VIỆC THAY ĐỔI, BỔ SUNG VÀ RÚT YÊU CẦU CỦA ĐƯƠNG SỰ TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM DÂN SỰ

Theo nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, trong quá trình tố tụng, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi, bổ sung các yêu cầu của mình. Cho nên, phạm vi xét xử của phiên toà sơ thẩm dân sự là yêu cầu của đương sự được xác định công khai tại phiên toà. Do đó, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định trước khi hỏi về nội dung vụ án, chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu, cụ thể:
- Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không?
- Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không?
- Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không?
1. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà sơ thẩm dân sự
Để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự đồng thời tạo điều kiện cho đương sự phía bên kia biết trước được yêu cầu của đương sự đối lập để chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu chống lại yêu cầu đó và thực hiện việc tranh tụng một cách tốt nhất, tại phiên toà sơ thẩm Hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “yêu cầu ban đầu” và “vượt quá yêu cầu ban đầu” là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau.
1.1. Về “yêu cầu ban đầu”
Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTPTANDTC) hướng dẫn, “yêu cầu ban đầu là yêu cầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” [2, tr 21]. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, yêu cầu ban đầu là yêu cầu cuối cùng đư­ợc đ­ưa ra trư­ớc khi Toà án mở phiên toà.
Chúng tôi cho rằng, phạm vi xét xử của Toà án chính là quan hệ pháp luật nội dung tranh chấp giữa các bên đương sự. Nếu giải quyết như hướng dẫn của Nghị quyết số 02, quyền tự định đoạt của các đương sự sẽ bị hạn chế. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các hoạt động cung cấp, thu thập chứng cứ của các chủ thể nhằm mục đích cho việc giải quyết các yêu cầu đó. Khi Toà án ra quyết định đưa ra xét xử tại phiên toà, trong giai đoạn chuẩn bị cho việc mở phiên toà thực chất là việc Toà án nghiên cứu kỹ lại các yêu cầu, các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu đó. Nếu chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu trong giai đoạn này, Toà án sẽ phải thông báo cho đương sự phía bên kia, thu thập chứng cứ… tức là lại phải có thời gian để chuẩn bị việc xét xử cho yêu cầu mới được thay đổi, bổ sung. Điều đó sẽ làm kéo dài quá trình tố tụng và không hợp lý. Vì vậy, cần phải hiểu yêu cầu ban đầu cùng là quan hệ pháp luật tranh chấp được đưa ra trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (thường là buổi hoà giải cuối cùng).
1.2. Về “không vượt quá” yêu cầu ban đầu
Theo quy định của Điều 217, khoản 1 Điều 218 BLTTDS tại phiên toà sơ thẩm, đương sự có quyền thay đổi, bổ sung nếu không v­ượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu. Nhận thức về cụm từ “vượt quá” có nhiều quan điểm khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, theo quy định tại Điều 218 BLTTDS thì quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà bị hạn chế theo hướng rút bớt yêu cầu thì được còn theo hướng thêm thì không được [4; tr 4 ].
Ý kiến thứ hai cho rằng, không được vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu là không được đưa thêm yêu cầu mới đồng thời không được tăng giá trị yêu cầu, có nghĩa không được gây bất lợi cho các đương sự khác.
Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC hướng dẫn, “không được vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu là không vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu” [2, tr 21 ]. Có thể thấy, hướng dẫn trên chưa làm rõ được cụm từ “phạm vi” là phạm vi quan hệ pháp luật tranh chấp hay phạm vi về giá trị yêu cầu.
Theo chúng tôi, không vượt quá yêu cầu ban đầu là không làm xuất hiện thêm quan hệ pháp luật tranh chấp mới so với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu hay yêu cầu tại phiên toà không làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật mới. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề trên thông qua tình huống sau.
Ví dụ: Khi khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả 30 triệu đồng là tiền mà nguyên đơn đã cho bị đơn vay. Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật tranh chấp là hợp đồng vay tài sản hay giá trị tranh chấp là 30 triệu đồng. Việc xem xét để giải thích cụm từ không vượt quá yêu cầu ban đầu phải xem xét sự giải thích đó có vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật tố tụng dân sự hay không và phải tính đến yêu cầu, mục đích của hoạt động tố tụng.
Nếu cho rằng, tại phiên toà nguyên đơn có quyền đưa thêm yêu cầu Toà án giải quyết một quan hệ pháp luật mới (ngoài hợp đồng vay tài sản) là không hợp lý. Bởi “thực tế chứng minh rằng tranh tụng chỉ có hiệu quả nếu mỗi đương sự có được sự hiểu biết đầy đủ và toàn diện các yêu cầu và lý lẽ chống lại mình. Về mặt logíc, người ta chỉ có thể đối đáp lại những gì mà mình biết” [3; tr 45 ]. Để bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu thì đương sự phải đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp đồng thời phải thông báo cho đương sự phía bên kia biết về việc đã bị khởi kiện về vấn đề gì ( quan hệ pháp luật gì). Cho nên, tại phiên toà đương sự không thể có quyền đưa thêm yêu cầu Toà án giải quyết một quan hệ pháp luật mới, điều đó nhằm đảm bảo cho đương sự có cơ hội tiếp cận yêu cầu của đương sự phía bên kia, bảo đảm khả năng bảo đảm quyền bảo vệ của các đương sự và thực hiện tranh tụng.
Nhưng nếu cho rằng, tại phiên toà đương sự cũng không có quyền tăng thêm giá trị cho dù nó không làm phát sinh thêm một quan hệ pháp luật mới là cứng nhắc. Ở đây cần hiểu rằng, các tài liệu chứng cứ mà bên đưa ra yêu cầu phải xuất trình khi khởi kiện để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp là các chứng cứ chứng minh rằng họ có quyền khởi kiện đối với quan hệ pháp luật đó, còn trong quan hệ pháp luật đó ai là người có quyền, ai là người có nghĩa vụ và quyền, nghĩa vụ như thế nào phải khi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật mới xác định được. Theo quy định của PLTTDS hiện hành, trong suốt quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều có quyền cung cấp chứng cứ, tài liệu mới và thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp những chứng cứ quan trọng thường được các đương sự giữ kín đến phiên toà sơ thẩm hoặc phúc thẩm mới xuất trình. Thậm chí còn chờ một HĐXX “ưng ý” mới xuất trình. Những chứng cứ mới đó có thể làm tăng giá trị yêu cầu hoặc giảm nghĩa vụ phải thực hiện của đương sự. Vì vậy, chỉ khi nào những chứng cứ mới làm phát sinh một quan hệ pháp luật mới mới gây sự bất lợi cho đương sự phía đối lập và cần phải được tách riêng để giải quyết bằng một vụ việc khác. Còn nếu chỉ là sự gia tăng về giá trị yêu cầu nhưng không làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật mới cần giải quyết thì vẫn được chấp nhận. Chỉ khi nào, PLTTDS Việt Nam có quy định về thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ của các đương sự thì yêu cầu về tăng giá trị mới có thể không được chấp nhận.
Từ các lập luận trên chúng tôi cho rằng, trước mắt, nếu giữ nguyên quy định về việc đương sự có quyền cung cấp chứng cứ trong suốt quá trình tố tụng thì cần sửa khoản 1 Điều 218 BLTTDS theo hướng: “Tại phiên toà sơ thẩm, đương sự có quyền thay đổi, bổ sung nếu không làm xuất hiện thêm đương sự mới, không làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật mới cần giải quyết”.
2. Việc rút yêu cầu của đương sự tại phiên toà sơ thẩm dân sự
Rút yêu cầu là việc đương sự từ bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu mình đã đưa ra. Việc xem xét, giải quyết việc rút yêu cầu của đương sự được quy định tại Điều 217, 218 BLTTDS. Điều 218 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút ”. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng các điều luật này có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề trên trong từng trường hợp cụ thể.
2.1. Đối với trường hợp, vụ án chỉ có yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
Khi nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút (Điều 218 BLTTDS). Vấn đề đặt ra ở đây là hình thức của quyết định đình chỉ xét xử đó như thế nào? Điều 218 của BLTTDS không quy định cụ thể và Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của HĐTPTNDTC cũng không hướng dẫn về vấn đề này.
a, Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu
Có ý kiến cho rằng, khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu, HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. Bởi vì, theo điểm c Khoản 1 Điều 192 và Điều 193 BLTTDS thì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm là quyết định chưa có hiệu lực pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu Toà án sẽ đình chỉ việc giải quyết vụ án và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay. Bởi, khi vụ án chỉ có yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu dẫn đến đối tượng xét xử của vụ án không còn nữa. Do đó, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Điều 192, 193 BLTTDS được quy định để áp dụng cho việc đình chỉ giải quyết vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm dân sự. Nhưng BLTTDS không có điều luật nào dẫn chiếu quy định này để áp dụng cho việc đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm dân sự. Hơn nữa, nếu tại phiên toà, đương sự rút đơn khởi kiện và sau đó có thể chống lại quyết định của mình thì Toà án sẽ phải mở phiên toà khác. Điều đó làm kéo dài quá trình tố tụng và Toà án phải chạy theo đương sự. Cho nên, tại phiên toà, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì họ sẽ không có quyền kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị. Cách quy định này, buộc các đương sự phải suy nghĩ thận trọng khi rút đơn khởi kiện tại phiên toà đồng thời hạn chế sự can thiệp của VKS vào việc giải quyết vụ án dân sự.
b,Trong trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu
Cách hiểu thứ nhất, khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu, Toà án sẽ xét xử yêu cầu còn lại, yêu cầu mà đương sự đã rút sẽ được HĐXX đánh giá trong phần nhận định nhưng không đề cập trong quyết định của bản án.
Cách hiểu thứ hai, khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu, Toà án sẽ xét xử yêu cầu còn lại, yêu cầu mà đương sự rút sẽ được HĐXX đánh giá trong phần nhận định và ghi nhận trong quyết định của bản án
Theo chúng tôi, khi nguyên đơn rút một phần yêu cầu, cũng giống như trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu, đương sự sẽ phải cân nhắc và chịu trách nhiệm đối với yêu cầu của mình. Do đó, Toà án sẽ xét xử phần còn lại bình thường. Phần yêu cầu mà đương sự rút sẽ được HĐXX đề cập ở phần nhận thấy, nhận định và quyết định trong phần quyết định của bản án, bởi về nguyên tắc, tất cả những vấn đề được đánh giá trong phần nhận định sẽ phải được ghi nhận trong quyết định của bản án. Quyết định đình chỉ xét xử yêu cầu có hiệu lực pháp luật ngay, đương sự không có quyền kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị.
2.2. Đối với trường hợp, vụ án có yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Quyền phản tố của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là điểm mới của BLTTDS so với các văn bản pháp luật trước kia. Trong tiếng Việt, phản tố là “ngược lại, ngược trở lại” [1; tr 764 ]. Trong TTDS, phản tố được hiểu là việc bị đơn kiện ngược lại nguyên đơn về một quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật nguyên đơn đã kiện bị đơn nhưng có liên quan đến quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia vào vụ án đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính họ. Yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là việc người có quyền lợi nghĩa vụ kiện ngược lại nguyên đơn và bị đơn về một quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật nguyên đơn đã kiện bị đơn nhưng có liên quan đến quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện.
Để đảm bảo việc giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa các bên đương sự một cách nhanh chóng, Điều 219 BLTTDS quy định, trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn. Nếu cả nguyên đơn và bị đơn đều rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự trong những trường hợp này nhằm tránh việc Toà án ra quyết định đình chỉ xét xử, sau đó nếu bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập, Toà án lại phải thụ lý và giải quyết các yêu cầu đó. Trong khi đó, quan hệ pháp luật tranh chấp đó đã được Tòa án được Toà án thụ lý và xem xét. Vì vậy, quy định về thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp dân sự một cách nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả. Khi thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự thì quan hệ pháp luật tranh chấp, tư cách đương sự sẽ thay đổi, nên kể từ thời điểm các đương sự thay đổi địa vị tố tụng, quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định theo yêu cầu của nguyên đơn mới, các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng theo địa vị được thay đổi.
Tuy nhiên, BLTTDS không quy định về trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, nguyên đơn vẫn còn một phần yêu cầu đối với bị đơn và bị đơn vẫn phải có nghĩa vụ trả lời yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cho nên, trường hợp này không thể dẫn đến việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Ngoài ra, BLTTDS không quy định về thời điểm thực hiện việc phản tố của bị đơn và đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vì thế, tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay không và hậu quả của việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện như thế nào là những vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau.
a, Giải quyết hậu quả của việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện
Khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện sẽ có hai vấn đề đặt ra là: giải quyết việc rút yêu cầu của nguyên đơn và giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, HĐXX sẽ ra quyết định tách vụ án, sau đó ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo điểm c Khoản 1 Điều 192 và Điều 193 BLTTDS và đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. HĐXX tiếp tục xét xử đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự.
Ý kiến thứ hai cho rằng, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, mà vẫn bị đơn giữ yêu cầu phản tố thì “Toà án phải xét xử ngay yêu cầu phản tố của bị đơn mới đúng tinh thần của Điều 219 BLTTDS. Trong trường hợp này chứng cứ trong hồ sơ vụ kiện đã được Toà án thu thập đầy đủ, vì vậy hoàn toàn có cơ sở để xử ngay sau khi chuyển đổi tư cách tố tụng và quan hệ pháp luật tranh chấp mà không cần thiết phải kéo dài thời gian giải quyết vụ kiện chỉ vì những thủ tục tố tụng phiền hà” [4; tr 28].
