Cần xác định đúng Quan hệ pháp luật trong vụ án dân sự


Sau hơn 10 năm thi hành, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã  đóng góp to lớn vào việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội thuần túy dân sự rất đa dạng và luôn có xu hướng bứt phá, đi trước, vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật, cho nên, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 1995 là cần thiết.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI ngày 14/06/2005 đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự năm 2005, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Bộ luật Dân sự năm 2005 được sửa đổi toàn diện, kịp thời khắc phục những hạn chế của Bộ luật dân sự năm 1995, giúp cho việc áp dụng pháp luật của những người đang làm công tác pháp luật dễ dàng hơn, đáp ứng đòi hỏi của xã hội khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO.

Thế nhưng, do tính đa dạng và luôn biến đổi của các quan hệ dân sự, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, việc xác định đúng quan hệ pháp luật dân sự không hề đơn giản. Chúng tôi xin nêu một vụ án có thật như sau và mong bạn đọc tham gia luận để xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp.
Nội dung vụ án:
Vào tháng 07/2004, qua giới thiệu của ông Lê Ngọc Dương, ông Thân văn Sô, trú tại ấp 3, xã Nha Bích, Chơn Thành, Bình Phước và ông Thân Văn Long trú tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước cùng thỏa thuận nhận chuyển nhượng chung một vườn nhãn( sau đây gọi tắt là mua chung) tại ấp 4 xã  Nha Bích, Chơn Thành, Bình Phước, có diện tích là 25.102m2 của ông Nguyễn Phương Bích, trú tại phường 7, quận 11, TP. Hồ Chí Minh, nhưng ông Bích lại ủy quyền cho Nguyễn Văn Lê, trú tại ấp Ông Thung, xã Thạch Ngãi, Mỏ Cày, Bến Tra đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng và nhận tiền. Hai bên thỏa thuận giá tiền chuyển nhượng là 120.000.000 đồng (Một trăm hai mươi triệu đồng), mỗi người chịu trách nhiệm trả số tiền là 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng). Do tại thời điểm mua bán, ông Thân Văn Sô chưa có hộ khẩu thường trú tại địa phương, lại thiếu hiểu biết pháp luật, nên đã đồng ý để ông Thân Văn Long đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ thửa đất. Sau khi đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đứng tên ông Long, để làm tin và bảo đảm quyền lợi cho ông Sô, ông Long đã viết và trao cho ông Sô giấy ủy quyền nội dung xác định mua chung thửa đất, phàn ông Long đã trả 60.000.000 đồng, còn lại 60.000.000 đồng, ông Sô có trách nhiệm thanh toán khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, hai bên đã xác định ranh giới chia đôi thửa đất, mỗi người sử dụng ½. Đến năm 2005, do thấy số cây nhãn có hiệu quả kinh tế thấp, nên ông Sô đã cưa đốn toàn bộ để trồng cây cao su trên phần đất đã chia và yêu cầu ông Long sang tên cho mình ½ diện tích thửa đất, nhưng ông Long không đồng ý.
Ông Thân Văn Sô đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Chơn thành buộc ông Thân Văn Long phải sang tên cho ông ½ diện tích thửa đất là 25.102m2  chia làm hai phần, mỗi phần là 12.551m2. Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành đã thụ lý vụ “ kiện đòi tài sản” giữa ông Thân Văn Sô và ông Thân Văn Long.
Nhưng có ý kiến cho rằng, cần phải xác định đây là quan hệ pháp luật “ yêu cầu chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung” theo Điều 224 Bộ luật Dân sự. Những người bảo vệ quan điểm này cho rằng, vì ông Sô và ông Long đã thỏa thuận mua chung thửa đất, lại thỏa thuận để cho ông Long đứng tên toàn bộ thửa đất, nhưng trên thực tế, thì ông Sô và ông Long đã chia đôi thửa đất và ông Sô vẫn sử dụng ½ diện tích  kể từ thời điểm mua. Mặt khác, việc xác định quan hệ pháp luật trong vụ án dân sự phải căn cứ trước hết vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đối chiếu với các quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh nội dung mà nguyên đơn yêu cầu. Như vậy, chúng ta mới không bị lạc hướng giữa hàng chục mối quan hệ được Bộ luật dân sự điều chỉnh.
Quan điểm thứ ba lại cho rằng, đây là quan hệ “ tranh chấp quyền sử dụng đất”, vì bản chất của việc dân sự vẫn là quyền sử dụng đất mà thôi.
Quan điểm thứ tư thì cho rằng, đây là vụ án “ yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” do đã có sự nhầm lẫn, vì ông Sô không am hiểu pháp luật, nhất là pháp luật  về đất đai, bởi lẽ, nếu ông Sô và ông Long thỏa thuận mua chung thửa đất nói trên, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải ghi tên cả hai người.
Việc xác định đúng quan hệ pháp luật trong vụ án dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi chỉ khi đã xác định đúng quan hệ pháp luật, mới xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự; cũng như việc áp dụng đúng các quy phạm pháp luật về mặt nội dung trong quá trình giải quyết vụ án. Rất mong bạn đọc đóng góp ý kiến, nhằm xác định đúng quan hệ pháp luật cho vụ án trên./.
TRẦN VĂN DŨNG
Số 4(181)/2007-Tạp chí dân chủ& pháp luật

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra