Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (Điều l04)

Ảnh
a. Các dấu hiệu pháp lý

Các dấu hiệu pháp lý của tội này về khách thể, chủ thể, mặt chủ quan, mặt khách quan giống Điều 93. Chỉ khác Điều 93 ở dấu hiệu hậu quả trong cấu thành tội phạm
Hậu quả trong CTTP của Điều 93 là nạn nhân chết, còn hậu quả của Điều l04 thể hiện ở 2 dạng:
+ Gây thương tích là những tổn thương gây ra trên cơ thể của người khác mà tổn thương này có thể xác định được thông qua thị giác.
Ví dụ: A dùng dao đâm 1 nhát vào cánh tay phải của B.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ là những tổn thương gây ra trên cơ thể của người khác, để xác định các tổn thương này phải thông qua phương tiện khoa học kỹ thuật.
Ví dụ: A dùng gậy đập vào lưng của B, B bị gãy xương bả vai.
Chú ý: Để xác định tỷ lệ thương tật của nạn nhân phải căn cứ vào Thông tư số 12, thông tư liên bộ Bộ Y tế- Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành ngày 26/7/1995. Dù hậu quả của tội phạm ở dạng nào thì cũng đều xác định trên cơ sở tỷ lệ thương tật – là tỷ lệ % mất sức lao động của nạn nhân do tội phạm gây ra, làm cơ sở xác định TNHS đối với người phạm tội.
b. Hình phạt
Hình phạt của Điều 104 có 4 khung:
Khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11 – 30% hoặc dưới 11 % nhưng thuộc 1 trong các trường hợp sau:
1. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.
Hung khí nguy hiểm như: Dao nhọn, lê, thuốc nổ, a xít.
Thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người như: Tạt a xít nơi đông người, đốt nhà đêm khuya khi mọi người đang ngủ gây bỏng cho nhiều người.
Nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC hướng dẫn về phương tiện nguy hiểm là những vật có sẵn trong tự nhiên hoặc vật do tự chế.
2. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân: Là thương tật do tội phạm để lại vĩnh viễn trên cơ thể nạn nhân, hoặc làm mất đi một chức năng nào đó của nạn nhân như mất một miếng lưỡi làm nạn nhân nói ngọng, cụt một cánh tay. Tỷ lệ thương tật của cố tật phải dưới 11%.
Theo Nghị quyết 02/2003/HĐTPTATC thì cố tật nhẹ thuộc các dạng:
- Làm mất một bộ phận cơ thể nạn nhân như làm mất các đốt ngón tay.
- Làm mất chức năng một bộ phận cơ thể nạn nhân như thương tích làm cứng các khớp liên đốt ngón tay.
- Làm giảm chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân như làm giảm thị lực mắt.
- Làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân như để lại sẹo trên mặt.
3. Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều ngư­ời. (tình tiết này đã được hướng dẫn trong Nghị Quyết 01/2006/HĐTPTATC ngày 12/05/2006 nhưng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau).
Ví dụ: Ngày 01/01/2000 – A đâm B tỷ lệ thương tật của B là 10%. Ngày 03/01/2000 – A dùng gạch ném B tỷ lệ thương tật của B là 5%
Trường hợp trên có quan điểm cho rằng không bị coi là phạm tội nhiều lần, vì mỗi lần gây thương tích đều chưa đủ yếu tố CTTP. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần được quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 104.
4. Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ.
Nạn nhân là phụ nữ đang có thai thì không cần người phạm tội có biết hay không biết là nạn nhân là người đang có thai, mà chỉ cần dựa vào kết luận giám định pháp y là người đó đang có thai.
5. Phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ. người nuôi dưỡng, thầy giáo cô giáo của mình
6. Phạm tội có tổ chức.
7. Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
8. Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.
9. Có tính chất côn đồ.
10. Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
Nội dung các tình tiết này hoàn toàn giống Tội giết người
Khoản 2: Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 3 1% đến 60%.
2. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% đến 30% nhưng thuộc 1 trong 10 trường hợp thuộc khoản 1.
Khoản 3: Phạt tù từ 5 năm đến 15 năm trong những trường hợp sau:
1. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 61% trở lên
2. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31 % đến 60% nhưng thuộc 1 trong 10 trường hợp nêu ở khoản 1.
3. Gây thương tích dẫn đến chết người: Là trường hợp phạm tội mà can phạm chỉ cố ý với hậu quả thương tích mà vô ý với hậu quả chết người (ở đây có 2 dạng hậu quả là thương tích và chết người với 2 hình thức lỗi khác nhau). Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/89/ HĐTPTANDTC ngày 19/04/89 tình tiết này phải thoả mãn 3 điều kiện sau:
* Phải có thương tích nặng là thương tích có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Ví dụ: Tổn thương động mạch, tĩnh mạch, não, cột sống, các bộ phận nội tạng trong cơ thể nạn nhân.
* Phải có hậu quả chết người xây ra trên thực tế.
* Giữa hậu quả thương tích nặng và hậu quả chết người phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Cũng coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trong trường hợp không phải là thương tích nặng nhưng vì nạn nhân là người quá già yếu (là người từ 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên đau ốm- Công văn số 102/2001/KHXX ngày 20/08/2001 của TANDTC), người có bệnh nặng, việc gây thương tích làm cho nạn nhân bị chết sớm hơn quy luật tự nhiên, nếu không bị gây thương tích thì nạn nhân chưa chết.
Khoản 4: Phạt tù từ 10 năm đến tù chung thân trong các trường hợp sau:
+ Gây thương tích làm chết tù 2 người trở lên
+ Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác: Hội tụ nhiều tình tiết ở khoản 3, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bổ nhiệm mới Chánh Tòa Hành chính, Trưởng, Phó phòng Tồ chức cán bộ và Phòng giám đốc kiểm tra