Ý kiến thứ ba cho rằng, khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, HĐXX chỉ xem xét với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Cuối cùng HĐXX ra bản án để quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn và quyết định về việc xét xử yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa liên quan. Các đương sự có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị đối với toàn bộ bản án. Cách giải quyết này thường được các Toà án áp dụng.
Theo chúng tôi, đối với cách giải quyết thứ nhất, hiện nay chưa có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tách vụ án dân sự và hiệu lực của quyết định tách vụ án dân sự. Mặt khác, chỉ có thể tách vụ án dân sự được nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu và yêu cầu của nguyên đơn độc lập với yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đối với cách giải quyết thứ nhất và thứ ba, như đã phân tích ở trên, việc đương sự có quyền kháng cáo đối với quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự hoặc phần quyết định đình chỉ yêu cầu trong bản án sơ thẩm là điều không hợp lý. Đối với cách giải quyết thứ hai, chưa đề cập về hình thức để chấp nhận việc rút yêu cầu của đương sự và hiệu lực của nó
Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, HĐXX sẽ đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn mà không đình chỉ giải quyết vụ án vì vụ án vẫn còn yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi, thực chất Điều 219 BLTTDS là quy định tiếp nối Điều 218 về trường hợp vụ án có yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cho nên, HĐXX sẽ đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn trong bản án và phần quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay. HĐXX tiếp tục xét xử đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Cách giải quyết tương tự cũng được áp dụng trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập.
Từ các phân tích trên, chúng tôi kiến nghị như sau:
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 218 BLTTDS theo hướng: “Trong trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút, quyết định đình chỉ xét xử yêu cầu có hiệu lực pháp luật ngay”.
Bổ sung Điều 219 BLTTDS thêm khoản 3 theo hướng: “Toà án quyết định đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có) trong phần quyết định của bản án, quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay ”.
b, Về thời điểm thực hiện quyền phản tố của bị đơn
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bị đơn chỉ được thực hiện quyền yêu cầu phản tố cùng với việc nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo khoản 1 Điều 176 BLTTDS, tức là không quá ba mươi ngày kể từ ngày bị đơn nhận được thông báo thụ lý [4, tr 17 ].
Quan điểm thứ hai cho rằng: Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố vào bất cứ thời điểm nào họ muốn, việc quy định nội dung thay đổi địa vị tố tụng tại Điều 219 trong thủ tục hỏi tại phiên toà sơ thẩm đã thể hiện việc bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố ngay tại phiên toà, HĐXX sẽ quyết định về án phí đối với họ mà không cần phải nộp tiền tạm ứng án phí [4, tr 15 ].
Quan điểm thứ ba cho rằng, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố cho đến trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này vì những lý do sau:
Thứ nhất, nếu trước phiên toà sơ thẩm nguyên đơn có quyền đưa ra yêu cầu và có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện không bị giới hạn bởi phạm vi đơn khởi kiện ban đầu thì bị đơn cũng phải có quyền phản tố đối với các yêu cầu đó của nguyên đơn; còn tại phiên toà sơ thẩm thì nguyên đơn được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng không được vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu vì vậy bị đơn cũng chỉ có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố so với yêu cầu ban đầu (nếu có) chứ không được đưa ra yêu cầu phản tố mới.
Thứ hai, nếu bị đơn thực hiện quyền phản tố trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bị đơn vẫn thực hiện được nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí mà không phải hoãn phiên toà. Hơn nữa, “quá trình giải quyết vụ án dân sự thường là tương đối dài nên bị đơn có điều kiện để cân nhắc kỹ việc có đưa ra yêu cầu phản tố hay không” [4, tr 15 ]. Còn tại phiên toà sơ thẩm thì bị đơn mới thực hiện quyền phản tố thì Toà án không thể làm thủ tục gia hạn để giải quyết vụ án bởi “việc xét xử của Toà án… phải được tiến hành liên tục trừ thời gian nghỉ. Các thành viên của HĐXX phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 198” [4, Điều 197], trong khi đó việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn thì Toà án cũng phải tiến hành những thủ tục cần thiết như thủ tục thụ lý đơn khởi kiện của nguyên đơn (Điều 178 BLTTDS). Như vậy, nếu quy định bị đơn có quyền phản tố tại phiên toà sơ thẩm sẽ dẫn đến vi phạm về thời hạn tố tụng, không đảm bảo được quyền lợi của đương sự cũng như bình đẳng giữa các đương sự.
Trên cơ sở phân tích các nội dung trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm Khoản 3 Điều 176 BLTTDS theo hướng: “ Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố cho đến trước thời điểm mở phiên toà sơ thẩm”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra