Việt lại tiếp tục có lời nói đe dọa Huy. Do bức xúc về việc làm của Việt nên khi hết giờ ra chơi, Huy đã dùng dao đâm Nguyễn Quốc Việt bị thương tích, tổn hại 41% sức khoẻ. Với nội dung vụ án nêu trên, có nhiều quan điểm và ý kiến trái ngược nhau về việc định tội danh đối với Huy.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Hà Quốc Huy được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân theo quy định tại Điều 105 BLHS. Theo quan điểm này, nguyên nhân dẫn đến việc Huy phạm tội là do Việt đã liên tục, nhiều lần chặn đánh, đòi tiền Huy. Mặc dù, Huy và gia đình đã trình báo chính quyền địa phương, song không những Việt không chấm dứt, mà còn tiếp tục thực hiện hành vi nêu trên nhiều lần nữa. Hành vi của Việt là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc Huy thực hiện hành vi nêu trên được xem là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân theo quy định tại điều 105 BLHS.

Theo quan điểm thứ hai, Huy đã phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3, Điều 104 BLHS. Hành vi của Huy có bị kích động nhưng không thuộc trường hợp bị kích động mạnh. Bởi lẽ, hành vi của Việt tuy có trái pháp luật nghiêm trọng nhưng đã chấm dứt trước đó. Việc Huy sau đó cầm dao đâm gây thương tích cho nạn nhân chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 46 BLHS. Khi thực hiện hành vi gây thương tích cho Việt, Huy hoàn toàn có đủ khả năng kiềm chế, kiểm soát hành vi của mình. Vì vậy Huy phải bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS.

Để đánh giá thế nào là trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần xem xét vấn đề này trên hai góc độ: thế nào là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và thế nào là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.

- Về trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu, người phạm tội lúc đó đang trong tình trạng không làm chủ được bản thân, không còn khả năng tự kiềm chế, kiểm soát và điều khiển suy nghĩ cũng như hành vi của mình. Trạng thái này có thể do người phạm tội đã bị xâm hại, bị ức hiếp trong một thời gian dài, tại thời điểm đó nạn nhân lại có hành vi xâm hại đến người phạm tội khiến người phạm tội không thể kìm chế nổi, không kiểm soát được lý trí và ý chí của mình và ngay lập tức họ đã thực hiện hành vi phạm tội đối với nạn nhân; hoặc tuy chỉ một lần nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng khiến người phạm tội đã không thể kìm chế được bản thân mình và phạm tội.

- Về hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân được hiểu: đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự hoặc cũng có thể đến mức phải xử lý hình sự. Hành vi đó có thể trái với pháp luật hành chính, kinh tế...

Hai điều kiện nêu trên phải song song tồn tại mới có đủ cơ sở xác định người phạm tội có
phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không.

Từ phân tích và nhận định nêu trên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí theo quan điểm và nhận định của nhóm ý kiến thứ hai. Bởi lẽ, tại thời điểm Huy rút dao và đâm Việt, hành vi của Việt đã chấm dứt, đã có sự ngắt quãng về thời gian nên không thể xem trạng thái đó của Huy là kích động mạnh được. Huy phải bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS.

Thứ hai: việc xác định “Hậu quả” của tội phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đường lối xử lý người phạm tội trong các vụ án cố ý gây thương tích. Qua thực tiễn cho thấy để xác định một người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm vào khoản nào được quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, bắt buộc phải giám định mức độ tổn hại thương tích của nạn nhân, mới xác định được. Tỷ lệ thương tích của nạn nhân phải từ 11% trở lên hoặc nếu dưới 11% thì phải thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 104 BLHS mới cấu thành tội cố ý gây thương tích. Nhưng qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này thì việc xác định mức độ tổn hại thương tích của nạn nhân gặp rất nhiều bất cập, khó khăn. Từ phía nạn nhân kiên quyết không chịu đi giám định, hoặc để quá lâu mới tố giác hành vi bị xâm hại khi đó vết thương đã lành, quá trình chữa trị thương tích không chịu lấy hóa đơn và không làm bệnh án nên đã gây rất nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi thụ lý và giải quyết. Nhiều trường hợp không thể xử lý được, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, thưa kiện kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tư pháp.

Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại địa bàn thành phố HL, tỉnh QN là một ví dụ: Do có mâu thuẫn từ trước nên chiều ngày 25/5/2007 Nguyễn Văn Hải đã lấy 01 con dao bầu (loại dao nhọn) giấu vào trong túi quần, rồi tìm anh Nguyễn Văn Sơn để đánh. Khi gặp Sơn ở khu vực bến xe BC, Hải đã dùng dao đâm 2 nhát vào bụng Sơn rồi bỏ chạy. Hậu quả làm anh Sơn bị thương tật, phải cắt đi một lá lách, một quả thận. Sau khi sự việc xảy ra giữa Hải và anh Sơn đã tự hoà giải, anh Sơn từ chối không đi giám định. Do không xác định được mức độ tổn hại về thương tích của nạn nhân, nên Cơ quan tiến hành tố tụng đã không xử lý hình sự đối với Nguyễn Văn Hải được, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện VĐ, tỉnh QN: Nguyễn Thị Hương nghi ngờ chị Nguyễn Thị Vuì có thai 3 tháng là do quan hệ bất chính với chồng của mình nên khoảng 10 giờ ngày 9/8/2007, Nguyễn Thị Hương đã đến gặp chị Vui hỏi sự việc, dẫn đến hai bên xô sát cãi nhau. Trong lúc xô xát, Hương đã dùng tay, chân đấm, đá vào bụng chị Vui, gây hậu quả làm chị Vui bị xẩy thai. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khoẻ của chị Vui. Kết quả giám định xác định chị Vui bị tổn hại 0% sức khoẻ, còn hậu quả về thai bị xẩy không xác định được do không có văn bản pháp luật hướng dẫn, nên không quy kết được hành vi của Hương có phạm tội hay không.

Theo chúng tôi, cần quy định rõ về trường hợp này trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự hoặc phải có văn bản hướng dẫn cụ thể của Cơ quan có thẩm quyền để tránh bỏ lọt hành vi phạm tội.

Thứ ba: dấu hiệu đồng phạm trong những vụ án: “Cố ý gây thương tích” cũng là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện BX, tỉnh QN kết quả điều tra chứng minh: Trần Văn Mạnh và Đỗ Văn Quân đánh nhau, diễn biến của sự việc khá dài nhưng tựu chung lại Mạnh thực hiện hành vi đánh Quân là do tinh thần bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Quân gây ra đối với Mạnh. Khi đánh nhau, cả hai không dùng bất cứ công cụ và phương tiện nào để tấn công bên kia. Khi hai người đang đánh nhau, Nguyễn Viết Hải là bạn thân của Mạnh đi ngang qua nhìn thấy. Hải đã cầm đoạn gỗ chắc lao đến và nói với Mạnh để tớ cùng tiếp sức giúp cậu, Mạnh gật đầu đồng ý. Hậu quả Quân tổn hại 22% sức khoẻ. Khi xem xét cụ thể hành vi của từng người khi phạm tội, cho thấy: Mạnh đánh Quân do bị kích động mạnh, còn Hải thì chỉ giúp Mạnh mà không có yếu tố này. Khi xem xét xử lý mỗi người sẽ bị điều chỉnh bởi những điều luật khác nhau: Mạnh sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự, còn Hải sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Với tỷ lệ thương tích bị tổn hại 22% sức khoẻ nêu trên, thì Mạnh chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm này. Nhưng Nguyễn Viết Hải sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 104 Bộ luật hình sự. Hơn nữa một số quan điểm cho rằng do không cùng bị xử lý trong một điều luật, nên không thể có yếu tố đồng phạm được. Do đó, cần tách thương tích ra để xét xử đối với từng người.

Qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi nhận định, trong vụ án trên yếu tố đồng phạm là có, còn xử lý đối tượng nào, xử lý đến đâu và xử lý theo điều luật nào thuộc về nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự. Theo đó, tất cả những người đồng phạm (Quân và Hải) đều phải chịu chung hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra đối với Mạnh (gây thương tích cho Mạnh với tỷ lệ 22%), tuy nhiên hành vi vượt quá của người nào trong những người đồng phạm không có sự bàn bạc thống nhất chung với những người đồng phạm khác, thì chỉ người đó phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vượt quá của mình. Đặc biệt, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với người phạm tội hoặc những tình tiết về dấu hiệu chủ thể đặc biệt chỉ áp dụng và viện dẫn riêng cho từng đối tượng.

Thứ tư, một trong những vấn đề cần chú ý đó là xác định yếu tố “Lỗi” của người phạm tội. Đặc biệt trong những vụ án có tranh chấp về tội danh giữa “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích”. Có quan điểm nhận định rằng “Hậu quả thế nào thì giải quyết thế, có nghĩa là: chết thì xử giết người, không chết thì xử về tội cố ý gây thương tích”. Chúng tôi cho rằng nhận định nêu trên là sai lầm và hoàn toàn lệch lạc đứng trên phương diện lý luận, cũng như thực tiễn quá trình giải quyết loại án này.

Lỗi là một dấu hiệu của tất cả các Cấu thành tội phạm, đòi hỏi phải được xác định trong mọi trường hợp khi áp dụng luật hình sự. Việc xác định lỗi đúng là điều kiện cần thiết để có thể định tội danh đúng; xác định lỗi sai sẽ dẫn đến định tội danh sai. Cùng những biểu hiện khách quan như nhau, nếu xác định lỗi khác nhau sẽ có những kết luận khác nhau về tội danh. Trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự, thì việc xác định lỗi ở nhiều trường hợp, đặc biệt ở tội phạm cố ý gây thương tích rất phức tạp. Để có thể xác định được lỗi một cách chính xác trong những trường hợp này, đòi hỏi người áp dụng pháp luật không chỉ nắm vững những dấu hiệu về hình thức cấu trúc tâm lý của các loại lỗi đã được mô tả trong các điều luật của BLHS mà còn phải hiểu rõ bản chất của lỗi nói chung, cũng như nội dung của từng loại lỗi. Chỉ trên cơ sở nhận thức đầy đủ về lỗi và từng loại lỗi mới có thể có được phương pháp đúng trong việc xác định lỗi ở trong những trường hợp phạm tội cụ thể.

Trong trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra; còn trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả cho xã hội của hành vi phạm tội đó, tuy không mong muốn nhưng lại có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả đến đâu xử lý đến đó, còn khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thì hậu quả không phải là vấn đề quan trọng cần đặt ra trong việc định tội danh. Như vậy, khi quyết định thực hiện, người phạm tội với lỗi cố ý (trực tiếp hay gián tiếp) đều đã quyết định cho khả năng xử sự đã lựa chọn sẽ là xử sự phạm tội. Đó là điều người phạm tội mong muốn (cố ý trực tiếp) hoặc là điều họ chấp nhận (cố ý gián tiếp).

Khác hẳn với trường hợp có lỗi cố ý, ở trường hợp có lỗi vô ý người phạm tội không lựa chọn một xử sự phạm tội. Họ chỉ lựa chọn một xử sự (xử sự đó thực tế đã trở thành xử sự phạm tội), trong khi có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội. Người phạm tội với lỗi vô ý vì cẩu thả đã lựa chọn xử sự mà hoàn toàn không ý thức được tính chất gây thiệt hại của xử sự đó. Nếu không cẩu thả, họ có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội. Người phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, tuy nhận thức được xử sự sẽ lựa chọn có khả năng trở thành xử sự phạm tội, nhưng đã loại trừ khả năng đó và cũng chính vì đã loại trừ khả năng đó mà họ đã lựa chọn xử sự. Người phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin chỉ nhận thức được khả năng xử sự sẽ lựa chọn trở thành xử sự phạm tội khi còn đang cân nhắc lựa chọn hay không lựa chọn. Khi quyết định thực hiện, người phạm tội với loại lỗi này đã hoàn toàn quyết định cho khả năng xử sự đã lựa chọn sẽ không phải là xử sự phạm tội.

Điều quan trọng là khi nghiên cứu những vấn đề nêu trên giúp chúng ta có những nhận định chính xác để đề ra đường lối giải quyết loại án cố ý gây thương tích. Vì lẽ: Tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4, Điều 104 BLHS, cho thấy: Hành vi đánh người dẫn đến việc người đó bị thương tích là lỗi cố ý, còn hậu quả chết người nằm ngoài nhận định của người phạm tội, người phạm tội khi thực hiện hành vi cho rằng không thể tước đi sinh mạng của người khác, do đó hậu quả này thuộc về lỗi “vô ý”. Đây là trường hợp hỗn hợp lỗi. Nếu người phạm tội nhận thấy hành vi của mình có thể tước đoạt sinh mạng của người khác nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra thì đây là trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả tội phạm trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng. Nếu người bị tấn công không chết chỉ xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” nếu đủ yếu tố cấu thành, còn nếu người phạm tội chết sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người”. Đây là trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, theo đó hậu quả đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.

Phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng là yếu tố quan trọng quyết định tính chất nguy hiểm của hành vi, cho nên trong sự chuẩn bị, lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng có thể có những biểu hiện phản ánh thái độ của người phạm tội đối với hậu quả chết người. Nếu có ý thức chấp nhận hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội không quan tâm phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng có nguy hiểm đến tính mạng hay không mà chỉ quan tâm những thứ đó có khả năng giúp đạt được mục đích hay không. Cho nên, người phạm tội trong trường hợp này có thể dùng bất cứ phương tiện hay phương pháp phạm tội nào, không phụ thuộc vào tính nguy hiểm của nó, nhằm đạt bằng được mục đích của mình. Họ chấp nhận mọi cách thức sử dụng phương tiện hay phương pháp phạm tội (cường độ, vị trí tác động vào thân thể v.v..). Đối với họ không có việc lựa chọn vì tính nguy hiểm của phương tiện cũng như của cách thức sử dụng chúng mà chỉ có sự lựa chọn để đảm bảo đạt được mục đích. Vụ án xảy ra tại xã QP, huyện ĐT, tỉnh QN: Khoảng 5 giờ ngày 29/12/2005 khi thấy anh Lê Văn M đột nhập vào nhà mình trộm cắp tài sản, Nguyễn Đình N đã lấy 1 chiếc tròng bằng sắt dài khoảng 40 cm, 2 đầu tròn, đường kính 10cm, vụt 3-4 cái vào đầu anh M làm anh M bị ngất tại chỗ, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, đến 15 giờ cùng ngày thì anh M bị tử vong do thương tích quá nặng. Có quan điểm cho rằng hành vi trên của N đã phạm tội Cố ý gây thương tích, vì N không có ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Có quan điểm cho rằng N phạm tội Giết người. Chúng tôi, đồng ý với quan điểm thứ hai. N đã sử dụng phương tiện là 01 chiếc tròng bằng sắt - loại hung khí nguy hiểm vụt liên tiếp 3-4 cái vào đầu là vị trí xung yếu trên cơ thể nạn nhân. Hậu quả là nạn nhân bị tử vong sau đó 10 giờ, do bị chấn thương sọ não.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập và kinh nghiệm thực tiễn giải quyết loại án gây thương tích, xin trao đổi, chia sẻ cùng bạn đọc để có những nhận định và đường lối giải quyết loại án này chính xác trên thực tiễn.


Trai làng đánh người vì ghen
Nhiều ý kiến cho rằng phải xử nặng vì có tính chất côn đồ, dùng hung khí... Nếu phạm tội theo khoản 2, các bị can chỉ có thể bị phạt tối đa bảy năm tù, còn theo khoản 3 thì lên đến 15 năm tù.
Đã từ lâu Nguyễn Quyết ngụ huyện T. (Phú Yên) thầm yêu trộm nhớ cô bạn NTTL ở xã bên. Khi Quyết ngỏ lời, cô L. từ chối. Đã buồn Quyết lại càng cay cú hơn khi biết người trong mộng của mình nhận lời làm bạn gái anh Hà Minh Truyền. Từ đó, Quyết nuôi lòng căm ghét anh Truyền.
Chặn đường đánh tình địch
Tối 27-11-2010, biết tin anh Truyền cùng hai người bạn đến nhà cô L. chơi, Quyết rủ thêm ba người bạn lên kế hoạch chặn đánh anh Truyền.
Cả bọn nấp vào lề đường gần nhà cô L. phục sẵn. Khi anh Truyền chạy xe máy chở hai người bạn đi đến, Quyết dùng cây sắt đánh trúng lưng một người ngồi sau, ba người bạn của Quyết cũng nhào ra chặn xe anh Truyền lại. Một người dùng cây mì (sắn) đánh anh Truyền làm cả người và xe ngã xuống đường. Hai người bạn của anh Truyền bỏ chạy được, còn anh Truyền bị Quyết cùng đồng bọn quây lại dùng cây mì đánh, đá túi bụi gây thương tật 58%.
Sau đó, Quyết và các đồng phạm bị khởi tố, điều tra về tội cố ý gây thương tích. Ngày 24-3-2011, Công an huyện T. có bản kết luận điều tra, đề nghị VKS huyện này truy tố bốn bị can về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS.
Xử khoản mấy?
Trong vụ án này, việc xử lý Quyết và đồng phạm về tội cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là khung hình phạt áp dụng đối với các bị can.
Nhiều người cho rằng phải truy tố bốn bị can theo khoản 3 Điều 104 BLHS mới đúng. Bởi lẽ ngoài hậu quả nạn nhân bị thương tật 58%, các bị can còn có đến ba tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm và phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ.
Các ý kiến này lý giải: Giữa các bị can và nạn nhân không hề có mâu thuẫn nhưng các bị can lại rủ nhau chặn đánh nạn nhân trọng thương là phạm tội có tích chất côn đồ. Mặt khác, cây mì mà các bị can dùng gây án thực tế đã gây ra thương tích cho nạn nhân nên phải xem đây là hung khí nguy hiểm theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Ngoài ra, các bị can đánh nạn nhân bất ngờ khi hai tay của nạn nhân đang điều khiển xe máy, không thể chống đỡ nên cũng thuộc trường hợp phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ.
Ngược lại, cũng có luồng ý kiến đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến vụ án là do Quyết tức tối do không được cô L. yêu, trong khi cô L. lại yêu anh Truyền nên việc đánh anh Truyền không phải là vô cớ. Cạnh đó, cây mì không phải là vật cứng, chắc, cũng không được liệt kê trong hướng dẫn của Nghị quyết 02 nên không phải là hung khí nguy hiểm. Chưa kể, áp dụng tình tiết phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ với các bị can là gượng ép. Bởi lẽ sau khi bị ngã xe, nạn nhân vẫn có thể chống trả hoặc bỏ chạy như các bạn chứ không phải là không có khả năng làm gì.
Việc xác định các bị can phạm tội theo khoản 2 hay khoản 3 Điều 104 BLHS có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là khi quyết định hình phạt. Bởi nếu phạm tội theo khoản 2, các bị can chỉ có thể bị phạt tối đa bảy năm tù, còn theo khoản 3 thì lên đến 15 năm tù. Không chỉ là chuyện “nhất nhật tại tù…”, còn một loạt hệ quả khác liên quan đến việc xác định thời hạn xóa án, cách tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm sau này (nếu các bị can tiếp tục phạm tội).

Chúng tôi đã đem vụ án trao đổi với các chuyên gia và nhận được nhiều quan điểm khác nhau. Xin giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến tiêu biểu để cùng trao đổi.
Có tính chất côn đồ
Hành vi của Quyết và đồng phạm là phạm tội có tính chất côn đồ (điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS) bởi giữa họ và nạn nhân trước đó không có mâu thuẫn. Đối với việc xác định cây mì dùng đánh nạn nhân có phải là hung khí nguy hiểm (điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS) theo hướng dẫn của Nghị quyết 02 hay không, theo tôi cơ quan tố tụng cần xác định lại là nó có đủ rắn chắc, cứng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe hay không. Còn nói Quyết và đồng phạm đánh nạn nhân trong lúc hai tay nạn nhân đang điều khiển xe máy là phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ (điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS) là không đúng. Người không có khả năng tự vệ là những người bị lâm vào tình trạng mất khả năng tự vệ như bị tật, ốm đau, mất năng lực, đang ngủ, đang bị trói…
Do thương tật của nạn nhân là 58%, thêm tình tiết các bị can phạm tội có tính chất côn đồ, cơ quan tố tụng có thể truy tố ở khoản 3 Điều 104 BLHS.
Thạc sĩ MAI KHẮC PHÚC, giảng viên ĐH Luật TP.HCM
Vì mâu thuẫn chứ không phải vô duyên cớ
Tôi lại cho rằng cơ quan tố tụng truy tố Quyết và đồng phạm theo khoản 2 Điều 104 BLHS là chính xác và có căn cứ.
Không phải vô duyên vô cớ mà nhóm của Quyết đánh nạn nhân, bởi nó xuất phát từ mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. Nếu quy kết nhóm của Quyết phạm tội có tính chất côn đồ là chưa thuyết phục.
Mặt khác, theo hướng dẫn của Nghị quyết 02 thì phương tiện nguy hiểm là vật tự nhiên phải có tính chất cứng, chắc. Ở đây, cây mì là cây trồng hằng năm, có thân nhỏ, ruột rỗng, xốp nên không có thuộc tính rắn, chắc. Do vậy, nói cây mì là hung khí nguy hiểm là không có căn cứ.
Tôi cũng đồng tình rằng nhóm của Quyết không phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ bởi thực tế thì nạn nhân vẫn có khả năng này. 
Luật sư NGUYỄN TRẦN CHIÊU DƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra